Vốn văn hóa

Ngày đăng: 07/08/2024 Lượt xem: 147
Mặc định Cỡ chữ

 

VỐN VĂN HÓA *

David Throsby**

 

1. Giới thiệuuu

Trong kinh tế học chúng ta đã quen với ba hình thức vốn (1) chính. Đầu tiên là vốn vật lý, nghĩa là các hàng hóa như nhà máy, thiết bị, công trình xây dựng… chúng đóng góp vào quá trình sản xuất ra các hàng hóa khác, đã được biết đến và thảo luận từ buổi bình minh của kinh tế học (Hicks, 1974). Gần đây hơn, một loại vốn thứ hai, vốn con người (Becker, 1964) đã được xác định từ nhận thức rằng con người với kỹ năng và kinh nghiệm cũng là một loại vốn quan trọng như vốn tự nhiên trong quá trình tạo ra sản lượng của nền kinh tế. Gần đây hơn nữa, cùng với nhận thức ngày càng tăng về tác động của môi trường lên hoạt động kinh tế, các nhà kinh tế đã chấp nhận hiện tượng vốn tự nhiên, là các nguồn lực không thể và có thể tái tạo, bao gồm các quá trình sinh thái chi phối sự hiện hữu và sử dụng chúng (Jansson, 1994). Mặc dù quan niệm về “tự nhiên” như là một "nhà" cung cấp các dịch vụ có thể được xem là xuất phát từ các nhà kinh tế chính trị cổ điển khi họ cho rằng đất đai là một yếu tố sản xuất (và cũng quan trọng, theo Marshall và các nhà tân cổ điển khác (El Serafy, 1991), nhưng sự phân tích về vốn tự nhiên và nhất là về vai trò của nó trong “tính bền vững” cũng còn rất mới mẻ, và là trọng tâm nghiên cứu của một phân ngành khác đang nổi lên đó là kinh tế học sinh thái (Costanza, 1991).

Trong bài nghiên cứu này, tôi đề nghị chúng ta cần phải xác định một loại vốn thứ tư, có tên là vốn văn hóa, là một loại vốn hoàn toàn khác với ba loại vốn trên. Đề nghị này xuất phát từ quan sát thông thường cũng thấy rằng nhiều hiện tượng văn hóa như các công trình di sản và các tác phẩm nghệ thuật thực sự là có tất cả các đặc trưng của tài sản vốn. Tôi cho rằng ảnh hưởng của vốn văn hóa lên sự tiến bộ của con người nói chung và lên các giao dịch kinh tế nói riêng sẽ không được nắm bắt thỏa đáng, nếu cứ đơn giản xem chúng như là các hình thức vốn kinh tế thông thường. Do đó tôi đề nghị cần có một khái niệm riêng về vốn văn hóa để chính thức hóa vai trò của các hiện tượng văn hóa khi xử lý các vấn đề kinh tế và văn hóa.

Bài nghiên cứu này được tổ chức như sau. Trước hết phải công nhận rằng thuật ngữ “vốn văn hóa” đã được sử dụng trong nhiều tài liệu khác. Do đó, đầu tiên cần phải xem xét các cách sử dụng hiện hữu để phân biệt với cách sử dụng của chúng ta. Tiếp theo, ở phần 3, tôi sẽ đề xuất một định nghĩa về vốn văn hóa dựa trên lý giải trước đó “văn hóa là gì?”. Sau đó, bài nghiên cứu sẽ đóng góp thêm, thông qua khái niệm vốn văn hóa, vào việc nghiên cứu các quá trình kinh tế, và cuối cùng là một số gợi ý cho các nghiên cứu tiếp theo.

2. Tiền đề lý luận

Thuật ngữ “vốn văn hóa” đã được nhiều tác giả sử dụng, theo mức độ chặt chẽ nhiều hay ít (2). Có lẽ cách dùng theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này là trong xã hội học và các nghiên cứu về văn hóa của Bourdieu. Ông xác định các cá nhân được xem là có vốn văn hóa khi họ có năng lực trong văn hóa cao của xã hội (Mahar, 1990). Theo Bourdieu, loại vốn văn hóa này tồn tại trong ba dạng: ở dạng cơ thể, nghĩa là trong một sự sắp đặt tinh thần và thể chất của một cá nhân; ở dạng vật thể, khi vốn văn hóa được chuyển vào các sản phẩm văn hóa như “tranh ảnh, sách báo, từ điển, thiết bị, máy móc…” (Bourdieu, 1986, tr. 243); và ở dạng chính thể, khi vốn văn hóa đã kết tinh trong cơ thể của một cá nhân được công nhận là hình thức của, ví dụ, một thể chế có tính chất học thuật. Đối với Bourdieu, dạng cơ thể là quan trọng nhất. Ông cho rằng “hầu hết các đặc tính của vốn văn hóa có thể được suy luận từ dạng cơ bản của nó, liên quan đến con người và hiện thân của con người” (Bourdieu, 1986, tr. 244). Do đó, rõ ràng rằng khái niệm vốn văn hóa như Bourdieu phát triển từ quan điểm của chủ nghĩa cá nhân, là rất gần, nếu không muốn nói là đồng nhất, với khái niệm vốn con người trong kinh tế học (Robbins, 1991, tr. 154).

Nhiều kiểm tra thực tiễn của quan niệm này về vốn văn hóa đã xem tác động của giáo dục và của (theo Bourdieu) “thói quen” như là những tác động đến kết quả của kinh tế và xã hội (3). Ở mức độ này, khi mối quan hệ giữa các cá nhân và các nhóm trong xã hội được bàn đến, thì quan niệm này về vốn văn hóa sẽ bị bện dính với quan niệm về vốn xã hội, điều này đã được nhận ra không chỉ bởi Bourdieu mà còn bởi nhiều tài liệu xã hội học khác (4). Do vậy, khi xem xét ảnh hưởng của vốn văn hóa vốn xã hội lên thành tích của sinh viên tốt nghiệp trường Harvard (1993), Zweigenhaft đã dùng “vốn văn hóa” để chỉ hình thức khác của kiến thức và kỹ năng, và “vốn xã hội” để chỉ sự hiểu biết đúng đắn về con người và mạng xã hội… Lại một lần nữa chúng ta thấy vốn văn hóa được dùng gần như tương tự với vốn con người trong kinh tế học (5).

Cứ cho là có mối liên hệ gần gũi giữa vốn văn hóa theo cách hiểu của các nhà xã hội học, với vốn con người theo cách hiểu của các nhà kinh tế học thì câu hỏi đặt ra là các mối liên hệ này có cần phải xem xét lại hay không, nghĩa là, đến phạm vi nào thì vốn con người theo cách hiểu của các nhà kinh tế sẽ bao gồm cả văn hóa. Thỉnh thoảng các định nghĩa về vốn con người trong kinh tế học rõ ràng là bao gồm cả văn hóa như là một thành phần của nó. Cho nên mới có Costanza và Daly (1992), hai ông nói vốn con người là “vốn về học vấn, kỹ năng, văn hóa và kiến thức được lưu trữ trong bản thân con người” (tr. 38, nhấn mạnh thêm). Một số nhà kinh tế học rõ ràng là đã mở rộng vốn con người để bao gồm cả văn hóa trong khi tìm kiếm các lời giải thực tiễn cho các hiện tượng khác nhau. Ví dụ khi xem xét sự khác biệt về lương giữa công nhân bản địa và công nhân nhập cư trên thị trường lao động Mỹ, một số tác giả (ví dụ Chiswick, 1983) sau khi đã tính toán hết các biến số thông thường về vốn con người mà vẫn không sao giải thích được sự chênh lệch còn lại về thu nhập, nên đã cho là do “văn hóa”. Tuy nhiên, khi rà soát các nghiên cứu này, Woodbury (1993) đã kết luận rằng việc cho văn hóa vào vốn con người theo cách này là vô nghĩa về mặt lý luận lẫn thực tiễn, vì không thể có một đánh giá độc lập cho “văn hóa”.

Cuối cùng, trong việc sơ lược cách dùng hiện hữu của thuật ngữ vốn văn hóa, chúng ta xét đến đề xuất của Berkes và Folke (1992). Các tác giả này xem xét mối quan hệ giữa vốn tự nhiên vốn vật lý từ quan điểm hệ thống (6), và cho rằng “chiều thứ ba” là cần thiết để khảo sát các cách thức qua đó vốn tự nhiên được sử dụng để tạo ra vốn vật lý. Berkes và Folke đã sử dụng thuật ngữ “vốn văn hóa” để chỉ khả năng thích nghi của dân chúng trong việc ứng phó và cải tạo môi trường tự nhiên. Khái niệm này bao hàm ý nghĩa đạo đức, dân tộc và tôn giáo. Mặc dù bài nghiên cứu đó không xem vốn con người như vốn văn hóa, nhưng dường như quan niệm của các tác giả này về vốn văn hóa cũng có chút tương đồng với vốn con người, vì nó liên quan đến các đặc trưng do bẩm sinh và/hoặc do học hỏi, chúng ảnh hưởng đến năng suất lao động về mặt định tính lẫn định lượng. Dường như cách dùng thuật ngữ “vốn văn hóa” của Berkes và Folke cũng có nét đặc biệt, khi xét riêng mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, nhưng không may là họ lại không dùng thuật ngữ “vốn thích nghi” để cho phù hợp với quan điểm hệ thống mà họ đã nêu ra trước đó (Berkes và Folke, 1992, tr. 2). Cuối cùng thì thuật ngữ “văn hóa" được dùng theo nghĩa rộng hơn vẫn được ưa thích hơn.

3. Các định nghĩa

Bây giờ chúng ta quay sang chính thức hóa khái niệm vốn văn hóa như là loại vốn thứ tư trong phạm vi lý luận chính của kinh tế học. Tuy nhiên, trước khi định nghĩa vốn văn hóa, chúng ta cần phải xem văn hóa là gì.

Như đã được biết, thuật ngữ “văn hóa” được dùng trong rất nhiều ngữ cảnh khác nhau để chỉ nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau, thỉnh thoảng được định nghĩa rất chặt chẽ, nhưng thường thì không. Mới đây đã có một nỗ lực để đưa các định nghĩa đến gần hơn với văn hóa, theo ngữ cảnh riêng của phát triển kinh tế. Đó là báo cáo của Ủy ban Thế giới về Văn hóa và Phát triển của Liên hiệp quốc (WCCD, 1995). Báo cáo này hơi khiên cưỡng khi định nghĩa văn hóa là thuật ngữ bao trùm gần hết tất cả, vì thông điệp chính của WCCD là tuyên truyền vai trò rộng lớn của văn hóa trong đời sống con người. Tuy nhiên, trong báo cáo của WCCD nổi lên một định nghĩa mang 2 cách hiểu khác nhau về từ văn hóa, đó là:

Cách hiểu thứ nhất, xem văn hóa như là một tập hợp các hoạt động, bao gồm tất cả các hoạt động được gọi là “công nghiệp văn hóa”,… chức năng này văn hóa có thể được xem là “ngành văn hóa” trong nền kinh tế. Cách hiểu thứ hai, xem xét văn hóa dưới quan điểm nhân loại học và xã hội học, ở đó, văn hóa được xem là một tập hợp các thái độ, thói quen và tín ngưỡng, chúng là nền tảng để vận hành các xã hội khác nhau. Văn hóa theo nghĩa [cấu tạo] này được mô tả theo các giá trị và phong tục của một xã hội riêng biệt, chúng phát sinh theo thời gian khi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (Throsby, 1995, tr. 202).

Theo định nghĩa trên (cả theo nghĩa chức năng và cấu tạo) thì văn hóa có một yếu tố quan trọng, yếu tố đó đóng vai trò mô tả hành vi của nhóm người hoặc tập thể người, như được minh họa qua “các hoạt động” và “tín ngưỡng”. Do đó, hiểu một cách khái quát, sự vật được nói là có giá trị văn hóa khi nó có đóng góp các yếu tố chia sẻ (ND nhấn mạnh) cho đời sống con người. Chẳng hạn, một tiểu thuyết hoặc một bài thơ có thể diễn tả điều gì đó về đời sống con người mà độc giả nhận ra và cảm thấy có liên quan; một công trình di sản có thể tiêu biểu cho điều gì đó về lịch sử hay truyền thống, nó kết nối một cộng đồng hay một xã hội lại với nhau; một ngôn ngữ chia sẻ (ND nhấn mạnh) là phương tiện để các thông điệp văn hóa được biểu đạt và truyền đi. Tất cả những ví dụ này cho thấy rằng khái niệm “văn hóa” đã tự mang trong mình nó khái niệm “giá trị văn hóa" rồi.

Chúng ta hãy giả định rằng giá trị văn hóa có thể đo lường được theo một đơn vị tính toán và có thể quy ra được thành tiền như trong đo lường giá trị kinh tế. Như vậy, một cá nhân hay một nhóm người có thể xác định giá trị văn hóa cho một món đồ nào đó, ví dụ, một tác phẩm nghệ thuật; những sự đánh giá như vậy được cho là sẽ khác nhau giữa những cá nhân khác nhau, giống như việc xác định giá trị kinh tế của bất kỳ món hàng nào (giá trị đó được xem là mức giá đáp ứng nhu cầu hay mức giá sẵn sàng thanh toán). Mặc dù có thể không có sự đồng thuận giữa các cá nhân về giá trị văn hóa của các món đồ cụ thể, nhưng có thể có đủ nhất trí trong những trường hợp đặc biệt để có thể nói về giá trị văn hóa “của xã hội”, liên quan đến các món đồ có ý nghĩa văn hóa nhằm mục đích, chẳng hạn, xếp hạng theo sự thẩm định của tập thể.

Giá trị văn hóa khác với giá trị kinh tế, mặc dù không phải là không có liên quan đến nhau. Chúng ta sẽ quay lại mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và giá trị kinh tế khi diễn giải về vốn văn hóa trong phần 4 dưới đây.

Chấp nhận những cách diễn giải trên đây, chúng ta có thể định nghĩa vốn văn hóa là một tài sản đóng góp vào giá trị văn hóa. Chính xác hơn, vốn văn hóa là vốn của giá trị văn hóa được kết tinh vào một tài sản (ND nhấn mạnh). Vốn này có thể quay vòng theo thời gian để gia tăng giá trị cho các sản phẩm và dịch vụ, nghĩa là cho hàng hóa, mà bản thân chúng có thể vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa. Tài sản này có thể tồn tại dưới dạng hữu hình hay vô hình (vật thể hay phi vật thể - ND). Tài sản vốn văn hóa hữu hình tồn tại dưới dạng nhà xưởng, công trình kiến trúc và địa danh có ý nghĩa văn hóa (thường được gọi là “di sản văn hóa”), và dưới dạng tác phẩm nghệ thuật và các đồ tạo tác (được xem là hàng tiêu dùng cá nhân) như tranh ảnh, đồ điêu khắc và đồ vật khác. Những tài sản này gia tăng giá trị cho những hàng hóa và dịch vụ được tiêu dùng cá nhân hay công cộng. Chúng được tiêu dùng ngay như là sản phẩm cuối cùng hay được sử dụng như là sản phẩm trung gian để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ tương lai, bao gồm cả (sản xuất ra) vốn văn hóa mới. Vốn văn hóa vô hình thì lại khác, chúng là tập hợp các ý tưởng, thói quen, niềm tin, truyền thống và giá trị để xác định và kết hợp một nhóm người nào đó lại với nhau. Tuy nhiên, nhóm người này chỉ có thể được xác định trong một không gian công cộng, cùng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật được xem như là các hàng hóa công cộng, ví dụ, văn chương và âm nhạc. Những tài sản văn hóa vô hình này cũng làm gia tăng giá trị cho các dịch vụ. Các dịch vụ này được tiêu dùng ngay như là hàng hóa tiêu dùng cá nhân hoặc đóng góp vào quá trình sản xuất ra sản phẩm văn hóa tương lai.

Để minh họa thêm các đặc trưng tài sản của vốn văn hóa, chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ về vốn văn hóa hữu hình và vô hình được rút ra từ nghệ thuật và di sản Tây Ban Nha. Bức tranh của Velasquez hay cung điện Alhambra ở Granada là vốn văn hóa hữu hình, thuộc về người Tây Ban Nha nói riêng và nhân loại nói chung. Cả hai đều cần được đầu tư về sức người và sức của để tạo dựng; cả hai đều tạo ra các dịch vụ có giá trị về văn hóa cũng như về kinh tế, nghĩa là, cả hai đều làm gia tăng giá trị khi là hàng công cộng dùng chung (ai cũng được dùng và phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn) và khi là hàng cá nhân dùng riêng (người ta phải trả tiền để được xem hay vào thăm); cả hai đều bị suy giảm giá trị văn hóa và kinh tế nếu chúng không nhận được các nguồn lực đóng góp để bảo dưỡng như là một tài sản vốn; và cả hai đều có một giá trị dôi dư khác, vì ngay cả khi chúng hoàn toàn bị phá hủy hay hư hỏng (một điều không dám nghĩ đến), chúng vẫn còn một số tàn tích.

Tương tự, vốn văn hóa vô hình cũng có thể được minh họa từ âm nhạc Tây Ban Nha. Các tác phẩm của Manuel de Falla cũng đã cần được đầu tư trong sáng tác và có thể bị suy giảm giá trị nếu không được biểu diễn (vì nếu không được biểu diễn thì ký ức tập thể về chúng sẽ mất đi). Các tác phẩm của Falla làm gia tăng giá trị văn hóa và kinh tế cho các dịch vụ; các dịch vụ này vừa có thể được bán như hàng tiêu dùng cá nhân (vé vào xem biểu diễn hay đĩa CD), vừa có thể được phục vụ như hàng tiêu dùng công cộng, vì các tác phẩm của Falla là tài sản vốn và có thể được sản xuất rất nhiều.

Các tài sản vốn như trong các ví dụ ở trên tạo ra các dịch vụ. Một số dịch vụ này lại được sử dụng để sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ khác, chẳng hạn, trong quảng cáo, du lịch, khuyến khích các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ sáng tác tác phẩm mới…

4. Vận dụng

Khái niệm vốn văn hóa như tôi đã đề xuất có thể được dùng trong phân tích kinh tế ra sao? Tôi sẽ thảo luận bốn ứng dụng, mặc dù chắc chắn là sẽ có nhiều ứng dụng hơn.

Thứ nhất, vốn văn hóa được xem như một hiện tượng kinh tế thì phải làm rõ mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và giá trị kinh tế, một vấn đề đã được nhắc đến ở phần trên. Theo như định nghĩa ở trên, hãy xem xét một vốn văn hóa hữu hình ví dụ, một công trình di sản. Tài sản này có thể có giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế này đơn giản là do sự tồn tại vật lý của nó như là một công trình, chưa cần kể đến giá trị văn hóa của nó. Nhưng giá trị kinh tế của tài sản này chắc chắn sẽ được tăng thêm, có khi là rất lớn, nhờ vào giá trị văn hóa của nó. Do đó, chúng ta có thể thấy một mối quan hệ nhân quả: giá trị văn hóa có thể làm tăng giá trị kinh tế. Cho nên các cá nhân có thể sẵn sàng trả tiền cho nội dung văn hóa đã được kết tinh trong tài sản này bằng cách đề nghị một mức giá cao hơn mức giá mà họ đã đề nghị cho riêng tài sản vật lý. Nói cách khác, một công trình di sản có thể kết tinh giá trị văn hóa “thuần túy” theo một mức giá đã được đề nghị từ trước, và cũng có một giá trị kinh tế như là một tài sản, bắt nguồn từ nội dung vật lý và văn hóa của nó. Các dạng khác của vốn văn hóa hữu hình có thể được hiểu tương tự, mặc dù ý nghĩa của các thành phần có thể khác nhau. Các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ chẳng hạn, có thể nhận được nhiều giá trị kinh tế từ nội dung văn hóa của chúng, vì giá trị vật lý thuần túy của chúng chắc chắn là không đáng kể.

Vốn văn hóa vô hình thì lại khác, nó có một quan hệ khác giữa giá trị văn hóa và giá trị kinh tế. Vốn âm nhạc và văn chương, vốn phong tục và tín ngưỡng, hay vốn ngôn ngữ có giá trị văn hóa rất lớn, nhưng không có giá trị kinh tế vì chúng không thể buôn bán như tài sản. Đúng hơn là, các loại vốn này làm gia tăng giá trị cho các dịch vụ, rồi các dịch vụ này mới tạo ra các giá trị về văn hóa và kinh tế. Chúng ta lại thấy một phần giá trị kinh tế của các dịch vụ này tồn tại dưới dạng vật lý hay cơ khí thuần túy của hàng hóa công cộng, vì các lý do kinh tế thuần túy - ví dụ, việc dạy ngoại ngữ, hay là việc sử dụng nhạc nền trong sảnh tiếp tân và trong thang máy của khách sạn. Nhưng chúng ta lại thấy giá trị kinh tế của các dịch vụ từ các tài sản văn hóa này chắc chắn sẽ được tăng lên, trong hầu hết các trường hợp, nhờ vào giá trị văn hóa của các tài sản văn hóa này.

Những suy xét này cho thấy rằng, vì giá trị văn hóa và giá trị kinh tế được xác định một cách độc lập nhưng giá trị này có ảnh hưởng đến giá trị kia, nên việc xếp hạng đánh giá các tài sản vốn văn hóa (hay dịch vụ mà chúng cung cấp) theo giá trị văn hóa và giá trị kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra các phẩm cấp đồng dạng nhưng dứt khoát là không đồng nhất. Nói cách khác, chắc chắn rằng có một mối quan hệ giữa giá trị văn hóa và giá trị kinh tế của vốn văn hóa, nhưng cũng chắc chắn rằng đây không phải là một mối quan hệ hoàn hảo (7).

Thứ hai, nếu vốn văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế như vậy thì đây là một cơ hội đầu tư. Các nhà kinh tế đã có nhiều tiến bộ trong việc mở rộng các mô hình kinh tế tân cổ điển ban đầu, các mô hình này đã xem vốn vật lý là biến số duy nhất. Giờ đây, không chỉ vốn con người còn được xem là quan trọng trong việc biến những thay đổi công nghệ thành một nguồn lực nội sinh trong các mô hình tăng trưởng, mà vốn tự nhiên cũng đã được thêm vào bức tranh kinh tế, giúp cải thiện khả năng mô tả và giải thích của các mô hình này. Một hàm sản xuất có kết hợp với vốn văn hóa (nếu vốn này đo lường được) sẽ cung cấp một hiểu biết sâu sắc về khả năng thay thế (nếu có) giữa những hình thức vốn khác nhau. Một hàm như vậy sẽ rất hữu ích khi xem xét giá trị kinh tế và giá trị văn hóa đóng góp thế nào vào việc gia tăng giá trị sản lượng, như đã được thảo luận ở trên. Thêm nữa, các đặc tính năng động của một mô hình như vậy có thể làm sáng tỏ thêm các phân tích của những năm gần đây trong nỗ lực đo lường sự đóng góp của văn hóa vào tăng trưởng kinh tế (8).

Ví dụ, giả định một nền kinh tế được thừa kế trong khoảng thời gian t một vốn văn hóa là. Vốn này sẽ bị sụt giá với một tỉ lệ là dt nếu không nhận được một khoản tiền đầu tư bảo dưỡng là. Vốn này lại có thể được tăng thêm theo một khoản đầu tư mới là. Như vậy chúng ta có:

 =  + (dt) + (1)

Sau đó biến số vốn này có thể được đưa vào một mô hình lớn hơn có miền giá trị bao gồm cả văn hóa và kinh tế, ở đó vốn văn hóa có thể song hành với các hình thức vốn khác trong hàm sản xuất, và như vậy, văn hóa sẽ được cạnh tranh sòng phẳng với các lĩnh vực khác trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Thứ ba, vốn văn hóa có thể đóng góp đáng kể cho hiểu biết của chúng ta về tính bền vững. Vốn văn hóa có thể được cho là có đóng góp không thua kém vốn tự nhiên vào sự phát triển bền vững. Ngày nay người ta hiểu rất rõ rằng hệ thống sinh thái tự nhiên là rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế thực, và sự thờ ơ đối với vốn tự nhiên qua việc lạm dụng các nguồn lực có thể bị cạn kiệt và khai thác không bền vững các nguồn vốn có thể tái tạo có thể làm cho những hệ thống này suy sụp, với hậu quả là sự mất mát về lợi ích và sản lượng kinh tế. Đối với vốn văn hóa cũng vậy. Càng ngày càng thấy rõ rằng “hệ sinh thái” văn hóa đang hỗ trợ cho các hoạt động của nền kinh tế thực, tác động đến cách thức mà người ta ứng xử và chọn lựa. Sự thờ ơ với vốn văn hóa qua việc để cho các di sản bị hủy hoại, bất lực trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa mang tính bản sắc, và không đầu tư thỏa đáng để bảo dưỡng và phát triển vốn văn hóa phi vật thể cũng sẽ làm cho hệ thống văn hóa suy sụp, với hậu quả là sự mất mát về lợi ích và sản lượng kinh tế (9).

Cuối cùng, nếu thật sự có tồn tại một hiện tượng khác lạ được gọi là vốn văn hóa, với một số đặc trưng tương tự như trong các hình thức vốn thông thường khác, thì có lẽ cũng nên áp dụng các kỹ thuật thẩm định đầu tư cho nó, như vẫn dùng cho các hình thức vốn khác, đó là lập ngân sách thu chi vốn và phân tích lợi ích - chi phí (CBA). Ví dụ, kỹ thuật CBA có thể được dùng để đánh giá các dự án khác nhau trong việc giữ gìn và bảo tồn di sản. Các đánh giá này có đặc điểm nổi bật là phải mang tính liên tục và phi thị trường, đo lường được cả số tiền mà người ta sẵn sàng bỏ ra để nhận được giá trị văn hóa, cũng như số tiền mà bản thân giá trị văn hóa sẽ nhận được từ các dự án khác nhau. Lựa chọn được một mức giá hợp lý luôn luôn là một vấn đề quan trọng.

5. Kết luận

Robert Solow, trong một bài tiểu luận rất đáng đọc, biến được những vấn đề kinh tế phức tạp trở nên đơn giản, đã nói: “Điều hạnh phúc nhất của tôi là có cơ hội được chuyển một lý thuyết kinh tế thú vị thành một nghiên cứu thực tiễn và vận dụng lý thuyết đó vào quá trình xây dựng chính sách” (Solow, 1994, tr. 21). Mặc dù tôi vẫn còn thắc mắc là không biết điều hạnh phúc nhất của tôi là gì, nhưng tôi cũng đồng cảm với ông. Đối với vốn văn hóa, nó có phải là một lý thuyết “thú vị” hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn rằng nó khơi gợi những nghiên cứu sâu thêm. Ở mức độ lý thuyết, sự kết hợp vốn văn hóa vào các mô hình kinh tế tiêu chuẩn dường như đặt ra những thách thức lý thú. Đặc biệt, cần nghiên cứu lý luận thêm về giá trị văn hóa; công trình của Clamer (1996) là một gợi ý hay về mô hình phát triển đa tuyến, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để tinh lọc các khái niệm được đề cập.

Vấn đề đo lường cũng đòi hỏi phải được nghiên cứu thêm. Nhiều chỉ số văn hóa đang được tiến hành nghiên cứu (UNESCO, 1998), một vài chỉ số chắc chắn là có liên quan đến việc đo lường vốn văn hóa và dịch vụ của vốn văn hóa. Tuy nhiên, cần phát minh ra các công cụ kế toán để chính thức đưa vốn văn hóa vào hệ thống tài khoản kế toán. Các thủ tục kế toán để tính toán nguồn vốn tự nhiên đã có một số tiến bộ (10), và chúng ta có thể học được điều gì đó từ những thủ tục này. Các nỗ lực để đưa các giá trị của vốn tự nhiên (và của dịch vụ mà vốn tự nhiên cung cấp) vào hệ thống tài khoản kế toán quốc qia đã cho thấy sự bất cập của hệ thống này trong việc nắm bắt đầy đủ các nguồn lực đang tác động đến nền kinh tế quốc gia. Vốn văn hóa cũng là một nguồn lực như vậy mà hệ thống kế toán chưa nắm bắt được.

Cuối cùng, vốn văn hóa có quan hệ với quá trình xây dựng chính sách văn hóa nên mối quan hệ này cũng cần được phân tích thêm. Chính sách văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng ở nhiều quốc gia, vượt qua chính sách nghệ thuật hay chính sách di sản để có thể bao quát các vấn đề rộng lớn hơn của phát triển văn hóa, và để bao quát vai trò của văn hóa trong chương trình nghị sự của quốc gia và quốc tế. Các nhà lập chính sách thường đề cập đến khái niệm giá trị văn hóa, nhưng không nói cụ thể nó được hiểu như thế nào và liên quan ra sao đến giá trị kinh tế. Khái niệm vốn văn hóa được định nghĩa rõ ràng, giá trị văn hóa và kinh tế của nó cũng được mô tả rõ ràng có thể hỗ trợ đắc lực cho quá trình xây dựng chính sách phát triển văn hóa, nhất là chính sách bảo tồn di sản./.

D.T

(Nguyễn Xuân Long dịch từ bản tiếng Anh trên Tạp chí Journal of Cultural Economics, số 23/1999. Hiệu đính: Nguyễn Kim Chi)

___________________________

* Phát biểu với tư cách là Chủ tịch ACEI tại hội nghị lần thứ 10 ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 15-06-1998. Tôi chân thành cảm ơn Gunther Schulze, Mark Schuster và Ruth Towse đã đọc trước và cho nhận xét.

** Giáo sư Kinh tế trường Đại học Macquarie, Sydney, Australia. Nguyên là Chủ tịch của ACEI (Association for Cultural Economics International).

1.   Bỏ qua vốn tài chính, nghĩa là các tài sản tài chính dưới những hình thức khác nhau vì nằm ngoài sự quan tâm hiện tại của chúng ta.

2.   Trong cách nói của đại chúng, từ “vốn” có thể có nghĩa hoàn toàn khác, ví dụ, một người yêu mến Barcelona có thể nói “vốn văn hóa Catalunya”.

3.   Muốn có một ví dụ minh họa được chọn ngẫu nhiên thì xem Borocz và Southworth (1996).

4.   Xem thêm Coleman (1988). Lưu ý là Coleman đã không tham khảo Bourdieu trong nghiên cứu này.

5.   Trong nghiên cứu của Berker (1996), ý tưởng về quan hệ xã hội, mạng xã hội… được phát triển từ vốn con người. Lại lưu ý rằng Berker đã không tham khảo Bourdieu trong nghiên cứu này, mặc dù người ta biết rằng ông và Bourdieu đã có thảo luận không chính thức về sự giống nhau giữa các khái niệm vốn con ngườivốn văn hóa.

6.   Berkes và Folke (1992) gọi Physical Capital là vốn “nhân tạo”.

7.   Chiều nhân quả mà tôi đề nghị là từ giá trị văn hóa đến giá trị kinh tế, nghĩa là giá trị văn hóa càng cao nói chung sẽ càng giúp nâng cao hơn giá trị kinh tế. Tuy nhiên, cần lưu ý là Weblen (1973) đã đề nghị khả năng ngược lại, nghĩa là một số người sẽ cho rằng giá trị văn hóa phụ thuộc vào giá cả, một mức giá cao hơn biểu hiện một giá trị cao hơn.

8.   Xem thêm Inglehart (1990), Casson (1993), Gray (1996).

9.   Về vấn đề bền vững trong văn hóa, xem thêm nghiên cứu của Throsby (1996).

10.   Xem thêm Costanza (1991, tr. 168-317) và báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (1994).

Tài liệu tham khảo

  1. Becker, Gary S. (1994) Human Capital. Columbia University Press, New York.
  2. Becker, Gary S. (1996) Accounting for Tastes. Harvard University Press, Cambridge.
  3. Berkes, Fikret and Folke, Carl (1992) “A Systems Perspective on the Interrelations Between Natural, Human-Made and Cultural Capital”, Ecological Economics 5: 1–8.
  4. Borocz, Jozsef and Southworth, Caleb (1996) “Decomposing the Intellectuals’ Class Power: Conversion of Cultural Capital to Income, Hungary, 1986”, Social Forces 74: 797–821.
  5. Bourdieu, Pierre (1986) “Forms of Capital”, in John G. Richardson (ed.), Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education, Greenwood, New York.
  6. Casson, Mark (1993) “Cultural Determinants of Economic Performance”, Journal of Comparative Economics 17: 418–442.
  7. Chiswick, Barry R. (1983) “The Earnings and Human Capital of American Jews”, Journal of Human Resources 18: 313–336.
  8. Coleman, James S. (1986) “Social Capital in the Creation of Human Capital”, American Journal of Sociology 94 (Supplement): S95–S120.
  9. Costanza, Robert (ed.) (1991) Ecological Economics: The Science and Management of Sustainabil-ity, Columbia University Press, New York.
  10. Costanza, Robert et al. (1991) “Goals, Agenda, and Policy Recommendations for Ecological Economics”, in Constanza (1991).
  11. Costanza, Robert and Daly, Herman E. (1992) “Natural Capital and Sustainable Development”, Conservation Biology 6: 37–46. Reprinted in Robert Costanza (ed.) (1997) Frontiers in Ecological Economics. Edward Elgar, Cheltenham.
  12. El Serafy, Salah (1991) “The Environment as Capital”, in Costanza (1991).
  13. Gray, H. Peter (1996) “Culture and Economic Performance: Policy as an Intervening Variable”, Journal of Comparative Economics 23: 278–291.
  14. Hicks, John (1974) “Capital Controversies: Ancient and Modern”, American Economic Review 64: 301–316.
  15. Inglehart, Ronald (1990) Culture Shift in Advanced Industrial Society, Princeton University Press, Princeton.
  16. Jansson, Ann Mari et al. (eds) (1994) Investing in Natural Capital: The Ecological Economics Approach to Sustainability, Island Press, Washington D.C.
  17. Klamer, Arjo (ed.) (1996) The Value of Culture: On the Relationship Between Economics and the Arts, Amsterdam University Press, Amsterdam.
  18. Mahar, Cheleen et al. (1990) “The Basic Theoretical Position”, in Richard Harker et al. (eds), An Introduction to the Work of Pierre Bourdieu: The Practice of Theory, Macmillan, London.
  19. National Research Council (1994) Assigning Economic Value to Natural Resources, National Academy Press, Washington, D.C.
  20. Robbins, Derek (1991) The Work of Pierre Bourdieu: Recognizing Society, Open University Press, Milton Keynes.
  21. Solow, Robert (1994) “An Almost Practical Step Towards Sustainability”, in National Research Council (1994).
  22. Throsby, David (1995) “Culture, Economics and Sustainability”, Journal of Cultural Economics 19: 199–206.
  23. Throsby, David (1997) “Sustainability and Culture: Some Theoretical Issues”, International Journal of Cultural Policy 4: 7–20.
  24. UNESCO (1998) World Culture Report, UNESCO, Paris.
  25. Veblen, Thorstein (1973) The Theory of the Leisure Class, Houghton Mifflin, Boston.
  26. Woodbury, Stephen A. (1993) “Culture and Human Capital: Theory and Evidence or Theory ver-sus Evidence”, in William Darity Jr. (ed.), Labour Economics: Problems in Analyzing Labor Markets, Kluwer Academic Publishers, Boston, pp. 239–267.
  27. World Commission on Culture and Development (1995) Our Creative Diversity, UNESCO, Paris.
  28. Zweigenhaft, Richard, L. (1993) “Prep School and Public School Graduates of Harvard: A Longitudinal Study of the Accumulation of Social and Cultural Capital”, Journal of Higher Education 64: 211–
  29. Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 3 - 2012
 

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2012
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 1.771 lượt xem
Hội đồng biên tập
10/11/2021 1.394 lượt xem
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 1.091 lượt xem