Nghệ thuật và ma lực: một lý thuyết nhân học

Ngày đăng: 07/10/2024 Lượt xem: 37
Mặc định Cỡ chữ

 

NghÖ thuËt vµ ma lùc:

Mét lý thuyÕt nh©n häc

GS.TS. Nguyễn Thị Hiền*

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

Đây là một lý thuyết có ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu nhân học nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng của nhà nhân học Anh, giáo sư Alfred (Antony Francis) *Gell (1945-1997), trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics). Ông là một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của thế kỷ XX về nhân học nghệ thuật, đóng góp những quan điểm, học thuật mang tính lý thuyết cho liên ngành nghệ thuật, ngôn ngữ, biểu tượng, tôn giáo, nghi lễ. Công trình tiêu biểu nhất của ông Art and Agency: An Anthrological Theory (Nghệ thuật và ma lực (1): Một lý thuyết nhân học) in năm 1998 sau khi ông qua đời. Trong cuốn sách này, Alfred Gell đã phát triển một lý thuyết có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành nhân học dựa vào những quy kết cho con người, thần thánh, hiện vật có ma lực.

Vấn đề về mối quan hệ giữa ma thuật và công nghệ đã được Gell đề cập đến trong những công trình đầu tiên của mình, cụ thể trong bài Ma thuật  (2) và công nghệ (Magic and Technology) (1988). Gell miêu tả ma thuật như là một phương tiện nghệ thuật hấp dẫn các vị thần thánh vào những ước nguyện của con người. Gell nhấn mạnh vào cái đẹp hay tính nghệ thuật của nghi lễ như là chiếc chìa khóa của những tác động ma thuật, khả năng nắm bắt sự chú ý và mối quan tâm của các vị thần thánh.

Trên quan điểm học thuật về ma thuật và nghệ thuật này, chúng ta có thể đưa ra một số ví dụ về cái đẹp trong những thực hành thờ cúng, nghi lễ ở Việt Nam. Những đồ cúng và những điện thờ đẹp, trang hoàng lộng lẫy, theo quan điểm của Gell có thể "thu hút các vị thần thánh giáng thế và ban lộc". Nghề làm thủ công chế tác các hiện vật thiêng đi kèm với nó là những nghi lễ cũng là một phần của thực hành ma thuật. Các bức tượng trong các điện thờ càng linh thiêng vì những người tạc tượng biết làm những nghi lễ phải đạo trước khi xẻ gỗ và họ cũng là những người có đôi bàn tay khéo léo và khối óc tài năng tạc nên những bức tượng đẹp, sinh động. Chúng ta có thể thấy cái đẹp được chú trọng không chỉ trong nghề làm tượng thờ, mà còn trong việc viết các câu chú trong những lá bùa; những lọ hoa, mâm đồ cúng được trang trí rất đẹp trong nghi lễ lên đồng; những mâm cỗ, đồ trang trí bằng giấy màu sặc sỡ và những hành động bắt chước đoàn âm binh trong nghi lễ Then của người Tày, hay những cây hoa trang trí lộng lẫy trong nghi lễ dân gian của người Thái. Tất cả những hiện vật, đồ thờ cúng, trang trí, những nghi lễ hướng đến cái đẹp, mang tính thẩm mỹ này xuất phát từ ý tưởng cho rằng ma thuật, tín ngưỡng như là "công nghệ, kỹ thuật để thu hút và nắm bắt quyền năng của thần thánh".

 Trong phần cuối bài viết Ma thuật và Công nghệ, Gell nói đến tính ma thuật của quảng cáo hàng hóa hiện đại theo những nguyên lý tương tự, không phải thu hút các vị thần thánh mà thu hút chính chúng ta. Một quảng cáo hấp dẫn, ví dụ một chai bia gợi lên lòng mong muốn uống bia ở người xem quảng cáo. Bạn nhìn thấy những con người hấp dẫn đứng cạnh một chiếc xe ô tô đời mới, có thể bạn cũng có niềm ao ước sở hữu chiếc xe. Như vậy nghệ thuật của ngành quảng cáo gợi nên lòng ham thích và khiến bạn muốn loại bia và chiếc xe ô tô đó. Theo quan điểm của Gell, đây là một hấp lực, thậm chí mang tính ma thuật, hấp dẫn chính chúng ta.

