Văn hóa doanh nhân - văn hóa doanh nghiệp

Ngày đăng: 05/05/2025 Lượt xem: 47
Mặc định Cỡ chữ

VĂN HÓA DOANH NHÂN - VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

                                                    Nguyễn Thị Ngọc Anh

Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội


PGS.TS. Nguyễn Thu Phương

Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam


Văn hóa doanh nhân * **

Trong tiếng Anh, từ businessman - doanh nhân để chỉ người làm những công việc trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là làm ở cấp độ quản trị. Hoặc enterpreneur - người khởi sự một hay nhiều doanh nghiệp, biết chấp nhận những mạo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận (1).

Ở Việt Nam, khi bàn đến khái niệm doanh nhân, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cho rằng, doanh nhân hiểu theo nghĩa đen là người quản lý (việc làm ăn) (2). Theo GS. TS. Hoàng Vinh, doanh nhân là người có xu hướng và khát vọng làm giàu bằng cách liên tục tạo ra những giá trị thặng dư, nhằm không ngừng gia tăng tài sản cho mình và cho doanh nghiệp (3).

GS.TS. Hồ Sĩ Quý quan niệm, doanh nhân như “người thuyền trưởng đứng đầu con thuyền doanh nghiệp”. Vì vậy, họ có vai trò rất lớn và trách nhiệm rất nặng” (4).

Doanh nhân trong vai trò người thuyền trưởng có trách nhiệm định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp, dẫn dắt doanh nghiệp qua những khó khăn thách thức, tạo ra môi trường tin cậy và hợp tác giữa các thành viên của doanh nghiệp, quản lý mọi sự thay đổi trong doanh nghiệp, v.v.. Người lãnh đạo doanh nghiệp là người có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến mọi thành viên của doanh nghiệp, là chỗ dựa, là nơi mọi thành viên đặt niềm tin, là nơi mọi thành viên trông vào để điều chỉnh hành vi của mình. Như vậy, văn hóa của một doanh nghiệp hoặc một đơn vị kinh doanh sẽ phụ thuộc nhiều vào nhân cách, năng lực và đạo đức của doanh nhân.

Trên cơ sở đánh giá cao vai trò của doanh nhân đối với sự phát triển của doanh nghiệp và của xã hội ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Tất Thịnh cho rằng, doanh nhân cần phải là người có tầm, có tài và có tâm”(5). Còn GS. TS. Hồ Sĩ Quý đưa ra định nghĩa khá xác đáng về văn hóa doanh nhân: “Văn hóa doanh nhân là tập hợp của những giá trị căn bản nhất, những khuôn mẫu văn hóa xác lập nên nhân cách của doanh nhân. Đó là con người của khát vọng làm giàu, biết cách làm giàu và dấn thân để làm giàu, dám chịu trách nhiệm, dám chịu rủi ro đem toàn bộ tâm hồn, nghị lực và sự nghiệp của mình ra để làm giàu – làm giàu cho mình, cho doanh nghiệp và cho xã hội” (6). GS.TS. Hoàng Vinh thì cho rằng, văn hóa doanh nhân là cách gọi khác của nhân cách doanh nhân. Ông đã khái quát nhân cách của doanh nhân theo định hướng “làm giàu”, định hướng này tập trung ở ba yếu tố: 1. Có tri thức làm giàu; 2. Có khát vọng làm giàu; 3. Biết cách ứng xử trong làm giàu (7).

Như vậy, văn hóa doanh nhân là một bộ phận cốt yếu của văn hóa kinh doanh, là mẫu người ưu tú - nhân cách chuẩn mực, đại diện cho một cộng đồng người làm nghề kinh doanh với những đặc điểm chung, nét tinh hoa và bản sắc của họ; là tấm gương và biểu hiện của hệ thống giá trị của doanh nhân trong hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội. Dù sở hữu một doanh nghiệp với giá trị tài sản lớn hay nhỏ, hoặc dù chỉ là một người kinh doanh cá thể, thì những doanh nhân là người quyết định mọi công việc kinh doanh và quyết định việc lựa chọn và vận dụng những giá trị văn hóa như thế nào vào hoạt động kinh doanh. Vì vậy, tài năng, đạo đức và nhân cách của chủ thể kinh doanh có vai trò quyết định việc tạo lập và xây dựng văn hoá của doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh của mình.

Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp (corporate culture) hay văn hóa tổ chức (organizational cuture) là những khái niệm được nhắc đến ngày càng nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trên thế giới, những thuật ngữ này đã được nghiên cứu từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX khi cả thế giới ngưỡng mộ sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Các học giả phương Tây đã giải mã nhân tố bí ẩn đã giúp các công ty Nhật Bản đạt được những kỳ tích ấn tượng và họ đã tìm thấy câu trả lời, đó chính là văn hóa công ty/văn hóa doanh nghiệp.

Edgar H.Schein, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa tổ chức, đã khẳng định “Văn hóa doanh nghiệp (hay văn hóa công ty) là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh" (8). Hoặc tổ chức lao động Quốc tế (ILO – International Labour Organization) lại coi “Văn hóa doanh nghiệp là sự trộn lẫn đặc biệt các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thái độ ứng xử và lễ nghi mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết” (9).

Trong các tổ chức doanh nghiệp, đặc biệt các tổ chức, doanh nghiệp có quy mô lớn thường tập hợp nhiều thành viên là những người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, năng lực, tính cách… nên tạo ra môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người. Doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì một nền tảng văn hóa mà ở đó các thành viên đều có những giá trị chung để chia sẻ, đồng thuận để hướng đến mục tiêu chung. Theo nghĩa đó, văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm chi phối mọi hoạt động của doanh nghiệp và tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp.

Edgar Schein đã mô phỏng cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp qua mô hình tảng băng văn hoá tổ chức (Organizational Iceberg), bao gồm 3 cấp độ (level). Thuật ngữ “cấp độ” dùng để chỉ mức độ có thể cảm nhận được bằng giác quan của con người đối với các giá trị văn hoá trong doanh nghiệp. Từ đó cũng hình thành nên các thuật ngữ giá trị văn hóa hữu hình của doanh nghiệp (cấp độ 1) dùng để chỉ các biểu hiện văn hóa có thể nhận thức được bằng các giác quan (trực quan) và các giá trị văn hóa vô hình của doanh nghiệp (cấp độ 2 và 3) dùng để chỉ các biểu hiện văn hóa không cảm nhận được bằng giác quan (phi trực quan).

- Cấp độ 1: với phần nổi bên trên của tảng băng là những giá trị văn hóa hữu hình của doanh nghiệp, bao gồm: những biểu hiện văn hóa dễ dàng được cảm nhận bằng giác quan khi tiếp xúc với doanh nghiệp. Ví dụ: kiến trúc nội ngoại thất, cách bài trí văn phòng/nhà xưởng, đồng phục, logo, v.v… của doanh nghiệp. Những biểu hiện văn hoá  này dễ thay đổi, thường không thể hiện đầy đủ và sâu sắc về văn hoá doanh nghiệp, nó chỉ phản ánh khoảng  20% giá trị văn hoá của doanh nghiệp.

- Cấp độ 2 bao gồm: triết lý kinh doanh; chuẩn mực hành vi/quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, luật bất thành văn của doanh nghiệp… Trong số các yếu tố đó thì triết lý kinh doanh được ví như kim chỉ nam định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Chuẩn mực hành vi/Quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COC) là bộ quy định, chỉ dẫn cách thức ứng xử cho mọi thành viên của doanh nghiệp trong các mối quan hệ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

- Cấp độ 3 bao gồm: Những giá trị nền tảng và mặc định của doanh nghiệp được hình thành từ những yếu tố như nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc của lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp; niềm tin/ Lòng tin (sự tin tưởng vào lãnh đạo doanh nghiệp, tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp, tin tưởng vào cộng sự/ đồng nghiệp…) và các giá trị cốt lõi mà lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp thống nhất lựa chọn và biến nó thành yếu tố chi phối mọi hoạt động của doanh nghiệp (10).

Các cấp độ của văn hóa doanh nghiệp đều ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Các giá trị văn hóa cấp độ 2 và 3 (thuộc phần chìm của tảng băng) có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần phải đi từ những giá trị nền tảng mang tính sâu sắc, cốt lõi của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp phải được định hình trên bộ khung vững chắc là triết lý kinh doanh, bộ quy tắc ứng xử/chuẩn mực hành vi COC. Những giá trị văn hóa hữu hình là phần nổi của văn hóa doanh nghiệp, cũng giữ vai trò quan trọng nhưng nó phải được xây dựng từ các giá trị thuộc cấp độ 2 và 3.

Như vậy, văn hóa doanh nghiệp là tổng hòa của quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và quy tắc chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tuân theo. Văn hóa doanh nghiệp lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu doanh nghiệp, đội ngũ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (doanh nhân) luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Nhân cách, phẩm chất của người chủ hay người đứng đầu doanh nghiệp sẽ quyết định chất lượng văn hóa của cả doanh nghiệp. Bởi vì họ có vai trò lựa chọn các giá trị chung của doanh nghiệp, thiết lập những quy định, quy tắc ứng xử của doanh nghiệp dựa trên các giá trị chung và điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp theo những giá trị chung đó. Những người lãnh đạo khác nhau thì mức độ thể hiện nhân cách chủ đạo sẽ khác nhau và đó là nguồn gốc của tính đặc thù hay bản sắc của văn hóa doanh nghiệp.

Ngoài ra, văn hóa doanh nghiệp còn bị quy định bởi nhiều yếu tố, trong đó có ảnh  hưởng của văn hóa xã hội; môi trường thể chế; xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế; các đối tượng hữu quan của doanh nghiệp./.

N.T.N.A-N.T.P

__________________

1. Xem: Oxford Dictionary, https://www.oxforddictionaries.com/

2. Xem: Lê Lựu (chủ biên) ( 2008), Văn hóa doanh nhân - lý luận và thực tiễn, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, tr. 317.

3. Lê Lựu (chủ biên) (2008), Sđd, 2008, tr.422.

4. Lê Lựu (chủ biên) (2008), Sđd, 2008, tr 291.

5. Lê Lựu (chủ biên) (2008), Sđd, 2008, tr.343.

6 Lê Lựu (chủ biên) (2008), Sđd, 2008, tr. 292.

7. Lê Lựu (chủ biên) (2008), Sđd, 2008, tr. 423.

8. Edgar.Schein (1997),  Corporate culture and leadership, Josey Bass Publishers. SanFrancisco, p.56.

9. Dẫn theo: Nguyễn Thị Ngọc Anh, (2013), Văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 49.

10. Xem: Edgar H.Schein, Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo, Nxb. Thời đại 2012.



Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 5 (27) - 2016


PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2016
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 3.304 lượt xem
Nghiên cứu văn hóa hôm nay
15/03/2024 2.900 lượt xem
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 2.889 lượt xem
Nghiên cứu nghi lễ
13/09/2024 2.839 lượt xem