VĂN HÓA HỌC
VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Hoàng Minh
Về mặt lịch sử, khái niệm “Văn hóa học” (tiếng Nga: kúởỹũúðợởợóốÿ) là một chuyên ngành được hình thành ở Nga từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn với các công trình của Mikhail Bakhtin, Aleksei Losev, Sergey Averintsev, Georgy Gachev, Yuri Lotman, Vyacheslav Ivanov, Vladimir Toporov, và những học giả khác. Epstein cho rằng: “Văn hóa học nghiên cứu tính đa dạng của các nền văn hóa, những hình thức tương tác và những chức năng của chúng với tư cách là một siêu ngành (metadiscipline) trong khoa học nhân văn. Mục đích của ngành học này là bao hàm và kết nối sự đa dạng của những hiện tượng văn hóa vốn được triết học, sử học, xã hội học, phê bình văn học và phê bình nghệ thuật, v.v… nghiên cứu một cách riêng biệt” (tr. 15). Trong bối cảnh của nước Nga Xô Viết, Văn hóa học Nga, theo Epstein là “giải chính trị hóa văn hóa, cứu văn hóa từ bối cảnh thực dụng hẹp hòi, nơi nó bị coi như một công cụ của quyền lực. Văn hóa đã được khai thác như là nguồn tài nguyên cuối cùng của tự do và sáng tạo của nhân loại, vượt qua những giới hạn xã hội và những quyết định luận lịch sử” (tr. 22). Trong thời kỳ Nga hậu Xô Viết, Văn hóa học tiếp tục tồn tại và vượt qua những bối cảnh chính trị. Cách tiếp cận Văn hóa học đối với văn hóa, theo Epstein, như là một tổng thể, vừa có thể lại vừa không thể vượt qua tổng thể đó, đã phản bác một cách thành công những cách tiếp cận chính trị, đạo đức, khoa học theo hướng hạ thấp văn hóa xuống thành một trong những bộ phận hợp thành của chính văn hóa. Văn hóa học trở thành một trong những ngành chính của khoa học nhân văn ở Nga thời hậu Xô Viết, đi đầu về phương pháp luận trong nghiên cứu và giảng dạy (tr. 22-23).
Ở phương Tây trong khoa học xã hội, thuật ngữ Văn hóa học (Culturology) do nhà nhân học Mỹ Leslie White đưa ra trong sách Khoa học về văn hoá: Nghiên cứu về con người và nền văn minh (The Science of Culture: A Study of Man and Civilization) in năm 1949. Ông xác định Văn hóa học là một lĩnh vực của ngành khoa học mà nó nghiên cứu văn hóa như là một hệ thống văn hóa, về mặt triết học bằng phương pháp tiếp cận duy vật biện chứng và không giản hóa luận (1959, 1972, 1975). Sau này, ông còn coi Văn hoá học là một chuyên ngành của nhân học, trong đó xử lý văn hoá (các thiết chế, các công nghệ, các hệ tư tưởng) với tính cách một lớp riêng biệt các hiện tượng được tổ chức theo các nguyên tắc riêng và ứng xử theo các quy luật riêng của nó (1972). Tiếp theo White, Mario Bunge xác định Văn hóa học như là những nghiên cứu xã hội học, kinh tế, chính trị và lịch sử của các hệ thống văn hóa cụ thể. Về mặt đồng đại, Văn hóa học được cho là đồng nhất với nhân học, xã hội học, kinh tế và chính trị học của các nền mặt hóa. Ngược lại về mặt lịch đại, Văn hóa học là một bộ phận của lịch sử (Bunge, 1999).
Văn hóa học và Nghiên cứu văn hóa phát triển gần như đồng thời khi có những yêu cầu về mặt lý thuyết đối với các nền văn hóa tương ứng. Văn hóa học với tư cách là một ngành khoa học nghiên cứu về văn hóa của con người như là một hệ thống tổng thể và có thể so sánh, đối chiếu với ngành Nghiên cứu văn hóa ở phương Tây. Nghiên cứu văn hóa chính thức được hình thành như là một ngành khoa học trong hệ thống các trường đại học ở Vương quốc Anh vào năm 1963, nơi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đương đại ở Birmingham, dưới sự lãnh đạo của Richard Hoggart. Những công trình ban đầu trong nghiên cứu văn hóa nhấn mạnh sự cần thiết chuyển những khái niệm trong văn bản kinh điển đến việc xác định văn hóa trong bối cảnh xã hội rộng lớn. Sự kết hợp giữa xã hội học và phê bình văn học, những nhà nghiên cứu văn hóa thời kỳ đầu thường mô tả những công trình của họ như là sự chuyển giao của nhân học, tham chiếu đến những khái niệm văn hóa từ góc độ nhân học như là cách sống trong sự đối lập với văn học nhấn mạnh đến tính thẩm mỹ hoặc giá trị thưởng thức. Nghiên cứu văn hóa trong thời kỳ này dựa vào khuôn mẫu của chủ nghĩa Mác-xít mà trong đó "văn hóa" thường tương đồng với lý tưởng. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu văn hóa đã tìm tòi, tư liệu hóa văn hóa như là cái bình thường, phổ quát và có ở khắp mọi nơi. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu văn hóa bị ảnh hưởng bởi lý thuyết hậu cấu trúc và tâm lý. Những công trình của Stuart Hall, Paul Gilroy, Hazel Carby và những học giả khác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ nghĩa phân biệt chủ tộc và chủ nghĩa đế quốc (xem Franklin 1998, tr. 134). Do vậy, vào thời kỳ này, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đương đại ở Birmingham trở thành một địa chỉ lớn đào tạo sau đại học về nghiên cứu văn hóa, nhấn mạnh những nghiên cứu liên quan đến giới, sắc tộc, tầng lớp xã hội.
Không giống như ở Vương quốc Anh, ở Canada, Úc, châu Âu và Hoa Kỳ, Nghiên cứu văn hóa hình thành một cách chậm chạp. Nhưng cũng giống như ở Vương quốc Anh, những bộ phận chính của Nghiên cứu văn hóa thường mang tính liên ngành, liên quan đến cách tiếp cận chính trị vào lĩnh vực nghiên cứu, chú trọng đến sự giao nhau giữa giới, sắc tộc và giai cấp, sử dụng những cách tiếp cận lý thuyết phê phán rút ra từ chủ nghĩa Mác-xít, hậu cấu trúc, lý thuyết về giới, về sắc tộc và hậu hiện đại. Dù sao, trên toàn thế giới, theo Franklin Nghiên cứu văn hóa xác định một không gian mà trong đó có nghiên cứu phê phán, lý thuyết, liên ngành và giảng dạy một cách rộng rãi dưới nhan đề phân tích văn hóa trong các xã hội phát triển và công nghiệp hóa (1998, tr.135).
Ở phương Tây, Nghiên cứu văn hóa thường được so sánh và phân biệt với nhân học. Một cách dễ hiểu, Nghiên cứu văn hóa vẫn liên quan nhiều hơn tới việc phân tích văn hóa quần chúng, văn hóa chủ đạo, văn hóa dân gian hơn là nghiên cứu so sánh liên văn hóa. Nghiên cứu văn hóa được tiến hành như là một hệ thống các cách tiếp cận phê phán về chính những sản phẩm trí thức, hay là "cách sống". Nghiên cứu văn hóa bao hàm nhiều lĩnh vực lý thuyết liên ngành khác nhau, từ lý thuyết xã hội học văn hóa đến truyền thông đại chúng, công nghiệp văn hóa tới lý thuyết văn hóa dựa vào ký hiệu học, hậu cấu trúc, giải cấu trúc, hay lý thuyết hậu thuộc địa. So với nghiên cứu văn hóa, nhân học có một sự khác biệt cơ bản là liên quan chặt chẽ tới mục đích của khoa học xã hội nhằm tư liệu hóa một cách chi tiết, cặn kẽ và thể hiện rõ những nền văn hóa “khác” (Franklin 1998, During 1999, Hall 1999). Do văn hóa luôn đòi hỏi sự chú trọng về mặt học thuật, những cách tiếp cận nhân học và nghiên cứu văn hóa chồng chéo lên nhau và hỗ trợ cho nhau. Sự khác biệt giữa các cách tiếp cận mang tính lý thuyết và phê phán cao trong nghiên cứu văn hóa và trong truyền thống thực nghiệm của phân tích văn hóa trong ngành nhân học luôn đảm bảo rằng hai ngành khoa học này vẫn sẽ khác nhau, dù cho chúng có thể chồng chéo lên nhau./.
H.M
_______________________
1. Về phần tiếng Việt, xem thêm bài dịch của TS. Nguyễn Văn Hiệu, “Văn hóa học: Culturology và Cultural Studies”, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2007, số 9, tr.18-25.
Tài liệu tham khảo
1. Leslie White, 1949. The Science of Culture: A Study of Man and Civilization (Khoa học về văn hoá: Nghiên cứu về con người và nền văn minh). New York: Strauss.
2. Leslie White, 1959. The Evolution of Culture: The Development of Civilization to the Fall of Rome (Tiến hóa văn hóa: Sự phát triển của nền văn minh tới sự sụp đổ của Roma). New York: McGraw-Hill.
3. White Leslie, 1972. “Culturology” (Văn hóa học). Trong International Encyclopedia of the Social Sciences (Từ điển bách khoa quốc tế về khoa học xã hội, Davis L. Sills chủ biên. Newyork: The Macmillan Company & the Free Press, tập 3, tr.547 - 551. Bài dịch thuật ngữ “Văn hóa học” của Chu Tiến ánh in trong cuốn Viện Thông tin Khoa học xã hội 2001 - Văn hoá học và văn hóa thế kỷ XIX. Tập 1 - Thông tin Khoa học xã hội - chuyên đề, tr. 19 - 33.
4. Leslie White, 1975. The Concept of Cultural Systems: A Key to Understanding Tribes and Nations (Khái niệm của các hệ thống văn hóa: Chìa khóa hiểu các bộ lạc và dân tộc). New York: Columbia University.
5. Mario Bunge, 1999. Social Science Under Debate: A Philosophical Perspective
(Khoa học xã hội đang tranh cãi: Một cách tiếp cận triết học). Toronto: University of Toronto Press.
6. Mikhail Epstein, 1999. “From Culturology to Transculture” (Từ Văn hóa học đến liên văn hóa), Phần 1, Chương 1. In trong Transcultural Expreriments: Russian and American Models of Creative Communication (Thử nghiệm xuyên văn hóa: Mô hình Nga và Mỹ trong truyền thông sáng tạo). New York: St. Martin’s Press.
7. Sarah Franklin, 1998. “Cultural Studies” (Nghiên cứu Văn hóa). In trong Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology (Từ điển bách khoa về nhân học xã hội và văn hóa), Alan Barnard và Jonathan Spencer chủ biên. London: Routledge, tr. 134-135.
8. Simon During, 1999. “Introduction” (Phần mở đầu). In trong The Cultural Studies Reader (Tuyển tập Nghiên cứu Văn hóa), Gimon During chủ biên. London: Routledge, tr. 1-30.
9. Stuart Hall, 1999. “Cultural Studies and Its Theoretical Legacies” (Nghiên cứu Văn hóa và di sản lý thuyết của nó). In trong The Cultural Studies Reader (Tuyển tập Nghiên cứu Văn hóa), Gimon During chủ biên. London: Routledge, tr. 97-112.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 1 - 2012
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục