VĂN HÓA QUẢN LÝ THỜI HẬU HIỆN ĐẠI
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Hội nhập khu vực là xu hướng chính trị - ngoại giao quan trọng đang diễn ra trong thế giới đương đại như là một hệ quả trực tiếp của quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Đi cùng với kinh tế là các mặt giáo dục và văn hoá, thậm chí hai lĩnh vực này phải giữ vai trò tiên phong do chúng gắn liền với nền tảng tư tưởng xã hội. Hội nhập đòi hỏi các bình diện văn hóa - tư tưởng phải tái nhìn nhận, đánh giá cấu trúc, tính chất và hiệu quả để đảm bảo lợi ích của tiến trình hội nhập. Trong quá trình ấy, việc tiếp nhận, thâu nạp và tái tạo một số hệ thống các giá trị, các quan niệm mới là điều cần thiết và có ý nghĩa. Hậu hiện đại là một trào lưu tư tưởng - văn hóa như vậy.
Bài viết này áp dụng các phương pháp sử dụng các tài liệu thành văn, phân tích tổng hợp và so sánh dưới góc nhìn văn hóa học để đánh giá xu thế mới của quản lý và văn hóa quản lý thời hậu hiện đại vốn đang dần trở nên phổ biến ở các quốc gia tiên tiến, đặc biệt làm rõ khoảng cách giữa nó với phong cách quản lý truyền thống ở Việt Nam (và Đông Á), đồng thời hình thành phương pháp luận cho việc đổi mới văn hóa quản lý ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, truyền thống quản lý kiểu Nho giáo “nửa vời” pha trộn với nhiều dòng triết học Pháp gia, Thiền tông và trọng cộng đồng của người Việt Nam có một tiền đề khá thuận lợi cho việc tích hợp, chuyển đổi theo cung cách quản lý Hậu hiện đại; song tính cách văn hóa và tâm lý ưa nhàn rỗi của một bộ phận người dân đã và đang tạo nên lực cản cho quá trình chuyển đổi ấy.
Từ khóa: Việt Nam, văn hóa quản lý, hậu hiện đại, chuyển đổi.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa số 1 (47) - 2020
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục