NGƯỜI AN NAM TRƯỚC BIỂN CẢ*
Jean Yves Claeys
Nghề đi biển để đánh bắt hải sản và vận chuyển rất phát triển ở xứ An Nam. Sự dồi dào các kênh rạch, sông ngòi, đường bờ biển lồi lõm với những vũng tàu an toàn luôn thôi thúc người Việt Nam trở thành thuỷ thủ, lái tàu và đánh cá. Trước khi có người Pháp đến đây thì các phương tiện có bánh gần như còn chưa được biết đến. Trên đất liền, mọi hàng hoá đều được chuyên chở bằng đòn gánh còn người thì chở bằng kiệu.*
Các làng ven biển đều có những thuỷ thủ cừ khôi. Từ đời cha đến đời con, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ trao truyền các truyền thống và các nghi lễ tín ngưỡng quan đến việc đánh bắt cũng như là việc đóng thuyền.
Các xưởng đóng thuyền ở Trung Kỳ
Rất nhiều làng ven biển chuyên sâu trong công việc đóng bè, thuyền ván và thuyền buồm bằng tre đan hoặc bằng gỗ. Chúng tôi lấy ví dụ làng Lý Hòa, ở phía bắc ĐồngHới, cách biên giới phía bắc cũ của Champa. Chúng ta hãy xem các xưởng đóng tàu của khối dân cư không nhỏ này được tổ chức như thế nào. Trước khi đến cửa sông, trên một bãi biển cát mịn và dốc có những xưởng đóng tàu ngoài trời. Trong khi phần lớn các tàu bản địa khi đang được đóng đều đặt sống tàu song song với bờ biển thì ở đây sống tàu lại được đặt vuông góc với bờ biển. Đội công nhân được thuê đóng một chiếc thuyền buồm gồm 12 người, làm việc dưới sự chỉ đạo của một người trưởng nhóm đóng vai trò trung gian giữa khách hàng và những người cung cấp các loại nguyên vật liệu khác nhau. Công việc được thực hiện theo “thời vụ” và kéo dài khoảng một tháng. Đối với một chiếc thuyền buồm chở hàng từ 50 đến 60 tấn thì tiền nhân công đóng tàu vào khoảng từ 300 đến 350 đồng bạc Đông Dương. Người chủ tàu tương lai có trách nhiệm tập hợp được khối lượng gỗ cần thiết và nếu không có đủ khối lượng cùng một loại gỗ thì người ta dùng nhiều loại gỗ khác nhau. Trên dãy Trường Sơn chẳng thiếu gì gỗ quý và việc lựa chọn là hết sức dễ dàng.
Các nghi lễ tôn giáo cho việc đóng thuyền
Những biểu hiện tôn giáo chủ yếu của người Việt đều thuộc phạm vi thuyết vật linh. Việc thờ thần linh giữ vị trí số một trong các nghi lễ của họ và trong số các nghi lễ này thì việc thờ “tổ nghề” luôn có được vinh dự lớn lao. Sự thành công trong công việc phụ thuộc vào sự cúng kiếng các ông tổ này.
Dĩ nhiên, những người đóng tàu cũng không nằm ngoài quy tắc này. Trước khi bắt đầu xẻ gỗ có một lễ cúng ba vị tổ nghề và đặc biệt ở Lý Hòa thì người ta còn cúng thêm “Lô-Bàn” (1), người đã sáng tạo ra thuyền buồm. Đó là nghi lễ “phạt mộc”. Sau đó thì các súc gỗ được xẻ theo khuôn hình và độ dày mong muốn. Các tấm ván được uốn bằng cách hơ lửa. Mỗi công đoạn đóng tàu đều được đánh dấu bằng những lễ cúng riêng: “lễ giáp ghim”, “lễ đặt đà ngang", v.v… Cách đây vài năm thì người ta vẫn dùng mộng để khớp nối các bộ phận khác nhau chứ không dùng kim loại. Ngày nay thì đinh chưa thay thế những cái mộng rất đẹp bằng gỗ quý nhưng người ta đã bắt đầu thấy xuất hiện các càng cua bằng sắt được rèn ngay tại xưởng đóng tàu. Khi mà các ván lòng tàu đã được lắp ráp thì việc khớp nối được thực hiện bằng một loại bột dầu mà thành phần của nó gồm có nhựa một loại cây có tên là “dầu-rái” (từ tiếng Việt trong bản gốc, nd), một loại cây mà người ta thường gặp ở miền nam Trung Kỳ, được trộn với phân trâu.
Nghi lễ “hành thuyền phóng thủy” được tiến hành khi con thuyền sẵn sàng hạ thủy, sau đây là sơ lược hình thức của nghi lễ. Đồ lễ bao gồm tiền vàng, sẽ được hóa để chuyển đến thần linh, rồi xôi, gà, chuối, rượu và thậm chí là nguyên cả một con lợn để trước hết là dâng lên thần linh và sau đó làm cỗ cho người sống. Các lễ vật này được sắp trên một chiếc bàn để ở ngoài trời ngay phía trước con thuyền vừa hoàn thành. Chủ nhân chiếc thuyền quỳ lạy trên một chiếc chiếu trải ở đằng trước bàn. Những nén hương được cắm ở trên các món ăn khác nhau cháy tỏa khói ngát mùi; gia chủ cũng chắp tay cầm một nắm hương. Đồng thời ông khấn Lô Bàn để xin ngài luôn phù trợ cho chiếc thuyền của mình. Sau đó thì mỗi người thợ đều đến quỳ lạy nhưng không khấn. Nghi lễ kéo dài khoảng nửa tiếng. Sau đó gia chủ lễ tạ thần linh và đốt vàng mã. Cuối cùng, tất cả những người giúp việc quây quần bên những món ăn thịnh soạn chè chén vui vẻ và uống rượu thoải mái.
Thuyền sẽ được thả neo vào một ngày đẹp gần nhất do các thầy xem cho. Lần này nghi lễ có tên là “lễ tống mộc đưa dăm” và người ta đuổi ma tà trong gỗ (mộc). Thật vậy, những vị thần linh này có thể làm hại việc vận hành của con tàu và làm một lễ cúng các thần linh là một việc tốt để xin họ rút đi. Đôi khi nếu cần thì họ sắp lễ trên một chiếc bè. Khi người ta nghĩ là các thần linh đã hưởng lễ xong thì người ta đẩy nhẹ chiếc bè nhỏ để sóng triều đưa nó dần ra xa. Như vậy thì các thần linh không thể quay lại vào trong phần mộc của con thuyền nữa.
Nguồn gốc của những con mắt trên những chiếc thuyền ở châu Á
Chúng ta biết là tất cả các con thuyền, thuyền buồm, thuyền ba ván ở châu Á đều được trang trí ở mũi thuyền bằng hình khắc hoặc chạm một con mắt. Ở cùng vị trí này trên các thuyền phương Tây chính là lỗ dây neo. Việc gắn hoặc khắc những con mắt này ở trên thuyền bao giờ cũng có kèm theo một lễ cúng, với cùng các đồ lễ như trên, đồ ăn và tiền vàng, dâng lên thần Lô Bàn. Đây là nghi lễ “khai tâm khai quang”. Những con mắt này được vẽ bằng những màu sặc sỡ, xanh lục, vàng, trắng và đen, tuỳ theo sở thích và trí tưởng tượng của người chủ.
Ở Đồng Hới, chúng tôi đã quan sát được một đặc điểm của những con mắt này. Lòng mắt được làm bằng một mẩu gỗ đẽo thành hình quả hạnh nhân. Trước khi gắn nó thì người ta để một miếng vải bông hình vuông màu đỏ loè xoè giữa con mắt và thành tàu. Khi con tàu ra khơi, gặp gió, miếng vải bay bay và mang lại vẻ sống động cho con mắt. Chúng tôi cũng đã từng thấy đặc điểm này trên cánh cổng gỗ một ngôi nhà ở vùng ven thành phố Huế. Đó là dấu vết của một phong tục rất cổ xưa. Thật vậy, các câu chuyện thần thoại kể lại rằng vị vua Việt Nam đầu tiên ra lệnh cho thần dân của mình, khi đó họ vẫn còn ở trần, xăm lên mình họ những hình vẽ khủng khiếp và làm cho thuyền của họ có một vẻ bề ngoài của những quái vật để làm khiếp đảm các ác thần nơi biển cả và sông suối. Có người ở Lý Hòa kể cho chúng tôi rằng xưa kia có một chiếc thuyền có chín người trên đó đã bị đắm. Có một con cá mú (viết tiếng Việt trong bản gốc, nd) đã ăn thịt chín người này. Vài ngày sau, một con chim khổng lồ “có một cái bóng có thể phủ tối cả một thành phố, hẳn là hiện thân của một vị thần tốt bụng, đã bắt cá mú và mang cá đặt lên một bãi biển ở Lý Hòa, ở đó các gia đình của các nạn nhân đã tìm lại được người thân của mình trong bụng của con quái vật của biển khơi. Từ đó, những người thuỷ thủ làm cho chiếc thuyền của mình có hình dạng như một con chim để dọa những con cá dữ. Như vậy chúng ta thấy những con mắt được chạm khắc trên một chiếc thuyền không chỉ có mục đích là để dẫn dắt cho con thuyền đi lại như là người ta vẫn thường nghĩ.
Tục thờ cá voi
Tục thờ cá voi cũng rất phổ biến dọc bờ biển Đông Dương. Có lẽ, theo một vài sợi dây liên kết với một ý tưởng đã biến mất, thì nó gắn liền với truyền thuyết trên đây.
Trên thực tế không phải là cá thuộc loài cá voi được thờ cúng, mà là đại diện của họ cá heo thường xuyên mắc cạn ở vùng biển Việt Nam. Ngay khi phát hiện ra con vật, những người dân sẽ tập trung lại làm lễ tang cho con vật với những chi phí đắt đỏ ngang hàng với lễ tang của một viên quan lớn. Quan lại địa phương cũng tham gia vào nghi lễ. Xác của cá được chôn cất rất cẩn thận, rồi sau một thời gian theo quy định (như là người ta vẫn làm với con người), xương cá được đào lên, để vào trong một cái rương sơn mài, đôi khi có kích cỡ rất to và được đặt vào trong đền, đền được sử dụng chuyên biệt để thờ cúng cá. Trong “đền cá Ông” ở Lý Hòa, chúng tôi đếm được tới mười lăm cái rương để xương cá. Dĩ nhiên các nghi lễ này luôn luôn có cầu khấn, đồ lễ, vái lậy và đốt pháo, tất cả những điều đó mang lại cho các lễ hội châu Á một không khí thật sôi động. Nghi lễ không thay đổi là mấy, chỉ có các lời cầu khấn và một vài đồ vàng mã là có sự khác biệt. Đôi khi người ta dâng những chiếc thuyền giấy rất đẹp lên các thần linh biển cả, những chiếc thuyền này được đốt vào cuối buổi lễ, thả trôi theodòng nước hoặc được treo ở trong đền. Quần áo giấy, giống như người ta thường thấy ở trong những ngôi đền nhỏ, thì để dâng lên các vong hồn không có người thờ tự, tức là không được cúng ở trong các gia đình.
Hoàng đế Gia Long và cá voi
Truyền thuyết đầy những chi tiết đặc thù cũng kể rằng người sáng lập ra triều đại hôm nay, hoàng đế Gia Long, vào năm 1783 được một con cá voi cứu sống khi Ngài ra đảo Phú Quốc (Nam Kỳ) để trốn quân Tây Sơn. Trong suốt thời gian trị vì (1802-1820), để tỏ lòng biết ơn, ngài phong cho cá voi một tước quan rất cao. Tước quan này đã làm tăng thêm quyền năng tự nhiên của con vật. Cũng ở Lý Hòa, vào tháng tư âm lịch diễn ra một lễ hội rất lớn để tôn vinh cá voi. Lễ hội này sẽ bảo đảm sự thành công của một năm đánh bắt được bắt đầu vào thời điểm này. Trong lễ hội có các trò chơi với thuyền, cỗ bàn và ăn uống linh đình. Đền cá Ông là nơi đầu tiên người ta dâng lên những đồ cúng lễ đủ loại.
Lẽ dĩ nhiên, những người dân ở xóm chài đông đúc này là những người thuỷ thủ xuất sắc. Họ cho rằng mình có nguồn gốc từ Bắc Kỳ và theo họ nói thì họ chỉ mới đến sinh sống ở vùng này vào một thời gian gần đây thôi. Ở họ có một nét đặc trưng là họ vô cùng yêu nghề của mình và duy trì lòng yêu nghề này đồng thời với các hoạt động truyền thống.
Một "trường lái tàu" nguyên thủy
Người ta thường thấy những đứa trẻ ở làng tụ tập với nhau trên bãi biển xung quanh một chiếc thuyền tí hon, chúng thả thuyền xuống biển rồi bơi theo. Chúng vờ làm những động tác đánh bắt, cho thuyền thi với thuyền của một nhóm trẻ khác. Người xem hời hợt sẽ bảo đó là “những trò chơi”. Không phải là vậy, mà chí ít là nếu đó là trò chơi thì còn có điều hay hơn nữa. Những chiếc thuyền này là những mô hình tí hon rất chính xác của những chiếc thuyền thực sự mà chúng ta đã thấy ở trên, chúng tạo thành một “trường học hàng hải” thực thụ cho thiếu niên của Lý Hòa. Nó giúp bọn trẻ quen dần với các động tác, với gió, với các thuật ngữ, với tiếng lóng đặc biệt của những thủy thủ trong vùng. Chúng tạo cho bọn trẻ “cảm nhận về biển”. Một thân hào ở Lý Hòa đã nói với chúng tôi: “Ngài quan Tây ạ, như ngài thấy đấy, chính vì điều này mà đây là nơi sinh ra những người thuỷ thủ giỏi nhất Việt Nam”.
Cúng kiếng và kiêng kị liên quan đến lưới
Có rất nhiều mê tín gắn liền với việc làm lưới và đánh bắt. Không thể lướt qua những chủ đề này mà không nói đến hàng loạt những việc bảo vệ, thờ cúng, “kiêng kị”. Chúng tôi sẽ thử chỉ ra một vài biểu hiện chính.
Những biểu hiện này phần lớn đã trở thành những quy ước nghi thức dưới cái nhãn đạo Lão dân gian hết sức quen thuộc và phổ biến từ bắc tới nam dọc bờ biển Đông. Nhưng bao giờ cũng thế, phương thuốc luôn ở gần cái xấu, và thường thì chỉ cần một nghi lễ dâng lên vị thần bị xúc phạm hoặc là thế lực đối kháng để có thể lập lại trật tự bình thường. Những ông thầy cúng, những người sản xuất ra pháo và hương thì lại được hưởng lợi.
Ham muốn hội hè là thứ mà người ta không chỉ gặp riêng ở những người dân bản địa miền Nam châu Á, thì thu hút rất nhiều người tham gia.
Cách đánh bắt đơn giản nhất là bằng cần câu. Dây để câu là lụa tự nhiên, được nhuộm bằng máu của lợn. Trong khi nhuộm màu thì những ai có tang, những người què tay, cụt chân và những phụ nữ đến kỳ đều bị cấm không được đến gần những cái thùng nhuộm màu. Những thùng này thường thuộc sở hữu của cả cộng đồng dân làng và được xây dựng phía bên ngoài làng, và không hiếm khi mà ta thấy ở khu đó có một cái miếu thờ thần linh biển cả, hoặc một vị thần cụ thể nào đó bảo hộ cho sự thành công của việc đánh bắt. Những cấm kị tương tự cũng được áp dụng khi có một chiếc thuyền ở lại trên bãi biển để sơn lại. Nếu những người này cứ tiến lại gần thuyền dù bị cấm thì chiếc thuyền không còn phục vụ được cho chủ của nó nữa mà sẽ phải được bán đi. Tuyệt đối cấm “chửi thề con khỉ” không những trong khi đánh bắt, mà còn cả khi đi từ nhà ra đến thuyền. Khi ta thấy là một người Việt Nam dễ dàng chửi thề “Con khỉ!” (tiếng Việt trong nguyên bản, nd) đối với một đồng loại như thế nào, thì chúng ta thấy là đối với những người ngư dân tránh được điều cấm kị này không phải là dễ dàng cho lắm… và nếu cần, thì được dùng để đưa ra những lý do có vẻ hợp lý khi trở về với một mẻ đánh bắt không mấy thành công. Ở Tourane (tức Đà Nẵng), những người ngư dân không mấy chắc chắn về chính họ thì khi ra khơi đánh bắt luôn mang theo mình những lễ vật cần thiết cho những lễ cúng nhỏ và nhanh gọn khi họ phạm phải những điều cấm kỵ, dùng những từ ngữ phải kiêng hay có những cử chỉ đáng bị thần linh phạt.
Nữ thần của những người ngư dân ở Nha Trang
Ở vùng Nha Trang thì đặc biệt có nữ thần Mộc phù hộ cho những người làm nghề câu. Người ta cúng kiến nữ thần khi đóng xong một con tàu và mỗi khi sơn lại tàu, có nghĩa là ít nhất là mỗi tháng một lần. Đó là những nghi lễ nằm ngoài những nghi lễ quen thuộc vào ngày mùng một tết và mùng 5 tháng 5 âm lịch. Trong thời gian đóng tàu, nếu người chủ tàu làm phật lòng những người thợ thì họ có thể hại người chủ bằng cách vẽ một hình người ở một góc khuất nào đó của tàu. Một chiếc tàu bị yểm bùa như vậy thì sẽ không bao giờ có thể mang cá về. Và lúc đó thì phải nhờ một thầy cúng gọi nữ thần Mộc về. Nữ thần sẽ chỉ cho những nghi lễ bắt buộc để giải vận.
Những chiếc thuyền này có vỏ bằng mây tre và phía trên có thành bằng gỗ. Tre có tuổi thọ khoảng hai mươi năm nếu được duy tu tốt. Vỏ tàu được trát phân trâu tươi, sau đó phủ một lớp nhựa cây trộn lẫn với bồ hóng hoặc bột than. Buồm chão được làm với buồm bằng lá một loại cây sọ, được ngâm trong nước muối, bện chặt với nhau rồi khâu và viền lại.
Những tín ngưỡng trong khi đánh bắt
Việc đánh bắt bằng lưới cũng có nhiều cấm kị. Nhìn chung thì vẫn những đối tượng tương tự liên quan đến những điều cấm. Ngoài ra còn thêm vào những bà mẹ vừa mới sinh nở, rồi cả những phụ nữ đã đến thăm những bà mẹ mới sinh nở này trong khi mà thời gian ở cữ của họ còn chưa kết thúc (7 ngày đối với các bé trai và 9 ngày đối với các bé gái). Đầy rẫy những rắc rối sinh ra từ việc xâm phạm những quy tắc này. Để giải vận đen, người chủ thuyền, nếu biết được người xâm phạm, sẽ bắt phạt người này phải mua một con gà trống, trầu cau, rượu gạo để lễ các thần linh. Nghi lễ được tiến hành ở một nơi xa ở trên núi, ở một chỗ không có người ở; một loại nhựa cây đặc biệt được đốt để xua đuổi những ảnh hưởng xấu, những bụi bặm có hại. Đôi khi không chỉ cúng kiến bà “Mộc” và bà “Thuỷ” mà còn phải cúng cả những nữ hầu cận của các Bà nữa.
Nguồn gốc của những việc thờ cúng này và của những vị thần được thờ cúng này đôi khi rất khó để xác định, dù rằng trên thực tế thì nó rất đơn giản, như là trong câu chuyện dưới đây.
Truyền thuyết thần Só
Một hôm, một người đàn ông tên là Só lặn dưới biển để gỡ lưới đánh cá của thuyền anh ta khỏi một dải san hô. Anh ta bị chết đuối vào một giờ rất xấu theo quan niệm của người dân trong vùng. Hồn anh ta ngay lập tức được tôn lên hàng các thánh thần và được cúng kiếng rất sôi nổi ở các vùng ven Nha Trang, vào tháng 3 âm lịch trong dịp lễ “mở biển”, vào tháng 10 khi hết mùa, vào lễ “cúng tạ”. Vào ngày trăng tròn, trăng khuyết (mùng 1 và 15 hàng tháng), người ta thắp đèn và hương, người ta lễ hoa, quả, đánh chuông và đánh cồng một ngày một đêm trong ngôi đền được xây để thờ anh ta. Khi ra khơi, nếu lưới bị mắc thì người đàn ông đã được thánh hoá là Só được cầu khấn. Những người mà chúng tôi đã liệt kê ở trên bị cấm không được vào đền thờ vị thần này.
Trong việc làm lưới cũng có những vị thần riêng, những ngày tốt và xấu, những ngày giỗ kị với đầy những điều cấm nghiêm ngặt.
Kết luận
Người Việt ở Trung Bộ là dân cày hoặc ngư dân. Tuy nhiên hai nhóm người này dường như là không pha trộn mấy với nhau. Những cồn cát chia cắt họ. Trên đụn cát, người ngư dân chỉ có một mảnh vườn nhỏ. Nếu mùa đánh bắt không tốt thì sẽ đói kém. Người dân cày thì không nhìn thấy biển, tầm mắt họ bị đụn cát che mất. Ngư dân đưa cá đến các chợ bằng những kênh rạch của vùng đồng bằng. Họ mua gạo, rồi lại trở về với những đụn cát không có bóng, gần những tấm lưới phơi trên bờ cát trắng. Đôi khi người dân cày nhờ ngư dân giúp họ tát một cái ao hay một đoạn phá để bắt cá. Rồi người đàn ông của biển cả, xong cuộc chè chén, lại trở về với những đợt gió mùa đầy thất vọng. Biển cả giữ rịt những con người xả thân với nó. Nhưng điều ngự trị trong cả hai nhóm thật khác nhau mà lại đồng nhất, đó là gông xiềng của những vị thần, sự chi phối của những linh hồn, sự tuân thủ những ý muốn của các đấng thần linh. Những đoàn rước của dân cày đến tôn vinh các chùa ven biển. Những người đóng tàu lên rừng để tế lễ các vị thần Tam phủ./.
J.Y.C
(Phan Phương Anh dịch từ bản tiếng Pháp)
_________________
1. Người viết hẳn muốn đề cập đến Lỗ Ban nhưng trong bản gốc tiếng Pháp ghi là “Lô-Bàn”, nd.
* Nguyên bản tiếng
Pháp: “L'Annamite devant la mer", Indochine 131, tr. I-IX. Tác giả J. Y.
Claeys là Thông tín viên Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp. Chữ Annam trong bản tiếng Pháp vừa chỉ tên gọi của Việt
Nam trước năm 1945 (từ đó có tính từ annamite “thuộc về An Nam" và danh từ
Annamite chỉ “người dân An Nam") vừa chỉ miền Trung Việt Nam (Trung Kỳ),
tùy theo ngữ cảnh. Trong bản dịch này, chúng tôi vẫn
dùng các từ chỉ địa danh trong thời Pháp thuộc để người đọc cảm nhận được bối cảnh
ra đời của văn bản, chứ không có nghĩa gì khác, nd. Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 4 (32) - 2017
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục