Nghiên cứu văn hóa hôm nay

Ngày đăng: 15/03/2024 Lượt xem: 78
Mặc định Cỡ chữ

NGHIÊN CỨU VĂN HÓA NGÀY NAY

Hoàng Minh

 

Vị trí của ngành nghiên cứu văn hóa

Nghiên cứu văn hóa là một ngành tương đối khó xác định tính thể chế, lĩnh vực, phương pháp và đối tượng nghiên cứu bởi sự ảnh hưởng của các ngành nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn khác, sự liên kết thành liên ngành, hay đa ngành, cũng như quá trình phát triển của nó theo những định hướng khác nhau ở các nước châu Âu và các nước nói tiếng Anh ở châu Mỹ và châu Á. Bài viết giới thiệu về nghiên cứu văn hóa ngày nay đề cập đến tính năng động của ngành này trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ đó dẫn tới sự đa dạng trong khuynh hướng, lĩnh vực nghiên cứu.

Nghiên cứu văn hóa là một ngành liên tục chuyển mối quan tâm và phương pháp vì nó luôn luôn tương tác và hội nhập vào bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn và không thể tự mãn về quyền lực của nó. Nghiên cứu văn hóa chiếm một số lượng tranh luận rộng rãi chống lại “siêu diễn ngôn” và không muốn có tiếng nói của lý thuyết học thuật để lấn át những ngành khác ít có tiếng nói hơn. Nghiên cứu văn hóa trong một chừng mực nào đó chuyển dịch tới ngành dân tộc học bởi mối quan tâm vượt qua những diễn ngôn lý thuyết. Theo Willis (1977) và Morley (1980), dân tộc học là hình thức phát triển quan trọng đối với nghiên cứu văn hóa, vì nó cung cấp một phương pháp mà theo đó ngành nghiên cứu văn hóa có thể thoát ra được những quy định chặt chẽ, và quan trọng là có định hướng tới những xu hướng hiện tại và tương lai của ngành. Ngành khoa học nhân văn là một lĩnh vực mà trong đó quyền lực và vốn văn hóa được sản sinh ra, dịch chuyển, và không đơn giản khớp nối với siêu diễn ngôn “đúng”. Những hình thức văn hóa “quần chúng”, và không mang tính học thuật cần có sự phê phán vì chúng có giới hạn và bị tác động bởi quyền lực. Như vậy, nghiên cứu văn hóa ngày nay nằm ở giữa sự cần thiết để có một thể chế chính thống riêng của nó, và ở mối quan ngại rằng thực hành văn hóa không chính thức trở nên có tổ chức và quá phân tán, từ đó dẫn tới các tiểu văn hóa, phong trào của phụ nữ, phong trào của “những người khác” (During, 2000, 2005).

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành nghiên cứu văn hóa không nhấn mạnh những đặc thù mang tính ngành (During, 2005). Ở Mỹ và các nước nói tiếng Anh ở châu Mỹ và châu Á, lý thuyết và sự hình thành các tiểu ngành nở rộ tới mức độ mà chúng lan truyền từ các trường đại học nổi tiếng và được chấp nhận bởi các trường này. Do vậy, nghiên cứu văn hóa không phát triển mạnh mẽ thành một ngành chính thức trong các trường đại học này, cũng như một số trường nổi tiếng ở Anh và châu Âu.

Ở châu Âu, nghiên cứu văn hóa là một ngành nghiên cứu mang tính hội nhập và tham gia (engaged), đặc biệt trong văn hóa quần chúng. Lý thuyết phê phán ở Đức trước hết nhằm vào phê phán văn hóa tư bản, ngự trị. Mặc dù các nhà lý thuyết Pháp cung cấp cho nghiên cứu văn hóa những khái nhiệm và phương pháp chính, mà ngành này vẫn không phát triển ở Pháp. Các nhà tư tưởng Pháp như Michael de Certeau (1984) và Foucault (2000) là những người tiêu biểu vì tư duy cấp tiến của họ, nhưng chủ nghĩa truyền thống văn hóa làm khơi dậy học thuyết cấp tiến của họ là điều hiển nhiên trong nghiên cứu văn hóa ở Pháp.

Vào những năm gần đây trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, một trong những điều thú vị là việc hướng tới nghiên cứu văn hóa hơn là tính truyền thống của ngành. Các khoa ngôn ngữ cũng giới thiệu sinh viên tới văn hóa hơn là ngôn ngữ và văn học. Khoa tiếng Anh ở trên khắp thế giới xây dựng các khoá học theo các thể thức và nội dung về văn hóa, không hẳn về văn học. Hơn nữa, quan điểm về mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học và nghiên cứu văn hóa được nhiều người có đồng ý kiến cho rằng nghiên cứu văn hóa là một đợt sóng khác trong nghiên cứu văn học, và rằng sự phân biệt giữa hai ngành này là hời hợt.

Nghiên cứu văn hóa trở nên phổ biến như vậy thông qua một loạt các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trước hết, nền công nghiệp văn hóa và nền kinh tế quốc gia hậu công nghiệp ở Mỹ và Anh càng ngày càng có tầm quan trọng; thứ hai, quốc gia, nhóm dân tộc, và cá nhân tăng cường sử dụng di sản văn hóa và tiêu thụ văn hóa để duy trì hoặc bình ổn bản sắc văn hóa. Cuối cùng, nghiên cứu văn hóa được đưa vào hệ thống giáo dục bắt buộc mở rộng ở một số nước phương Tây.

Nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu

Nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu luôn luôn trong sự luân chuyển. Về nghĩa đen điều này hoàn toàn đúng bởi lẽ nghiên cứu văn hóa có khuynh hướng trở thành xuyên khoảng cách và xuyên biên giới, nhưng vẫn với nghĩa có các mối quan hệ của nó với bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng và xuyên khắp. Điều này cũng đúng với nghĩa là các lĩnh vực và thể loại bên trong của các nền văn hóa đan kết với nhau một cách năng động. Văn hóa là một tập hợp của sự chuyển dịch, quá trình, hoán đổi, thực hành, công nghệ, thể chế, mà từ đó các sự vật, sự kiện, hiện tượng được sinh ra, được trải nghiệm, có cuộc sống và có ý nghĩa, giá trị (1).

Đối với nghiên cứu văn hóa ngày nay, đối tượng của nghiên cứu văn hóa đồng thời là “văn bản” (bài hát, vở kịch, chương trình truyền hình…), sự kiện và trải nghiệm được sinh ra bởi các lực lượng xã hội mà các lực lượng này được tạo nên một cách không cân bằng với các dòng chảy quyền lực, thứ bậc, vị thế, bản sắc, tư tưởng, mối quan hệ. Văn hóa chuyển dịch vượt qua ranh giới địa lý, chúng sinh ra và tách riêng, chúng vượt qua và phá vỡ sự phân chia chính trị và xã hội. Vậy, văn hóa không còn là một tập hợp cụ thể của những vật, sự kiện, hiện tượng. Thị trường văn hóa tràn ngập đến mức mà nó có thể là về bất kể cái gì (2). Nghiên cứu văn hóa chủ yếu hướng tới một tập hợp cụ thể về sự hình thành văn hóa - đó là những cái kết nối trực tiếp nhất tới văn hóa ngự trị của giai cấp trung lưu, những người cánh tả, giới trẻ. Do vậy, nghiên cứu văn hóa ngày nay không quan tâm nhiều tới tôn giáo, ăn uống, thể thao, đặc biệt là những chủ đề về gia đình dựa vào và quan tâm tới những người trung tuổi. Đối với một số lý do đó, nó không quan tâm đến chính văn hóa cao nữa.

Quan điểm nghiên cứu văn hóa về văn hóa bị phá vỡ ở trong những khái niệm về văn hóa mà chúng ngự trị trong quá khứ, cụ thể mất đi mối quan hệ gần gũi với nghệ thuật truyền thống cao. Theo Kant, nhà triết học Đức thế kỷ XVIII, cốt lõi của văn hóa ở cái thẩm mỹ (3). Giống như những khái niệm cũ hơn trong nhân học văn hóa cũng bị xói mòn, theo đó văn hóa đề cập đến những giá trị vốn có, di truyền, chủ yếu là những giá trị không phải của hiện đại và không được kiểm chứng, như tín ngưỡng và thực hành truyền thống mà chúng tạo ra các mối quan hệ của cá nhân, cộng đồng.

Theo During (2000), toàn cầu hóa được hiểu một cách tốt nhất là sự phát triển của thị trường toàn cầu và tư bản toàn cầu, như nền kinh tế quốc gia bị tư bản hóa cao độ dẫn tới việc phục vụ, thông tin, công cụ tài chính, những sản phẩm có giá trị cao khác tách khỏi những hàng hóa mang tính truyền thống và công nghiệp sản xuất hàng loạt. Toàn cầu hóa cũng nghĩa là phong trào của lực lượng sản xuất “của các cộng đồng sắc tộc” hay xuyên quốc gia có tổ chức hơn, cùng với sự lớn mạnh ngạc nhiên của xuất khẩu công nghiệp văn hóa, bao gồm du lịch và phát triển leo thang của công nghệ truyền thông như internet và việc làm bớt dần khoảng cách không gian địa lý. Theo đó có sự chuyển đổi mãnh liệt và phá vỡ sự phân chia giữa vùng trung tâm và vùng xa, khu dân cư trung tâm và ngoài lề, bắc và nam… cho phép những vùng mới phát triển và đầu tư theo chủ nghĩa thế giới mới (Cheah và Robbins, 1998).

Toàn cầu hóa nảy sinh nhiều vấn đề như giảm sự khác biệt về văn hóa, phương Tây hoá, tạo nên sự bất bình đẳng mới; hay toàn cầu hóa lấy đi của cá nhân và cộng đồng khả năng kiểm soát và làm mất mối quan tâm của chính họ, họ bị thôi thúc để sản xuất và tiêu thụ đối với thị trường từ ở xa. Nghiên cứu văn hóa xuyên quốc gia là một nỗ lực sản sinh ra tri thức học thuật và kiểm chứng mang tính xuyên biên giới về chính trị và văn hóa mà chúng không đồng tình với những mối quan tâm, câu chuyện thông thường của các vấn đề trong toàn cầu hóa.

Khuynh hướng

Một khuynh hướng của nghiên cứu văn hóa ngày nay trong bối cảnh công nghiệp toàn cầu hóa sản phẩm văn hóa là mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân túy văn hóa và hình thức dân túy học thuật (During, 2000). Một khó khăn cho chủ nghĩa dân tuý là về vấn đề “văn hóa của sự khác biệt”, “chính trị của sự tồn tại”, và cặp nhị phân “quần chúng” đối với “thượng lưu” bắt đầu bị xóa nhòa. Nghiên cứu lịch sử văn hóa đã chỉ ra rằng sự tách bạch giữa văn hóa quần chúng và những người thuộc đẳng cấp trên đã thay đổi. Chẳng hạn, mạng lưới phân phối thị trường văn hóa tập trung càng ngày càng có thể tiếp cận với những cộng đồng ở địa phương, các dân tộc khác nhau, các nền tảng văn hóa khác nhau để có khán thính giả với đông đảo công chúng hơn. Giờ đây một số ngôi sao và ban nhạc phụ thuộc vào công chúng toàn cầu. Ở cấp độ địa phương, câu chuyện dân chúng muốn và mong muốn được thể hiện một cách mạnh mẽ tới các nhà chính trị quốc gia và cả những nhà quản lý công nghiệp văn hóa, như việc họ cố gắng đáp ứng thị hiếu, mong muốn, và sự hài lòng của người tiêu dùng… Đối với những nhà chính trị, việc thăm dò ý kiến, đánh giá, và bầu cử cần trưng cầu công chúng. Bằng cách sử dụng kỹ thuật dân tộc học tinh tế, nền công nghiệp cố gắng sản xuất cái mà dân chúng muốn, sản phẩm của nó như thể luôn luôn dành cho công chúng.

Nghiên cứu văn hóa ngày càng chú ý tới các phạm trù khác, đó là “cuộc sống hàng ngày”. Cuộc sống hàng ngày được kiến tạo như là một lĩnh vực trong đó, “không có gì xảy ra” một cách đặc biệt (4). Do vậy, nghiên cứu và viết về cái hàng ngày cần phải cẩn thận để tái khẳng định giá trị thực sự của nó. Michel de Certeau (1984) đã tìm thấy lôgic giống như giấc mơ hay “ngữ pháp” trong những hành động và thói quen (như đi bộ) hàng ngày mang tính nguyên tắc. Cuộc sống hàng ngày không tránh khỏi các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân túy. Điều quan trọng là để nhớ quan điểm hiển nhiên rằng cuộc sống hàng ngày không phải ở đâu cũng như vậy, mặc cho có những tác động của hiện đại hóa và của sự đồng nhất (Lefebvre, 1991).  

Một lĩnh vực khác của nghiên cứu văn hóa không kém phần quan trọng là về vấn đề giới tính. Điều này diễn ra trong lĩnh vực đồng tính luyến ái, mà trong thể chế bắt buộc tình dục khác giới hình thành nên sự khác nhau về giới tính. Lý thuyết luyến ái có khuynh hướng là mang tính triết học, xa cách văn hóa quần chúng vì nó diễn ra trong lĩnh vực truyền thông và chính trị chính thức.

Có lẽ sự thay đổi sâu sắc nhất về chủ đề nghiên cứu văn hóa là về các dòng chảy văn hóa và xuyên quốc gia. Một lĩnh vực trước đây ít được nghiên cứu ở trong văn hóa quốc gia hay trong số các tộc người sống rải rác, hay cộng đồng hải ngoại. Đối tượng của nghiên cứu văn hóa càng bớt bị giới hạn bởi khoảng cách và địa điểm, mang tính chất chuyển dịch xuyên biên giới quốc gia. Họ là những người không có bản sắc “thuần túy” và không mang đậm tính truyền thống, nhưng có khả năng ứng phó nhanh với tình huống và đối với các vấn đề xảy ra trong miền đất mới, sự hòa nhập và khẳng định vị thế, bản sắc. Nghiên cứu xuyên văn hóa làm xói mòn cái gọi là “chủ nghĩa hậu thuộc địa” trong giai đoạn đầu của nghiên cứu văn hóa, mà nó là một hướng nghiên cứu quan trọng trong học thuật cuối những năm 1980 và đầu 1990 trong bối cảnh toàn cầu hóa (During, 2000).

Nghiên cứu văn hóa mang tính chất hội nhập và tham gia (engaged) có nhiều hàm ý. Thứ nhất, ngành nghiên cứu văn hóa nhanh chóng trở thành một lĩnh vực chuyên môn khác - một ngành hay một lĩnh vực có khả năng trú ngụ ở trong bất kể các khoa nào, mặc dù đa số ở trong khoa văn học và giao tiếp. Chiến thuật bổ sung chuyên môn vào các khoa, hay ngành có thể tránh được việc phải đối đầu với những vấn đề tri thức mang tính tranh cãi (Graff, 1987). Thứ hai, theo During (5), thuật ngữ “tham gia hay hội nhập” (engagement) là muốn chỉ ra sự nhạy cảm tới các hình thức mà theo đó văn hóa là một lĩnh vực của mối quan hệ quyền lực liên quan đến các vấn đề trung tâm và ngoại vi, thứ bậc, sự kết nối tới các chuẩn mực mà chúng áp đặt vào sự đè nén hay ngoài lề. Nghiên cứu văn hóa mang tính chất tham gia hay hội nhập, do vậy thuộc về lĩnh vực nhân văn hơn là khoa học xã hội mà nó nhằm tới phân tích đối tượng một cách khách quan. Và bởi vì nó mang tính hội nhập, nên nó dễ có thể trở hành một thành tố trong hệ thống sản phẩm văn hóa. Nghiên cứu văn hóa trở thành bộ phận trong công tác về văn hóa xuyên qua nhiều lĩnh vực.

Vậy, có phải nghiên cứu văn hóa là một ngành cụ thể, hay nó tồn tại xuyên ngành hoặc ngoài ngành? Đó là câu hỏi đặt ra để không nên xem xét nó là một ngành mang tính thể chế rõ ràng, mà là một thực hành nghiên cứu mang tính phê phán. Các ngành học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không bao giờ là những hình thức đồng nhất: chúng hội nhập nhiều phương pháp, đối tượng nghiên cứu. Có thể nói, các ngành đều mang tính liên ngành. Một khi được thiết lập chúng thách thức, nhấn mạnh sự khác biệt và tính tự trị, nhưng chúng vẫn tham gia, hội nhập vào với nhau bởi một số mối quan tâm và phương pháp chung.

Tóm lại, đối với cả lý do thực tế và lý thuyết, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần nghĩ đến nghiên cứu văn hóa không phải là lĩnh vực hay ngành truyền thống, cũng không phải là một hình thức liên ngành hay đa ngành. Điều này có nghĩa là nghiên cứu văn hóa hướng tới việc độc quyền có sinh viên, giáo viên và những nhà trí thức riêng của mình. Mục đích là chuyển tải phương pháp và thái độ của nghiên cứu văn hóa đối với những ngành khác khi chúng phù hợp, nhưng cũng có thể bỏ qua chúng ở nơi chúng không phù hợp với nó. Dù sao, nghiên cứu văn hóa ngày nay càng được các cơ sở đào tạo, nghiên cứu quan tâm mở rộng và phát triển./.

H.M

___________________________________

1. During, Simon, Cultural Studies: A Critical Introduction (Nghiên cứu văn hóa: Nhập môn phê phán), London: Routledge, 2005, tr. 6.

2. Readings, Bill, The University in Ruins (Đại học trong đổ nát), Cambridge, Mass: Harvard Univeristy Press, 1996, tr. 17.

3. During (2005), sđd, tr. 7.

4. Blanchot, M. 1987, “Everyday Speech” (Lời nói hàng ngày), Yale French Studies 73, tr. 15.

5. During (2005), sđd, tr. 9.

Tài liệu tham khảo

  1. Cheah, Pheng và Bruce Robbins, chủ biên, Cosmopolitics: Thinking and Feeling Beyond the Nation (Nhân sinh quan chính trị: Tư duy và tình cảm vượt lên trên quốc gia), Minneapolis, Mnn: University of Minnesota Press, 1998.
  2. De Certeau, Michel, Practice of Everyday Life (Thực hành cuộc sống hàng ngày), Trans. Steven F. Rendail. Berkeley: University of California Press. Foulcault, Michel, 2000. “Space, Power and Knowledge” (Không gian, quyền lực và tri thức”, in trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa  - hợp tuyển), London: Routledge, 1984, tr. 134-141.
  3. During, Simon, chủ biên, “Introduction” (Phần mở đầu), in trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa - hợp tuyển), London: Routledge, 2000, tr.1-30.
  4. Graff, Gerald, Professing Literature: An Institutional History (Chuyên nghiệp hóa văn học: Một lịch sử mang tính thể chế), Chicago: University of Chicago Press, 1987.
  5. Lefebvre, Henri, Critique of Everyday Life (Phê phán cuộc sống hàng ngày), Trans. John Moore. Intro. Michel Trebitsch, London: Verso, 1991.
  6. Morley, David, The Nationwide Audience: Structure and Decoding (Khán giả toàn quốc: Cấu trúc và giải mã), BFI Televison Monograph; 11, London: Britisg Film Institute, 1980.

7. Willis, Paul, Learning to Labour: How Working-Class Kids Get Working-Class Jobs (Học lao động: Những đứa trẻ của giai cấp lao động có việc làm lao động như thế nào), Farnborough: Saxon House, 1977.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 2 - 2012

 

Hoàng Minh

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2012
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận