Văn hóa dân gian và phương pháp tiếp cận diễn xướng

Ngày đăng: 08/11/2024 Lượt xem: 63
Mặc định Cỡ chữ

 

VĂN HÓA DÂN GIAN

VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN DIỄN XƯỚNG

Hoàng Minh

 

Thuật ngữ diễn xướng      

Trong văn hóa dân gian, diễn xướng (performance) là một hình thức sử dụng những kỹ thuật, nghệ thuật theo quy ước để thực hiện hành động (kể, hát, diễn, múa, diễn tấu âm nhạc...) cho người khác thưởng thức. Theo lý thuyết và trong thực hành, khái niệm diễn xướng dựa trên thực tế hành động được thực hiện trong bối cảnh về không gian, thời gian, rộng hơn về văn hóa, xã hội. Diễn xướng hiện thực hoá các loại hình văn hóa dân gian trong thực tế bối cảnh cuộc sống, tức là thể hiện những tri thức, hành vi có thể quan sát được trong những tình huống được quy định, và đặc biệt, việc trình diễn nghệ thuật bằng ngôn từ, âm nhạc, nhảy múa, kịch dân gian, v.v... Trong cách sử dụng ban đầu của văn hoá dân gian, thuật ngữ “diễn xướng” gợi lên khoảng cách giữa sự thể hiện và việc tài liệu hoá văn bản. Việc diễn tả bằng điệu bộ, âm nhạc, và nhảy múa thể hiện tính xác thực mà dĩ nhiên không thể có được trong văn bản in ấn. Có thể nói, diễn xướng là việc các loại hình văn hoá dân gian được thực hành trong bối cảnh của nó trước khi được sưu tầm, ghi chép, văn bản hóa.

Những năm gần đây, khái niệm mới về diễn xướng có tầm quan trọng trong việc định hướng các nhà văn hóa dân gian và cả những người khác quan tâm đến nghệ thuật lời nói Theo cách mà nó được sử dụng trong công trình của các học giả này, thuật ngữ “sự diễn xướng” “dùng để chuyển tải ý nghĩa kép của hành động mang tính nghệ thuật – một việc làm có tính văn hóa dân gian, và một sự kiện có tính nghệ thuật – đó là tình huống biểu diễn, bao gồm người biểu diễn, hình thức nghệ thuật, thính giả và bối cảnh” (1). Nghiên cứu về diễn xướng đã làm biến đổi những quan điểm trước đây về nghiên cứu văn hoá dân gian trong quá trình giao tiếp, truyền tải thông tin một cách nghệ thuật, thay cho cách tiếp cận tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian cung cấp tri thức, lịch sử dân tộc, về vũ trụ quan, ứng xử xã hội (xem thêm Hoàng Minh 2013). Khái niệm này được xem xét từ góc độ người thực hành và người thưởng thức; ý nghĩa của thực hành văn hóa dân gian phụ thuộc vào khả năng của những người trình diễn nó, vào sự diễn giải từ người hưởng thụ. Từ quan điểm này, văn hoá dân gian không còn là “một siêu cấu trúc hay như một sự thể hiện, hay tấm gương của văn hoá dân tộc mà nghiên cứu truyền thống như một tập hợp những hành động nghệ thuật đóng vai trò là một phần không tách rời của kết cấu đời sống xã hội và nghi lễ tôn giáo và chính trị. Việc áp dụng khái niệm trình diễn đối với văn hoá dân gian, do đó, đã biến đổi chủ thể của nó từ việc là siêu tự sự văn hoá thành hành động kể chuyện, hát và nói” (2). Phương pháp tiếp cận diễn xướng đã giúp định hướng lại các vấn đề từ tư liệu văn hóa dân gian sang quá trình truyền tải thông tin bằng truyền khẩu, sau đó thể hiện lại bằng văn bản thông qua các phương tiện, kỹ thuật thông tin khác.

Sự ra đời cách tiếp cận diễn xướng

Một khuynh hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Mỹ có thể gọi là cách tiếp cận diễn xướng trong “bối cảnh” (context). Những nhà văn hóa dân gian Mỹ theo khuynh hướng này không hình thành một trường phái có mối liên hệ chặt chẽ. Họ cùng được đào tạo về văn hóa dân gian ở Khoa Văn hoá Dân gian và Âm nhạc Dân tộc học, Đại học Indiana ở thành phố Bloomington và Đại học Pennsylvania, thành phố Philadelphia, Mỹ vào những năm 60-70 của thế kỷ trước. Họ quan tâm đến bối cảnh văn hoá xã hội mà trong đó văn bản văn hóa dân gian được thực hành và nhấn mạnh vào nghệ thuật diễn xướng. Họ phủ nhận văn bản suy đoán, tập trung vào diễn giải nội dung, thiếu những thông tin từ thực tế diễn xướng như năng lực của nghệ nhân, sự cảm thụ của khán thính giả, bối cảnh và không gian văn hóa của thực hành văn hóa.  Ý tưởng nghiên cứu văn hóa dân gian trong bối cảnh diễn xướng đã liên kết các nhà văn hóa dân gian lại với nhau, tiêu biểu như Roger Abrahams, Dan Ben-Amos, Alan Dundes, Robert Georges, và Kenneth Goldstein. Họ tìm kiếm, áp dụng những yếu tố tổng hợp của nghệ thuật diễn xướng vào nghiên cứu truyền thống văn hóa dân gian từ những nhà ngôn ngữ học với các khái niệm về ngôn từ truyền miệng, từ nhân học với phương pháp chức năng, từ xã hội học với bối cảnh diễn xướng, từ tâm lý học với cơ chế cái tôi.

Một thế hệ các nhà văn hóa dân gian mới không cho ra đời một công trình duy nhất nào thể hiện những suy nghĩ của họ về cách tiếp cận theo bối cảnh, nhưng họ thể hiện những quan điểm riêng của mình trong những bài viết mang tính lý luận cao trong tạp chí Journal of American (Tạp chí Văn hoá Dân gian Mỹ) và một số sách viết chung (xem thêm Nguyễn Thị Hiền 1999, 2000). Sự phủ nhận phân loại các văn bản văn hóa dân gian theo lối cũ thành các loại hình, theo típ và môtíp, hay theo nội dung phản ánh, và việc nhấn mạnh về bối cảnh diễn xướng được thể hiện rõ ngay từ trong những khái niệm mới về văn hóa dân gian. Chẳng hạn, văn hóa dân gian là “mối quan hệ tương hỗ mang tính nghi lễ giao tiếp trong những nhóm người nhỏ” (3); hoặc văn hóa dân gian là “sự giao tiếp có tính nghệ thuật trong những nhóm người nhỏ” (4); “quá trình mang tính thực tế, nghệ thuật, và giao tiếp xác định” (5); “ Những sự kiện mang tính giao tiếp phức hợp”, “những phạm trù văn hoá giao tiếp” (6).

Những nhà văn hóa dân gian trẻ này nhất tâm theo khuynh hướng mới, quan niệm văn hóa dân gian như một quá trình giao tiếp năng động và nghiên cứu không chỉ văn bản văn hóa dân gian trong thực tế diễn xướng vào một thời điểm nhất định mà nghệ nhân trình diễn cho khán giả thưởng thức, mà còn miêu tả tất cả quá trình thực hành, diễn xướng đó trong bối cảnh văn hoá xã hội. Người sưu tầm không đơn thuần thu thập thông tin, văn bản, các câu chuyện, tức những thành phần mang tính ngôn từ bởi lẽ văn bản, câu chuyện chỉ là một bộ phận của mỗi một buổi diễn xướng. Trong công trình của mình Tiến sâu vào rừng rậm...: truyện kể dân gian của người da đen ở đường phố của Philadelphia (Deep Down in the Jungle..: Negro Narrative Văn hóa dân gian from the Streets of Philadelphia) (1970), Abraham đưa ra những cảm nhận và các mối quan hệ trong nghiên cứu thực tế để đem đến cho người đọc một bức tranh tương đối chính xác về bối cảnh diễn xướng đằng sau các văn bản in ấn. Ông khẳng định lại sự cần thiết đối với một nhà văn hóa dân gian nắm bắt “bối cảnh của diễn xướng” như là phương tiện ràng buộc văn hóa dân gian với sự năng động của văn hoá. Georges giới thiệu một quan niệm mới một cách đầy đủ để nghiên cứu bối cảnh xã hội mà nó tạo nên một “buổi kể chuyện” (Georges 1969). Ben-Amos nhấn mạnh mối tương tác xã hội của người kể chuyện, quá trình kể chuyện và các yếu tố khác tham gia trong buổi kể chuyện. Các hình thức trình diễn văn hóa dân gian phân biệt những mối quan hệ tương tác xã hội khác bởi “bối cảnh” của thời gian, không gian và những yếu tố của nghệ thuật diễn xướng.   

Việc văn bản hóa diễn xướng dân gian bằng văn bản hay bằng bất kể phương tiện kỹ thuật nào như hình ảnh, âm thanh, hình vẽ, v.v... đều có một khoảng cách giữa thực tế và việc thể hiện. Bất kể việc tài liệu hoá về sự trình diễn có thể đầy đủ như thế nào, nó không thể thay thế diễn xướng trên thực tế. Bất cứ thể hiện nào về diễn xướng văn hoá dân gian đều hàm ý một đoạn đã được chắt lọc về một loại hình văn hóa dân gian như một quá trình. Thậm chí việc sử dụng tài liệu đã được lồng âm thanh hình ảnh về diễn xướng cũng không thay thế được thực tế diễn xướng. Hơn thế nữa, chỉ có sự quan sát thường là không đủ cho việc lĩnh hội sự diễn xướng, và sau đó cần phải có nghiên cứu về ý nghĩa của những biểu tượng của nó. Do vậy, mặc dù đã sử dụng mọi biện pháp để văn bản hóa diễn xướng, nhà nghiên cứu vẫn cần diễn giải những thành tố liên quan tới, ý nghĩa biểu tượng của của nó.

Theo Bauman và Sherzher (7), cấu trúc của các sự kiện diễn xướng là một sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa nhiều yếu tố, kể cả hoàn cảnh, thứ tự hành động, và những quy tắc nền tảng của sự diễn xướng. Nói riêng, các quy tắc này sẽ bao gồm tập hợp những chủ đề văn hóa và những nguyên tắc tổ chức đạo đức và tương tác xã hội chi phối việc tiến hành sự diễn xướng. Với tư cách như một cái gọi là lời nói, sự diễn xướng sẽ còn chịu tác động của một loạt quy tắc nền tảng của cộng đồng có vai trò điều chỉnh lời nói nói chung (Bauman 1984). Ngoài ra đối với cấu trúc các diễn xướng là những người tham gia, (những) người biểu diễn và cử tọa. Diễn xướng các loại hình văn hóa dân gian là cần thiết để các nghệ nhân, những người thực hành văn hóa xác lập vai trò của mình trong việc thể hiện, lưu truyền văn hóa dân gian. Như vậy, trong kết cấu của diễn xướng, ngoài phần bất biến, theo khuôn mẫu, nhắc đi nhắc lại, còn tính sáng tạo của người thực hành. Sự sáng tạo này tạo nên thành phần biến đổi liên tục của thực hành văn hóa. Điều này càng phủ nhận cái gọi là nguyên gốc, là tính duy nhất của văn hóa dân gian, và những đặc tính này được gán ghép cho văn hóa dân gian và di sản văn hóa gần đây cũng được UNESCO khuyến cáo không nên dùng trong các văn bản chính thống về di sản văn hóa.

Diễn xướng là hành động trong bối cảnh, mang lại ý nghĩa đối với người nghe trong những hoàn cảnh thích hợp. Các bối cảnh đó có thể là những địa điểm được sắp đặt về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội, tôn giáo. Các buổi diễn xướng văn hóa dân gian là những sự kiện có lịch trình, giới hạn về mặt không gian, thời gian, có ranh giới rõ ràng và công khai rộng rãi, bao hàm những dạng thức diễn xướng được nghi thức hóa và người tham gia thực hành trực tiếp là những nghệ nhân, người giỏi nhất của cộng đồng hoặc được cộng đồng tín nhiệm (8). Một phần trong cốt lõi của sự diễn xướng chính là giúp cho những người thực hành nâng cao kỹ năng, sự hiểu biết trong thực hành, và lưu truyền văn hóa cho các thế hệ sau.

Về cơ bản, sự diễn xướng với tư cách một phương thức thông tin bằng truyền khẩu bao gồm cả trách nhiệm của người nghệ nhân trước khán thính giả về một sự thể hiện năng lực truyền đạt. Năng lực này nằm ở chỗ kiến thức và khả năng thể hiện (hát kể, diễn, v.v...) theo những cách thích hợp trong bối cảnh của buổi diễn xướng. Một buổi diễn xướng bao hàm, về mặt người thực hiện, khả năng truyền đạt thông tin của loại hình văn hóa dân gian dù là câu chuyện kể, hay một bài hát dân ca, với trình độ kỹ thuật và nội dung phản ánh xã hội. Từ góc độ thính giả, những người thưởng thức, cảm nhận về một buổi diễn xướng, những hành động biểu đạt của nghệ nhân được đánh giá bằng cách mà nó được thực hiện về kỹ năng và tính hiệu quả của việc thực hiện năng lực. Như vậy, diễn xướng với nghĩa là thực hành văn hóa có một vai trò đặc biệt, là một hình thức để phục vụ khán thính giả, cũng là để duy trì sức sống của các loại hình văn hóa, đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ và sâu sắc trong các nguyên tắc của Công ước 2003 của UNESCO về truyền thụ và trao truyền di sản văn hóa trong thực tế bối cảnh và nhấn mạnh vai trò của người trình diễn, nghệ nhân và đồng thời phù hợp với bối cảnh cuộc sống được cộng đồng chấp thuận.

Sự ra đời một thế hệ các nhà nghiên cứu theo phương pháp tiếp cận khởi sự cho một bước đi mới trong nghiên cứu và xuất bản các công trình về văn hoá dân gian từ những năm 1970 đến nay. Các văn bản và chú giải tách khỏi môi trường diễn xướng được thay thế bằng những hình thức trình bày văn bản cùng với các yếu tố diễn xướng (âm nhạc, hư từ, bối cảnh, nghệ nhân, người thưởng thức, v.v....) và việc phân tích nội dung các thể loại văn hóa dân gian sát với thực tế, với tính năng động của con người, xã hội và các mối quan hệ văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng. Nghiên cứu văn hóa dân gian trong cuộc sống thực của nó trở thành một việc làm tỉ mỉ công phu, đảm bảo cho các văn bản văn hóa dân gian tiến gần tới nguyên bản trong diễn xướng./.

H.M

_____________________

1. Bauman, Richard (1984), Verbal Art as Performance (Nghệ thuật ngôn từ truyền miệng như một hình thức diễn xướng). IL: Wave Land Press, Inc. Bài dịch in trong sách Folklore thế giới một số công trình nghiên cứu cơ bản, do Ngô Đức Thịnh và Frank Prochan tuyển chọn. Nxb. Khoa học Xã hội, 2005, tr. 744-745.

2. Ben-Amos, Dan (1997), “Performance” (Diễn xướng), trong Folklore: An Encyclopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art (Văn hóa dân gian: Từ điển bách khoa về tín ngưỡng, phong tục, truyện kể, âm nhạc và nghệ thuật), Thomas A. Green làm chủ biên.  Santa Barbara: ABC-CLIO, tr. 630.

3. Abrahams, Roger (1969), “The complex Relations of Simple Forms” (Quan hệ phức hợp của các thể loại đơn giản), Tạp chí Genre 2, tr. 105.

4. Ben-Amos, Dan (1971), “Toward Definitions of Folklore in Context” (Tiến tới định nghĩa phônclo trong ngữ cảnh), Trong Journal of American Folklore 84, tr. 13.

5. Ben-Amos (1971), sđd, tr. 10.

6. Ben-Amos, Dan (1969), “Analytical Categories and Ethnic Genres” (Những phạm trù phân tích và thể loại). Tạp chí Genre 2, tr. 275.

7. Bauman, Richard  và Joel Sherzer (1974), Explorations in the Ethnography of Speaking (Khám phá về dân tộc lời nói). Cambridge University Press, phần III.

8. Bauman (1984), sđd, tr. 766-767.

Tài liệu tham khảo khác

Abrahams, Rogers (1970), Deep Down in the Jungle..: Negro Narrative Folklore from the Streets of Philadelphia (Tiến sâu vào rừng rậm...: truyện kể dân gian da đen ở đường phố của Philadelphia). Folklore Asociates.

Georges, Robert (1969), “Toward an Understanding of Storytelling Events” (Tiến tới một sự hiểu các buổi kể chuyện). Journal of American Folklore 82 (1969), tr. 313-328.

Nguyễn Thị Hiền (Bút danh Hoàng Minh), (2013), Sự phát triển của ngành văn hóa dân gian ở Mỹ, Tạp chí Văn hóa học, số 2 (6), tr. 19-28. 

Nguyễn Thị Hiền (1999), “Quan niệm mới về folklore và quá trình văn bản hóa folklore ở Hoa Kỳ”, tạp chí Văn hoá Dân gian, ISSN 0866-7284, số 4, tr. 79-98.     

Nguyễn Thị Hiền (2000), “Một số phương pháp nghiên cứu folklore ở phương Tây”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, ISSN 0866-7284, số 3, tr. 105-126.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 4 (14) - 2014.

 

 

 

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2014
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 2.043 lượt xem
Nghiên cứu văn hóa hôm nay
15/03/2024 1.814 lượt xem
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 1.597 lượt xem
Hội đồng biên tập
10/11/2021 1.574 lượt xem