Trong công trình nổi tiếng nhất Art and Agency: An Anthrological Theory (Nghệ thuật và ma lực: Một lý thuyết nhân học) (1998), Alfred Gell phát triển ý tưởng ngụ ý trong phân tích của ông về ma lực trong công nghiệp quảng cáo, cho rằng các hiện vật, đồ vật có hấp lực giống như các công cụ ma thuật. Gell phê bình và chỉ ra những điều còn chưa làm được của nhân học nghệ thuật nghiên cứu các thể loại, môtíp, những ý tưởng nghệ thuật và những khuôn mẫu của cái đẹp của các tộc người bản địa. Theo Gell, nghiên cứu nghệ thuật trong các nền văn hóa không phải phương Tây chưa bao giờ nói rõ với chúng ta vì sao cái đẹp, nghệ thuật lại được sáng tạo ra. Ông đề xuất rằng những tình huống giống như nghệ thuật có thể phân biệt là những tình huống mà trong đó những “chỉ báo” (index) vật thể (những cái nhìn thấy được) cho phép con người có những hoạt động nhận thức đặc biệt mà ông gọi là quy kết hay gán ghép ma lực (abduction of agency) (1998, tr. 3-5).

Alfred Gell sử dụng khái niệm chỉ báo có nguồn gốc từ ký hiệu học, một ngành học nghiên cứu về các ký hiệu và các biểu tượng và mối quan hệ giữa ký hiệu và biểu tượng. Trong ký hiệu học, chỉ báo là một ký hiệu vật thể (đồ vật, ký hiệu, biểu tượng) mà từ đó người quan sát có thể suy đoán nguyên nhân của một cái gì đó. Chẳng hạn, khi bạn nhìn thấy khói, bạn suy ra có lửa. Khói là một chỉ báo nhìn thấy được của lửa. Trong nghiên cứu về lôgíc và ký hiệu học, kiểu suy luận này gọi là “quy kết”. Khái niệm “quy kết” là một kiểu suy luận mà theo đó người ta suy luận với một sự giải thích phù hợp nhất có thể. Nói cách khác, nguyên nhân gây ra sự việc được nhận ra theo kiểu bị quy kết, nhưng không phải bằng suy luận hay suy đoán một cách có chứng cứ, hay có thể chứng minh được. Gell đưa ra một loại chỉ báo có thể nhìn thấy được liên quan đến lý thuyết của ông là những chỉ báo cho phép quy kết có “ma lực” và cụ thể là “ma lực xã hội”. Những chỉ báo này được nhìn nhận như là kết quả, hay là công cụ của ma lực xã hội. Nói một cách khác, có lửa quy cho là gây nên khói, những hiện vật và những vị thần thánh hay quyền năng bị quy cho là gây nên những sự việc, hậu quả (1998, tr. 7-10).

Quy kết như là một quá trình được coi là một hoạt động chung của lôgíc, một cái gì đó mà ai cũng có thể suy ra được. Ví dụ, khi đang cần tài liệu gấp mà lại có trục trặc về máy tính, bạn có thể tức mình mà nói rằng “máy tính của tôi thật là bất thường, như là có ma”. Theo Gell, con người và đồ vật được nhìn nhận như là những nguyên nhân của một cái gì đó thì coi là có ma lực. Nói một cách khác, những đồ vật (hay thần thánh và những quyền năng) bị quy kết có ma lực, thì chúng được cho là gây nên các sự việc. Đối với nhà nhân học, vấn đề về ma lực không mang tính duy lý, quy kết ma lực cho con người, đồ vật, thần thánh không phải do suy luận nhận thức. Nhiệm vụ của nhà nhân học miêu tả cơ sở của nhận thức và xã hội mà theo đó có nhiều người quy kết tượng thánh, hiện vật thiêng, hay thậm chí máy vi tính có ma lực. Như vậy, theo lược đồ của Gell, ý tưởng về ma lực được xác định là một khung văn hóa, xã hội để suy nghĩ về nguyên nhân, gán cho các sự việc diễn ra tốt hay xấu (1998, tr. 8). Về điều này, có thể lấy rất nhiều ví dụ ở Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ chống mê tín dị đoan vài thập niên trước, những người tham gia phá đình, đền, chùa, vứt tượng thờ xuống sông, ao hồ, hoặc mang đồ của các cơ sở thờ tự về nhà thì thường có nhiều câu chuyện thêu dệt về sự trừng phạt, bị tai nạn, bị ốm, gia đình bị lụn bại, hay con cái hư hỏng.

Dưới góc độ nhân học, theo quan điểm của Gell, nguyên nhân gây ra những tai họa, rủi ro, hay cái chết đã bị quy kết cho những hành động phạm thượng, báng bổ thần thánh, hay nói một cách khác là có ma lực. Như là một cách suy luận xã hội và văn hóa, những bức tượng thánh, những hiện vật, không gian thiêng đã gây ra những sự việc này. Giống như các nhà nhân học xã hội và văn hóa khác như Malinowski [1925 (1954)] và Tambiah (1990) nghiên cứu về ma thuật và khoa học, Gell cũng nhấn mạnh rằng ma lực bị quy kết là một hành động của tư duy, suy luận mà có thể nghiên cứu tách riêng khỏi lối lập luận và suy diễn của quy luật tự nhiên và của các ngành khoa học thực nghiệm. Trong nhân học tôn giáo và tín ngưỡng, các học giả tiếp cận các vấn đề thực hành tâm linh của cá nhân, nhóm người hay cộng đồng từ những lý giải và trải nghiệm của đối tượng nghiên cứu, không phải là sự áp đặt những ý nghĩ chủ quan của nhà nghiên cứu. Và vì vậy, những câu hỏi hay những thắc mắc liên quan đến những vấn đề tâm linh, đến niềm tin, như liệu chúng ta, hay liệu các nhà nhân học có tin hay không tin vào nguyên nhân diễn ra của các sự việc bị quy kết là có ma lực thì không quan trọng. Nhiệm vụ của các nhà nhân học là nghiên cứu, phân tích, mô tả về mặt xã hội, văn hóa của những nguyên nhân được đưa ra từ đối tượng nghiên cứu. Ở một số quốc gia, dân tộc, hay trong số các cá nhân, nhóm người, cộng đồng, những nguyên nhân, hậu quả bị quy kết là có ma lực không phải được tất cả chấp nhận, đồng tình. Những quan điểm trái chiều cho rằng bức tượng hay hiện vật thiêng bị quy cho là có ma lực là những điều mê tín dị đoan, nhảm nhí, cần phải loại bỏ. Nhiệm vụ của các nhà nhân học là quan sát, tìm hiểu, thu thập những thông tin đa chiều, đôi khi là trái ngược nhau để làm cơ sở phân tích, đối chiếu, nghiên cứu.  

Bằng cách đặt ma lực của các hiện vật trong mối quan hệ giữa người và hiện vật, Gell đề xuất việc nghiên cứu ma thuật và hiện vật. Những hiện vật thiêng được làm theo đúng kiểu, được giữ gìn, bảo quản, và sử dụng đúng mục đích có thể được nhìn nhận như là những vấn đề của mối quan hệ giữa người và hiện vật từ góc độ đạo đức, nguyên tắc xử thế, nghi thức. Những phép tắc này điều phối các mối tương quan khác nhau trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Những câu hỏi về điều gì xảy ra, có hậu quả gì khi các hiện vật thiêng bị sử dụng không đúng, thiếu tôn trọng có thể được tiếp cận từ quan điểm của các mối quan hệ con người với hiện vật, các mối quan hệ được chế ngự bởi nguyên tắc xử thế đúng đắn. Từ cách nhìn nhận này, chúng ta có thể nhìn nhận hậu quả của việc ăn trộm các hiện vật thiêng ở các ngôi đền và ở các cộng đồng bản địa. Đó là những câu chuyện đã từng xảy ra ở Việt Nam và ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Công trình Nghệ thuật và ma lực giúp chúng ta nhìn nhận vào mối quan hệ tương tác giữa con người và thần thánh, mà hiện vật đôi khi làm trung gian cho những mối tương tác này, đồng thời công trình cũng gợi cho chúng ta hiểu rằng hiện vật đôi khi có "ma lực" tác động đến con người. Gell miêu tả ma lực của một sự kiện nổi tiếng diễn ra vào những năm đầu của thế kỷ XX. Một người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử tên là Slasher Mary rất phẫn nộ vì chuyện bà Emmeline Pankhurst, một nhà lãnh đạo phong trào bình quyền bị giam cầm và bị đối xử tồi tệ. Marry đã đâm bức tượng Thần Vệ nữ của Velazquez trong Nhà Trưng bày Chân dung Quốc gia ở vương quốc Anh. Slasher Mary nói rằng cô phá bức tranh của người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử huyền thoại như là cách chống lại chính phủ đã hủy hoại bà Pankhurst, một tạo vật đẹp nhất trong lịch sử hiện đại. Theo sự giải thích của Gell, bức tranh Thần Vệ nữ đã khêu gợi Slasher Mary, có một ma lực tác động vào cô theo một cách tiêu cực, khiến cô rút dao ra rạch nát bức tranh.  

Quan điểm ma lực của Gell dẫn đến một cách hiểu về nhân học tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ. Quay lại những ví dụ về việc phá đình, đền, chùa, những hiện vật thiêng đã gợi ra việc bài trừ thánh thượng, xé nát và phá hủy những tranh, tượng thánh. Những người tham gia vào việc đập nát, đốt, ném những bức tượng xuống hồ, ao, sông có thể tin rằng những hiện vật thiêng đó là kết quả của những điều mê tín dị đoan. Giống như những tín đồ cuồng tín, họ bị ma lực của các bức tượng, hiện vật thiêng tác động một cách tiêu cực dẫn đến những hành động phá hủy chúng. /.

N.T.H

_________________________

* Tác giả chân thành cám ơn TS. Laurel Kendall, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (thành phố New York) đã giới thiệu lý thuyết của Alfred Gell trong các bài giảng của tiến sĩ tại seminar về nhân học tôn giáo tín ngưỡng và nghi lễ do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ở Hà Nội vào tháng 10-2007.

1. Một trong những nghĩa của từ tiếng Anh “agency” là “lực”. Thuật ngữ và khái niệm “agency” trong công trình của Alfred Gell tạm dịch là “hấp lực”, hoặc “ma lực”.

2. Từ tiếng Anh “magic” có thể dịch ra tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau như “ma thuật”, “yêu thuật”, “phép kỳ diệu”, “phép thần thông”, “yêu thuật”, “ảo thuật”. Trong bài viết này tôi dùng từ “ma thuật” để chỉ những hành động, thực hành tín ngưỡng mang tính chất màu nhiệm, thần kỳ, phép màu, kể cả cầu cúng, hầu đồng, xem bói, làm bùa…

Tài liệu tham khảo

1. Alfred Gell, “Technology and Magic” (Công nghệ và ma thuật). Anthropology Today, Vol. 4, No. 2, 1988, tr. 6-9.

2. Alfred Gell, 1992a, "The Technology of Enchantment and the Enchantment of Technology" (Công nghệ của bùa mê và bùa mê của công nghệ), trong sách Anthropology, Art and Aesthetics (Nhân học, nghệ thuật và thẩm mỹ), J. Coote và A. Shelton chủ biên, Oxford: Clarendon, tr. 40–66.

3. Alfred Gell, 1992b, The Anthropology of Time: Cultural Constructions of Temporal Maps and Images (Nhân học thời gian: Kiến tạo văn hóa về bản đồ và hình ảnh thời gian), Oxford: Berg.

4. Alfred Gell, Art and Agency: An Anthropological Theory (Nghệ thuật và ma lực: Một lý thuyết nhân học), Oxford: Clarendon, 1998.

5. Bronislaw Malinowski, 1954 (1925). “Magic, science and religion” (Ma thuật, khoa học và tôn giáo), in trong Magic, Science and Religion and Other Essays (Ma thuật, khoa học và tôn giáo và các bài viết khác). Garden city, N.Y.: Doubleday Anchor, tr. 17 - 92. Bản dịch của Dương Bích Hạnh in trong sách Nhân học tôn giáo. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 147-212.

6. Stanley Jeyaraja Tambiah, Magic, Science, Religion and the Scope of Rationality (Ma thuật, khoa học, tôn giáo và phạm vi duy lý). Cambridge: Cambridge University Press, 1990.

Nguồn: Tạp chí 3 (7) - 2013

 

 

 

 

GS.TS. Nguyễn Thị Hiền

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2013
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 1.960 lượt xem
Hội đồng biên tập
10/11/2021 1.521 lượt xem
Nghiên cứu văn hóa hôm nay
15/03/2024 1.511 lượt xem
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 1.458 lượt xem