Danh nhân Nguyễn Nghiễm: Sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp và trước tác hiện tồn

Ngày đăng: 15/04/2024 Lượt xem: 30
Mặc định Cỡ chữ

 

DANH NHÂN NGUYỄN NGHIỄM:

SƠ LƯỢC VỀ CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP  VÀ TRƯỚC TÁC HIỆN TỒN

                                                                                                            

Vâ Vinh Quang

Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế.

 

1. Đặt vấn đề

Phú Xuân là vùng đất, gắn liền một giai đoạn, thời kỳ đặc biệt quan trọng trong lịch sử và văn hóa Huế một thời với thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, với nhiều sự biến, như sự kiện thời kỳ chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1774-1775). Nhắc đến giai đoạn này, hầu như ai cũng nghĩ đến tác phẩm Phủ Biên tạp lục nổi tiếng của cụ Lê Quế Đường (Lê Quý Đôn) vào năm Bính Thân (1776) - kết quả của giai đoạn ông giữ chức Hiệp Trấn Tham tán quân cơ, sau khi theo quân Trịnh vào Thuận Hóa.

Cho nên, từ kết quả thực địa tận làng xã, gia tộc, cho đến công tác thư tịch trong các thư viện gia đình, làng xã, chốn tự miếu hay tận lưu trữ quốc gia…, chúng tôi rất bất ngờ về sự nghiệp cũng như trước tác đồ sộ, quí giá của các nhân vật lịch sử đương thời, như Thạch Động Phạm Nguyễn Du, Đặng Trọng An, Lê Đản (1) và đặc biệt chúng tôi muốn đề cập đến ở đây là nhân vật lịch sử Nguyễn Nghiễm - thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du.

2. Danh nhân Nguyễn Nghiễm: vài nét về cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Nghiễm, thuở nhỏ húy Thiều, tự là Hy Tư, hiệu Nghị Hiên, sinh ngày 14 tháng giêng [nhuận] năm Mậu Tý, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1708), mất vào cuối đông [ngày 17 tháng 11] năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (khoảng đầu năm 1776). Ông là nhân vật có tên tuổi lớn của vùng đất Nghi Xuân nói riêng, cũng như cả vùng văn hóa xứ Nghệ nói chung.

Là người thiên tư mẫn tiệp, Nguyễn Nghiễm đã sớm thành công trên bước đường ứng thí, khoa hoạn. Từ sau khi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhị danh (Hoàng giáp) khoa thi Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) triều Lê đế Duy Phường lúc 24 tuổi (2), ông đã trải thăng rất nhiều chức vụ trong triều ngoài trấn, là bậc công thần danh vọng, trọng thần then chốt của triều đình vua Lê chúa Trịnh hơn 4 thập niên [từ những năm 1730 - giữa thập niên 1770] như Tế tửu Quốc tử giám, Thượng thư các bộ, Nhập thị Tham tụng (3) trong phủ Chúa (có thể tạm hiểu ngang bằng với chức Tể tướng), Tổng tài Quốc Sử quán kiêm Tri Quốc tử giám, Nhập thị Kinh diên (4), được vinh phong chức Đại tư đồ, tước Xuân quận công

Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Nghiễm lúc làm quan văn, lúc làm tướng võ. Đặc biệt, là người văn võ song toàn, dù ở vị trí nào, ông cũng làm hết mình và đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia dân tộc. Bởi vậy, ông rất được trọng vọng trong triều, trải thăng tột đỉnh chức vụ, công nghiệp hiển hách bậc nhất đương thời. Cuối năm Tân Mão (1771), sau khi chuẩn cho trí sĩ, Xuân Quận công được thăng Đại Tư đồ (5). Khi qua đời, được vua ban thụy Trung Cần, bao phong Trung đẳng Phúc thần để tỏ lòng yêu mến công lao, đức độ của vị Tể tướng mẫn tiệp.

Nguyễn Nghiễm có sự nghiệp lừng lẫy đương thời. Từ khi vào chốn triều ca, ông đã dấn thân trên tất cả mọi biến cố của thời cuộc. Từ những năm đầu cho đến nửa cuối thế kỷ XVIII, đất nước Đại Việt trải qua bao biến động to lớn, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, trong triều bao phen khủng hoảng, gian thần lộng quyền, thay vua đổi chúa (6), rồi sự khủng hoảng, đi xuống của khoa cử giáo dục, tệ mua quan bán chức diễn ra nhiều nơi… Tuy nhiên, bằng tài năng đức độ, sự thông minh sáng suốt, trí tuệ uyên bác, Nguyễn Nghiễm đã góp phần không nhỏ cho sự ổn định, yên bình ở trong triều, ngoài trấn. Không những võ công của ông có nhiều thành tựu, mà sự nghiệp văn học, trước thuật cũng rất đáng được lưu tâm.

