BỘ SÁCH “VĂN HÓA BIỂN ĐẢO VIỆT NAM”
- MỘT CÁI NHÌN ĐA CHIỀU TRONG LĨNH VỰC
VĂN HÓA HỌC VÀ QUẢN LÍ VĂN HÓA
PGS.TS. Trần Đức Ngôn
1. Từ phương diện Văn hóa học, trước hết, về lý luận, các tác giả đã có đóng góp mới trong việc đưa ra nội hàm khái niệm văn hóa biển đảo. Các tác giả đã coi văn hóa biển đảo là một loại hình văn hóa, vì thế đã đưa ra 3 thành tố cơ bản là văn hóa khai thác biển, văn hóa thích ứng với biển và văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Việc phân chia các thành tố cấu trúc như vậy là hoàn toàn phù hợp, mang tính khái quát cao.
Bên cạnh việc phân tích cấu trúc, văn hóa biển đảo còn được các tác giả nhìn nhận theo tiến trình lịch sử. Các tác giả đã chia văn hóa biển đảo Việt Nam thành 4 thời kỳ: Tiền, sơ sử; thiên niên kỷ thứ nhất; thiên niên kỷ thứ hai; và những năm đầu thế kỷ XXI. Việc chia thời kỳ như vậy là hợp lý. Ở đây có vẻ như không tương thích khi các tác giả chia thời kỳ 4 (những năm đầu thế kỷ XXI), quá ngắn (17 năm) so với các thời kỳ trước (hàng nghìn năm). Tuy nhiên, trong thực tế, đây là thời kỳ hiện đại, mới chỉ được bắt đầu, và sẽ còn kéo dài trong tương lai. Nếu nhìn nhận như thế thì sự tồn tại của thời kỳ 4 cũng là hợp lý.
Việc bổ sung hai quá trình phân tích – phân tích cấu trúc và phân tích lịch sử - đã làm cho tư duy lí luận về văn hóa biển đảo Việt Nam trở nên sâu sắc. Cùng với hai quá trình trên, văn hóa vùng cũng là một vấn đề lí luận được các tác giả đặc biệt quan tâm. Có thể nói, văn hóa vùng là trung tâm nghiên cứu của toàn bộ công trình.
Cùng với lí luận về văn hóa biển đảo, hàng loạt các vấn đề lí luận khác cũng đã được làm rõ như: Giá trị văn hóa, di sản văn hóa; không gian văn hóa, vùng văn hóa, các quan niệm về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Nhìn chung phần lý luận được viết rất tốt.
Về mô tả khoa học, các tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng văn hóa biển đảo hiện nay. Việc phân tích dựa theo cấu trúc lý thuyết đã được xác định như đã nêu ở trên, tạo nên sự thống nhất giữa lý thuyết và thực hành nghiên cứu. Hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể đã được mô tả khá kỹ với nhiều tư liệu phong phú. Riêng về văn hóa truyền thống, các tác giả đã trình bày được về nghề truyền thống, ẩm thực truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng và phong tục, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian. Bên cạnh đó, các tác giả cũng quan tâm đến những yếu tố văn hóa mới như thiết chế văn hóa và lễ hội hiện đại.
Bằng các số liệu thống kê là kết quả của điều tra xã hội học, các tác giả đã cho thấy mức độ tham gia sinh hoạt văn hóa của người dân (tức mức độ thực hành văn hóa). Nếu coi việc thực hành văn hóa cũng mang ý nghĩa bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa thì các tác giả đã đạt được yêu cầu nghiên cứu của mình.
Trong quá trình phân tích, các tác giả đã làm rõ được những mặt tích cực cũng như những mặt hạn chế trong việc thực hành văn hóa biển đảo. Đặc biệt, những điểm hạn chế được phân tích khá kỹ, tạo cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa biển đảo.
Như trên đã nói, vấn đề văn hóa vùng là trung tâm chú ý của các tác giả trong toàn bộ công trình nghiên cứu. Trong trọn bộ 9 tập sách thì ngoài tập 1 (Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam) và tập 9 (Quản lí văn hóa biển đảo Việt Nam), 7 tập còn lại đều là những nghiên cứu về văn hóa vùng: Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Phú Quốc. Cách phân chia các vùng văn hóa biển đảo như vậy là hợp lí.
Trong những nghiên cứu vùng văn hóa biển đảo, các tác giả đã làm rõ được hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, khẳng định được những giá trị tiêu biểu trong văn hóa mỗi vùng (những giá trị này được mô tả và phân tích theo các thành tố, nghĩa là theo cấu trúc văn hóa); thứ hai, thực trạng quá trình bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa của người dân. Bên cạnh đó, các tác giả cũng chú ý đến chiều kích lịch sử của văn hóa mỗi vùng từ góc nhìn phát triển.
Vấn đề bản sắc văn hóa vùng và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các vùng, tiểu vùng cũng đã được quan tâm mô tả, phân tích, lí giải thấu đáo. Ví dụ, các tác giả đã làm rõ được mối tương quan của văn hóa biển đảo Bắc Trung Bộ với các nền văn hóa của tộc người khác như văn hóa Chăm và các vùng văn hóa khác như Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc Trung Bộ. Trong quá trình so sánh, các tác giả đã thể hiện được cái nhìn địa - văn hóa của mình: Chỉ ra một số nét đặc trưng của văn hóa biển đảo Bắc Trung Bộ như: chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa Bắc Bộ; là vùng chuyển tiếp giữa vùng có văn hóa biển mờ nhạt nhất (từ Móng Cái đến Ninh Bình) với vùng có văn hóa biển mạnh nhất (từ Đà Nẵng đến Bà Rịa – Vũng Tàu). Những khái quát này là rất đúng với văn hóa biển đảo Bắc Trung Bộ.
2. Từ phương diện Quản lí văn hóa, trước hết, các tác giả phân tích, làm rõ các xu hướng biến đổi của văn hóa biển đảo Việt Nam dưới tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, khoa học và biến đổi khí hậu.
Thực trạng bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa biển đảo đã được phân tích từ hai phía: người dân và nhà nước. Về phía quản lý nhà nước, các tác giả đã phân tích sâu một số chính sách văn hóa liên quan đến biển đảo. Cơ cấu tổ chức trong việc quản lý văn hóa biển đảo đã được mô tả, đánh giá. Đó là hệ thống từ cấp Bộ đến Sở, đến Phòng Văn hóa, trong đó có nhấn mạnh đến vai trò của các phòng văn hóa tại các đơn vị hành chính vùng biển đảo.
Các tác giả đã đánh giá được nguồn lực cho quản lý văn hóa vùng biển đảo, trong đó có nguồn lực con người và nguồn lực tài chính.
Bên cạnh việc mô tả và đánh giá thực trạng, các tác giả còn tổng kết được một số kinh nghiệm về việc xây dựng ý thức chủ quyền biển đảo, xây dựng văn hóa hướng biển của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cũng từ phương diện quản lí, các tác giả đã tìm kiếm thêm những bài học kinh nghiệm từ nước ngoài trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapo. Đây là những kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam. Việc tổng kết kinh nghiệm của nước ngoài là hết sức cần thiết bởi trên thực tế, từ góc độ quản lý văn hóa, Việt Nam, đến nay mới bắt đầu có ý thức sâu về vấn đề này.
Các tác giả đã đưa ra một hệ thống giải pháp bao gồm 5 nhóm: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa biển đảo; phát triển văn hóa khai thác biển đảo; bảo tồn, phát huy văn hóa thích ứng biển đảo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển đảo gắn với phát triển bền vững. Các giải pháp cụ thể khá phong phú, có giá trị thực tiễn cao. Những khuyến nghị mà các tác giả đề xuất lên các cơ quan hữu trách đều có ý nghĩa thiết thực và cấp bách.
Ngoài các giá trị của những luận điểm khoa học, bộ sách được đánh giá cao về nguồn tư liệu từ khảo sát thực tế và điều tra xã hội học. Đây là những tư liệu rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu quan tâm đến văn hóa biển đảo Việt Nam.
Nhìn chung, bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam là một công trình khoa học đồ sộ, kết quả của quá trình lao động tận tâm, tận lực, thể hiện ý chí và năng lực nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam với cái nhìn đa chiều, kết hợp lí luận và thực tiễn. Công trình xứng đáng được trân trọng và ngưỡng mộ./.
T.Đ.N.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 6 (58) - 2021
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục