Hát phường vải Trường Lưu

Ngày đăng: 10/04/2024 Lượt xem: 498
Mặc định Cỡ chữ

HÁT PHƯỜNG VẢI TRƯỜNG LƯU

 

GS. TSKH. Nguyễn Huy Mỹ

 

 

Mở đầu

Từ giữa thế kỷ XVIII làng Trường Lưu, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã thực sự trở thành một trung tâm văn hóa với trường học Phúc Giang, có hàng vạn mộc bản in hàng vạn cuốn sách phục vụ việc giảng dạy cho hàng trăm sĩ tử, trong đó có 25 vị tiến sĩ sinh quán từ Nghệ Tĩnh cho đến ngoài Bắc, với tám cảnh đẹp do thiên nhiên ban tặng và con người xây dựng, với các phương thức hoạt động văn hóa có phần đa dạng: đây vừa là nơi đào tạo kẻ sĩ, vừa là nơi qua lại xướng họa giữa các tao nhân mặc khách, vừa là nơi tổ chức những hội hè trang nhã, những ngày sinh nhật, mừng thọ, những sinh hoạt đền ơn đáp nghĩa, quy tụ bao nhiêu nhân vật sang trọng ở trong nước cùng về sum họp, trong đó có đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1766-1820). Trong các hoạt động văn hóa ở Trường Lưu, từ thời đó đến nay, hát phường vải (HPV) nổi lên như một hoạt động vừa “mang sắc thái văn hóa dân gian như một đặc trưng của văn hóa làng xã và sắc thái văn hóa bác học như một xu hướng tích cực phá vỡ hàng rào làng xã và địa phương để đạt đến tầm vóc văn hóa cả nước” (1). Ở bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu về HPV ở Trường Lưu từ nguồn gốc, đỉnh cao, cách hát, tình trạng hiện naykhả năng bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quý giá này.

  1. Nguồn gốc - lịch sử phát triển của làng Trường Lưu.

Xung quanh núi Cài - Nhạc Thốc Sơn, giữa núi Hồng Lĩnh và Trà Sơn, là các làng khá nổi tiếng: Yên Huy với dòng họ Dương có Dương Trí Dụng đỗ tiến sỹ năm 1565, Dương Trí Trạch (1586-1662), đỗ tiến sỹ năm 1619; Vĩnh Gia với tiến sĩ Nguyễn Tâm Hoằng (1434-?) là người khai khoa cho xã Lai Thạch, ông đỗ tiến sỹ khoa Mậu Tuất (1478) và dòng họ Phan với Thám hoa Phan Kính (1715-1761), Đình nguyên Thám hoa năm 1743; Mật Thiết với Nguyễn Bật Lượng (1555-?) đỗ tiến sỹ năm 1577, Nguyễn Hành (1700-1742) đỗ tiến sĩ năm 1733, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1803); Kiệt Thạch với tam khoa tam tiến sĩ: Hoàng Hiền (1444-?) đỗ tiến sỹ năm 1478, Nguyễn Cung (1448-?) đỗ tiến sỹ năm 1493, Thái Kính (1479-?) đỗ tiến sỹ năm 1511 và Trường Lưu với Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… Nhưng chỉ có làng Trường Lưu là có các di sản văn hóa phong phú và đa dạng, trong đó có HPV, vì vậy để tìm hiểu và lý giải về nguồn gốc của HPV, trước hết cần tìm hiểu về quá trình phát triển của làng Trường Lưu, mà sự hình thành và phát triển của làng Trường Lưu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn Huy.

Qua các tư liệu khảo sát, chưa rõ được cư dân nào đã ở vùng này từ trước và nay có còn ai là hậu duệ của họ, trong các tư liệu cũ về Trường Lưu ta có một số thông tin sau:

Trong thời gian Bắc thuộc, các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, bà Triệu, Lý Bôn… nhân dân vùng Nghệ Tĩnh nói chung, Can Lộc, Đức Thọ nói riêng có tham gia hay không chưa rõ, nhưng một ý kiến mà nhiều người khẳng định là vùng này đã có dân sinh sống. Các tên quận huyện Hoan Châu, Nhật Nam có từ đời Đường, Hoan Châu gồm có 4 huyện: Cửu Đức, Việt Thường, Phổ Dương và Hoài Hoan. Thời gian sau, Mai Thúc Loan khởi nghĩa, nhân dân vùng này hưởng ứng, ở vùng Can Lộc có nhiều câu ca dao liên quan, rồi làng Mai Phụ ở xã Hồng Lộc và dòng họ Mai ở đây đã có từ thời ấy. Ở vùng Trường Lộc hiện nay chưa có dấu tích, sự kiện lưu truyền về thời gian này.

Thời Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, dù chưa có văn bản, nhưng với khả năng hình thành phên dậu phương Nam, trong đó có vùng Hà Tĩnh là điều chắc chắn. Thời Tiền Lê, việc Ngô Tử An mở đường bộ và Hồ Thủ Ích đào sông Châu Giáp cũng chưa tìm được dấu tích liên quan đến vùng Trường Lộc hiện nay.

Gần hơn nữa, từ khi Hoan Châu được đổi thành Nghệ An, Lý Nhật Quang vào trấn thủ và xây dựng vùng này, trong các cuộc Nam chinh thời nhà Lý, nhân dân vùng Hà Hoàng (tên gọi của vùng này thời đó) đã phục vụ đắc lực. Một đại thần triều Lý nữa là Tô Hiến Thành cũng đã vào trấn nhậm ở đây. Lý Nhật Quang, Tô Hiến Thành được nhiều làng thờ làm thành hoàng, nhưng ở vùng Trường Lộc, và ở cả vùng xung quanh núi Cài (Thanh Lộc, Yên Lộc, Song Lộc, Kim Lộc và Trường Lộc) chưa tìm ra dấu tích thời Lý, ngoại trừ đền Rú thờ Ô Trà Sơn Nam Nhạc đại vương Lý Sùng Ban là một võ quan thời Lý.

Trải gần hai trăm năm triều Trần, vùng quê xung quanh núi Cài, khả năng đã phát triển lớn, nhưng cũng như thời trước, cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra dấu tích, cứ liệu gì để lại. Cuối đời Trần, một số tôn thất triều Trần đã tìm về vùng quê Nghệ Tĩnh lập nghiệp. Bà Bạch Ngọc hoàng hậu đã về khai phá lập nên vùng Đức Lạc, Thường Nga, làng Dương Chinh và làng Trà Xá sau Rú Bụt. Bà khai phá vùng núi nói trên mà không khai phá vùng xung quanh núi Cài, có lẽ là các làng xung quanh Rú Cài đã hình thành rõ ràng chăng?

Vì vậy cho nên nhiều nhà nghiên cứu như Thái Kim Đỉnh, Ninh Viết Giao khi khảo sát, nghiên cứu về Trường Lưu đều chỉ dựng lại được bức tranh chung là: “Vùng đất nằm lọt giữa các dãy núi chè (Trà Sơn), Rú Bụt (Bột Sơn), Rú Cài (Nhạc Thốc Sơn) xưa là các lòng chảo, mùa mưa nước ngập thành hồ. Về sau hồ bồi lấp, chỉ còn một con ngòi nhỏ chảy vào sông Nhe, có tên Phúc Giang. Bên sông có mấy chòm dân cư thưa thớt. Kẻ Vạc, Kẻ Trằng… đầu thế kỷ XV dời lên vùng đất cao trên dãy Phượng Lĩnh gọi là Trường Lưu (2); “Xa xưa, Trường Lưu gồm các làng Kẻ Đò, Kẻ Vạc, và làng Tràng. Ba làng này nằm ven một con sông nho nhỏ quanh co gọi là sông Phúc Giang. Đến đời Lê Thánh Tông, Cụ Uyên Hậu, thuỷ tổ họ Nguyễn Huy… đã về đây. Nhận thấy ba làng Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng ở đồng trũng, dân vất vả quanh năm, mà Phượng Lĩnh cách đó không xa, độ dăm trăm mét thôi, là nơi “địa linh tú khí” không những dễ làm ăn mà còn cao ráo, bề thế, có cơ phát triển. Có tầm nhìn xa, cụ Uyên Hậu đã đề xuất với dân ba làng chuyển về đây. Và sau khi nhập với Kẻ Bỉn (thuộc làng Đông Tây đặt tên là làng Trường Lưu. Cái tên Trường Lưu có từ đó” (3).

Cụ Uyên Hậu giữ chức Ngũ kinh Bác sĩ, chức này được đặt từ năm 1467, thời Lê Trung hưng về sau bỏ, dạy năm kinh ở Quốc Tử Giám. Cụ Uyên Hậu và cụ Nguyễn Tâm Hoằng (1434-?), người làng Vĩnh Gia đỗ tiến sĩ năm 1478, một vị Ngũ kinh Bác sĩ, một vị tiến sĩ đã kết thông gia với nhau để nay con cháu thành dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, đã đặt nền móng để con cháu cùng các dòng họ khác xây dựng nên làng Trường Lưu như ngày nay, thành một làng văn hóa du lịch, từ đó đến nay đã gần 600 năm.

Lịch sử 600 năm phát triển của làng Trường Lưu luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, của vùng Nghệ Tĩnh và cả của vùng xung quanh núi Cài. Đó là, vào thời Lê Sơ, việc học hành được mở rộng, con đường tiến thân qua thi cử và bảo cử. Giai đoạn đầu của nhà Mạc ít có ảnh hưởng đến vùng này, cuộc chiến Lê - Mạc chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến vùng này, những người vùng này ít ra ngoài Bắc, tới khi nhà Lê - Trịnh khởi xướng công cuộc trung hưng, đã có sự đóng góp của cư dân vùng này. Giai đoạn chiến tranh Trịnh Nguyễn ảnh hưởng tới vùng này nhiều hơn.

Thế kỷ XVIII là thế kỷ khá bình yên và vùng này phát triển mạnh cả về kinh tế, số dân, học hành. Tới cuối thế kỷ biến động lớn giữa ba triều đại Lê Trịnh - Tây Sơn - Nguyễn đã ảnh hưởng mạnh tới vùng này, cho đến giai đoạn Pháp đánh chiếm Việt Nam và phong trào Cần Vương. Giai đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám, cải cách ruộng đất, nhân dân vùng này tham gia tích cực và để lại nhiều dấu ấn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp vùng này là vùng tự do, là vùng cung cấp nhân lực, vật lực. Đây cũng là vùng gánh chịu sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong việc bảo đảm giao thông tiếp tế cho tiền tuyến của ta. Khi nghiên cứu quá trình phát triển của làng cần thiết xem xét theo tiến trình lịch sử vùng này cũng như lịch sử phát triển của đất nước.

Thử hình dung lại quá trình phát triển của làng Trường Lưu qua sự phát triển của các dòng họ, trước hết là họ Nguyễn Huy. Ba thế hệ đầu của họ Nguyễn Huy Trường Lưu cụ Uyên Hậu giữ chức Ngũ kinh Bác sĩ, chắc cụ thuộc tầng lớp quan viên, nên con cụ là Nguyễn Hàm Hằng (1454 - ?), theo gia phả dự thi Hội, có lẽ cụ được vào thi Đình nhưng không đậu, được vào Đường thượng xá sinh.

Con trai thứ 2 của Nguyễn Hàm Hằng cũng là Giám sinh, gia phả ghi là trúng Tam trường thi Hội. Như vậy là ba thế hệ đầu tiên của họ Nguyễn Huy Trường Lưu, đều có thời gian dài gắn bó với Quốc Tử Giám.

Chưa có tư liệu nào nói về 3 thế hệ đầu tiên của họ Nguyễn Huy Trường Lưu, nhưng Nguyễn Uyên Hậu thì không trở về Trường Lưu, còn Nguyễn Hàm Hằng và Nguyễn Thừa Nghiệp cũng như anh Nguyễn Thừa Nghiệp là Nguyễn Thừa Cẩn đều mất ở quê, bằng cứ là mộ các cụ và các cụ bà còn đến ngày nay. Con cháu truyền nhau là lúc già các cụ về quê dạy học, vậy người theo học có lẽ là cư dân của các làng Tràng, làng Trại, làng Vạc, Kẻ Đò, Kẻ Bỉn chăng? Và thêm vào đó là cuối đời thứ 3 họ Nguyễn Huy Trường Lưu có thuỷ tổ họ Nguyễn Xuân và họ Trần Huy cũng vào đây lập nghiệp, có thể họ tìm về vùng có những người dạy học như các vị tổ ba đời đầu của họ Nguyễn Huy. Gia phả cả hai họ đều không ghi rõ các cụ ở đâu về, nhưng không phải người ở đây vì đều ghi là Thuỷ tổ.

Như vậy khoảng 100 năm đầu từ 1450 đến 1550 là quãng thời gian Thuỷ tổ họ Nguyễn Huy về lập nghiệp, dựng làng cùng với cư dân gốc, theo các bộ gia phả và khảo sát thực tế thì hậu duệ của cư dân bản địa thời ấy hiện không còn ai. Cuối giai đoạn này ở Trường Lưu có thêm họ Nguyễn Xuân và họ Trần Huy. Khoảng thời gian từ 1550-1650, điểm chính của lịch sử ở giai đoạn này là cuộc chiến Lê-Mạc, tương ứng từ đời thứ 4-6 họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Từ năm 1526 nhà Mạc thay nhà Lê, giai đoạn đầu thế hệ thứ 4 họ Nguyễn Huy Trường Lưu chỉ học ở quê, gia phả ghi về Nguyễn Thừa Tổ là bản phủ hiệu sinh, thế hệ thứ 5 họ Nguyễn Huy Trường Lưu, Nguyễn Thừa Hưu cũng chỉ là học trò ở trường phủ - bản phủ hiệu sinh và em là Nguyễn Thừa Sủng cũng bản phủ hiệu sinh nhưng cụ Thừa Hưu đã tham gia cuộc chiếc Mạc - Lê Trịnh, với chức Tham tướng thần sự. Đời thứ 6, con trưởng của Nguyễn Thừa Hưu là Nguyễn Đôn Hậu kế tiếp cha làm Tham tướng thần sự, từ người con thứ 3 là Nguyễn Như Thạch sinh năm 1579, đã ở Kinh thành làm quan với chức Lang trung bộ Hình được phong tước là Mỹ lương tử. Tương ứng với ba đời này là quãng thời gian 1530-1650, thời cuộc chiến Lê - Mạc, qua 3 thế hệ họ Nguyễn Huy Trường Lưu, giai đoạn đầu, thế hệ thứ 4, ở quê, thế hệ thứ 5, 6 tham dự chiến tranh và thế hệ thứ 6 thì nhà Lê đã khôi phục kinh thành, chấn chỉnh thi cử. Nguyễn Như Thạch là thông gia với Dương Trí Trạch, mà Dương Trí Trạch nhờ có công trong chiến trận được triều đình cho lấy con gái thứ 5 của Tể tướng Nguyễn Văn Giai.

Cuối thời gian này, tổ họ Lê ở Quỳnh Côi mới từ Việt Yên vào đây, góp công sức xây dựng xóm Quỳnh Côi, năm 1588 trùng tu chùa Gia Hưng.

100 năm tiếp, quãng 1650-1750 là giai đoạn đặt nền tảng cho làng Trường Lưu, phát triển và đi xây dựng tiếp ở các nơi khác, tương ứng với đời thứ 7-9 họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Ở giai đoạn này cuộc chiến Lê-Mạc đã vào giai đoạn kết thúc và cuộc chiến Trịnh-Nguyễn còn tiếp tục, lúc căng thẳng, lúc âm ỉ. Họ Nguyễn Huy có Nguyễn Như Thạch làm quan ở triều, lúc già về quê dạy học mất năm 1662, có 3 con đều trưởng thành: Nguyễn Công Ban (1630-1711), thế hệ thứ 7 họ Nguyễn Huy Trường Lưu đỗ Hoành từ, đỗ Sĩ vọng, Tam trường thi Hội, làm quan tại triều với chức Giám sát Ngự sử. Ông có 3 con thuộc thế hệ thứ 8 họ Nguyễn Huy Trường Lưu, con cả là Nguyễn Công Phác, theo học ở ngoài Bắc, lấy vợ ở ngoài này, tiếp thu tinh hoa của văn hoá Kinh Bắc. Con thứ hai là Nguyễn Công Chất, đỗ Giải nguyên năm 1675, con thứ 3 là Nguyễn Công Trân làm Tri châu Bố chánh. Thế hệ thứ 9 họ Nguyễn Huy Trường Lưu, ở thế hệ này có Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) là người đầu tiên có tên đệm là Huy, làm quan đến Tham chính. Ở các chi nhánh khác của họ Nguyễn Huy, cũng phát triển, bà Nguyễn Thị Huyên thế hệ thứ 8 ở làng Phúc Lộc, là mẹ của Thám hoa Phan Kính. Anh trai bà là Giám sinh Quốc Tử Giám Nguyễn Công Lâm là người có ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành, thành đạt của Phan Kính. Nguyễn Công Chất như đã nói ở trên, đã chuyển về làng Cảnh xã Phú Lộc, góp phần xây dựng vùng này. Ở chi họ làng Nguyễn Xá, anh em chú bác tại triều rất có thế lực. Trong dòng họ Nguyễn của tiến sĩ Nguyễn Bật Lượng, có Nguyễn Bật Kỷ là tộc trưởng, thuộc đời thứ 7 cùng thời gian này đã lên làng Nguyễn Xá làm con nuôi của Thắng lộc hầu Nguyễn Khắc Khoan, thuộc họ Nguyễn Huy Trường Lưu chi họ ở làng Nguyễn Xá, mà theo Gia phả họ Nguyễn ở làng Mật là có “thế lực trong cung thất nhà vua”, ông (chỉ Nguyễn Bật Kỷ) “bèn tình nguyện làm con nuôi”. Sau nữa, bà Nguyễn Thị Chiêm, thuộc đời thứ 8 họ Nguyễn Huy Trường Lưu (ở Nguyễn Xá) là mẹ của tiến sĩ Nguyễn Hành (1701-?). Nguyễn Nghiễm đã soạn bia ca ngợi bà Chiêm có công lớn đối với dòng họ Nguyễn ở làng Mật.

Mẹ của Nguyễn Thiếp là bà Nguyễn Thị Hồng, con gái đầu của cụ Nguyễn Công Hoàn thuộc thế hệ thứ 9 họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

Những năm cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Trường Lưu đã khá phát triển, nhiều người thi đỗ Hương cống, làm quan ở triều. Họ Nguyễn Xuân có Nguyễn Xuân Mậu (1685-1736) đỗ khoa năm 1708 làm Tri huyện, sau khi mất được tặng Thiếu Khanh. Họ Trần Huy có Trần Huy Báu, đỗ năm 1729 làm Tri huyện Hội Ninh. Trước nữa, trong vùng có họ Hoàng, có người làm Tri huyện, từng là thầy học của Nguyễn Công Ban, chưa tìm được lai lịch của vị Tri huyện này. Hai vị này cùng một số người họ Nguyễn Huy Trường Lưu đều tham gia Hội Văn huyện La Giang (văn bia Hà Tĩnh).

Họ Võ ở Quỳnh Côi cũng đã phát triển, thời gian này đã có người thi đỗ Hương cống.

Nhiều thuỷ tổ của các dòng họ đã theo Nguyễn Huy Oánh về Trường Lưu, đến nay đã thành các dòng họ: họ Nguyễn Thanh, họ Trịnh, họ Lê,...

Một trăm năm tiếp theo, quãng 1750-1850, tương ứng thế hệ thứ 10-12 họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Giai đoạn đầu là thời kỳ yên bình, Trường Lưu trở thành một làng phát triển có tiếng, các cảnh đẹp do con người xây dựng và do thiên nhiên ban tặng được kết hợp, nhiều nhà thờ họ được xây dựng, trường học Phúc Giang với cơ sở in ấn và các nhà giáo họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã thu hút nhiều học trò, danh nhân giao lưu. Theo nhiều nhà nghiên cứu đây là giai đoạn hình thành dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu (4). Các di sản văn hóa chủ yếu được xây dựng và phát triển ở giai đoạn này, nhất là HPV. Ở giai đoạn này ít có biến cố lớn xảy ra với vùng này nói chung và với Trường Lưu nói riêng. Một số người ở Trường Lưu, còn tiếp tục dự các kỳ thi Hội sau 1783, là năm khoa thi Hương có nhiều người họ Nguyễn Huy Trường Lưu đỗ, nhưng không có ai đỗ kỳ thi Hội. Từ năm 1786 đến 1802, biến cố khá lớn với Trường Lưu ở vào giai đoạn thời Tây Sơn quãng từ năm 1786 tới lúc vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Trong giai đoạn này vào quãng năm 1786-1789 lúc Tây Sơn ra Bắc, một số con em họ Nguyễn Huy có tham gia các hoạt động chống lại, nên Trường Lưu có bị đốt phá. Sau đó Nguyễn Huy Tự đã vào với Tây Sơn, quãng năm 1788, nên có lẽ Trường Lưu cũng đỡ bị tàn phá hơn như ở Tiên Điền. Giai đoạn nhà Nguyễn, nhiều người họ Nguyễn Huy đã sớm tham gia, như Nguyễn Huy Hào đã tham gia đội thân binh đón và hộ tống vua Gia Long, Nguyễn Huy Tượng và Nguyễn Huy vinh đều được mời ra tham gia quan trường, Nguyễn Huy Tá làm quan với triều Nguyễn tới Phó Đốc học Quốc Tử Giám. Thời gian này, việc thi cử gần như bị bỏ hẳn từ năm 1789 tới năm 1807.

Đời Nguyễn, có Nguyễn Huy Hào, sau đổi tên là Nguyễn Doãn Trung, đỗ kỳ thi Hương năm 1827 và con ông là Nguyễn Huy Giáp đỗ Giải nguyên khoa 1840 và có dự thi Hội nhưng không đỗ. Nguyễn Huy Hổ có tham gia quan trường nhưng với chức nhỏ và không lâu. Về mặt võ ban cũng chưa có tư liệu về các quan võ thời này.

Lại một trăm năm nữa, 1850-1950, tương ứng với thế hệ thứ 13-15 họ Nguyễn Huy Trường Lưu, đây là giai đoạn đầy biến động: Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam vào năm 1858, phong trào Cần Vương với khởi nghĩa Lê Ninh, Phan Đình Phùng. Nho học mất vị trí, việc học chữ quốc ngữ, tiếng Pháp vào đầu những năm 20 thế kỷ XX. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Cách mạng tháng Tám 1945, Cải cách ruộng đất năm 1954.

Về việc tham gia phong trào Cần Vương, Xô Viết, Cánh mạng tháng Tám, cần có các khảo sát, đề tài, riêng biệt. Đã có nhiều tư liệu cho thấy dân làng Trường Lưu tham gia vào các phong trào trên, nhưng chưa được hệ thống lại hoặc in ấn thành sách. Người Trường Lưu tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ở đây chúng tôi muốn điểm qua mấy nét sau.

Năm 1923 là năm Trường Lưu ghi lại Hương ước (5).

Người Trường Lưu vẫn tham gia thi cử, nhiều người đỗ tú tài. Ở Trường Lưu nhiều người vẫn dạy chữ Hán cho con em và một số theo các trường quốc ngữ, học tiếng Pháp như Nguyễn Huy Tần (Tham Tần), Trần Văn Thụy (Tham Thụy)… và tham gia Cách mạng như Nguyễn Huy Tần là Chủ tịch huyện Can Lộc.

Từ 1950 tới nay, số người sinh quãng năm 1920-1930 nay còn ít, trong đó có nhiều người vẫn được học chữ Hán và quốc ngữ. Lớp người sinh quãng năm 1930-1940-1950 nay đại bộ phận đã nghỉ hưu và ở các thành phố, ít người về Trường Lưu. Có lẽ cần nhấn mạnh một điểm khác với thời xưa là, hiện nay những người về hưu hầu hết ở các thành phố lớn, so với thời xưa, các cụ nghỉ hưu là về Trường Lưu. Việc này rất ảnh hưởng tới việc bảo tồn và xây dựng làng văn hóa Trường Lưu, đòi hỏi chính quyền có cách hoạt động thích hợp. Tuy vậy, nhưng so với các làng khác thì số người Trường Lưu ở các thành phố lớn khi về hưu hoặc về ở Trường Lưu hoặc xây dựng nhà vườn ở Trường Lưu để tiện đi về vẫn đông hơn các làng khác.

Quãng năm 1945 tới 1953 có thay đổi về địa giới, lấy xóm Giai và xóm Quỳnh Côi của làng Nguyễn Xá gộp với làng Tràng Lưu lập thành xã Trường Lộc, là một trong 23 đơn vị hành chính thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 412 ha, 2.978 dân của 41 chi họ, thuộc 20 dòng họ, trong đó họ Nguyễn Huy có 23 chi.

Phía bắc, tây bắc giáp xã Song Lộc, đông bắc và đông giáp 2 xã Thanh Lộc và Yên Lộc, phía nam giáp xã Gia Hanh và tây nam chung ranh giới với xã Phú Lộc. Xã Trường Lộc, bao gồm 5 xóm là: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn, Quỳnh Sơn và Tân Tiến. Trước đây qua nhiều lần thay đổi của thế sự, tên gọi của các xóm, làng cũng đổi thay, một số tên như làng Vạc, làng Tràng (Kẻ Trằng), Kẻ Đò, Kẻ Bỉn… chỉ còn lại trong ký ức, rồi xóm Đình, xóm cầu Lối, làng Quan… một số tên từ thời xưa như làng Trại thì vẫn còn cho đến ngày nay.

2. Đỉnh cao của hát phường vải

Qua lịch sử phát triển của làng Trường Lưu ta thấy đỉnh cao về văn hóa của làng và cũng là đỉnh cao của HPV đạt tới là ở giai đoạn giữa thế kỷ XVIII.

Ba thế hệ đầu của họ Nguyễn Huy Trường Lưu là ba thế hệ mở đầu việc học hành ở Trường Lưu, chắc là với cư dân bản địa, và sinh hoạt văn hóa dân gian có thể đã có từ đó, vì theo lời truyền thì khi vị tổ đời thứ 2 họ Nguyễn Huy Trường Lưu là Nguyễn Hàm Hằng (1454-?) mất thì dân làng đã để tang 3 ngày. Ba thế hệ kế tiếp mức học hành chỉ ở trường phủ và tham gia cuộc chiến Lê-Mạc, các dòng họ khác đã bắt đầu về Trường Lưu. Đến cuối thế kỷ XVII, người theo về Trường Lưu học có thể chưa đông, nhưng đến đầu thế kỷ thứ XVIII lúc trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã nhiều người tham gia giảng dạy như Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) dạy học trò bốn phương đến thụ nghiệp có đến 1218 người, từ năm 1732, sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) đã dựng trường ở phía nam làng tụ tập hơn vài trăm người theo học, học trò ông có 24 người đỗ tiến sĩ và tới giữa thế kỷ thứ XVIII đã thực sự trở thành trung tâm giáo dục đào tạo lớn với Thư viện Phúc Giang (Thư viện là trường học), với sức chứa hàng vạn cuốn sách như Đại Nam nhất thống chí từng chép: "Ông có dựng một lầu để sách, có vài vạn quyển, dạy học tới vài nghìn người. Trong số học trò cùng đỗ một triều đến 30 người, còn hạng ra làm Tri châu, Tri huyện thì không kể xiết" (6). Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) cũng ghi: "Ông lập thư viện chứa đến mấy vạn quyển sách. Từ đầu đến cuối, học trò ông có vài ngàn người, trong đó có hơn 30 người đỗ tiến sĩ cùng làm quan đồng triều. Còn đỗ Hương cống được trao trách nhiệm thì không biết bao nhiêu mà kể" (7). Trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nhiều người tham gia giảng dạy như Nguyễn Công Ban (1630-1711), Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) từng làm quan Trực giảng ở Quốc Tử Giám mỗi lần giảng luận kinh nghĩa, các triều sĩ đều khen ông là "Hòm sách của Lai Thạch", Nguyễn Huy Tá đỗ Hương cống triều Lê khoa Quý Mão năm 1783, làm Phó đốc học Quốc Tử Giám triều Nguyễn, Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Nguyễn Huy Tiêu (1742- ?)… đều từng giữ chức Thị nội văn chức tùy giảng ở phủ Thế tử. Truyền thống dạy học là một truyền thống nổi bật của họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Để có được nhiều học trò, các thầy giáo ở Trường Lưu ngoài việc chuẩn bị trường lớp, nơi lưu trú, sinh hoạt thì việc chuẩn bị sách để giảng dạy là điều quan trọng. Và ngoài việc học các cụ đã tạo dựng các sinh hoạt văn hóa khác để thu hút danh nhân tài tử. Hiện ở nhà thờ họ Nguyễn Huy Trường Lưu còn lưu lại nhiều bút tích của các danh sĩ từ ngoài Bắc vào, năm 1748 khi Nguyễn Huy Oánh đỗ Đình nguyên Thám hoa, thì người thay mặt quan viên huyện La Giang viết trướng mừng lại là một danh sĩ đất Bắc - người Thanh Trì, Hà Nội -Dao Cầm Lãn phu Đặng Trần Côn soạn.

Những năm 1779 cho đến 1785 là giai đoạn nhiều thầy giáo họ Nguyễn Huy Trường Lưu ở Trường Lưu. Nguyễn Huy Oánh về nghỉ hưu ở làng, Nguyễn Huy Quýnh về chịu tang mẹ đẻ ở quê từ 1781-1783, Nguyễn Huy Tự về quê chịu tang mẹ vợ và ở hẳn lại quê nhà cho tới năm 1788 mới vào Phú Xuân với nhà Tây Sơn, và cũng là giai đoạn mà Nguyễn Du qua lại Trường Lưu nhiều nhất.

Các danh sĩ đã nâng tầm các câu hát của HPV lên tầm văn hóa cao, để lại nhiều câu hay, sống mãi với năm tháng, mặc dù chưa xác định được cụ thể người bày chuyện. Với ba bài thơ của Nguyễn Du và Nguyễn Huy Quýnh, có thể nói được rằng đây là giai đoạn đỉnh cao của HPV Trường Lưu và cũng khá nhiều bài viết về thời gian sáng tác, về câu chuyện HPV của các thi nhân, về sức lôi cuốn giới nghiên cứu của HPV qua ba bài Thác lời người con gái phường vải Trường Lưu gửi người con trai phường nón Tiên Điền của Nguyễn Huy Quýnh gửi Nguyễn Du:

Tảng mai Hầu trở ra về,

Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng.

Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,

Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời.

Trời làm chi cực bấy trời,

Cơi trầu này để còn mời được ai ?

Tím gan đổ hắt ra ngoài,
Trông theo truông Hống, đò Cài thấy đâu.
Khi lên, đổ rối cho nhau,
Khi về, trút một gánh sầu về ngay.
Xua buồn từ bấy đến nay,
Nào ai mó đến xa quay, xin thề!
Ngại ngùng đường cửi đi về,
Chân dừng dây đạp, tay e thoi chuyền.
Lắng tai nghe tiếng ác truyền,
Đường sầu cuốn khúc, tấm phiền đổ hoa.
Chẹ duyên dằng lại tháo ra,
Gần nhau cách quãng, lại xa mối hồi.
Liều bằng khổ một gò đôi,
Coi như bóng đã bắn rồi bong bong.

Và bài Thác lời người con trai phường nón Tiên Điền gửi người con gái phường vải Trường Lưu:

Tiếc thay duyên Tấn phận Tần,
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa!
Chưa chi đông đã rạng ra,
Đến giờ chỉ giận con gà chết toi!
Tím gan cho cái sao mai,
Thủa nào vác búa chém trời cũng nên.
Về qua liếc mắt trông miền,
Lời quanh dặm dế, chửa yên dặm ngồi.
Giữa thềm tàn đuốc còn tươi,
Bã trầu chưa quét, nào người tình chung?
Hồng sơn cao ngất mấy trùng.
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu!
Làm chi cắc cớ lắm điều,
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm ni.
Khi xa, xa hỡi như ri,
Tiếng xa nghe vẫn rù rì bên tai.
Quê nhà nắng sớm mưa mai,
Đã buồn, giở đến lịp tơi càng buồn.
Thờ ơ đóng vọt bó sườn,
Đã nhàm bẹ móc, lại hờm nắm giang.
Trăng tà chênh chếch bóng vàng,
Dừng chân thoạt nhớ đến đàng cửa truông.
Thẫn thờ gối chiếc màn suông,
Rối lòng như sợi ai guồng chưa xong
Phiên nào chợ Vịnh ra trông,
Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba.
Càng trông, càng chẳng thấy ra,
Cơi trầu quệt đã để và lần ôi.
Tưởng rằng nói thế mà chơi,
Song le đã động lòng người lắm thay.
Trông trời, cách mấy từng mây,
Trông trăng, trăng hẹn đến ngày ba mươi.
Vô tình, trăng cũng như người,
Một ta, ta lại gẫm cười chuyện ta…

Một điều khá rõ về sự tham gia của các nho sĩ và chính sự tham gia của họ đã làm nên tính hấp dẫn, cái hay, cái lôi cuốn mọi người với sức sống dài lâu qua năm tháng của HPV.

Những năm tiếp theo thời Tây Sơn và đầu triều Nguyễn, cho đến giai đoạn nhà Nguyễn bắt đầu mở lại các khoa thi Hương từ năm 1807 và thi Hội từ năm 1821, là giai đoạn người qua lại học hành ở Trường Lưu ít hơn và các hoạt động văn hóa như lễ hội, diễn chèo cũng ít hơn vì một số người trốn tránh ly hương.

Từ lúc việc học hành thi cử được nhà Nguyễn phục hồi, Trường học Phúc Giang chắc chắn được khôi phục lại và sĩ tử lại tập trung theo học và HPV. Trong việc triều Nguyễn nhiều lần gia phong Nguyễn Huy Oánh là vị Thần đền Thư viện Phúc Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác chi thần, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác Cai Hạp Hiệu Dụng chi thần, Tự Đức sắc phong Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Đoan Túc chi thần và Khải Định năm thứ năm (1920) là Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Doãn Ý tôn thần, chắc chắn có sự khẳng định vai trò của Trường học Phúc Giang. Các sĩ tử cũng qua lại Trường Lưu nhiều hơn và khi Bùi Dương Lịch soạn xong Nghệ An ký thì các danh sĩ xứ Nghệ đã đề nghị Nguyễn Huy Vinh (1770-1819) viết lời Tựa.

Các lễ hội trong tỉnh huyện phường chèo Trường Lưu thường được mời trình diễn, như năm 1927, phường chèo Trường Lưu đã tham gia hát mừng tân Tri huyện Trần Mạnh Đàn nhậm chức. Các buổi hát phường vải ở Trường Lưu được duy trì cho đến thời gian 1954-1955. Việc phục hồi có từ khi Đoàn văn công Hà Tĩnh có sự tham gia của các nghệ nhân Trường Lưu, các nghệ nhân đó như Trần Đức Duy, ông Dần... và các ông truyền lại cho một số người ở Trường Lưu, ở Trường Lưu số thực sự hát tốt vẫn còn mươi người.

  1. Cách hát phường vải

Khi về Trường Lưu, hỏi thế nào là HPV?, thường được trả lời “HPV thường là hát tự nhiên, ai thích gì hát nấy. Có khi mấy chị em hát với nhau. Lâu lâu mới có đám hát, nghe tiếng nhau mà có những anh nho (nho sinh), thầy ký đến hát thì lúc đó, hát có lớp có lang như hát dạo, hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát xe duyên, hát tiễn hẹn” và “HPV vừa định hình vừa không câu thúc bởi điều gì, thậm chí không cần đến một nhạc cụ nào nên sức sống của nó chắc hẳn sẽ rất lâu bền, dù trước đấy hoặc sau này canh cửi chưa có hoặc không còn nữa”.

Lúc đầu là những câu ca dao dân dã, mọi người tự hát với nhau, có lẽ là đến đầu thế kỷ XVIII, từ khi Trường Lưu có Trường học Phúc Giang, tụ họp hàng trăm người, nhiều danh sĩ đất Bắc cũng vào đây, thì sự tham gia của sĩ tử đã nâng các cuộc hát lên tầm cỡ mới.

Những người tham gia hát, thường là các cô gái con nhà giàu có, họ được học hành ít nhiều, làm nghề nuôi tằm, quay tơ, dệt vải và khá xinh đẹp, nhiều người nổi danh như o Uy, o Sạ (có người nói đây là Nguyễn Thị Uy và Nguyễn Thị Cậy là hai con gái của Giải nguyên Nguyễn Huy Phó) sau này là o Liễu, o Đào. Xôi nếp cái gái Trường Lưu, hay Cả đi cả đấy mới lấy được con gấy Trường Lưu, là câu tục nhữ nói về con gái họ Nguyễn Huy Trường Lưu, và:

Muốn tắm mát thì ra giếng Xoài,

Muốn lấy vợ đẹp hỏi ngài Trường Lưu,

để cho các tài tử xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang. Có dòng họ như họ Trần Văn gốc vốn từ làng Bàn Long huyện Thạch Hà, vốn rất giàu có, nghe nói về con gái Trường Lưu đã cho con trai ra đây lấy vợ từ giữa thế kỷ thứ XVIII, nay thành dòng họ Trần Văn, nhà văn Phạm Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh là cháu ngoại dòng họ này. Các cô gái hát phường vải, trong các ngày lễ hội của làng thường được lựa chọn vào các vị trí trang trọng, như Nguyễn Du miêu tả Cuộc vui vừa cợ Giêng Hai, bàn cờ tướng kén vào con mã và cảnh HPV được ông miêu tả như sau:

Đêm đêm thường hát ví xôn xao,

Ai ai cũng trầu cau đãi đọa.

Cảnh hát trong nhà

Quây ngoài sân thì chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu mỹ nữ như hoa;

Léo trên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông lấy áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa.

Bản thân đại thi hào tham gia khá lâu:

Ba sinh đành một kiếp hẹn hò,

Hai năm được mấy lần chung chạ.

HPV được tổ chức khá chặt chẽ quy củ, khi phường con trai đến thì phải đứng ngoài ngõ nhà có con gái tập trung để kéo sợi, dệt vải. Trong nhà ngoài các cô gái nhiều khi đã có các danh sĩ ngồi chơi sẵn để bẻ chuyện, và tất nhiên bên phường con trai cũng sẵn các danh nhân đi kèm, nhiều khi họ đã hiểu đối thủ trong cuộc hát là ai.

Vào đầu cuộc hát thường là hát dạo có nơi gọi hát lơ lửng là bước đầu đánh tiếng để làm quen, như:

Dừng xa khoan kéo ơi phường,

Hình như có khách viễn phương tới nhà.

Hay:

Đồn đây có gái hát tài,

Để ta đối địch một vài trống canh.

Dẫu thua dẫu được cũng đành,

Bõ công đèn sách học hành bấy lâu.

Tiếp đó là hát chào khi đã rõ nhau thì họ chào nhau, giống như ra mắt, như:

Đến đây đông thật là đông,

Chào bên nam thì mất lòng bên nữ.

Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên,

Em chào chung một tiếng, kẻo chào riêng bạn cười.

Hay

Chốn này vui vẻ tưng bừng

Hạc nghe tiếng phượng xa chừng tới nơi

Rồi đến hát mời, là giai đoạn chủ nhà mời khách thưởng thức:

Miếng trầu là nụ hoa hồng,

Mời chàng ăn nhởi thiếp không lấy tiền.

Lời hát mời có khi chân thành tình tứ:

Bạn ơi mời bạn vô nhà

Đừng đứng ngoài ngõ sương sa lạnh lùng

Nhưng cũng có khi dí dỏm, bóng bẩy mà vẫn chơi chữ:

Mời vào nhấp chén quỳnh tương

Kề cà nhút nhát ngoài đường làm chi.

Nhiều khi là lời mời cụ thể, mời ăn trầu, mời uống rượu:

Trầu xanh, cau trắng, chay vàng

Cơi thời bít bạc, thiếp mời chàng ăn chung.

Phần hát hỏi,

Hỏi chàng hà tính hà danh,

Hà châu hà quận, niên canh kỷ hà.

Tương truyền, đây là một câu hỏi khó, vì với hai câu trả lời khó mà nói đủ quê quán, tên tuổi… nên Nguyễn Công Trứ trả lời là:

Trước Lam thủy sau Hồng Sơn,

Nhà nào hay hát hay đờn là anh.

Khó và hay nhất là hát đố hoặc hát đối, giai đoạn này như Nguyễn Du miêu tả:

Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện, dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ;

Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã

thường kéo dài nếu có những phường hát hay, người đặt câu hát cho các cô-người dạy chuyện giỏi. Ăn thua, tài trí, nhanh nhẹn, ứng đối là ở giai đoạn này. Họ đố nhau bất cứ chuyện gì, những câu đố hay sẽ được truyền tụng, nhiều khi có chỉnh sửa để lưu truyền một cách rất tự nhiên. Cái hay của HPV là ở những câu đố dí dỏm, thông minh.

Qua phần hát đố, khi đã rõ tài nhau phần hát xe duyên, có khi gọi là hát tình

Thiếp thương chàng đừng cho ai biết,

Chàng thương thiếp đừng để cho ai hay.

Rồi ra miệng thế lắt lay,

Cực chàng chín rưỡi, khổ thiếp đâu mười phần.

Đây là giai đoạn mà hai bên nói lòng keo sơn đính ước, gắn bó, bao nhiêu tâm tư, hy vọng… bâng khuâng lưu luyến, thiết tha, sầu muộn, than thân trách phận và trách móc lẫn nhau… cũng ở giai đoạn này.

Sau cùng là hát tiễn hẹn là hát lúc ra về. Đây là bước cuối cùng trong một buổi HPV, có khi đầu canh ba muốn về nhưng lại hát mãi gần canh năm:

Anh đi em nhớ em thương,

Mười hai tháng sáu hội làng chớ quên.

Trống rung màn mở chuông rền,

Vở chèo say đắm đêm đêm em chờ.

Trên đây chúng tôi giới thiệu qua 7 giai đoạn trong HPV, tuy nhiên tùy có lúc mà có thể hát chủ yếu phần này hay phần kia, thường hay và khó nhất là phần hát đố, trải qua hàng trăm năm, những câu hát hay được chắt lọc để hiện nay tuy đã có nhiều sưu tầm biên soạn thành sách rất công phu nhưng vẫn chưa đủ.

Tuy vậy, trong các cuộc vui cũng có khi có mặt trái và HPV cũng vậy, có ít nhiều ghen tỵ, phá đám, ăn thua trong hát đố, thậm chí có khi cũng là một câu hát, nhưng bằng cách lên xuống giọng hát thành câu chửi:

Nghe tin anh học có tài

Cha (lên giọng nghe như chửi) thầy Mạnh Tử là ai rứa chàng

Quá bực vì bên hát lên giọng chữ Cha thành như chửi, vả lại sách vở cũng không ghi bố mẹ thầy Mạnh Tử là ai, nên nhà nho ta đành chửi lại:

Thầy Mạnh Cụ Mạnh sinh ra,

Đ. mẹ thằng hát tổ cha thằng bày.

Và có khi bị phá đám như Nguyễn Du kể:

Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm,

Đùng tiếng lói sau nhà, đ.. mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá.

Làm cho nhà thơ

Ta đã đành rụt cổ như rùa

Mặc dầu đã khiếp sợ như vậy nhưng rồi vẫn mê và muốn đi hát:

Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần;

Viếng cảnh cũ muốn làm khuây khỏa.

Hoặc những câu chuyện kể về xử sự của những người thua cuộc, ông nội tôi trước thường kể với tôi là, ông còn nhớ được tên ông lấy áo trùm đầu trong bài văn của cụ Nguyễn Du, và còn nhớ tên người, mà người này trước khi đi hát còn nói là nếu hôm nay mà thua thì về cắt d…., thậm chí có khi có câu đố hay nhưng khó, bên không trả lời đã buông một lời chửi để thoát nạn, nhưng rồi cả hai bên đều hoặc cười xòa, hoặc tan cuộc hát.

Ba quân chỉ ngọn cờ đào

Đạo vô Vô Tích đạo vào Lâm Truy

Và bên hỏi hỏi thêm một câu không phải lời thơ mà là một câu hỏi,

Vậy còn một đạo đi đâu hỡi Thầy

bí quá bên kia chỉ trả lời còn một đạo đi đào mả cha nhà mày và cuộc hát cũng kết thúc.

Một điểm đặc biệt của HPV, như đã trình bày ở trên, là gắn với nhiều danh nhân văn hóa, như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự… Các con gái họ Nguyễn Huy Trường Lưu khi đi lấy chồng đến các nơi khác cũng đã đem theo văn hóa này tới quê hương nhà chồng, và các danh sĩ họ nhà chồng sau cũng chính là những người hay tham gia HPV ở Trường Lưu.

Và cũng vì vậy mà HPV có sức sống diệu kỳ, để bao thế hệ

Hát cho đổ quán xiêu đình

Cho long lanh nước, cho nghiêng ngã trời

Hay:

Hát cho ngày rạng đông ra,

Mai về quan bỏ nhà pha cũng đành

  1. Tình hình hiện nay của hát phường vải

Từ đầu thế kỷ XX các hoạt động văn hóa như lễ hội làng, phường trò vẫn hoạt động đều ở Trường Lưu, cho đến sau Cách mạng tháng Tám mới dừng “phường trò Trường Lưu thường diễn các tích Kiều, Trương Viên, Lưu Bình-Dương Lễ. Phường do ông Lý trưởng Nguyễn Huy Hòa đứng đầu. Trong các buổi diễn, ông là người cầm chầu. Kép có anh Bường, anh Tâm; đào có o Ba là trỗi nhất, được người xem quý mến. Nguyễn Văn Tâm, tức cố Tâm là chú ruột ông Dần, nguyên diễn viên đoàn văn công tỉnh, và o Ba là Trần Thị Ba - chị ruột của nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy”. Cũng tài liệu trên cho biết “Đến nay ở Trường Lưu nhiều người vẫn thuộc bài “Giáo đầu” của phường, nhân buổi biểu diễn do Tri huyện huyện Can Lộc mới đến nhậm chức tổ chức” (8).

Những năm cuối của thế kỷ trước, làng Trường Lưu vẫn còn 4 người vào văn công tỉnh như: cụ Đức Duy, ông Văn Tĩnh, ông Hữu Dần, ông Ngọc Liên và họ cũng là các nghệ nhân chính của HPV ở Trường Lưu.

Hiện nay các phường trò, các sinh hoạt văn hóa như xưa không còn, chính quyền xã đang cố gắng từng bước khôi phục dần theo đề cương khôi phục và phát triển văn hóa làng Trường Lưu từ năm 2005 tới nay, trong đó có việc khôi phục các lễ hội của làng như lễ Kỳ phúc cùng một số hoạt động văn hóa, trong đó có các nghệ nhân trình diễn một số bài hát phường vải như chị Hà….

Tại các buổi lễ của làng những nghệ nhân này vẫn trình diễn HPV, lần gần nhất là tham gia chương trình Làng Việt, tháng 5-2011, chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 và tham gia liên hoan hát ví giặm Nghệ Tĩnh, tháng 6 năm 2012, trình diễn phục vụ việc lập hồ sơ đề cử ví giặm xứ Nghệ lên UNESCO.

  1. Bảo tồn và phát huy giá trị của hát phường vải

HPV là một di sản văn hoá làng Trường Lưu, tuy nhiên bên cạnh những đặc trưng và giá trị chung, HPV cũng ẩn chứa, tiềm tàng nhiều nét đặc thù.

Đã có nhiều công trình biên soạn sưu tầm như sách Hát phường vải ở Trường Lưu của Vi Phong và Thư Hiền in năm 1997 (9), trước đó đã có đề cương cho hội thảo khoa học về HPV của PGS. Vũ Ngọc Khánh (10), nhiều bài viết riêng rẽ (11), nhiều bài ở các tạp chí như Tạp chí Văn học của Viện Văn học, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, một số báo cáo tại các hội thảo có đề cập ít nhiều đến HPV… Phòng Văn hóa Thông tin huyện Can Lộc đã có đề xuất nên tổ chức hoặc hội thảo khoa học hoặc tọa đàm về HPV, nhưng vẫn chưa tổ chức được. Đã đến lúc, trên cơ sở các công bố riêng rẽ, cần tổ chức hội thảo về HPV ở Trường Lưu.

Cũng là HPV, ở Nam Đàn là hát hai bên khi tham gia sản xuất, sau cũng có một số danh sĩ như Phan Bội Châu… tham gia với nhiều câu bày chuyện tinh túy. Ở Trường Lưu nghề chăn tằm dệt lụa không phổ biến mà chỉ riêng rẽ vài gia đình, nay thì hoàn toàn không còn ai làm nghề này, và HPV ở Trường Lưu có thể nói là sự đua trí qua các cuộc hát của các danh sĩ vì vậy sức lôi cuốn của nó rất cao. Đến nay những câu hát mà các danh sĩ đã sáng tác truyền khẩu qua hàng trăm năm, được chải chuốt, thay đổi cho hợp với cảnh và tình là sức sống của HPV Trường Lưu. Một trong những công tác bảo tồn cần làm là sưu tầm, quảng bá các câu hát, một công việc đã được làm nhiều nhưng chưa đủ. Thời những năm sáu mươi thế kỷ trước, lúc chúng tôi còn học cấp 2, nhiều khi được chứng kiến những cuộc vui do thanh niên làng tổ chức: thường nhà nào có con gái xinh đẹp, là thanh niên tối lại tụ tập vui chơi lúc hát đố, lúc kể chuyện vui trên trời dưới nước, lúc thi hát, thường cũng hay đố nhau bằng các câu, hoặc trêu ghẹo nhau có thể là biến tướng của HPV khi không còn khung cảnh như ngày xưa chăng. Tôi còn nhớ trong làng có một cô gái có tính chua ngoa, nhờ một buổi hát mà sau cô ấy bớt thói chua ngoa:

Đồng Trường thì lắm cá rô

Liên Xô thì lắm anh tài

T… tài thì hay chửi dai

Trong thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và Sở Khoa học Công nghệ Hà Tĩnh đã có các đề tài cấp Sở và cấp tỉnh như Điều tra di sảnvăn hóa làng Trường Lưu và định hướng bảo tồn làng văn hóa Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tĩnh Hà Tĩnh năm 2009 và Nghiên cứu các giá trị văn hóa làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, trong việc xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch thực hiện 2 năm từ tháng 6 năm 2011. Trong đó việc bảo tồn và phát huy giá trị HPV được đề xuất như sau:

- Cần duy trì một số nghệ nhân, hiện tại còn khoảng 8-10 người, hoạt động để có thể tham dự các liên hoan nghệ thuật trình diễn về HPV, phục vụ du khách, phục vụ các lễ hội ở Trường Lưu cũng như ở các vùng xung quanh, quay phim để khi cần có thể chiếu lại phục vụ việc quảng bá tuyên truyền;

- Trang bị một số dụng cụ tối thiểu của nghề dệt vải như: khung cửi, xa….; áo quần đồ trang điểm…;

- Đào tạo để có đội ngũ kế tiếp có khả năng duy trì HPV.

Do đội ngũ nghệ nhân này không chuyên nghiệp, chủ yếu là con em làng Trường Lưu, làm nghề nông là chính, nên việc tập thường vào lúc rỗi việc mùa, và họ không có thu nhập từ các buổi biểu diễn, nên cũng cần có sự hỗ trợ về kinh tế.

Trở về cội nguồn để nhận diện giá trị văn hoá nói chung, giá trị văn hoá làng, HPV nói riêng, từ đó có kế hoạch cụ thể để kế thừa, bảo tồn là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, muốn kế thừa và phát huy vốn cũ - tiềm năng của HPV, ngoài vấn đề chủ yếu phải quan tâm tới quy luật vận động chung của văn hoá làng - phải đặc biệt chú ý đến tính đặc thù của những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong hoàn cảnh cụ thể để có chủ trương, chính sách, giải pháp và bước đi phù hợp./.

N.H.M

_____________________

1. Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Huy Tự - Truyện Hoa Tiên trong vùng văn hóa Trường Lưu và trong dòng truyện Nôm thế kỷ XVIII, Kỷ yếu Hội thảo nhân 200 năm ngày mất và 250 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tự, Hà Nội, 1997.

2. Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh - Chương Thâu, Địa chí huyện Can Lộc, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, 1998.

3. Thái Kim Đỉnh, Mấy ý kiến tản mạn về Trường Lưu, Kỷ yếu hội thảo Khoa học Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh, Hà Tĩnh năm 2008, tr. 52-62. Ninh Viết Giao, Văn hóa làng Trường Lưu, Kỷ yếu Hội thảo nhân 200 năm ngày mất và 250 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tự, Hà Nội, 1997.

4. Thái Kim Đỉnh, 2008, tlđd.

5. Điều ước thôn Trường Lưu, năm 1923, triều vua Khải Định năm thứ 8, tài liệu đánh máy Đình làng Trường Lưu.

6. Đại Nam nhất thống chí, Tổng tài Cao Xuân Dục, Toản Tu, Lưu Hữu Xứng, Trần Xán, tập 1, Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb. Lao động, năm 2012, tr. 755.

7. Nghệ An ký, quyển 1 và 2, Nxb. Khoa học Xx hội Hà Nội năm 2004, tr. 338, 339.

8. Xem thêm Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Huy Mơi (1880-1934), Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, số149 tháng 12 năm 2010.

9. Vi Phong, Thư Hiền, Hát phường vải Trường Lưu, Nxb. Hà Nội, 1997, Hà Nội.

10. Đề cương Hội thảo Hát phường vải Trường Lưu, tài liệu viết tay, PGS. Vũ Ngọc Khánh, 3 trang.

11. Nguyễn Sĩ Đại, Tôi, làng và những câu hát phường vải, tài liệu đánh máy.

Tài liệu tham khảo khác

  1. Thái Kim Đỉnh, Làng cổ Hà Tĩnh, Sở Văn hóa Thông itn, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh năm 2006, tr. 24-25.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 6 (10) - 2013

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2013
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 2.074 lượt xem
Nghiên cứu văn hóa hôm nay
15/03/2024 1.852 lượt xem
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 1.630 lượt xem
Hội đồng biên tập
10/11/2021 1.593 lượt xem