Trước hết, phải khẳng định rằng những thành công to lớn trong cuộc đời Nguyễn Nghiễm gắn liền chặt chẽ với võ nghiệp rạng rỡ. Sau khi bước vào hoạn lộ, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Không kể những năm đầu làm quan (7), năm 1739, Nguyễn Nghiễm đã chính thức tham gia chinh chiến ở khắp nơi, đảm nhiệm các chức Hiệp đồng, Đốc suất, Tán Lý đi đánh dẹp ở Thanh Hoa (tức Thanh Hóa), Hải Dương, Sơn Nam…

Mùa xuân tháng 3 năm Tân Dậu (1741), vua lấy việc có quân công trong các chiến trận khắp nơi trước đó, thăng Tham chính xứ Sơn Nam, rồi được đổi trao chức Quốc Tử Giám Tế tửu [Tòng tứ phẩm]. Mùa thu, tháng 7 [Tân Dậu, 1741], phụng sai làm Tham chính đạo Khang Chính kiêm Đốc đồng xứ Thanh Hoa (8).

Năm Quý Hợi (1743), ông được thăng làm Thừa chỉ viện Hàn Lâm, tước Xuân Lĩnh bá. Năm Bính Dần (1746), nhờ có công lao, được phong làm Hữu thị lang bộ Công, thăng lên tước hầu và được đặc cách dự chức Bồi tụng trong tướng phủ.

Mùa hạ, tháng 5 năm Đinh Mão (1747), Nguyễn Nghiễm được chuyển sai làm Hộ bộ Hữu thị lang; và chuẩn giữ chức Binh bộ Hữu thị lang.

Năm Mậu Thìn (1748), Nguyễn Nghiễm được làm Tán lý quân vụ, quản cơ Trấn nội, vào Nghệ An đánh dẹp. Thắng trận trở về, ông được thăng Hữu thị lang bộ Hình. Ít lâu sau, lại ra, được sai làm Hiệp đồng đến đánh thành lũy quân nổi dậy ở vùng núi rừng Thanh Hoa.

Đầu năm Canh Ngọ (1750), vì để thất thủ Thanh Hoa, ông bị giáng làm Đại học sĩ Đông Các. Mùa đông, tháng 11, Minh Vương [Trịnh Doanh] tây chinh, ông được đặc sai Tán Lý quân vụ, hiệp cùng quyền Tri quân vụ Việp quận công hộ giá tiến đánh dẹp trước vào đại đồn Úc Kỳ (郁岐).

Mùa xuân, tháng 2 năm Tân Mùi (1751) tiến phá Ngọc Bội, cuối cùng bắt được giặc Ngũ [tức Nguyễn Danh Phương], được thưởng hai lá ngân bài. Tiếp đó, ông được sai giữ chức Tán lý các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa hiệp với Thống lĩnh Thái tể Vực quận công (Đàm Xuân Vực), trù hoạch công việc, kế sách chiêu hàng, thảo phạt.

Mùa đông, tháng 10 (Tân Mùi, 1751), Nguyễn Nghiễm được phụng sai hiệp cùng Trấn thủ xứ Sơn Tây - Đốc lĩnh Đoan Nghiêm hầu tiến đánh bọn nghịch Tương; triều đình phụng nghị bàn việc bình Tây, có quân công, ông được thăng Ngự sử đài Kiêm Đô Ngự sử... Nhờ có công lao, ông được thăng làm Thiêm đô ngự sử.

Đầu năm Nhâm Thân (1752), ông được lệnh ra 4 đạo Sơn Tây, Hưng Hóa đánh hoàng thân Lê Duy Mật. Thắng trận trở về, ông được phục chức. Năm sau (Quý Dậu - 1753), ông lại có công trận, được thăng làm Phó đô ngự sử; cuối năm, được chúa Trịnh Doanh giao làm Đốc lĩnh ở Thanh Hoa để dẹp các lực lượng nổi dậy trong vùng núi. Ông tiến quân đến nơi, các lực lượng nổi dậy không chống nổi, bỏ chạy sang Ai Lao. Ông chia quân tiến vào Ai Lao nhưng quân khởi nghĩa đã chạy xa, nên mang quân trở về.

Tháng 3 năm Giáp Tuất (1754), ông cùng quan lại sở tại hồi kinh, được làm Khâm sai Giám thí trường thi Hội (9).

Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754), Minh vương đi xem xét dân gian, phong tục, ông phụng chuẩn theo hộ giá; đến tháng 11, lại được khâm phụng giám thí trường Bác Cử, phụng cùng quan binh hộ giá vua; tháng 12, phụng khảo trận pháp ở sông Nhĩ Hà (10), được ban thưởng 20 lạng bạc.

Mùa xuân tháng 2 năm Ất Hợi (1755), phụng chuẩn hỗ tòng Minh vương tới làm lễ ở Sài Sơn (11); tháng 5, được phụng sai giữ chức Hiệp Trấn Thủ xứ Nghệ An kiêm châu Bố Chính.

Tháng 10 năm Đinh Sửu (1757), Nguyễn Nghiễm được phụng chuẩn ân huệ thăng lên Hữu thị lang bộ Hình.

Trong hai năm Mậu Dần (1758), Kỷ Mão (1759), ông phụng chuẩn làm Quốc sử Tổng tài kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, kiêm chức quản Thị Hầu Kính Tả đội.

Mùa xuân năm Canh Thìn (1760), ông được thăng lên Lễ bộ Hữu Thị Lang. Mùa đông, tháng 12, ông cùng quan Văn vào Nội Các ứng tác chủ đề Quan phu tử phú (dụng liên - châu cách) (12).

Tháng 3 năm Tân Tỵ (1761), phụng bàn luận về việc đánh sơn tặc, ông có quân công, được thăng lên chức Ngự sử đài Đô Ngự Sử; tháng 7, ông lại được thăng Công bộ Thượng thư (tòng nhị phẩm), phụng chuẩn Nhập Thị Tham Tụng.

Mùa xuân, tháng giêng năm Đinh Hợi (1767), Minh vương qua đời, ông phụng chuẩn chức hành Lễ bộ Thượng thư kiêm Tri Trung Thư giám.

Mùa hạ, tháng 5, ông làm Khâm sai mang kim sách ngọc tỉ (金册玉璽) tiến phong Tiết chế Tĩnh quốc công làm Nguyên soái Tổng quốc chính Tĩnh Đô vương (lời văn trong kim sách do ông soạn).

Ngày mồng 1 tháng 6 năm Đinh Hợi (1767), ông phụng chuẩn Nhập thị Tham tụng như cũ, rồi được thăng Thái tử Thiếu Phó, ban tước Xuân quận công.

Lúc này, quân nổi dậy Trấn Ninh đi cướp bóc các huyện Hương Sơn, Thanh Chương, tướng giữ đồn Hà Lãm bị thua chạy. Tin biên phòng luôn cấp báo, Chúa đặc mệnh cho ông làm Thủ tướng (首將) ra đạo Nghệ An, với chức Hiệp Đốc suất Trung Thắng quân doanh cùng trấn tướng Đoan quận công (Bùi Thế Đạt) đôn đốc quân binh tiến đánh, tuyên bảo rõ quân lệnh bình Tây cho tướng sĩ, đồng thời xem xét địa thế, tình hình biên cương Nam Hà, phân chia, thiết lập đồn phòng thủ. Quân tới Hương Sơn, giặc Cừ nghe uy phong đã trốn chạy, quan quân bắt được ngụy quận công tên là Côn, giam giải về kinh đô; địa phương từ đó yên ổn.

Tháng 7 năm Đinh Hợi (1767), ông được phụng thăng Thái tử Thiếu Bảo; tháng 9 nhuận, phụng chuẩn Tri Quốc Tử Giám đôn đốc các quan Tế Tửu, Tư Nghiệp hàng ngày tới nhà Thái Học, hội hợp các sinh đồ để giảng kinh sử, lấy các ngày sóc, vọng làm khóa tập, lấy các “tứ trọng” (15-2, 15-5, 15-8,15-11 âm lịch) làm ngày khảo thí. Người đỗ cao [trong kì khảo thí] thì được vinh danh, phong cho các chức quan. Nho phong từ đó được hưng khởi.

Mùa thu, tháng 8 năm Kỷ Sửu [1769], ông làm Khâm sai cùng Bồi tụng Lại bộ Thượng thư Thuỵ Trạch hầu (13) mang Kim sách Ngọc tỉ truy phong Tĩnh Đô vương là Đại nguyên soái Sư thượng Tĩnh vương.

Mùa hạ, tháng 5 năm Canh Dần (1770), ông chuẩn giữ chức Tri Đông Các; tháng 10, được phụng chuẩn huệ thăng Thái Phó (chánh nhất phẩm); tháng 12, Tĩnh vương đi Tây tuần Thanh Hoa, ông phụng cùng với quan binh theo hỗ tòng, được thăng Thái Tể (hàm trên nhất phẩm) rồi tiếp tục được phụng chuẩn huệ thăng Đại Tư Không.

Mùa đông, tháng 10, năm Tân Mão (1771), sau 10 năm làm tể tướng, ông thỉnh xin đặt cách cho hồi hương trí sĩ (Tiên Điền), được thăng Đại tư đồ; nhưng chỉ được 3 tháng, đến đầu năm Nhâm Thìn (1772), chúa Trịnh Sâm lại mời ông ra giữ chức Tham Tụng như cũ, và đổi sang làm Thượng thư bộ Hộ.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của Xuân quận công, có một số chi tiết đặc biệt quan trọng gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc.

Trước hết, ông được xác định là ông tổ của “Dịch pháp” [phép chạy trạm, tức ông tổ nghề bưu điện]. Sử sách ghi nhận rằng mùa đông, tháng 10 năm Nhâm Thìn Cảnh Hưng thứ 33 (1772), Hộ bộ Tả thị lang là Thái Đình bá (Võ Trần Thiệu) phụng lệnh từ biên giới quay về, trình báo thổ dân Lạng Sơn nhiễu nhương, phiền loạn, Nguyễn Nghiễm khải xin thực hiện phép chạy trạm, phụng chuẩn thi hành (phương pháp ấy là: từ Nghệ An - Thanh Hoa - Sơn Nam đến Kinh Bắc, mỗi trạm đầy đủ 18 tên lính, 1 phó hiệu, 2 con ngựa để công văn chuyển tiếp đi về từ trạm Kinh Bắc đến Lạng Sơn và ngược lại) (14).

Thứ hai là việc sửa đổi, làm lại sổ hộ tịch vào năm 1773. Về vấn đề này, Đại Việt sử ký tục biên (bản A.4/5) và Khâm Định Việt sử thông giám cương mục đều chép gần giống nhau: "Sai Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh, Lê Quí Đôn coi việc ấy. Nghiễm và Đĩnh chỉ là danh nghĩa, mọi việc do Lê Quí Đôn chủ trì. Việc kê khai tra xét rất nghiêm khắc, khảo lược rất thảm độc. Dân đều nghiến răng… chúa sai Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm cùng với Lê Quí Đôn chưởng đốc việc dân chính. Hoàng Ngũ Phúc xin theo đều lệ năm Cảnh Trị (1663-1671) mà thi hành. Chúa nghe theo. Công việc đơn giản mà nhanh chóng. Chỉ trong vài tháng làm sổ xong. Người ta cho là tiện" (15).

Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả (16) ghi chép cụ thể, chi tiết hơn: "Thời ấy, dân đã bình yên lâu ngày, hộ khẩu phát sinh nhiều thêm. Vương [tức Tĩnh vương] muốn biết đầy đủ dân số để thu thuế cho công bằng, nên  ra lệnh cho Dĩnh Thành hầu [Lê Quí Đôn] sửa đổi hộ tịch. Lúc đó, có kẻ nặc danh chê bai [việc làm của Lê Quí Đôn], Vương [Trịnh Sâm] biết lòng người chẳng vui vẻ, bèn lệnh cho ông thay thế đốc thúc việc ấy. Ông thỉnh xin [chúa] cho tuân theo niên bạ đời Cảnh Trị để thi hành, chỉ chưa đầy một tháng mà sổ bạ đã làm xong, nhân dân đều lấy làm tiện lợi (sau khi ông mất, Dĩnh Thành hầu giữ chức Toản Tu Quốc sử, bèn giấu nhẹm việc này. Dĩnh Thành hầu với ông cùng là quan lại trong triều đình, làm thế là sai vậy)" (17).

Năm Giáp Ngọ (1774), Nguyễn Nghiễm được sung chức Tả tướng, được mở riêng Dinh Trung Tiệp, giữ chức Tán Lý quân vụ, cùng Hoàng Ngũ Phúc và các tướng lĩnh đi đánh chúa NguyễnĐàng Trong: "Trịnh Sâm thấy Ngũ Phúc đem đạo quân trơ trọi một mình đi vào quá sâu, e sẽ xảy ra sự bất trắc, bèn quyết kế thân đi tuần hành nơi biên giới để làm thanh thế viện trợ cho Ngũ Phúc; dùng bọn Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Hoàn, Nguyễn Đình Huấn và Lê Quý Đôn ở lại trấn thủ kinh thành, rồi chia binh sĩ làm bốn đạo quân: bổ dụng Phạm Huy Đĩnh làm tiền tướng quân, Trương Khuông làm hậu tướng quân, Nguyễn Nghiễm và Lê Đình Châu làm tả tướng quân và hữu tướng quân, còn Trịnh Sâm tự thống suất đại binh ở giữa để tiếp ứng. Tháng 11, Sâm tiến quân đến Nghệ An, đóng ở Hà Trung" (18).

Sự kiện này, Đại Việt sử ký tục biên có chép thêm cụ thể hơn: "Ngày 18 (tháng chạp năm Giáp Ngọ, khoảng 19-1-1775), chúa Trịnh Sâm ở cảng Lạc Xuân [thuộc huyện Kỳ Hoa (19)] sai tiếp Nguyễn Nghiễm đem quân Trung Tiệp, cùng 10 đội thủy binh đi đến Thuận Hóa, họp bàn việc quân cùng Hoàng Ngũ Phúc hẹn ngày tiến đánh và đem thư đi úy lạo tướng sĩ, đem bạc đi khao thưởng quân" (20).

Sang đầu năm Ất Mùi (1775), sau khi quân Trịnh đánh chiếm được Phú Xuân, Hoàng Ngũ Phúc cử Bùi Thế Đạt ở lại trấn thủ, dẫn theo các tướng, trong đó có Nguyễn Nghiễm, tiếp tục đuổi theo chúa Nguyễn vào tận Quảng Nam.

Chúa Nguyễn chạy vào Gia Định, quân Trịnh tiếp tục giao tranh và đánh bại quân Tây Sơn của Nguyễn Nhạc ở Cẩm Sa, quân binh thừa thắng triệt phá dinh Quảng Nam. Tháng 7, quan quân tiến đến Châu Ổ, ông bị cảm bệnh, thỉnh xin về quê điều dưỡng. Nhà vua phụng dụ cho Đông các Đại học sĩ Hồng Trạch bá Vũ Huy Đĩnh (21) về quán thăm nom và chuyển lời thăm hỏi. Ngày 17-11 năm Ất Mùi, ông qua đời ở chính tẩm, thọ 68 tuổi.

3. Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm: Các trước tác hiện tồn

Qua quá trình đối chiếu, khảo cứu và xử lý văn bản học (22) về hiện trạng thư tịch của Nguyễn Nghiễm, cho đến nay, bước đầu, chúng tôi đã tìm hiểu tương đối đầy đủ tư liệu hiện tồn của ông, với khoảng 200 trang chữ Hán Nôm nhiều thể loại, chưa kể các tư liệu liên quan đến cuộc đời sự nghiệp và tập thi trướng, ca phú của quần thần tiễn tặng ông (86 trang, một mục lục), và di sản thác bản văn bia, văn chuông do Nguyễn Nghiễm soạn ở nhiều nơi.

Nguyễn Nghiễm là nhân vật văn võ song toàn, tài ba xuất chúng, từng đảm nhiệm các cương vị cực kỳ quan trọng trong việc đào tạo nhân tài, hiệu chỉnh và nêu gương trong sử sách, đặc biệt, ông từng giữ chức Nhập thị Kinh Diên…, nên bên cạnh võ công hiển hách, ông còn là nhà giáo dục lớn, góp phần đào tạo rất nhiều bậc tài danh đương thời.

Những bậc đại tông sư của các triều đại đều là những nhà Nho hay chữ, có sự nghiệp trước thuật rất đáng quan tâm. Và ở đây, Nguyễn Nghiễm cũng là một nhân vật đặc biệt như vậy.

Theo công bố của Gia phổ họ Nguyễn Tiên Điền, Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), và một số tư liệu liên quan khác, thì Xuân quận công có các trước thuật chính như sau:

  • Lạng Sơn Đoàn thành đồ.
  • Trung quân liên vịnh.
  • Xuân đình tạp vịnh.
  • Việt sử bị lãm.
  • Lịch triều hiến chương.
  • Hồng Ngư tập (23).

Tuy vậy, trong số các tư liệu trên, hiện nay chỉ có 2 tư liệu vẫn tồn tại. Song, có một điều rất đáng mừng là số tư liệu chưa được các nhà thư tịch học trước thế kỷ XX công bố của Xuân quận công vẫn còn tồn tại rải rác ở nhiều nơi. Về vấn đề này, ở đây chúng tôi có thể sơ bộ đưa ra như sau:

3.1. Về thơ

Xuân Quận công hiện còn hơn 20 bài thơ nằm tản mác ở nhiều tập sách khác nhau, như Hoàng Việt thi tuyển (2 bài), Lịch triều hiến chương loại chí (1 bài - trùng với bài ở Hoàng Việt thi tuyển)… Nội dung chính yếu của những bài thơ trên là ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, bày tỏ nỗi lòng với ẩn ý khát khao đem tài năng của mình “kinh bang tế thế”, mong ước sông núi thái bình, nhân dân yên ổn…

Có thể kể ra các bài thơ như sau:

  • Du Hồ Công động (vốn không đề, đề bài do người đời sau thêm vào).
  • Đăng Hương Tích tự.
  • Đề Dục Thúy sơn (vốn không đề, đề bài do người đời sau thêm vào).
  • Đề Sài Sơn tự.
  • Thơ mừng Trần Danh Tiêu trí sĩ.
  • Thơ mừng Nghiêm Bá Đĩnh trí sĩ.
  • Thơ mừng Nguyễn Phùng Thời trí sĩ.
  • Thơ trí sĩ (của Nguyễn Nghiễm) lưu đông đồng triều.
  • Thơ đề chùa Phúc Lâm.
  • Đăng Cực Lạc tự.
  • Chùm thơ xướng họa (khoảng 9 bài).
  • Các bài thơ mừng quan viên trong triều trí sĩ khác.

3.2. Phú

Ngoài ra, Nguyễn Nghiễm còn khoảng 15 bài Phú như:

  • Khổng tử mộng Chu công phú (chữ Nôm).
  • Quan Phu tử phú (phú Bát vận, liên châu cách, Lý Bạch thể).
  • Vương đạo huy phiến phú.
  • Thời nhân nghĩ quản điểu phú.
  • Bát công sơn thảo mộc phú.
  • Phúc đức tại Yên phú
  • Lưỡng tạ Viên Kỳ phú
  • Thảo mộc giai binh phú
  • Thảo mộc nhân hình phong hạc vương sư phú
  • Hy hoàng thượng nhân phú
  • Đồng Thái tự giảng kinh phú
  • Quốc gia như kim âu phú
  • Tam Tần hào kiệt phú

3.3. Địa chí - lịch sử

Đặc biệt, Xuân quận công còn có một cuốn sách địa chí công phu là Lạng Sơn Đoàn thành đồ được soạn năm 1758 - năm trùng tu Đoàn thành, rất quan trọng cho công việc nghiên cứu lịch sử trấn thành cũng như lịch sử địa phương ở Lạng Sơn. Đáng chú ý là cuốn sách này được các nhà nghiên cứu đánh giá là công trình có giá trị về quân sự, địa chí, lịch sử và có thể nói, còn có khả năng là cuốn sách bí mật của quốc gia.

3.4. Văn bia

Cho đến hiện nay, chúng tôi đã tiếp cận được khoảng 12 văn bia do chính Nguyễn Nghiễm soạn và 2 văn bia được ông nhuận sắc ở khắp nơi, như Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Nam.

Văn bia của Nguyễn Nghiễm chủ yếu thể hiện các nội dung chính như: văn bia đề thơ ngụ tình; văn bia ca tụng công nghiệp, đức độ của vị quan viên nào đó, hoặc văn bia Đề danh Tiến sĩ (ông soạn 2 văn bia Tiến sĩ năm 1760 và 1766, nhuận sắc văn bia Tiến sĩ do Lê Quí Đôn soạn năm 1769), văn bia về Thần đạo, cầu cống…

3.5. Các thể loại khác

Ngoài ra, trong sự nghiệp trước tác của Xuân Quận công, có thể kể đến một số tài liệu quan trọng khác như:

  • Ông cùng nhóm quần thần soạn các bản Nhạc chương Nôm, ca tụng công nghiệp đức độ của các chúa Trịnh (trong đó, ông soạn một bản nhạc chương đầu tiên).
  • Một bài văn sách Tiết chế Tĩnh quốc công, tiến phong Tĩnh Đô vương kim sách văn, viết năm 1767.
  • Ông còn được trích dẫn 26 lời bàn ở sách Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thời Sĩ (24), được Ngô Thì Nhậm cho khắc in năm 1800.
  • Một bài tựa cho cuốn Gia phả của dòng họ Ngô ở Hà Tĩnh.
  • Đặc biệt, ông là người soạn bản Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền vào 5 đời đầu (sau đó Nguyễn Nhưng, Nguyễn Y, Nguyễn Mai… tục biên).

4. Thay lời kết

Trên đây là một số nét sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nghị Hiên công mà chúng tôi bước đầu đã khảo cứu được. Song, trước thuật của vị Xuân quận công khả kính này, theo chúng tôi, vẫn còn nằm rải rác ở nhiều nơi (như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Sử học, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, hoặc tủ sách các gia đình, hòm bộ của các làng xã có liên quan, nhiều di tích lịch sử văn hóa từ các tỉnh miền Bắc vào đến tận Quảng Nam…) mà chúng tôi chưa có điều kiện phát hiện, tiếp cận.

Với sự nghiệp trước tác đồ sộ của Tiên Điền Nguyễn Hy Tư (25), chúng tôi cho rằng có thể khai thác và phát huy giá trị truyền thống theo các hướng cụ thể như sau:

4.1. Sưu tập và hệ thống hóa lại toàn bộ trước tác đồ sộ của Xuân Quận công mà đến nay, chúng ta đã tiếp cận được, chí ít cũng trở thành một kho tư liệu đặc biệt quí hiếm cho vùng văn hóa xứ Nghệ, cụ thể là xây dựng thành gian tư liệu về ông - Thân phụ - để trưng bày trong khu di tích đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó về sau, tiếp tục mở rộng địa bàn khảo sát, cập nhật và bổ sung, công bố thêm những tư liệu mới về tác phẩm của ông.

4.2. Từng bước có kế hoạch phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ di sản Hán Nôm quí hiếm này.

4.3. Xuất bản di sản Hán Nôm này thành công trình khảo cứu quí giá trên nhiều phương diện: địa lý, lịch sử, thơ văn…

Gia phong và gia phong xứ Nghệ là một trong những vấn đề trọng tâm, đặc biệt quan trọng trong tinh hoa di sản văn hóa truyền thống, cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Hướng tiếp cận này sẽ càng góp thêm nhiều góc nhìn sáng tỏ hơn khi tham chiếu về thân thế và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du nói riêng và dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi danh xứ Nghệ nói chung./.

V.V.Q

________________

1. Trần Đình Hằng, “Thạch Động Phạm Nguyễn Du”, (Vinh: Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, Văn hóa Nghệ An), http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe/nguoi-xu-nghe/1558-thach-dong-pham-nguyen-du.html

 2. Về văn bia Tân Hợi khoa Tiến sĩ đề danh ký, chúng tôi có tìm hiểu bản dịch ở Viện Hán Nôm, và cuốn sách Văn miếu Quốc tử giám và 82 văn bia tiến sĩ do PGS.TS. Ngô Đức Thọ chủ biên, TT Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc tử giám xuất bản năm 2002, tr.448 - 450 (Xem phụ lục thác bản Văn bia đề Tiến sĩ năm 1731).

3. Tháng 7 năm Tân Tỵ (1761), ông được thăng Thượng thư bộ Công (hàm tòng nhị phẩm), phụng chuẩn Nhập Thị Tham tụng. Tháng giêng năm Đinh Hợi (1767), ông phụng chuẩn chức hành Thượng T bộ Lễ kiêm Tri Trung Thư giám. Cuối năm 1771, sau khi về trí sĩ, ông được gia tặng tước Đại tư đồ; ba tháng sau (tháng giêng năm Nhâm Thìn, 1772), ông phụng chỉ khởi phục chức Nhập thị Tham tụng và đổi sang nhận chức Thượng thư bộ Hộ. Như vậy, ông đảm nhiệm chức Thượng thư của ba bộ (bộ Công, bộ Lễ, bộ Hộ).

4. “Chức vụ Kinh diên: giảng sách cho vua nghe ở nội điện, tùy theo từng việc dâng điều hay, bày điều dở và tra xét những việc tố cáo của các xã dân tùy thuộc nội điện” (Theo Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1 (bản dịch), Nxb. Giaó dục, 2007, quyển XV, mục Quan chức chí - Chức vụ khác nhau của các quan [thượng], tr.591.

5. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Sđd, tr.542: Thế Tông, đời Quang Hưng (1578), sau khi dẹp yên nhà Mạc, đặt thêm chức Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không để thêm vào chức trọng thần”; Theo Lê triều quan chế (Viện Sử học, Phạm Văn Liệu dịch và chú giải, H.: Nxb. Văn hóa Thông tin, 1997, tr.59) thì đối với qui định quan chế đời Cảnh Hưng thứ 16: Các chức đại thần gồm có Đại tư đồ, Đại tư mã, Đại tư không và Thái tể (bốn chức).

6. Như những cuộc phế truất vua Lê của các đời chúa Trịnh, công cuộc dẹp bỏ nội loạn của chúa Trịnh Doanh và quần thần vào năm 1740, các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Diên, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật…

7. Thường giữ các chức Hàn Lâm viện Hiệu Lý và Hàn Lâm viện Đãi Chế trong khảng những năm 1732-1735 và hơn 2 năm cư tang cha mẹ (1735-1737).

8. Sự kiện này trùng khít với chính sử. Lúc này, Nguyễn Nghiễm giữ chức Tế Tửu Quốc tử giám chỉ trong thời gian ngắn (4 tháng: 3 - 7.Tân Dậu [1741]). Cả Đại Việt sử ký tục biên (Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và hiệu đính, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1991, tr. 180) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (QSQ triều Nguyễn, Viện sử học dịch, Nxb GD, H, tái bản lần thứ nhất, 2007) cùng chú khá giống nhau: Tháng 7 năm Tân Dậu… Giáng Thượng thư cũ Trịnh Tuệ làm Tế tửu Quốc tử giám (Tục biên, Sđd, Tr.180) hoặc: Tháng 7… Tha tội cho Trịnh Tuệ và dùng làm Tế tửu Quốc tử giám (Cương mục, sđd, tr.548). Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi Nguyễn Nghiễm rời chức vụ Tế tửu để làm Tham chính đạo Khang Chính kiêm Đốc đồng xứ Thanh Hoa vào tháng 7, triều đình Lê Trịnh bổ nhiệm Trịnh Tuệ, thay thế Nguyễn Nghiễm.

9. Văn bia đề danh Tiến sĩ năm Giáp Tuất (1754) có nhắc đến ông, cụ thể là dòng Nhập thị Bồi tụng Chính thủ Hiệu dực cơ nghị quan Hình bộ Hữu Thị lang hành Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm làm Giám thí (Xin xem phần phụ lục - Thác bản văn bia 1754).

10. Nhĩ Hà tức sông Hồng.

11. Chính lúc này ông làm bài thơ Phụng họa ngự chế Sài Sơn tự.

12. Cuộc thi này chỉ dành cho các quan từ Tả - Hữu thị lang đến Đô cấp sự trung, ông được hợp cách. Sau đó, ông được thăng Hộ bộ Tả Thị Lang, phụng chuẩn vào bậc Nhập thị Kinh Diên.

13. Nguyễn Hoãn, người Lan Khê, Nông Cống, Thanh Hoa, con của Nông quận công Nguyễn Hiệu, Hội nguyên Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng (1743).

14. Sự kiện này, Đại Việt sử ký tục biên chép: “Nguyễn Nghiễm trình bày phép chạy trạm, từ Nghệ An đến Kinh Bắc, Lạng Sơn mỗi trạm lính trấn 18 người, liệt hiệu một người, ngựa hai con, công văn đi về lần lượt đệ chuyển. Chúa cho làm theo như thế” (ĐVSK tục biên, Sđd, tr. 352).

15. ĐVSK tục biên, Sđ d, tr.355. Đối chiếu với Khâm định VSTGCM, Sđd, tr. 706 thì nội dung cũng tương tự, nên chúng tôi chỉ trích dẫn ĐVSK Tục biên.

16. Bản gốc, lưu tại khu di tích Nguyễn Du.

17. Câu này chúng tôi dịch từ nguyên tác Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả, bản hiện lưu tại Khu di tích Nguyễn Du.

18. Khâm định VSTGCM, sđd, tr.716

19. Kỳ Hoa: hiện là Kỳ Anh (đổi do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, thân mẫu của vua Thiệu Trị).

20. ĐVSK tục biên, sđd, tr.382.

21. Hiệu Di Hiên 頤軒, người Mộ Trạch, Đường An, Hải Dương, Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất Cảnh Hưng (1754), là học trò của Nguyễn Nghiễm.

22. Chẳng hạn, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, hiện có tới 4 nhân vật tên là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ, bên cạnh đó, còn có một người tên Nguyễn Nghiễm là lý trưởng tại Bắc Giang… Cho nên, có một số thông tin công bố chưa chính xác về tư liệu của Đại Tư Đồ - Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Mặt khác, thơ văn của ông thường được lưu lại trong các tư liệu ở đời sau này, bởi vậy, có nhiều tác phẩm “tam sao thất bản”. Vấn đề này, trong quá trình khảo cứu, chúng tôi đã cố gắng sàng lọc và giải quyết tương đối ổn thỏa.

23. Hồng Ngư là biệt hiệu của Nguyễn Nghiễm.

24. Ngô Thời Sĩ là học trò của Nguyễn Nghiễm.

25. Hy Tư là biệt hiệu của Nguyễn Nghiễm.

 

 

PHỤ LỤC

 

1. Văn bia đề danh tiến sĩ 1731 "Tân Hợi khoa tiến sĩ đề danh ký"

 

2. Văn bia "Giáp Tuất khoa tiến sĩ đề danh ký" năm 1754

 

 

Võ Vinh Quang

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2015
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận