Sù HIÕN SINH
Hoµng Minh
Hiến sinh là hình thức giết người hay động vật mang tính nghi lễ như là một phần của thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Trong thực tế, thuật ngữ sacrifice (hiến sinh) bắt nguồn từ tiếng La Tinh “sacrificium” có nghĩa là “làm thiêng”. Hiến sinh là một thực hành của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo mang tính thiêng, như là phương tiện để làm nguôi ngoai thần thánh, đồng thời thể hiện các mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng. Đây còn là một nghi thức mang tính văn hóa, truyền thống, quyền lực, và mang tính tập thể. Về bản chất, hiến sinh là một nghi lễ không thể thiếu nhằm đáp ứng một số chức năng tôn giáo, xã hội ở nhiều nền văn minh trên thế giới.
Thực hành hiến sinh không đi theo một mẫu hình lịch sử nào trong các nền văn hoá. Nghi lễ hiến sinh có thể thịnh suy theo dòng thời gian, và ngày nay nghi thức hiến sinh động vật vẫn còn thịnh hành trong nhiều nền văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới. Những nghiên cứu mô tả sớm nhất về hiến sinh có thể tính từ các số liệu, nhật ký, báo cáo từ thế kỷ XVII-XVIII, XIX của nhà truyền giáo, những công chức người Anh ở Ấn Độ, những du khách tới châu Phi, và những người chép biên niên sử người Tây Ban Nha ở vùng Trung Mỹ, và những ghi chép, những câu chuyện kể, thần thoại ở Địa Trung Hải và một số nước ở châu Á như ở Trung Quốc, Việt Nam, Nepal.
Hiến sinh là hành động dâng cúng người hoặc động vật cho các vị thần với nhiều mục đích, bao gồm nhưng không hạn chế tẩy uế, tái sinh, sự chuộc lỗi, và sự hòa hợp, sự cầu cúng để mong được các vị thần thánh che chở, bảo vệ, và để thỏa mãn ước nguyện của con người. Theo Edward Westermarck, hiến sinh bao gồm cả người và động vật, chôn người sống cùng với người chết, thiêu hay chôn những thành viên gia đình của người chết và nô lệ của họ để họ được cùng bên nhau sau cái chết. Hiến sinh còn là việc dâng đồ cúng tế để đảm bảo thành công trong chiến tranh, hay để đẩy lui những dịch bệnh mà người ta nghĩ rằng đó là sự trừng phạt của các vị thần thánh. Hay việc chôn người lớn hoặc trẻ con, hay trinh nữ ở móng các toà nhà mới hay bên dưới cổng thành và cầu cống để mong có sự bình yên và như một phương thức bảo vệ, bắt nguồn từ nỗi sợ hãi, bất an về những rủi ro hay sự trừng phạt có thể xảy ra. Đồ hiến sinh có thể là một hay nhiều cơ thể, hay các phần cơ thể của cả con người và động vật. Việc hiến sinh bằng người là một hành động tự nguyện, được thực hiện như lời thề cho điều tốt đẹp chung, và nỗi đau đớn thường là sự chuẩn bị cho cái chết (Westermarck, 1932).
Động vật đôi khi thay thế cho con người và cũng có thể hiến sinh cùng với người. Khi bàn về tôn giáo của người Nuer, Evans Prichard chỉ ra rằng người Nuer đã tìm cách tối thiểu hoá những khác biệt trong việc thay thế những nạn nhân hiến sinh (1956). Còn người La Mã, người Hy Lạp, người Viking cổ đại tế người và động vật cùng nhau, trên cùng một bàn thờ dâng cho các vị thần linh. Robertson Smith đã chỉ ra rằng, trong một bối cảnh nào đó, mạng sống con người không được coi là thiêng liêng hơn mạng sống của con vật. Ví dụ, những người Anh trong thế kỷ XVIII treo cổ người vì tội ăn cắp một con cừu (Smith, 1889). Con người và con vật được đưa lên bàn thờ tế lễ bởi lẽ người ta đặt niềm tin không gì lay chuyển nổi về những điều tốt lành, sự ban phước sẽ tới sau khi dâng các vật hiến sinh đó cho các vị thần.
Hành động mà trong đó một người hiến mạng sống vì nhiều người là hành động chuộc lỗi, cứu rỗi. Trong niềm hy vọng cứu vớt chính cuộc đời họ, các cá nhân có thể dâng lễ là con người như một cách đảm bảo cho cuộc đời của nhiều người khác, hy sinh một người vì nhiều người, hy sinh một cá nhân thấp kém hơn để ngăn ngừa cái chết cho những người khác được ưu tiên hơn, hay một người hy sinh tính mạng để cứu vớt những thành viên của cộng đồng khỏi bị tai họa, dịch bệnh, hay sự trừng phạt (1).
Hiến sinh động vật có ở hầu như các nền văn hóa, từ Do Thái cổ đến Hy Lạp, La Mã, Aztec tới những người theo Ấn Độ giáo. Nhiều hình thức hiến sinh động vật và nghi lễ đi kèm vẫn còn được thực hành trong xã hội ngày nay, như chọi trâu ở nhiều nước trên thế giới và sau đó là giết con trâu thắng trận để dâng thần (ví dụ ở Tây Ban Nha, Trung Quốc, Việt Nam), nhiều lễ giết động vật của người Do Thái, người Hồi giáo, Ấn Độ giáo, và nghi lễ cúng thần theo tín ngưỡng bản địa của nhiều dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam. Hiến sinh được thực hành bởi những tín đồ của nhiều tôn giáo như là một nghi thức dâng lễ vật lên các vị thần, biểu dương sức mạnh của tự nhiên và cầu xin sự phù hộ độ trì. Hiến sinh còn có những chức năng kinh tế, xã hội trong những nền văn hóa mà ở đó thịt của con vật được phân chia cho những người tham dự nghi lễ để thụ lộc cầu may mắn, chữa bệnh và tạ ơn thần thánh (Xem thêm Carrasco, 2005).
Nepal là một trong những đất nước có nhiều nghi lễ hiến sinh động vật lớn, như hàng chục ngàn con dê, hay con trâu, con bò và những con vật khác. Động vật bị giết để dâng cúng các vị thần linh với niềm mong mỏi lời cầu khấn được đáp ứng. Máu convật đôi khi được bôi lên trán người tham dự để cầu mong sự che chở của thần linh. Thậm chí người ta giết động vật hiến tế khi có đám cưới, nhà mới, trong lễ hội, đôi khi mua xe ôtô mới, người chủ xe giết một con vật, vảy máu động vật vào xung quanh xe, để cầu cho xe không bị tai nạn. Trong nghi lễ Puja ở Nepal, việc giết nhiều động vật để làm nguôi ngoai thần thánh, và còn được giải thích là giúp cho con vật thoát khỏi kiếp đọa đầy. Còn trong lễ hội Durga Puja họ giết trâu và dê bằng một nhát đập, hay trong lễ Dasain vào đầu mùa thu ở Nepal, có khoảng 10 nghìn con dê và những động vật khác bị giết. Đối với người ngoài, đó là hành động sát sinh man rợ, cần bị lên án và bãi bỏ, nhưng đối với người trong cuộc, việc giết động vật mang tính biểu tượng, nghi lễ và là hành động hiến sinh dâng vật lễ cho thần thánh, và con người thụ lộc được may mắn, tài lộc (2). Cũng như các lễ hội hiến sinh động vật ở Việt Nam. Chẳng hạn, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) diễn ra vào mồng 6 tết Nguyên đán để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai và cầu cho một năm may mắn và sung túc. Còn lễ hội cầu trâu (đêm mồng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng) ở xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ để ban phước lành cho dân làng (xem thêm Khổng Minh, 2014).
Tương tự như vậy với lễ hội trọi châu ở Đồ Sơn. Những con trâu chọi được các ông chủ chọn mua cẩn thận và luyện tập, chăn nuôi trong thời gian khoảng từ 6 tháng đến 9 tháng và tập luyện cho trâu khỏe, có khả năng phản ứng nhanh. Những con trâu chọi này (cả con thua và con thắng) đều được thịt để bán, riêng thịt con trâu thắng cuộc (đứng thứ nhất) là đắt nhất và đầu trâu được dâng lên vị thành hoàng làng với nghi thức cúng tế của các cụ trong ban tế lễ nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe, và thịnh vượng cho chủ nhân của con trâu và cho dân làng. Thịt trâu và tất cả những bộ phận khác như chân, da trâu, ngẩu pín đều được bán với giá đắt gấp 5- 10 lần con trâu thường. Người ta cho rằng ăn thịt trâu này sẽ được may mắn, công việc làm ăn thuận hòa. Chủ nhân của con trâu thắng trận là người được may mắn, tài lộc. Trâu thắng đem lại cho chủ nhân niềm vui, lòng tự hào, được mọi người trong cộng đồng ca tụng, cũng là thú vui, là những giá trị tinh thần và vị thế xã hội cho cái giá của việc đầu tư và chăm sóc trâu chọi.
Nghi lễ hiến sinh cùng với nghi lễ, huyền thoại, biểu tượng đi cùng là mối quan tâm của nhà nghiên cứu từ cách tiếp cận của các ngành khoa học và nhân văn (nhân học, sử học, xã hội học). Có nhiều quan điểm khác nhau về hiến sinh, phụ thuộc vào cách tiếp cận, và từ góc độ của cộng đồng, nhà quản lý, hay của những người bảo vệ động vật. Edward Tylor cho rằng hiến sinh trong các tôn giáo nguyên thủy như là sự dâng cúng cho các vị thần. Động vật mà bị giết làm đồ tế lễ như là phương tiện để xoa dịu các vị thần (3). Frazer trong Cành vàng (Golden Bough) cho rằng hiến sinh động vật là việc dâng cúng lễ vật cho thần thánh, tổ tiên, cầu mùa màng bội thu (4). Roberson Smith tin rằng “hiến sinh nói chung” cơ bản thể hiện sự tương tác xã hội trong một nghi lễ tập thể ở đó các thành viên cộng đồng cùng nhau thụ lộc các món ăn chế biến từ thịt con vật hiến sinh. Sau khi thụ lộc, các thành viên cộng đồng được tiếp thêm sinh lực mới (5). Một số nhà sử học như Maria Zoe Petropoulou tin rằng chúng ta chỉ có thể hiểu cơ chế hiến sinh động vật trong việc liên kết các mối quan hệ đa chiều, giữa con người với thần thánh, và giữa con người với nhau, với thế giới bên ngoài thế giới tự nhiên. Hiến sinh động vật của người Israel cổ đại thể hiện mối qua hệ đặc biệt với Chúa trời. Nghi lễ hiến sinh của người Do Thái bao hàm các giá trị tôn giáo và dân tộc. Đối với người Do Thái, một phần của nghi lễ hiến sinh là trách nhiệm đối với toàn thể quốc gia dân tộc, và mỗi một thành viên (6). Các nhà xã hội học người Pháp như Hubert và Mauss đều đồng tình cho rằng sự hiến sinh hướng tới việc gắn chặt những mối liên kết giữa con người và thần thánh trong một hành động giao tiếp, thông qua đó nạn nhân trở thành trung gian giữa con người và thần thánh. Thông qua nghi thức, nạn nhân trở thành một phần của các thần thánh (Hubert và Mauss, 1965).
Một trong những nghiên cứu về vấn đề này gây sự chú ý là cuốn sách Người Necan hiện thời: Nhân học và nghi lễ và thần thoại hiến sinh ở Hy Lạp cổ đại (Homo Necans: The Anthropology of Ancient Greek Sacrificial Ritual and Myth) (1972) của Walker Burkert, nhà lịch sử tôn giáo Hy Lạp. Burkert đưa ra một cách hiểu về sự tồn tại dai dẳng của nghi lễ hiến sinh trong văn hóa Hy Lạp, bắt nguồn từ săn bắn và cũng là cơ sở, là nền tảng của những thực hành nghi lễ tôn giáo khác. Trong quan điểm của Burkert, hình ảnh gây ấn tượng và cảm xúc của hành động giết động vật, sự thành công của những người đi săn, cơ thể, quyền lực, vẻ đẹp của con vật kích thích khả năng của con người tiến hành nghi lễ và sáng tạo ra thần thoại, cội nguồn của việc hình thành nên thực hành nghi lễ tôn giáo.
Một số quan điểm học thuật mới khác về hiến sinh và ý nghĩa xã hội, tôn giáo, văn hóa và chính trị thể hiện trong cuốn kỷ yếu hội thảo do Robert Hamerton-Kelly xuất bản năm 1987, với tựa đề Nguồn gốc của bạo lực: Walter Burkert, René Girard, và Jonathan Z. Smith về việc giết chết mang tính nghi lễ và sự hình thành văn hóa. Những độc giả quan tâm có thể thấy rằng ấn phẩm này đề cập đến vấn đề bạo lực của con người đối với động vật và với những người khác là một trong những cứ liệu quan trọng để phát triển những lý thuyết có sức thuyết phục và khám phá bản chất của tôn giáo và văn hóa. Các tác giả trong cuốn sách chấp nhận quan điểm học thuyết này với một số khác biệt về việc nhấn mạnh lý thuyết này, hay kết hợp lý thuyết này với những quan điểm học thuật khác. Ví dụ, theo René Girard, mục đích chính của việc hiến sinh là lấy lại sự hoà hợp xã hội và lập lại trật tự vũ trụ. Khi không có một hệ thống pháp lý thực sự để giải quyết vấn đề bạo lực, phản bạo lực là một phần của trật tự thiêng liêng, trong trường hợp đó người ta tìm thấy người giơ đầu chịu báng và phải hy sinh vì những mục đích cao cả. Sau khi hiến sinh, nhiều vấn đề xã hội, trật tự vũ trụ được giải quyết, sự căng thẳng có thể được giảm thiểu, khủng hoảng được đẩy lùi.
Như vậy, tục hiến sinh người và động vật tồn tại trong nhiều nền văn hóa. Những lễ hội liên quan đến việc giết động vật làm đồ cúng dâng các vị thần linh đang được thực hành trong nhiều dân tộc, nhiều nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Việc giết động vật mang tính nghi lễ đã được thực hành từ hàng ngàn năm nay và nó mang lại nhiều ý nghĩa, chức năng đối với cộng đồng chủ nhân trong việc kết nối con người với thần thánh, giữa con người với con người, và trong việc cầu mùa màng bội thu, sức khỏe, may mắn. Lễ hội chém lợn và cầu trâu là những truyền thống văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm, là những vật dâng lễ để cầu may mắn, sung túc, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Duy trì lễ hội là tập tục, là truyền thống và mang lại nhiều ý nghĩa tâm linh và xã hội cho cộng đồng. Những người đánh giá hành động chém lợn, hay đập trâu là dã man, tàn bạo là những người ngoài, không phải chủ thể văn hóa nên họ không thể hiểu được ý nghĩa thiêng liêng và chức năng xã hội mà lễ hội mang đến cho cộng đồng chủ nhân./.
H.M
_____________________
1. Bruchez, Margaret (1997), “Sacrifice” (Hiến sinh). Trong Folklore: An Encyclopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art (Văn hóa dân gian: Từ điển bách khoa về tín ngưỡng, phong tục, truyện kể, âm nhạc và nghệ thuật), do Thomas Green chủ biên, tập 2. Santa Barbara: ABC-CLIO, tr. 752.
2.http://www.occupyforanimals.net/animal-sacrifice.html. “Animal sacrifice in the 21st century.” (Hiến sinh động vật ở thế kỷ XXI). Tra cứu ngày 02 tháng 06 năm 2015.
3. Tylor, Edward (1920), Primitive Culture: Researches into the Development of Mythology, Philosophy, Religion, Language, Art, and Custom (Văn hóa nguyên thủy: Nghiên cứu về sự phát triển của thần thoại, triết học, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và tập quán). London: John Murray, tr. 375.
4. Frazer, James (1966), The Golden Bough (Cành vàng). Tái bản lần thứ hai. London: Macmillan, tr. 110.
5. Smith, Robertson (1956), The Religions of the Semites: The Fundamental Instutions (Tôn giáo của người Xê mít: thể chế cơ bản). New York: Meridian Books, tr.224.
6. Zoe-Petropoulou, Maria (2008), Animal Sacrifice in Ancient Greek Religion, Judaism, and Christianity, 100 BC to AD 200 (Hiến sinh động vật trong tôn giáo cổ đại của Hy Lạp, Do Thái và Thiên Chúa giáo, từ trước công nguyên 100 năm đến năm 200 sau công nguyên). Oxford: Oxford University Press, tr. 203.
Tài liệu tham khảo
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 3 (19) - 2015
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục