Xung quanh từ "Biểu tượng" trong Từ điển biểu tượng

Ngày đăng: 28/03/2024 Lượt xem: 73
Mặc định Cỡ chữ

 

XUNG QUANH TỪ "BIỂU TƯỢNG"

TRONGTỪ ĐIỂN BIỂU TƯỢNG

GS.TS. Kiều Thu Hoạch

 

Dẫn luận*

Biểu tượng học (Symbologie) là một khoa học còn khá trẻ, khá mới, ngay cả ở các nước phương Tây thì biểu tượng học cũng chưa thực sự phổ biến đối với đa số các nhà nghiên cứu (1). Là người ham học hỏi, tìm tòi cái mới chúng tôi cũng đã đọc nhiều công trình trong lĩnh vực này. Gần đây có được quyển Từ điển các biểu tượng (Dictionnaire des symboles) (2) bản dịch do Phạm Vĩnh Cư chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du công bố với tên gọi Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (viết tắt: TĐBT), chúng tôi đã đọc khá kỹ trên 1.200 mục từ; qua đó chúng tôi đã rút ra được một số nhận xét cơ bản về nội dung cuốn sách đối với cả người biên soạn cũng như người dịch. Tuy nhiên, đó chỉ là phần trách nhiệm của người đọc, điều thu nhận quan trọng của chúng tôi, có lẽ còn hơn cả đọc một số không nhỏ các sách lý luận biểu tượng khác, đó là tìm hiểu được về phạm trù biểu tượng qua chính những giải nghĩa, giải mã của TĐBT, đặc biệt, trong đó có hơn 40 mục từ đề cập tới văn hóa Việt Nam.

Bài viết của chúng tôi gồm 4 phần sau đây:

I. Giới thiệu Lời nói đầu của chủ biên Jean Chevalier

II. Giới thiệu một số mục từ tiêu biểu về Việt Nam

III. Bàn luận phản biện về biên soạn và dịch thuật

IV. Kết luận

*

*       *

I. Giới thiệu Lời nói đầu của Jean Chevalier

1. Một bảng định hướng, chứ không phải một sưu tập các định nghĩa

Theo tác giả, do chính mục tiêu của nó, cuốn từ điển này không thể là một sưu tập các định nghĩa, như những cuốn từ vựng hay từ ngữ thường thấy. Vì không cách gì định nghĩa được một biểu tượng (chúng tôi nhấn mạnh). Tự bản chất của nó, nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn. Nó giống như mũi tên, bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà lại không nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của một biểu tượng, nên phải luôn luôn nhớ rằng các từ (ngôn ngữ) không thể diễn đạt tất cả giá trị của biểu tượng. Mong bạn đọc không coi những dẫn giải ngắn gọn trong khuôn khổ chật hẹp của chúng tôi tất cả các kích thước của một biểu tượng.

Cuốn từ điển này chỉ cố gắng mô tả những mối quan hệ giữa các hình ảnh, các tư tưởng, các tín điều, các xúc cảm mà hơn 1.200 mục từ có khả năng có ý nghĩa biểu tượng có thể gợi ra. Để tiện việc tra cứu, có lúc tác giả nhấn mạnh vào cái được biểu trưng (tức cái được biểu đạt) như linh hồn, trời v.v… có lúc lại nhấn mạnh vào cái làm biểu trưng (tức là cái biểu đạt) như con hươu cái, hoa sen v.v… Và theo tác giả sự xếp đặt các giải thích là không theo một hệ thống định trước nào. Tác giả cũng cho biết, dẫu một vài chú dẫn đã được phát triển, nhưng không có chú dẫn nào được coi là cùng kiệt.

Theo tác giả, đúng ra, một người đọc giàu óc tưởng tượng sẽ tìm thấy trong những trang sách này, những kích thích hơn là những kiến thức. Bởi vì cảm nhận một biểu tượng là công việc hết sức cá nhân, tùy theo hiểu biết cá nhân.

Cuốn từ điển này sẽ không bố trí các thông tin tập hợp được về mỗi từ theo một thứ tự chỉ có vẻ ngoài tưởng là khoa học. Theo tác giả, hiện việc nghiên cứu tổng quát về các biểu tượng vẫn chưa đủ phát triển, để đi đến được một lý thuyết có thể phân tích thỏa đáng tất cả các dữ kiện thu thập được. Như vậy, phải loại trừ lối sắp xếp tín hiệu học, theo thứ tự các ý nghĩa gần nhau, để cho những cách giải thích chủ quan khác tự do phát triển và để tôn trọng tính đa dạng khách quan về cách hiểu biểu tượng. Tác giả cho rằng không thể đưa nội dung các chú dẫn theo trình tự lịch sử, bởi đó là việc làm không tưởng. Một trình tự theo niên đại của các nền văn hóa, do vậy, không những chông chênh và bấp bênh, mà còn không thích hợp với bản chất của biểu tượng.

Theo tác giả TĐBT, đây không phải là sa vào một cực đoan khác, thích một lối hỗn loạn vô chính phủ hơn là lối trật tự. Điều quan tâm hàng đầu của tác giả TĐBT là cố giữ cho được tất cả cái kho báu giàu có chìm ẩn trong các biểu tượng. Bởi có lẽ tư duy biểu tượng vốn đối nghịch với tư duy khoa học.

2. Tiếp cận về mặt thuật ngữ

Nội dung phần này chủ yếu xác định ranh giới giữa biểu tượng với các hình ảnh tượng trưng gần gũi hay bị lẫn lộn như: biểu hiệu, vật hiệu, phúng dụ, ẩn dụ, loại suy, triệu chứng, dụ ngôn, ngụ ngôn luân lý.

Tác giả cho biết, tất cả những lối diễn đạt bằng hình ảnh đó có điểm chung đều là những dấu hiệu và không vượt quá mức độ của sự biểu nghĩa. Cần thấy rõ, biểu tượng cơ bản khác với dấu hiệu, ở chỗ dấu hiệu là một quy ước tùy tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. So sánh biểu tượng với các dấu hiệu, tác giả cho rằng những cái gọi là biểu tượng đại số học, toán học, khoa học chỉ là những ký hiệu, mà quy ước đã được các viện tiêu chuẩn hóa xác định chặt chẽ. Không thể có các khoa học chính xác phát biểu bằng biểu tượng, theo đúng nghĩa của từ này. Như vậy biểu tượng phong phú hơn là một dấu hiệu, ký hiệu đơn thuần.

Trong phần này, tác giả đã dẫn nhiều ý kiến của các nhà phân tâm học hàng đầu như S.Freud, C.G. Jung nói về những vấn đề liên quan đến biểu tượng. Đáng chú ý là ý kiến của nhà thần thoại học cấu trúc C.Lévy-Strauss: “Mọi nền văn hóa đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng, trong đó xếp hàng đầu là ngôn ngữ, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo…” (3).

3. Bản chất khó xác định và sống động của biểu tượng

Phần này chủ yếu đi sâu vào bản chất của biểu tượng. Tác giả cho biết, khởi nguyên, biểu tượng (Symbol) là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp chia tay nhau lâu dài… Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thâm tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước… Biểu tượng chia ra và kết hợp lại với nhau, nó chứa hai ý tưởng phân ly và tái hợp, nó gợi lên ý một cộng đồng, đã bị tách và có thể tái hình thành.

Theo Freud, biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp, bóng gió và ít nhiều khó nhận ra, niềm ham muốn hay các xung đột. Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, một lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng… Khi ta nhận ra chẳng hạn trong một hành vi, ít nhất là có hai phần ý nghĩa mà phần này thế chỗ cho phần kia bằng cách vừa che lấp vừa bộc lộ phần kia ra, ta có thể gọi mối quan hệ giữa chúng là có tính biểu tượng.

Đối với C.G.Jung, hẳn vậy, biểu tượng không phải là một phúng dụ (allégorie/nói bóng, ám chỉ), cũng chẳng phải một dấu hiệu đơn giản, mà đúng hơn là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh. Theo tác giả TĐBT, nên nhớ rằng trong thuật ngữ của nhà phân tâm học này, tâm linh bao hàm cả ý thức và vô thức cô đúc của các sản phẩm tôn giáo và đạo đức, sáng tạo và thẩm mỹ của con người. Và C.G.Jung tiếp tục nói rõ: biểu tượng không bó chặt gì hết, nó không cắt nghĩa, nó đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận phía ngoài kia không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ, và không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta có thể diễn đạt thỏa đáng.

Tác giả TĐBT còn nói rằng, đối với biểu tượng không bao giờ nắm được nó một lần là xong mãi mãi, nó cũng không cùng nghĩa đối với mọi người (4). Cũng vẫn quan điểm này tác giả TĐBT lại nói rằng, có những biểu tượng đối với những người này là thiêng liêng nhất lại là những vật phàm tục đối với người khác, điều đó bộc lộ tính đa dạng sâu sắc của các cách nhận thức biểu tượng.

4. Tính năng động của biểu tượng và các chức năng của nó

Tác giả cho rằng biểu tượng sống động nảy sinh từ cõi vô thức, và thực hiện các chức năng một cách tổng thể trong tính năng động phong phú và phức tạp, gồm 9 chức năng sau:

- Chức năng thăm dò

- Chức năng vật thay thế

- Chức năng trung gian

- Chức năng lực thống nhất

- Chức năng giáo dục và trị liệu

- Chức năng xã hội hóa

- Chức năng cộng hưởng

- Chức năng siêu nghiệm

- Chức năng biến đổi

Hầu hết các chức năng đều được dẫn theo quan điểm phân tâm học của Freud và Jung. Tiêu biểu như chức năng thứ nhất, tức chức năng thăm dò, tác giả dẫn lời C.G.Jung viết: Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày, vẫn chứa đựng những mối quan hệ liên can, cộng thêm vào cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che giấu đối với chúng ta… Khi trí óc muốn làm công việc thăm dò một biểu tượng nó sẽ đi đến những ý niệm nằm ở bên ngoài những gì lý trí chúng ta có thể nắm bắt được. Chẳng hạn, hình ảnh chiếc bánh xe có thể gợi cho chúng ta khái niệm về một vầng mặt trời thần thánh, nhưng tới điểm đó thì lý trí chúng ta phải tự nhận là bất lực, bởi con người không thể xác định được một bản thể thánh thần… Chính vì có vô số điều nằm ngoài những phạm vi hiểu biết của con người, nên chúng ta thường xuyên dùng những từ ngữ biểu tượng để thể hiện những khái niệm mà chúng ta không thể xác định được, cũng chẳng hiểu được trọn vẹn…

Qua các chức năng được trình bày, dường như tác giả TĐBT có ý cường điệu vai trò của biểu tượng trong cuộc sống: Chẳng hạn, ở chức năng giáo dục, tác giả viết: Một thế giới không có biểu tượng thì sẽ ngạt thở: nó sẽ tức thì giết chết đời sống tinh thần của con người. Ở chức năng xã hội hóa, tác giả cũng viết: Thời đại không có biểu tượng là thời đại chết; xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử.

5. Từ phân loại đến bùng nổ

Trong phần này, tác giả đã giới thiệu nhiều cách phân loại hệ thống biểu tượng với những tên tuổi lớn: nhà lịch sử tôn giáo Mircea Eliad, nhà thần thoại học A.H. Krappe, các nhà phân tâm học Freud, Jung… Tuy nhiên, cuối cùng tác giả TĐBT đã nêu rõ, cho đến nay mọi lối phân loại theo hệ thống các biểu tượng đều tỏ ra không thỏa đáng, trừ trường hợp nhằm các mục đích thuận tiện cho một bản trình bày. Tác giả Jean Chevalier xác định TĐBT không phân loại theo hệ thống mà chỉ đưa ra một bộ khung chứ không phải một mục lục toàn bộ. Có thể tiếp nhận mọi bổ sung và gợi ý mới của người đọc.

6. Lôgic của cái tưởng tượng và lôgic của lý trí

Theo tác giả, dù tuột ra khỏi mọi cách phân loại, lĩnh vực của cái tưởng tượng không phải là lĩnh vực hỗn loạn và lộn xộn. Những sáng tạo tự phát nhất cũng tuân theo những quy luật nội tại nhất định. Dường như góc nhìn phân tâm học vẫn là quan điểm được Jean Chevalier tin cậy, tác giả dẫn câu nói thâm thúy của C.G.Jung: Chính là thế giới đang nói bằng biểu tượng. Biểu tượng càng cổ xưa và sâu… nó càng có tính tập thể và phổ biến. Càng trừu tượng, phân hóa và đặc thù, thì ngược lại, nó càng gần với bản chất của những đặc điểm và của những sự kiện đơn nhất được ý thức, càng bỏ mất tính chất chủ yếu là phổ biến của nó. Nằm trong ý thức tỉnh táo, nó có nguy cơ trở thành phúng dụ đơn thuần không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của ý thức.

Tác giả cũng đưa ra nhận xét rằng, có vẻ đúng khi nói rằng tư duy biểu tượng là phi lôgic… Nó chỉ là xung năng sống và sự nhận biết bản năng. Theo tác giả, quá đi sâu phân tích biểu tượng, gắn nó quá chặt, với một chuỗi hiện tượng và vật thể… quá quy nó về một dạng nhất thể lôgic, sẽ có nguy cơ làm nó tan biến mất. Không có kẻ thù nào tệ hại hơn là lối hợp lý hóa. Ta sẽ không bao giờ hiểu được đầy đủ rằng lôgic của biểu tượng không thuộc hệ duy lý.

Về mối quan hệ giữa tư duy biểu tượng và tư duy lịch sử, tác giả TĐBT cho biết, về một số mặt, tư duy biểu tượng phong phú hơn rất nhiều tư duy lịch sử. Tư duy lịch sử về nguyên tắc là hoàn toàn có ý thức cân nhắc trên tư liệu, có thể truyền đạt bằng những dấu hiệu xác định; còn tư duy biểu tượng nhúng sâu vào vô thức, cất cao lên trong siêu thức, nó dựa vào trải nghiệm riêng tư, nó chỉ cởi mở ra theo độ mở và các năng lực của cá nhân.

Và để kết thúc bài mở đầu, tác giả Jean Chevalier đã viết:

Như vậy, cuốn từ điển này, gạt bỏ mọi tinh thần hệ thống, chỉ nhằm trình bày một tập hợp các biểu tượng, gợi hình và gợi ý, để mở rộng các chân trời cho tâm trí, làm sống động trí tưởng tượng, kích thích suy ngẫm cá nhân không hề đóng gói các dữ kiện thu lượm được. Dở qua các trang sách này, bạn đọc sẽ làm quen dần với tư duy biểu tượng và sẽ có thể tự mình giải mã ra nhiều ẩn ngữ… Và đương nhiên, theo thông lệ, tác giả cũng không quên mời gọi sự góp ý, phê bình của độc giả.

II. Giới thiệu một số mục từ biểu tượng tiêu biểu về Việt Nam

- Mục từ trầu (betel), (TĐBT, tr. 945)

Người ta gọi trầu là một tập hợp đã được biết của những chất gây hưng phấn, được sử dụng như một thứ nhai chơi có tác dụng bổ và làm se môi (littré). Ở Đông Nam Á, đó là quả cau, vôi tôi và lá trầu không, nếu có dịp người ta thêm vào đó thuốc lào và những chất thơm khác.

Miếng trầu có vai trò quan trọng ở tất cả mọi thời, trong lễ đính hôn và lễ cưới ở Việt Nam, như nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã viết:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương đã quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi (5).

Quả vậy, miếng trầu là biểu tượng của tình yêu và sự chung thủy, một miếng trầu thậm chí còn là bùa ngải yêu đương. Biểu tượng này hẳn là do sự hòa quyện thực sự của các yếu tố tạo thành miếng trầu. Nó còn được xác nhận bởi một truyện kể dân gian rất hay của Việt Nam, nói về một chàng trai hóa thành một cây cau, và vợ chàng thành một dây trầu không quấn quanh thân cây ấy. Còn người em chàng trai thì hóa thành một tảng đá vôi nằm ở gốc cau (6). Người ta gọi ba thứ đó là trầu, cau và vôi. Ở Việt Nam, bình đựng vôi còn được coi là thần giữ nhà, báo hiệu khi có kẻ trộm vào nhà (theo tr. 520).

Cũng ở Việt Nam, thời gian ăn giập miếng trầu cũng là cách tính thời gian theo kinh nghiệm dân gian (ba đến bốn phút).

Nếu như miếng trầu có những phẩm chất vệ sinh hay chữa bệnh nhất định, thì ở Ấn Độ người ta còn gán thêm cho nó tác dụng kích dục…

- Mục từ cá voi (baleine) (TĐBT, tr. 122)

Ở miền biển Việt Nam, xương cá voi dạt vào bờ được thu lượm và trở thành vật thờ: là thần biển, cá voi hướng dẫn thuyền bè và cứu vớt những ngư dân bị đắm thuyền. Theo phép ngoại suy đơn thuần, người ta cũng cầu xin thần cá voi đưa về xứ sở của các thần tiên. Như vậy, xem ra cá voi cũng đóng vai trò con vật dẫn hồn, điều này khiến ta nhớ đến vị trí quan trọng mà nó chiếm giữ trong các nền văn hóa của thổ dân vùng bờ biển Tây Canada… Dầu sao thì tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam được nhắc đến ở trên hình như có nguồn gốc từ người Chăm, theo một số truyền thuyết thì dân tộc này đã đến từ biển và, y như cá voi nhập vào từ biển miền Trung Việt Nam. Huyền thoại vùng Nam Đảo, Á châu về các thần dạt vào từ biển cũng tồn tại ở Nhật Bản. Cũng cần nói đến một con cá voi thần kỳ đã chở đến cho người miền núi Việt Nam một hài nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi mọi khổ đau…

- Mục từ cá chép (carpe), (TĐBT, tr. 117)

Ở Việt Nam, chính cá chép đưa ông Táo lên trời trong những ngày trước tết Nguyên đán. Và cũng chính nó, trong ngày tết trung thu, bảo vệ các gia đình khỏi tác hại của “cá chép vàng” một ác thần quen thuộc trong các truyền thuyết dân gian.

Ở Trung Quốc, và nhất là ở Nhật Bản, cá chép tượng trưng cho lòng dũng cảm và tính ngoan cường, bởi vì nó dám bơi ngược dòng sông và như người ta nói, vượt ngược cả thác ghềnh.

- Mục từ Cóc (crapaud) (TĐBT, tr. 202)

Người Việt Nam rất quý con cóc và biết vai trò báo mưa của nó, họ gọi con cóc là cậu ông trời, nó ra lệnh cho trời làm mưa, ai đánh cóc thì sẽ bị sét trời đánh chết (7). Chính vì thế, người ta cho trẻ em ăn thịt cóc như một thứ thuốc tăng lực. Cóc cũng là biểu tượng của sự thành đạt, và nếu là cóc tía thì là biểu tượng của sức mạnh, của sự dũng cảm và giàu sang: Cậu bé tài hoa ôm cóc tía, một truyền thuyết được vẽ thành tranh dân gian Việt Nam chứng tỏ điều này. Cóc tía đồng nghĩa với nhà giàu: Có cần giải thích rằng bởi lẽ con vật này rất hiếm hay bởi vì màu da của cóc tía rất sang?

- Mục từ con công (Paon) (TĐBT, tr. 210)

Trong bộ tộc Mạ ở miền Nam Việt Nam, những người đàn ông cắm lông công lên trên búi tóc: điều đó có thể đồng nhất họ với loài chim này, nhưng đồng thời không phải không có ý nghĩa tượng trưng cho ánh mặt trời. Ở Việt Nam, con công là biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng (theo nhiều tác giả, trong đó M. Durand).

- Mục từ chim Ác Là (pie) (TĐBT, tr. 2)

Chim Ác là thường được coi là đồng nghĩa với người nói nhiều, và cũng đồng nghĩa với kẻ ăn cắp vặt, điều này dễ thấy rõ ở tính cách của giống chim này. Cũng vì thế mà dân miền núi ở nam Việt Nam coi con chim sáo - ác là (börling - börlang) là tượng trưng cho ông tổ đã dạy cho con cháu nghệ thuật phân xử, hoặc ít nhất thuật thương nghị.

- Mục tử quả cam (orange) (TĐBT, tr.125)

Cam cũng như mọi thứ quả có nhiều hạt là một biểu tượng của sức sinh sản. Ở Việt Nam, thời trước người ta thường tặng cam cho những đôi vợ chồng trẻ (M. Durand).

- Mục từ lợn (porc) (TĐBT, tr. 529)

Hầu như ở khắp nơi trên thế giới, con lợn tượng trưng cho tính phàm ăn, tính tham ăn vô độ: nó ngấu nghiến, nó nuốt chửng tất cả những gì nó bắt gặp. Trong nhiều huyền thoại nó được gán cho vai trò của cái vực không đáy…

Tuy nhiên, có một ngoại lệ đáng để ý: do cái ngoại hình béo tốt của nó mà những người Hoa - Việt rất ái mộ, họ đã biến con lợn thành biểu tượng của sự phồn thịnh, sung mãn. Con lợn nái cùng với đàn lợn con còn được đưa thêm vào trong lý tưởng ấy một lý tưởng khác, đó là sự đông con.

- Mục từ ếch (grenouille) (TĐBT, tr. 334)

Élie l'Ecdicos coi ếch là biểu tượng của sự suy nghĩ rời rạc từng mảnh và phân tán, đang lôi kéo những người học thiền hãy còn vương vấn với những ưu tư vật chất của đời thường. Quan điểm này có được sự tương đồng trong quan niệm của người Việt Nam, họ chú ý đến tiếng kêu ồm ộp không mệt mỏi và ngốc nghếch của con vật này, bằng nhiều hình ảnh chúng tạo nên biểu tượng của lối học ấp úng và thủ cựu (M. Durand).

- Mục từ bướm (papillon) (TĐBT, tr. 112)

Có thể như là nghịch lý là trong thế giới của người Hoa - Việt, con bướm lại được dùng để diễn đạt lời chúc trường thọ. Sự đồng hóa này là do sự đồng âm Hán Việt giữa hai từ đọc như nhau: cùng đọc âm điệp, nhưng một chữ là con bướm, còn một chữ lại có nghĩa là tuổi thọ, sống lâu (8). Ngoài ra bướm lại ghép với hoa cúc để tượng trưng cho mùa thu (M. Durand).

- Mục từ Bò - Trâu (Boeuf - Buffle) (TĐBT, tr. 92)

Ở các dân tộc miền núi Việt Nam, tục giết trâu tế thần là nghi lễ tôn giáo chủ yếu. Con trâu được quý trọng như người, lễ giết trâu có nghĩa là biến con trâu thành sứ giả can thiệp giúp cộng đồng bên cạnh thần linh tối thượng.

- Mục từ dưa hấu (pastèque) (TĐBT, tr. 263)

Quả dưa hấu hay dưa nước tượng trưng cho sự mắn đẻ, vì nó có nhiều hạt. Vì vậy ở Việt Nam ngày xưa, người ta tặng những hạt dưa hấu cho những cặp vợ chồng trẻ, cùng với những quả cam, là thứ cùng có một ý nghĩa (M. Durand).

- Mục từ quả lựu (grenade) (TĐBT, tr.553)

Ý nghĩa biểu trưng của quả lựu phát xuất từ ý nghĩa biểu trưng chung với các quả có nhiều hạt (thanh yên, bầu bí, cam). Trước hết, đó là biểu tượng của khả năng sinh sản, của sự phồn thịnh, đông đúc. Ở châu Á, hình ảnh quả lựu bổ đôi nhằm biểu đạt những lời chúc, nếu nó không cốt để chỉ âm hộ. Một truyện cổ dân gian Việt Nam hình như xác định điều này: quả lựu mở ra và sinh ra một trăm trẻ (Durand). Cũng vậy, ở Gabon quả lựu biểu trưng cho khả năng sinh đẻ của phụ nữ.

- Mục từ tóc (cheveux) (TĐBT, tr. 931)

Ở Việt Nam xưa kia người ta giữ lại chứ không vứt đi những sợi tóc bị đứt hay rụng trong khi chải đầu. Bởi vì người ta tin rằng chúng có thể ảnh hưởng một cách thần bí đến số mệnh chủ nhân của chúng… Người Việt Nam đã rút ra mọi thứ kết luận có liên quan đến số mệnh và tính cách của từng con người, căn cứ vào vị trí của các khoáy: họ đã tạo ra một thuật bói toán bằng cách xem tóc.

III. Bàn luận, phản biện về biên soạn và dịch thuật

Qua lời nói đầu của tác giả TĐBT, chúng ta thấy rõ là về mặt lý thuyết, hầu như chúng ta không tiếp nhận được điều gì hết. Có thể dẫn ra hàng loạt những ngôn từ như kiểu:

- Không cách gì định nghĩa được biểu tượng.

- Biểu tượng không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ.

- Biểu tượng nguyên sơ là một tín phù.

- Chỉ có thể nhận biết biểu tượng từ vô thức và siêu vô thức.

- Biểu tượng là cái luôn luôn biến ảo khó nắm bắt.

- Từ duy biểu tượng là phi lịch sử, phi lôgic, v.v… và v.v…

Đọc qua hơn 1.200 mục từ thì cảm nhận đầu tiên các dữ liệu dùng để trình bày trong các mục từ đều là tư liệu Trung Quốc, Ấn Độ là hai nền văn minh lớn mà nhiều sử sách của họ đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếp đó là tài liệu về các tôn giáo thế giới có tính phổ quát như Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, trong đó hầu như trang nào cũng nói đến Kitô giáo. Còn Việt Nam hầu như các sách cổ như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, và nhiều bộ sử sách thời trung đại đều chưa được dịch ra tiếng Pháp, cho nên các tác giả biên soạn từ điển đều không nắm được những từ liệu cần thiết để dẫn dụng, minh họa. Do vậy, khi nói về mục từ trầu, mục từ dưa hấu không biết gì đến Lĩnh Nam chích quái, nên không biết rằng đó là những truyện cổ đã có từ thời Hùng Vương. Hoặc khi nói về mục từ cây chuối đã không biết Việt Nam là xứ sở của các loại chuối, vì đây là loại cây nhiệt đới, hiện nay vẫn xuất sang Trung Quốc, trong khi đó người biên soạn TĐBT lại đề cập đến một chủ đề của hội họa cổ điển Trung Hoa vẽ về người suy ngẫm dưới gốc cây chuối. Hoặc nữa, khi giới thiệu mục từ xăm mình (tatouage) tác giả lại coi đó là biểu tượng của Trung Quốc cổ đại, trong khi các cổ thư Trung Quốc đều coi xăm mình là phong tục có tính bản sắc của người Việt cổ (9).

Dù sao thì một số ít ỏi các mục từ về Việt Nam được đề cập trong TĐBT cũng là rất quý, đáng trân trọng; chỉ đáng tiếc chúng còn quá sơ lược, sơ sài, vì thiếu hiểu biết về nguồn từ liệu cổ khá phong phú của văn hóa Việt Nam.

Còn với những mục từ khác về văn hóa thế giới, người viết không có ý định trình bày trong bài viết này; song cảm nhận chung là chúng quá phong phú, đa dạng, có thể nói đó là cả một kho tàng kiến thức mênh mông. Tuy nhiên, người đọc vẫn thấy băn khoăn, vì tư liệu các tôn giáo quá dồi dào, nhất là Kitô giáo, khiến cuốn TĐBT có vẻ như quá thiên về phía văn hóa tôn giáo nếu không muốn coi đó là TĐBT tôn giáo. Ngoài ra, dẫu không muốn bàn tới một trật tự khoa học trong cách trình bày, nhưng một số mục từ viết quá dài như Ngựa (cheval) từ tr. 654-664, con rắn (serpent) từ tr. 762-773, nước (eau) từ tr. 770-717… trong khi có mục từ quá ngắn chỉ vài dòng như cổ tay (poignet) chỉ hai dòng rưỡi, nghệ (safran d’inde) cũng chỉ hai dòng rưỡi… Ngoài ra, các mục từ thuộc lĩnh vực kỹ thuật hiện đại như máy bay, xe đạp, xe lửa có nên sưu tập vào TĐBT mà cái tên đầy đủ là “biểu tượng văn hóa thế giới”, đó cũng là điều người đọc khó lý giải.

Về dịch thuật, người đọc coi đây là một bản dịch công phu với những đòi hỏi người dịch vừa thông thạo tiếng Pháp vừa hiểu biết chuyên môn của nhiều lĩnh vực mà tập thể dịch giả đã đạt được. Tuy nhiên chúng tôi chỉ muốn đóng góp thêm một vài ý kiến nhỏ về đôi chỗ phiên âm chữ Hán còn thiếu chính xác sau đây:

- Tr. 222, mục từ Hoa cúc: câu nói về triết gia Tcheuo T’ouen-Yi (Chu Đôn Hy), đúng ra phải là Chu Đôn Di. Và câu nhà thơ So-Kong Tou (Tư Công Đồ), đúng ra là nhà thơ Tư Không Thự đời Đường.

- Tr. 384, mục từ Hang: câu tiên ông Liu Tóng-pin (Lưu Động Bình) là khách của hang động. Nghĩa dịch đúng nhưng đọc sai âm tên người, đây chính là Lữ Động Tân (một trong Bát tiên của huyền tích Trung Quốc mà Việt Nam rất quen thuộc).

- Tr. 810, mục từ Sen: Câu “sách Tcheou Touen-Yi” (Chu Toàn Dịch). Đây không phải tên sách, mà là tên người. Đó là Chu Đôn Di (1017-1073) nhà lý học nổi tiếng đời Tống, viết bài “Ái liên thuyết” ca ngợi hoa sen (10).

- Tr. 931, mục từ Tóc: đoạn viết về việc đúc kiếm, nhắc đến Kant-Tsiang và vợ là Mo-ye làm lễ hiến tế. Kant-Tsiang âm Hán là Can Tương, vợ là Mo-ye âm Hán là Mạc Da. Đây là hai nhân vật nổi tiếng trong nghề đúc kiếm, người nước Ngô thời Xuân Thu (khoảng thế kỷ 8-5 tr. CN), sau khi hiến tế móng tay, móng chân và tóc, hai thanh kiếm luyện thành cũng mang tên Can Tương và Mạc Da nổi tiếng sắc bén, chém sắt như chém bùn, được đem dâng cho vua Ngô Hạp Lư.

- Tr. 962, mục từ Trứng: Câu “Theo lý thuyết Houn-t’ien (Hoàn thiên?)”. Houn-ti’en đọc đúng âm Hán là hồn thiên đây là học thuyết về vũ trụ của Trung Quốc cổ đại có từ cuối đời Hán.

Đây là mấy mục từ tiêu biểu mà chúng tôi có thể góp ý về cách đọc âm Hán, có thể cũng còn một số trường hợp chưa đọc đúng âm Hán mà chúng tôi chưa có điều kiện tra cứu và góp ý. Ngoài việc dịch thuật, các dịch giả cũng nên có những chú thích của người dịch để giúp người đọc hiểu rõ thêm văn bản. Việc làm thêm phụ lục để chú giải các thuật ngữ và tên riêng là rất quý và bổ ích cho độc giả. Riêng trường hợp với M.Durand, theo chúng tôi nên giới thiệu đầy đủ hơn, do Durand có bố Pháp, mẹ Việt, mà ông thừa hưởng được cái vốn Hán Nôm từ bà mẹ Việt khá nhiều. Maurice Durand (1914-1966) sinh ở Hà Nội, là thành viên Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, đã viết tới 9 công trình về văn hóa Việt, trong đó đáng chú ý có các công trình về Hồ Xuân Hương, về đồng cốt Việt Nam, về tranh dân gian Việt Nam như: L’oeuvre de la póetesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương, Paris 1968 (công bố bản photocopy); Technique et panthéon des médiums Vietnamiens, Paris, 1960; L’imagerie populaire Vietnamienne, Paris, 1961.

IV. Kết luận

Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới là một công trình khoa học khá đồ sộ, trong đó hàm chứa nhiều tri thức khoa học phong phú, đa dạng của nhiều vùng miền văn hóa trên thế giới. Đây sẽ là một cuốn sách quý gối đầu giường cho tất cả những ai muốn được mở rộng tri thức nhân loại và học hỏi về tư duy biểu tượng với nhiều gợi mở thú vị, mà chính những hình ảnh, những gợi mở đó lại giúp chúng ta cảm nhận biểu tượng cụ thể hơn là những trang lý thuyết, lý luận vòng vo, khúc mắc, khô cứng từ vô vàn những ngôn từ sống sượng của phương Tây với những tư duy chưa được tiêu hóa nhuần nhuyễn./.

K.T.H

___________________

1. Xem Đinh Hồng Hải: Nghiên cứu biểu tượng, một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2014, tr. 12.

2. Do hai tác giả người Pháp biên soạn là Jean Chevalier - Alian Gheerbrant cùng với sự cộng tác của 15 chuyên gia với nhiều chuyên ngành khác nhau: chiêm tinh học, Phật giáo Tây Tạng, văn minh Viễn Đông, thần học, tâm lý liệu pháp… Bản chúng tôi sử dụng là bản in lần thứ 2/2002.

3. Lévy-Strauss, Từ điển biểu tượng, tr. xxiii.

4. Điều này cũng trùng hợp với nhận thức của Đinh Hồng Hải khi nói rằng: “Việc lựa chọn lý giải các biểu tượng đôi khi tạo ra những tranh cãi gay gắt vì ai cũng có thể và ai cũng có quyền, đưa ra những cách giải thích về biểu tượng theo ý kiến riêng của họ”, sđd, tr. 13.

5. Nguyên văn dẫn theo câu của G.Lebrun trong “La chique de bétel”, in trong France - Asie (tạp chí Pháp Á, No. 36, Saigon, 1949). Đây là tư liệu trích dẫn sai, nên chúng tôi đã chỉnh lại theo bản Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Kiều Thu Hoạch, Nxb. Văn học, 2008.

6. Đoạn văn kể sai nguồn gốc truyện cổ Việt Nam đã được sửa theo văn bản Lĩnh Nam chích quái.

7. Phỏng theo câu đồng dao:

Con cóc là cậu ông trời

Ai mà đánh nó thì trời đánh cho

8. Ngoài chữ điệp là bướm, một chữ cũng đọc âm điệp, có cấu tạo với chữ lão là già chỉ tuổi thọ từ 60 trở lên (K.T.H chú thêm).

9. Xem Kiều Thu Hoạch, Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Thế Giới, 2016, tr.470.

10. Có thể xem bài “Biểu tượng hoa sen trong văn hóa Việt” của Kiều Thu Hoạch đã dịch toàn văn bài của Chu Đôn Di, trong sách Văn hóa dân gian người Việt, góc nhìn so sánh, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2014, tr. 234.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 4 (32) - 2017

 

 

GS. TS. Kiều Thu Hoạch

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2017
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận