Di sản văn hóa phi vật thể: nhận diện, bảo tồn và nghiên cứu

Ngày đăng: 06/06/2024 Lượt xem: 52
Mặc định Cỡ chữ

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ: NHẬN DIỆN, BẢO TỒN VÀ NGHIÊN CỨU*

Hoàng Minh

 

  1.  UNESCO và di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) 

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (gọi tắt là UNESCO), chuyên trách về các lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, văn hoá và truyền thông. UNESCO thực thi các vai trò khác nhau, vừa là nơi thử nghiệm các ý tưởng, vừa là cơ quan đặt ra các nguyên tắc, chuẩn mực với sự đồng thuận trên toàn thế giới về những vấn đề mang tính nhân văn. UNESCO có hơn 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, mà thành tựu lớn nhất là việc thông qua Công ước 2003.

Năm 2003, tại Kỳ họp lần thứ 32, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Công ước về bảo tồn DSVHPVT. Công ước này trở thành một mốc quan trọng trong sự phát triển của các chính sách quốc tế nhằm thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, vì đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế công nhận sự cần thiết phải quan tâm đến các hình thức biểu đạt văn hóa. Mục đích chính của Công ước 2003 là bảo tồn DSVHPVT, đảm bảo các di sản được tôn trọng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong các lĩnh vực này. Công ước tập trung vào vai trò của các cộng đồng và tập thể trong việc bảo tồn DSVHPVT và quan tâm tới các quá trình và điều kiện hơn là các sản phẩm, nhấn mạnh tầm quan trọng của những di sản được con người thực hành, và được phổ biến chủ yếu qua kinh nghiệm sống. Công ước quan tâm tới các di sản mà cộng đồng coi là quan trọng đối với họ và cố gắng đóng góp vào việc thúc đẩy sự sáng tạo cũng như sự đa dạng văn hóa, góp phần đảm bảo sự bình an cho cộng đồng, tập thể, và xã hội nói chung, qua đó tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và chung sống hoà bình.

Trong bối cảnh nhận thức về DSVHPVT của các cộng đồng trên thế giới, Công ước 2003 là một trong những bộ luật quốc tế cung cấp khung luật pháp, hành chính và hỗ trợ tài chính để bảo tồn DSVHPVT. Công ước là một hiệp ước quốc tế có giá trị về luật pháp, đến ngày 15-5-2014 có 161 Quốc gia thành viên) thừa nhận quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan (1). Tất cả các Quốc gia phê chuẩn Công ước tham gia họp Đại hội đồng để cử ra 24 quốc gia thành viên của Ủy ban Liên chính phủ (2). Ủy ban này có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Công ước, tư vấn, giám sát quá trình thực hiện Công ước. Bên cạnh một số nhiệm vụ khác, Ủy ban ra quyết định công nhận DSVHPVT đưa vào Danh sách DSVHPVT được bảo tồn khẩn cấp, Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại, Danh sách các chương trình, dự án thực hành tốt nhất và phê duyệt các hồ xin xin tài trợ của Quỹ DSVHPVT. Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp quan trọng vì mục tiêu đưa ra những biện pháp bảo tồn phù hợp để bảo tồn các loại hình và biểu hiện của văn hóa phi vật thể mà sức sống của chúng bị đe dọa và có nguy cơ mai một, được truyền dạy và tiếp tục được sáng tạo. Danh sách đại diện nhằm công nhận tầm quan trọng của DSVHPVT và thúc đẩy sự đối thoại, trao đổi giữa các cá nhân, cộng đồng, tộc người, qua đó thể hiện sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới và tôn trọng sự sáng tạo của con người (3). Một điều quan trọng để một DSVHPVT được UNESCO công nhận theo Công ước 2003 là phải phù hợp với các thoả thuận quốc tế về quyền con người và đáp ứng các yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng. Sự công nhận còn giúp nâng cao vị thế của các cộng đồng hay các nhóm chủ nhân của di sản.

Công ước có bốn mục tiêu chính: (1) Bảo tồn DSVHPVT; (2) Đảm bảo sự tôn trọng đối với DSVHPVT của các cộng đồng, nhóm người và các cá nhân có liên quan; (3) Nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của DSVHPVT, và từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau; (4) Tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế.    

Theo tinh thần của Công ước 2003, DSVHPVT phải đảm bảo: (1) Truyền thống, đương đại, và đồng thời là vẫn đang "sống" trong cộng đồng; (2) Tính tổng quát: chúng ta có thể chia sẻ các loại hình DSVHPVT tương tự với những tập quán của các nhóm người khác. DSVHPVT không hướng tới các câu hỏi như liệu một số tập quán chỉ thuộc về một nền văn hóa cụ thể mà nó góp phần tạo ra sự gắn kết xã hội, khuyến khích ý thức về bản sắc và giúp mọi người cảm thấy mình là một phần của một hoặc nhiều cộng đồng và của toàn xã hội; (3) Tính biểu hiện: DSVHPVT phát triển dựa trên cộng đồng và phụ thuộc vào các tri thức truyền thống, kỹ năng và phong tục tập quán được trao truyền trong cộng đồng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, hay được lưu truyền đến các cộng đồng khác; (4) Tính dựa trên cộng đồng: DSVHPVT chỉ có thể được gọi là di sản khi nó được thừa nhận bởi chính cộng đồng, nhóm người và các cá nhân tạo ra, lưu giữ và truyền dạy.

Theo Khoản 2, Điều 2 của Công ước, DSVHPVT được chia thành: (1) Các truyền thống và loại hình truyền khẩu, bao gồm cả ngôn ngữ với vai trò như là một phương tiện truyền tải DSVHPVT; (2) Các nghệ thuật diễn xướng; (3) Các tập quán xã hội, nghi thức và lễ hội; (4) Tri thức và các tập tục liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; (5) Nghệ thuật thủ công truyền thống.  

Cũng như văn hóa nói chung, di sản phi vật thể liên tục thay đổi, có thể bị mai một, nhưng cũng có thể được bổ sung, làm giàu thêm bởi các thế hệ kế tiếp. Rất nhiều loại hình và hình thức biểu hiện của DSVHPVT bị đe dọa và có nguy cơ bị mai một do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đồng hóa văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp bảo tồn DSVHPVT khác với các biện pháp bảo tồn di tích lịch sử, di sản vật thể và di sản thiên nhiên. Di sản phi vật thể chỉ có thể tồn tại và phát triển khi chúng còn phù hợp với nền văn hóa của cộng đồng chủ thể, được thực hành thường xuyên và được trao truyền. Di sản phi vật thể tồn tại ở dạng tri thức và kỹ năng và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong gia đình, xóm làng thường bằng truyền khẩu.

Công ước 2003 của UNESCO quy định rõ việc bảo tồn di sản phi vật thể nhấn mạnh đến sự trao truyền tri thức, kỹ năng của di sản trong cộng đồng chủ nhân. Theo Khoản 2 Điều 3 của Công ước, “"Bảo tồn" là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này”. Như vậy, theo Công ước, bảo tồn có nghĩa là đảm bảo DSVHPVT là một phần cuộc sống của thế hệ hiện tại và trao truyền cho các thế hệ tương lai. Các biện pháp bảo tồn không phải chỉ là khôi phục cái gốc, mà có thể phục hồi những loại hình, yếu tố bị mai một từ một thời điểm nào đó theo trí nhớ và ký ức của cộng đồng. Điều quan trọng, bảo tồn di sản phi vật thể là hướng tới các biện pháp đảm bảo sự tồn tại, tính liên tục, bằng cách trao truyền cho thế hệ sau, tôn trọng những sáng tạo mới phù hợp với bối cảnh của cuộc sống của cộng đồng.

Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để việc bảo vệ bền vững DSVHPVT là đảm bảo cho những người thực hành, nghệ nhân tiếp tục được phát triển sâu hơn các kỹ năng và tri thức của họ, để họ trao truyền các kỹ năng này cho các thế hệ trẻ. Vì vậy, những người nắm giữ, thực hành di sản cần phải được công nhận, khuyến khích một cách chính thức. Chính chủ nhân của di sản, những người thực hành, những nghệ nhân là nguồn lực để di sản của họ tồn tại, sống, phát triển, phát huy giá trị và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp. Các chính sách bảo tồn DSVHPVT, các chương trình, dự án cần dựa vào nguyên lý cơ bản này để thiết kế, triển khai, và phải có sự tham dự, ý kiến đóng góp từ phía các cá nhân, chủ nhân di sản, và sự tham gia rộng rãi của thành viên cộng đồng. Dựa trên các nguyên tắc về phát huy sự trao truyền, tính sáng tạo của cá nhân và sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn DSVHPVT, chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT.

  1. Luật Di sản văn hóa (DSVH)

Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai một số công tác trong khuôn khổ luật pháp và hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động bảo vệ DSVH, tiêu biểu là Luật DSVH. Luật DSVH đã chỉ rõ DSVH Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của DSVH nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Luật DSVH được xây dựng trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Pháp lệnh năm 1984 và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh là di sản văn hoá phi vật thể để phục vụ và đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bảo vệ di sản văn hoá trên cơ sở thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc hướng cả vào di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; kiểm kê, sưu tầm vốn văn hoá truyền thống (bao gồm văn hoá bác học và văn hoá dân gian) của người Việt và các dân tộc thiểu số; bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá và các danh lam thắng cảnh, các làng nghề, các nghề truyền thống, trọng đãi những nghệ nhân bậc thầy trong các ngành, nghề truyền thống.

Về cơ bản, Luật DSVH được thông qua ngày 14-6-2001 tại kỳ họp thứ 9, Quốc Hội khoá X là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam, thiết thực góp phần triển khai những đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới đất nước nói chung, cùng xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng (4).

Về DSVHPVT, Luật DSVH, Khoản 1 Điều 1 được sửa đổi như sau “DSVHPVT là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.

Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT, Luật DSVH đã dành trọn vẹn Chương III, từ Điều 17 đến Điều 27 để đề cập đến vấn đề này từ trách nhiệm của nhà nước, các cơ quan nhà nước đến các nguyên tắc bảo vệ và phát huy. Tại Điều 17, Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT thông qua các biện pháp sau đây: 1. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại DSVHPVT; 2. Tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình DSVHPVT; 3. Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu DSVHPVT; 4. Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nắm giữ DSVHPVT; 5. Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể”. Điều 20: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ DSVHPVT ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch, bị mai một hoặc thất truyền”. Hoặc điều 26: “Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt”.

 Luật DSVH là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá ở Việt Nam, tương thích với Công ước 2003 và đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về bảo tồn phát huy DSVHPVT theo thông lệ quốc tế. Điều này cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam xây dựng hồ sơ DSVHPVT đệ trình UNESCO về các tiêu chí về nhận diện, các biện pháp bảo tồn, đưa vào danh mục kiểm kê quốc gia và có sự đồng thuận rộng rãi của cộng đồng.

  1. Những quan điểm học thuật về DSVHPVT

Hiện nay trong ngành khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã hình thành một lĩnh vực nghiên cứu về DSVH, đặc biệt khi UNESCO đưa ra những Công ước 1972, 2003, và 2005 như khung luật pháp quốc tế về DSVH. Cụ thể Hội nghiên cứu phê phán di sản (ACHS) là mạng lưới các học giả và các nhà nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực và liên ngành về nghiên cứu di sản. Mục đích chính của Hội này là phát huy di sản như là một lĩnh vực mang tính khoa học và tính phê phán. Hội tổ chức Hội thảo quốc tế 2 năm một lần, lần đầu tiên ở Đại học Gothenburg, Thụy Điển vào năm 2012 và lần thứ hai diễn ra ở Đại học Canberra, Úc vào tháng 12-2014. Các chủ đề của Hội thảo rất rộng trong đó có một tiểu ban liên quan đến vấn đề lý thuyết nghiên cứu DSVH.

Quan điểm học thuật về DSVH như là thực hành văn hóa, chứ không đơn giản là văn hóa của một nơi, một vùng địa lý, hay diễn xướng văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng được đề cập đến trong những tài liệu về di sản. Harvey (2001) tranh luận rằng DSVH tốt nhất được xác định như là một "động từ" để chỉ hành động thực hành, hơn là một "danh từ", và một số tác giả đã tiến hành nghiên cứu di sản như là một lĩnh vực của tri thức và như là một quá trình mang tính chính trị và văn hóa còn lại, mang tính ký ức/lãng quên (Ury 1996; Dicks 2000; Graham 2002; Peckham 2003). Những quan điểm mang tính luận thuyết lại DSVH được Burne và Bendix (5) đưa ra thảo luận. Burne xem xét những trải nghiệm về di sản và sự liên đới của nó tới cảm nhận, ký ức và sự lãng quên. Bendix thì cho rằng “DSVH không [tự nhiên] tồn tại, nó được ‘tạo nên’ và đưa ra các hình thức mà nhân học cần hiểu bản chất và hệ quả của quá trình ‘di sản hóa’. Còn Smith cho rằng DSVH kết nối với bản sắc, nhưng chính xác nó kết nối như thế nào và mối quan hệ bên trong của chúng thì cần phải được hiểu thấu đáo. Ở cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương, DSVH được sử dụng để xác định ý nghĩa của nó đối với cộng đồng và địa danh, vùng. Định nghĩa gần đây được nhiều người sử dụng về “DSVH” là tạo nên một hình thức thứ bậc mang tính quốc tế về vị thế và ý nghĩa của nó đối với địa danh, vùng.

DSVH chỉ trở thành “di sản” khi nó được nhận biết trong một tập hợp cụ thể những giá trị văn hóa hoặc xã hội, mà những giá trị này là “phi vật thể.” Bất kể loại hình nào của di sản vật thể chỉ có thể được công nhận và được hiểu như là di sản thông qua những giá trị mà con người, cộng đồng và các tổ chức, chẳng hạn như UNESCO nhận thức được. Như Munjeri tuyên bố, “DSVH cần chứng tỏ là di sản thông qua những giá trị mà con người tạo ra cho nó và không thể bằng cách khác… DSVH cần được hiểu và giải nghĩa thông qua cái “phi vật thể” (6), tức là những ý nghĩa, giá trị của chúng đem lại cho con người và được con người nhận thức.

Do vậy, trong một vài thập niên gần đây, khái niệm “DSVH” đã thay đổi một cách đáng kể, một phần do tác động của các văn kiện quốc tế của UNESCO. DSVH không chỉ dừng lại ở các đền tháp và các bộ sưu tập hiện vật mà còn bao gồm các truyền thống và các loại hình văn hóa còn tồn tại đến ngày nay và đang được thực hành, do cha ông để lại như các truyền thống truyền miệng, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các phong tục xã hội, các nghi lễ, lễ hội, tri thức và các phong tục tập quán liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ, hay các tri thức và kỹ năng để làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống (7).

DSVHPVT được cộng đồng thế giới coi là một động lực thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Do đó, bảo tồn DSVHPVT là một trong những ưu tiên của hợp tác quốc tế. Điều này cho thấy rằng khái niệm “DSVH” đã thay đổi một cách một cách mạnh mẽ. DSVH không phải chỉ là những tri thức, kỹ năng, ý nghĩa ẩn tàng trong các di sản vật thể, nhìn thấy, sờ thấy được như đền, chùa, tháp, v.v..., mà còn bao gồm các truyền thống văn hóa truyền miệng, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội, tri thức dân gian liên quan đến thế giới quan bản địa, xây dựng nhà ở truyền thống, làm ruộng bậc thang, hay thủ công mỹ nghệ (Yim 2010).

Công ước 2003 và quá trình thực thi công ước trong số 161 quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước ở trên khắp lục địa đã chứng tỏ sự tiến bộ trong quan điểm học thuật, cũng như trong tầm nhìn về DSVHPVT của công ước. Khái niệm DSVHPVT đã bao hàm các khái niệm cũ về văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, đồng thời nhấn mạnh các yếu tố về chức năng, về ý nghĩa của di sản đối với cộng đồng chủ nhân. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan Giám sát Nội bộ của UNESCO, nhiều cá nhân, nhà quản lý, hay quốc gia đã có những nhầm lẫn về khái niệm cũng như các quan điểm bảo tồn của Công ước 2003. Đó là sự thiếu hiểu biết về Công ước, nhầm lẫn về khái niệm và nguyên tắc của Công ước 2003 với Công ước 1972 về tính xác thực, giá trị toàn cầu. Mặt khác, báo cáo này còn chỉ ra sự hiểu biết hạn chế về vai trò trung tâm của cộng đồng trong việc bảo tồn DSVHPVT, sự thiếu coi trọng của cộng đồng về chính DSVHPVT của họ. (Xem thêm Jacobs, 2014).

Gần đây đã xuất hiện một số công trình của các học giả nước ngoài về vấn đề “di sản hóa văn hóa”, đặc biệt các di sản được UNESCO công nhận (Salemink 2012; Meeker 2010). Theo Salemink, đây là quá trình biến đổi của nền văn hóa trở thành một cái gì đó mà cần đến việc nghiên cứu, xem xét, công nhận, bảo tồn, quản lý từ bên ngoài. Đó chủ yếu là các nhà nghiên cứu và các chuyên gia về văn hóa khác, là chính quyền và các cán bộ nhà nước, và các tổ chức phi chính phủ và quốc tế cũng như UNESCO. Xu hướng di sản hóa lấy quyền quyết định, tổ chức và rút lợi từ cộng đồng địa phương ra và giao quyền đó cho các bên ở bên ngoài cộng đồng. Đây là một thách thức lớn đối với việc bảo tồn di sản, bởi vì sự quan tâm của các nhà khoa học và của chính quyền hết sức cần thiết khi mà di sản nào đó muốn được công nhận, bảo tồn. Từ đây, Salemink cũng đề xuất rằng nhà nước quản lý một cách gián tiếp, còn quyền quyết định về quy trình lễ hội thuộc địa phương và quyền tổ chức thuộc về một ban quản lý gồm có các thành viên chủ yếu là người dân địa phương.

Tóm lại

Di sản văn hoá không chỉ là các công trình đền đài hay vật thể, mà còn bao gồm cả các truyền thống và loại hình văn hóa vô hình đang tồn tại và được cộng đồng thực hành, ví dụ như các kiệt tác truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi thức, lễ hội, tri thức và các tập tục liên quan tới vũ trụ quan và thế giới quan, hoặc những tri thức và kỹ thuật chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống. Mặc dù những giá trị này không cầm hay chạm vào được, nhưng chúng có vai trò rất quan trọng đối với việc gìn giữ bản sắc văn hoá của cộng đồng, nhóm người. Chúng được gọi là di sản văn hoá phi vật thể, một dạng di sản liên tục được tái tạo và phát triển trong quá trình con người gìn giữ và phát triển nhằm thích ứng với môi trường sống.     

Từ khi Công ước 2003 ra đời, khái niệm và mối quan tâm nghiên cứu cũng như việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT đã thay đổi mạnh mẽ. Ở Việt Nam,  Luật DSVH của Việt Nam ra đời trước Công ước, nhưng Công ước trở thành một mốc quan trọng trong sự phát triển của các chính sách quốc tế về DSVHPVT và là cơ sở cho Việt Nam để sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật DSVH năm 2009. Di sản văn hóa không tĩnh tại mà phải hiểu đó như là thực hành của các cộng đồng địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa của họ, được trao truyền và tiếp tục phát triển. Các điều khoản trong Công ước 2003, Luật DSVH, và các luận điểm của các học giả về di sản và DSVHPVT là những cơ sở mang tính lý luận cho việc phân tích, đánh giá và nhận định, cũng như hoạch định chính sách về lĩnh vực này./.

H.M

___________________

1. http://www.unesco.org/culture/ich/?pg=00024

2. Thành viên Ủy ban Liên chính phủ và nhiệm kỳ 2014 đến 2016 và 2014-2018: Nhóm I: Bỉ (2012 – 2016), Hy Lạp (2012 – 2016), Thổ Nhĩ Kỳ (2014 – 2018); Nhóm II: Bungari (2014 – 2018), Hungari (2014 – 2018), Latvia (2012 – 2016); Nhóm III: Brazil (2012 – 2016), Saint Lucia (2014 – 2018), Peru (2012 – 2016), Uruguay (2012 – 2016); Nhóm IV: Afghanistan (2014 – 2018), Ấn Độ (2014 – 2018), Mông Cổ (2014 – 2018), Kyrgyzstan (2012 – 2016), Hàn Quốc (2014-2018); Nhóm V(a): Công gô (2014 – 2018), Côte d’ Ivoire (2014 – 2018), Ethiopia (2014-2018), Namibia (2012 – 2016), Nigeria(2012 – 2016), Uganda (2012 – 2016); Nhóm V(b): Ai Cập (2012 – 2016), Algeria (2014 – 2018), Tunisia (2012 – 2016).

3. Đến nay Việt Nam đã có 7 di sản trong Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại, là: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2003) và Nhã nhạc cung đình Huế (2005) (2 di sản này chuyển từ Kiệt tác truyền khẩu của nhân loại sang Danh sách đại diện), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); và 02 di sản trong Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm Ca Trù (2010) và Hát Xoan (2011). Hiện nay Việt Nam đang có 02 hồ sơ đã đệ trình UNESCO xét duyệt vào năm 2015 và 2016 đó là Nghi lễ và trò chơi kéo co (Hồ sơ đa quốc gia, 2015), Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt (2016).

4. Trương Quốc Bình (2001), Ý nghĩa và nội dung chủ yếu của Luật Di sản văn hoá, Tạp chí Tư tưởng - Văn hoá, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, số 7, tr. 23-28.

5. Trích trong Smith, Laurajane (2009), Intangible heritage, book introduction (Di sản phi vật thể, sách giới thiệu), Routledge.

6. Munjeri, D., 2004. “Tangible and intangible heritage: from difference to convergence” (Di sản văn hóa phi vật thể và vật thể: Sự khác biệt để nhập lại), Museum International, 56 (1–2): 12–20.

7.http://www.unesco.org/culture/ich/index.php?lg=en&pg=00003

Tài liệu tham khảo

  1. Dicks, B., 2000. Heritage, Place and Community (Di sản, địa danh và cộng đồng), Cardiff: University of Wales Press.
  2. Graham, B., 2002. “Heritage as knowledge: Capital or culture?” (Di sản như là trí thức: Vốn hay văn hóa), Urban Studies, 39 (5–6): 1003–17.
  3. Jacobs, Marc Maria, 2014, “Hợp tác trong lĩnh vực ca hát trong quá trình hợp tác ví, giặm và mẫu hình bảo tồn của UNESCO”, Tạp chí Văn hóa học, số 4, 2014.
  4. Harvey, D.C. (2001), “Heritage pasts and heritage presents: Temporality, meaning and the scope of heritage studies” (Di sản quá khứ và di sản hiện nay: Tính tạm thời, ý nghĩa và phạm vi nghiên cứu di sản”, International Journal of Heritage Studies, 7 (4): 319–38.
  5. Luật Di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung 2009.
  6. Meeker, Lauren (2010), “Tìm kiếm chỗ đứng trên sân khấu văn hóa thế giới: “Di sản văn hóa.” Trong Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, Lương Văn Hy và cộng sự, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, quyển 2, tr. 529-549.
  7. Urry, J. (1996). “How societies remember the past” (Xã hội nhớ về quá khứ như thế nào”, Trong Theorising Museums (Lý thuyết hóa bảo tàng), S. Macdonald và G. Fyfe chủ biên, Oxford: Blackwells.
  8. Salemink, Oscar (2012), “The ‘Heritagization’ of Culture in Vietnam: Intangible Cultural Heritage between Communities, State and Market (Di sản hóa văn hóa ở Việt Nam: di sản văn hóa giữa cộng đồng, nhà nước và thị trường)”, Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 tại Hà Nội.
  9. Peckham, R.S., chủ biên (2003), Rethinking Heritage. Cultures and Politics in Europe (Nghĩ lại về di sản, Văn hóa và chính trị ở châu Âu), London: I. B.Tauris.
  10. Yim, Dawnhee (2010), “Các chính sách về di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO và quá trình toàn cầu hoá”, Kỷ yếu hội thảo Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại, Hà Nội: Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam 19-20/4/2010.
  11. UNESCO (2003), Convention for the Safeguarding of the Intangible Cultural Heritage -Basic Texts (Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể), UNESCO Section of Intangible Cultural Heritage Division of Cultural Objects and Intangible Heritage, Culture Sector (Brochure).

 

* Bài viết này sử dụng số liệu từ đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Xây dựng cơ chế chính sách và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là Di sản thế giới”, do PGS.TS. Trương Quốc Bình làm chủ nhiệm, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị chủ trì đề tài, 2014.

 
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 6 (16) - 2014
Hoàng Minh

Bình luận