Cấu trúc luận

Ngày đăng: 23/04/2024 Lượt xem: 20
Mặc định Cỡ chữ

CÊU TRóC LUËN

Hoµng Minh

 

Khái niệm

Cấu trúc luận là những phương pháp phân tích khác nhau dựa trên sự giản hoá hiện tượng thành những mô hình nhận thức được gọi là cấu trúc. Có lẽ cách tiếp cận thuật ngữ này một cách tốt nhất là thông qua nỗ lực hiểu khái niệm cấu trúc trong khuôn khổ quan điểm lý thuyết này. Theo truyền thống, vấn đề chủ yếu của thuật ngữ cấu trúc thường nói tới hiện tượng hay các thực thể (ví dụ các toà nhà), những cái mà về bản chất là vật thể. Nhưng trong cấu trúc luận, cấu trúc lại không phải là cái cụ thể hay vật thể, mà là những mô hình tư duy được xây dựng dựa vào những thực thể cụ thể. Hơn thế nữa, những mô hình tư duy này không phải là hiển nhiên, mà đòi hỏi tri thức về những khía cạnh ở bên dưới, ẩn sâu bên trong của những vấn đề hiển hiện. Theo cách tiếp cận này, cấu trúc luận là những nỗ lực xây dựng nên những mô hình có thể giúp người ta hiểu, giải thích về những thực thể, hiện tượng. Khía cạnh khó nhất của cấu trúc luận là những cấu trúc này không dựa trên những hiện tượng cụ thể hay mang tính vật chất mà dựa trên những hiện thực văn hoá, ví dụ như sự tổ chức dòng họ, thần thoại, truyện kể dân gian. Những cấu trúc này và các mô hình cấu trúc của chúng tồn tại chỉ trong tư duy con người (1).

Những nhà tư tưởng theo cấu trúc luận, tiêu biểu là Ferdinand de Saussure, Roland Barthes, Michel Foucault, Jacques Lacan, và Claude Lévi-Strauss. Ngoài ra còn có những nhà cấu trúc luận trong lĩnh vực tâm lý và chính trị học kinh tế (như Sigmund Freud và Karl Marx), hay những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Vladimir Propp, Alan Dundes. Trong số các nhà cấu trúc luận, chắc chắn người nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất là nhà tư tưởng, lý thuyết người Pháp Claude Lévi-Strauss.

Lévi-Strauss và cấu trúc luận

Cấu trúc luận không phải là một trường phái hay phương pháp luận thống nhất. Trong nhân học, việc sử dụng khái niệm cấu trúc đã có từ trước Lévi-Strauss khá lâu. A.R. Radcliffe-Brown, George Peter Murdock và nhiều học giả khác đã sử dụng thuật ngữ cũng như cách tiếp cận cấu trúc theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Trong các công trình của Lévi-Strauss, ông bị ảnh hưởng không chỉ bởi những nhà nhân học, các nhà ngôn ngữ học, địa chất học, và nhiều nhà tư tưởng khác. Giống như một nhà tiến hoá học, Lévi-Strauss hiểu văn hoá dựa theo những nguyên lý mang tính toàn cầu, nhưng ông thừa nhận sự khác biệt giữa nền văn hoá này với nền văn hoá khác. Chẳng hạn, ông xác định cấm kỵ sự loạn luân vừa mang tính nguyên thuỷ vừa mang tính đặc thù văn hoá: mang tính nguyên thuỷ vì loạn luân tồn tại trong tất cả các xã hội loài người, mang tính văn hoá vì quan niệm về người tình bị cấm đoán rất khác nhau từ xã hội này sang xã hội khác (2). Mặc dù viết về sự khác nhau trong các nền văn hoá, sự phân tích của ông ít khi tập trung nghiên cứu một nền văn hoá cụ thể. Ông nghiên cứu thần thoại hay nghi lễ của các nền văn hoá nhằm làm sáng tỏ một điều: tư duy con người mới chính là chủ thể của văn hoá. Văn hoá mang tính đặc thù là do thể hiện những khả năng lôgíc của tư duy con người.

Cấu trúc luận là một hình thái vô thức mà Lévi-Straus quan niệm như là một cơ chế trong tư duy con người. Cấu trúc luận đi ngược với các quan niệm về chủ nghĩa kinh nghiệm. Hiện thực khách quan có thể được hiểu và giải thích bằng quan sát. Lévi-Strauss quan niệm nhận thức của trí tuệ con người là yếu tố trung gian giữa con người và thế giới khách quan. Thế giới tự nhiên không phải là cái tồn tại độc lập với con người. Lévi-Straus nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa con người và môi trường tự nhiên của nó. Theo ông, tư duy con người tổ chức cho cuộc sống hàng ngày và một siêu cấu trúc mà dựa vào đó con người xây dựng nên các thiết chế (3).

Quan niệm về cấu trúc luận của Lévi-Strauss hoàn toàn khác biệt với Radcliffe-Brown. Radcliffe-Brown quan niệm cấu trúc trong phạm vi bối cảnh xã hội, tức là một tập hợp các thiết chế và các hình thức tổ chức bảo tồn và duy trì sự ổn định xã hội. Lévi-Strauss coi cấu trúc như là một bộ các đặc tính chung, cấu trúc bẩm sinh trong tâm sinh lý chung cho tất cả loài người. Các học giả từ các quan điểm khác nhau tìm kiếm một hình mẫu cấu trúc mang tính toàn cầu. Chẳng hạn như Freud tin rằng có các cơ chế và động cơ mang tính toàn cầu trong tâm lý con người. Các Mác tìm hiểu tính toàn cầu trong sản xuất kinh tế phát sinh từ nhu cầu cần thiết của cuộc sống.

Freud là một trong những người có nhiều ảnh hưởng tới cấu trúc luận của Lévi-Straus, nhưng ông khác với Freud trong quan niệm về vô thức. Freud nhấn mạnh nội dung tâm lý trong hoạt động tư duy vô thức. Nhà tâm lý học nhìn thấy vô thức như là một bộ các xung lực cố gắng thoát ra ngoài. Tư duy vô thức bao gồm cảm giác, xúc cảm, tình cảm, nhận thức liên quan tới các xung đột bị chặn lại. Đối với Lévi-Strauss, vô thức không dựa vào nội dung mà vào hình thức. Nội dung tâm lý trở nên có ý nghĩa khi nó được chuyển sang thành ngôn ngữ và ngôn ngữ có cấu trúc bởi vô thức.

Mặc dù ông nhấn mạnh vào hình thức hơn là vào nội dung, Lévi-Strauss nhận ra tầm quan trọng của các hiện tượng cụ thể trong nghiên cứu khoa học. Các hiện tượng cụ thể là sự cần thiết để đánh giá các hệ thống cấu trúc cơ bản. Tư duy của con người hợp với các cấu trúc vốn có trong thế giới tự nhiên khách quan. Do vậy, ông đưa ra một quan niệm bất hủ là cấu trúc cuối cùng kết nối con người với thế giới tự nhiên. Ông tin rằng cơ chế hoạt động của tư duy cơ bản diễn ra như là những cặp đối lập tồn tại trong thế giới khách quan: chẳng hạn ngày và đêm, đen và trắng, cuộc sống và cái chết, tinh thần và thể xác, v.v…

Cấu trúc luận của Lévi-Strauss bị ảnh hưởng bởi phương pháp phân tích trong ngôn ngữ học, đặc biệt của Ferdinand de Saussure. Saussure nghiên cứu, phân tích sự đồng bộ của ngôn ngữ, đối lập với phương pháp tiếp cận lịch sử. Saussure phân biệt la langue (ngôn ngữ) với la parole (lời nói), mà ngôn ngữ là tư duy được các chuyên gia nghiên cứu, trong khi đó lời nói của con người thể hiện trong giao tiếp (4).

Điều thu hút Lévi-Strauss đến với lý thuyết của Saussure là quan niệm về tính toàn cầu của ngôn ngữ và tính chất nhị phân. Xem xét bản chất nhị phân của ngôn ngữ, Lévi-Strauss mở rộng quan niệm về tính chất hai mặt và biện chứng để nghiên cứu thần thoại, gia đình, ẩm thực, và những hiện tượng văn hoá khác. Trong cuốn sách Cấu trúc sơ đẳng của dòng họ (The Elementary Structures of Kinship), ông nghiên cứu sự đổi chỗ của mối quan hệ tương hỗ và hai mặt của một hiện tượng thực tế trong xã hội là đàn ông đổi chỗ cho đàn bà, và không có sự ngược lại. Trong công trình “Sống và chín” (Raw and the Cooked), ông thừa nhận là một số lượng lớn thần thoại, bằng cách này hay cách khác, hình thành dựa vào tính chất đối nhau giữa tự nhiên và văn hoá. Thần thoại được chuyển từ truyện này sang truyện khác thông qua sự suy yếu đi của các cực đối lập, sự đảo, sự hoán đổi các thái độ, mối quan hệ và sự hoán đổi nhân vật. Nói tóm lại, Lévi-Strauss tin rằng sự đối lập giữa tự nhiên và văn hoá là vấn đề đáng quan tâm.

Cấu trúc không phải là một yếu tố quan sát được, không xuất phát từ sự tích luỹ các số liệu thực nghiệm. Cấu trúc được phát hiện ra bởi vì bộ não của con người có khả năng phát minh ra các hình mẫu có một ý nghĩa nào đó. Cấu trúc không phải đơn giản là các hình mẫu lý thuyết được dựng nên bởi nhà nghiên cứu. Chúng tồn tại trong đầu của nhà nghiên cứu như là một “nguồn” của các mối quan hệ mà nhà nghiên cứu quan sát được. Đối với Lévi-Strauss, những cấu trúc xuất phát từ tư duy con người tồn tại trước các hệ thống xã hội và không phải được phái sinh. Cấu trúc là những cơ chế vô thức như nhau cho tất cả mọi người. Nhìn chung, tư duy và phương pháp luận của Lévi-Strauss được tổng kết ngắn gọn lại như sau: 1/ Quan niệm cấu trúc tiềm ẩn bên dưới các hình thức bên ngoài; 2/ Bản chất nhị phân của hiện tượng và tư duy; 3/ Nguyên lý trao đổi trong các quan hệ xã hội, 4/ Tìm kiếm quy luật phát triển chung (5).

Cấu trúc luận trong nghiên cứu văn hóa dân gian

Cấu trúc luận là một phương pháp có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành khoa học nghiên cứu văn hóa dân gian ở Mỹ vào cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Levi-Strauss mục đích hướng tới kiểu mẫu, mô hình hoặc một khung nhận thức đằng sau thần thoại, trong khi đó Propp tìm hiểu kết cấu của câu chuyện, cụ thể trong truyện cổ tích thần kỳ. Cách diễn giải trình bày của hai nhà cấu trúc nổi tiếng nhằm biến các thể loại phong phú của văn hóa dân gian thành những khuôn mẫu và công thức mang tính toàn cầu. Cách tiếp cận cấu trúc có ảnh hưởng rất lớn trong việc nghiên cứu nghệ thuật truyền miệng, giải thích rõ những quy luật tồn tại trong văn bản để nói lên bản chất của chúng.

Nghiên cứu thần thoại

Công trình của Lévi-Strauss về thần thoại được thể hiện song song với mối quan tâm của ông về những quá trình của tư duy. Ông nỗ lực khám phá những quy luật vô thức của tư duy con người. Cách sử dụng các mô hình theo thuyết cấu trúc về thần thoại cho phép sự giản hoá tài liệu được nghiên cứu thành những cấp độ có thể quản lý được. Theo Mark Glazer phân tích, phương thức chi phối để hoàn thành mục đích này dựa trên việc sử dụng những khái niệm sau: 1/ cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu, 2/ những cặp nhị phân (văn hoá/tự nhiên), và 3/ sự dàn xếp (6). Để khám phá cấu trúc của một thần thoại, người ta cần phải khám phá cấu trúc sâu của thần thoại đó. Cấu trúc bề mặt cung cấp cho chúng ta câu chuyện, nhưng cấu trúc sâu đem lại cho chúng ta sự giải thích về thần thoại đó. Điều này được hoàn thiện bởi việc khám phá những cặp nhị phân chủ yếu trong cấu trúc sâu.

Trong bài viết nổi tiếng Nghiên cứu thần thoại theo phương pháp cấu trúc (The Structural Study of Myth) (2005) [1963], Lévi-Strauss đưa ra một khuynh hướng mới lý giải thần thoại. Các phương pháp trước như chức năng luận phân tích để so sánh một cách đơn giản thần thoại với văn hoá: thần thoại hoặc là tấm gương phản chiếu hoặc là trí tưởng tượng của hiện thực văn hoá. Nhưng vì sao thần thoại trên khắp thế giới có những đặc điểm chung? Ông tin rằng câu trả lời sẽ tìm thấy ở cấu trúc lôgíc trong tư duy của con người, thậm chí trong tư duy của con người thời kỳ dã man.

Những cặp nhị phân xuất hiện trong tự nhiên và, một cách tự nhiên, trong tư duy con người. Tự nhiên và văn hoá thường hoạt động như một cặp nhị phân trong các câu chuyện. Tuy nhiên, tùy vào diễn biến của câu chuyện trong thần thoại, cặp nhị phân đó thay đổi. Lấy ví dụ trong bài viết về cấu trúc của Mark Glazer (7), cặp nhị phân về cuộc sống và cái chết có ích trong việc phát triển câu chuyện Người đẹp ngủ trong rừng. Ở đây, cấu trúc sâu của câu chuyện đề xuất rằng khi nàng tiên thứ mười ba tuyên bố rằng nàng công chúa phải chết vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của cô, cặp nhị phân cuộc đời - cái chết được dựng lên. Do vậy, đến lúc cần phải có một sự dàn xếp để giải quyết vấn đề này.

Cặp đối lập nhị phân có thể được dàn xếp thông qua việc tìm thấy một giải pháp cho sự đối lập mà cặp nhị phân tạo nên. Sự dàn xếp đối với cặp đối lập nhị phân văn hoá/tự nhiên là văn hoá mang tính siêu việt, vượt qua cả tự nhiên. Trong trường hợp Người đẹp ngủ trong rừng, bản chất của sự dàn xếp rất khác nhưng cũng được gắn vào như vậy trong khổ vấn đề được nói đến. Ở đây, cặp đối lập nhị phân cuộc đời - cái chết được dàn xếp bởi hành động của nàng tiên thứ mười hai: Cái chết được biến thành một giấc ngủ trăm năm. Trong câu chuyện Người đẹp ngủ trong rừng hay trong bất cứ thần thoại nào, cấu trúc sâu của câu chuyện được phân tích thông qua sự khám phá cặp đối lập nhị phân và sự dàn xếp xuất phát từ đó. Trong bản thân nó, quá trình này có thể tạo nên những cặp đối lập nhị phân mới trong câu chuyện, mà cần phải đi theo những cặp đối lập nhị phân mới đó cho tới khi người ta đạt đến một sự dàn xếp cuối cùng cho truyện kể.

Qua việc phân tích các thần thoại, Lévi-Straus cho rằng các dị bản của truyện thần thoại được nhân đôi, nhân ba, nhân bốn… đối với cùng một trình tự, việc lặp lại và phát triển các cặp nhị phân thể hiện rõ cấu trúc của thần thoại. Và do vậy truyện thần thoại cứ thế phát triển theo kiểu xoắn ốc cho đến lúc tác giả không còn cảm hứng tư duy nữa. Ông nghiên cứu thần thoại để đưa ra những kết luận về tư duy trong bộ não của con người. Ông cho rằng, “logic tư duy thần thoại cũng quan trọng không kém tư duy khoa học hiện đại”. Cuối cùng, Lévi-Strauss kết luận rằng “con người từ trước đến nay vẫn luôn luôn có khả năng tư duy ở bậc cao như nhau; và sự tiến bộ không phải là ở sự tiến triển của bản thân bộ óc của con người, mà là ở sự khám phá những lĩnh vực tư duy mới, nơi con người có thể áp dụng những quyền năng không bị thay đổi và sẽ không thay đổi (8)”.

Nghiên cứu truyện cổ tích

Những nhà tiên phong của phương pháp cấu trúc luận phát triển học thuyết của mình từ nhiều năm trước những năm 60 của thế kỷ XX, tiêu biểu là nhà cấu trúc học người Nga Vladimia Propp, với cuốn sách Hình thái học truyện cổ tích ra đời năm 1928 (dịch sang tiếng Anh năm 1958). Công trình cấu trúc luận của Propp được đánh giá cao ở châu Âu và ở Mỹ. Propp đóng một vai trò quan trọng trong một phong trào phân tích cấu trúc mới. Theo ông, sự phân loại truyện cổ tích theo nhân vật hành động như các học giả trước như Aarne, Antti và Stith Thompson (9) có nhiều điểm không rõ ràng. Đối với cùng một hành động trong các dị bản khác nhau có thể có các nhân vật khác nhau thực hiện như con quỷ, con rồng, người khổng lồ, hoặc con gấu, còn hành động thì vẫn giữ nguyên cố định và một hành động tiếp theo hành động khác tuân thủ những mẫu cố định.

Trong công trình nổi tiếng của mình Hình thái học truyện cổ tích thần kỳ, Propp gọi những hành động mà các nhân vật khác nhau thực hiện là chức năng, những nhân vật đó ông gọi là nhân vật chính diện và phản diện. Propp liệt kê được 31 chức năng của tất cả các truyện trong tuyển tập truyện cổ tích Nga của Aphanasép. Các chức năng sắp xếp theo thứ tự tạo nên hình thái học của truyện cổ tích. Mỗi truyện cổ tích Nga trong tuyển tập này đều phù hợp với khung kết cấu mà Propp đã vạch ra (10).

Alan Dundes một trong những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hàng đầu của Hoa Kỳ, đã áp dụng cấu trúc luận của Propp trong luận án tiến sĩ của mình về truyện cổ dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ và sau đó in thành sách Hình thái học truyện cổ tích của người da đỏ Bắc Mỹ (Morphology of North American Indian Folktale) (1964). Trong cuốn sách của mình Dundes thể hiện sự tinh xảo trong lý thuyết của Propp, áp dụng cấu trúc luận của nhà tiền bối trong phân tích truyện cổ tích của người da đỏ Bắc Mỹ mà trước đây từng bị cho rằng không có kết cấu rõ ràng. Dundes thay thuật ngữ “chức năng” của Propp bằng thuật ngữ “motifeme” của nhà ngôn ngữ học Kenneth Pike, và dùng thuật ngữ “allomotif” để gọi môtíp như là một bộ phận của motifeme. Motifeme chỉ hành động cụ thể của nhân vật, ví dụ nhân vật đánh thắng kẻ hung ác, còn allomotif là một môtíp thể hiện cùng một chức năng hay của một môtíp khác. Bằng cách này, Dundes hy vọng làm thành một cầu nối từ thuật ngữ môtíp rất mờ nhạt, mang tính chất chung, khái quát hóa hơn của Stith Thompson được ứng dụng rộng rãi trong việc nghiên cứu văn hóa dân gian, với một thuật ngữ chính xác hơn dựa vào một kiểu mẫu cấu trúc mà kiểu mẫu này thể hiện một cách tốt hơn các thể loại của văn hóa dân gian.

Như vậy, một loại hình cấu trúc của truyện dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ thường bao gồm hai motifeme: “Lack [sự thiếu]” (L) và “Lack Liquidated [Sự thiếu hụt được bù đắp]” (LL). Một trình tự các motifeme khác còn phổ biến hơn rất nhiều là một trình tự bao gồm bốn motifeme như sau: Sự cấm chỉ, sự vi phạm, hậu quả và sự cố gắng giải thoát từ hậu quả (được viết tắt là Int, Viol, Conseq, AE). Sự cố gắng giải thoát là không bắt buộc phải có trong một khung cấu trúc. Một câu chuyện có thể dừng lại ở motifeme hậu quả. Hơn nữa, nếu như có sự cố gắng giải thoát, thì sự giải thoát đó có thể thành công hay thất bại. Sự có mặt của motifeme thứ tư – Sự cố gắng giải thoát, có thể phụ thuộc vào một nền văn hóa cụ thể nào đó hoặc người cung cấp tin cụ thể nào đó sống trong nền văn hóa ấy. Tương tự như thế, thành công hay thất bại của sự cố gắng giải thoát cũng phụ thuộc vào những yếu tố này.

Những câu chuyện dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ dài hơn có thể bao gồm sự kết hợp các mô hình motifeme ngắn hơn. Một sự kết hợp sáu motifeme phổ biến bao gồm: Sự thiếu hụt, sự đền bù thiếu hụt, sự cấm chỉ, vi phạm, hậu quả và sự cố gắng giải thoát. Trong truyện dân gian của người Orpheus, một chàng trai để mất người vợ của mình (Sự thiếu), nhưng đã giành lại được hoặc có thể giành lại được cô ta (Sự thiếu hụt được đền bù) nếu anh ta không phạm phải điều cấm kỵ (Sự cấm kỵ). Thật không may anh ta đã vi phạm điều cấm kỵ đó (Vi phạm) và để mất người vợ của mình một lần nữa (Hậu quả).

Phương pháp cấu trúc trong nghiên cứu văn hóa dân gian, chủ yếu loại hình tự sự được chia ra: 1) Propp và những nhà hình thức chủ nghĩa Nga tìm hiểu sự tương quan về hình thức - cốt truyện, các típ nhắc lại của người diễn xướng; và 2) Lévi-Strauss nghiên cứu mối quan hệ lôgíc và sự đối lập nhị phân trong thần thoại, nhưng mối quan hệ này được giải thích như là những quá trình lôgíc mang tính toàn cầu của tư duy con người. Mặc dù có sự khác nhau, một số điểm giống nhau trong việc nghiên cứu tự sự dân gian theo cấu trúc luận có thể tóm tắt lại như sau:

- Mục đích của việc phát hiện ra cơ chế/lôgíc/quy luật: cấu trúc “thật” lẩn ở bên trong những hiện tượng bề ngoài ngẫu nhiên tình cờ.

- Mối quan tâm về những nguyên lý cấu trúc tồn tại lâu dài, thường là giao lưu văn hoá và mang tính toàn cầu hơn là sự cụ thể hoá của bối cảnh, ý nghĩa địa phương, lịch sử, những công trình văn học đặc thù, hoặc là những người diễn xướng cụ thể.

- Những đơn vị cấu thành mang một ý nghĩa nào đó trong mối quan hệ tương tác với nhau và trong một hệ thống hoặc mã chung.

- Tập trung đạt được những kết luận về "hình thức" và "kết cấu" hơn là "nội dung".

- Quan tâm đến khái quát mang tính khoa học, không tính đến những dị bản cụ thể, và ít chú ý tới bối cảnh thay đổi, sự tương tác mang tính xã hội và tư tưởng qua thời gian.

Cấu trúc luận là một trào lưu nghiên cứu lấy sự giản hoá các loại hình văn hóa thành những mô hình được nói đến như các cấu trúc làm cơ sở cho các phân tích về chúng. Những cấu trúc này không phải là những sự thể hiện cụ thể về thực tại mà là những mô hình nhận thức về thực tại. Lévi-Strauss nhấn mạnh rằng mọi nền văn hoá đều hiểu về vũ trụ xung quanh họ thông qua những mô hình nhận thức như vậy, và rằng loài người hiểu về thế giới trên cơ sở của những cấu trúc tư duy này.

Từ khi có những cách tiếp cận mới trong dân tộc học, nhân học tập trung vào nghiên cứu điền dã và nghiên cứu trường hợp, cấu trúc luận bị phê phán là làm giảm giá trị của tính bản địa của văn hoá, diễn xướng, bối cảnh, hoặc là sự tương tác của con người, nhưng dù sao cấu trúc luận vẫn có ảnh hưởng rộng rãi không chỉ trong nhân học và văn hóa dân gian, mà cả trong nghệ thuật và một số ngành khoa học xã hội khác. Cấu trúc luận kết hợp với các phương pháp tiếp cận mới khác làm cơ sở và nền tảng cho các công trình hậu cấu trúc./.

H.M

___________________

[1]. Xem thêm Mark Glazer (1997),” Structuralism” (Cấu trúc luận). Trong sách Folklore: An Encyclopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art (Văn hóa dân gian: Từ điền về tín ngưỡng, tập quán, truyện kể, âm nhạc và nghệ thuật). Thomas A. Green chủ biên. California.:ABC-CLIO, Inc., tr. 773-775.

2. Lévi-Strauss, Claude (1949). The Elementary Structures of Kinship (Cấu trúc sơ đẳng của dòng họ). Boston: Beacon Press, tr. 3-25.

3. Lévi-Strauss, Claude (1966). Phạm vi của nhân học (The Scope of Anthropology). Current Anthropology 7 (2): tr 112-23.

4. Applebaum, Herbert: sách đã dẫn, tr. 403.

5. Applebaum, Herbert: sách đã dẫn, tr. 405.

6. Xem thêm Mark Glazer (1997), tài liệu đã dẫn, tr. 773.

7. Mark Glazer (1997), tài liệu đã dẫn, tr. 775.

8. Lévi-Strauss. “Nghiên cứu thần thoại theo phương pháp cấu trúc”. Trong sách Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản. Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan chủ biên. Nxb. Khoa học Xã hội, 2005, tr. 306.

9. Aarne, Antti và Stith Thompson (1961[1910), The Types of the Folktale: A Classification and Bibliography (Típ truyện cổ tích: Phân loại và thư mục tài liệu). Folklore Fellows Communications 184. Helsinki: Suomalainen Tiedeakatemia

[1]0. Xem thêm Đỗ Bình Trị (2006), Truyện Cổ tích thần kỳ việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp. Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Danh mục tài liệu tham khảo về cấu trúc luận

Barthes, Roland, Mythologies (Thần thoại học). London: Paladin,1973.

Bumham, Jack, The Structure of Art (Cấu trúc nghệ thuật). New York: Braziller, 1971.

Trần Thiện Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh đến thuyết cấu trúc, Nxb. Tri thức, H., 2008.

Trần Thiện Đạo, Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc, Nxb. Văn học, H., 2001.

de Saussure, Ferdinand, Course in General Linguistics (Chuyên đề về Ngôn ngữ học đại cương). New York: McGraw-Hill, 1966.

Ferdinad de Saussure, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, bản tiếng Việt của Tổ ngôn ngữ học, Khoa Văn học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, H., 1973 (Cours de linguistique générale, Pagot, Paris, in lần 5, 1955).

Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2011.

Dundes, Alan, “Hệ thống loại hình cấu trúc trong truyện cổ Da đỏ, Bắc Mỹ”. In trong sách Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản. Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan chủ biên. Nxb. Khoa học xã hội, 2005, tr. 309-324.

Dundes, Alan, The Flood Myth (Thần thoại về lũ lụt). Publisher: University of California Press: 1988, 1988

 Dundes, Alan, Sacred Narrative, Readings in the Theory of Myth (Những câu chuyện kể thiêng: bài đọc về lý thuyết thần thoại). University of California Press, 1984.

Dundes, Alan, The Morphology of North American Indian Folktales (Hình thái học truyện cổ tích Da đỏ ở Bắc Mỹ). Folklore Fellows Communications No. 195. Helsinki: Suomalainen Tiedeakatemia, 1964.

Foucault, Michel, The Order of Things: An Archeology of the Human Sciences (Trật tự của mọi vật: Khảo cổ học Khoa học về con người). London: Tavistock, 1970.

Glassie, Henry, Folk Housing in Middle Virginia: A Structural Analysis of Historical Artifacts (Làm nhà theo dân gian ở miền trung Virginia: Phân tích cấu trúc hiện vật tạo tác lịch sử). Knoxville: The University of Tennessee Press, 1975.

Hawkes, Terence, Structuralism and Semiotics (Cấu trúc luận và ký hiệu học). Berkeley: University of California Press, 1977.

Lévi-Strauss. “Nghiên cứu thần thoại theo phương pháp cấu trúc”. Trong sách Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản. Ngô Đức Thịnh và Frank Proschan chủ biên. Nxb. Khoa học xã hội, 2005, tr. 281-308. Bản tiếng Anh, “The Structural Study of Myth”. Trong Structural Anthropology (Nhân học cấu trúc). New York: Basic Books, 1963.

Lévi-Strauss, The Way of the Masks (Cách thức của mặt nạ). University of Washington Press, 1982.

Lévi-Strauss, Claude, The Naked Man, Introduction to a Science of Mythology (Người đàn ông khỏa thân: Giới thiệu về khoa học thần thoại), tập 4. New York: Harper & Row, 1981.

Lévi-Strauss, Claude, The Origin of Table Manners, Introduction to a Science of Mythology (Nguồn gốc phép tắc ăn uống: Giới thiệu về khoa học thần thoại), tập 3. New York: Harper & Row, 1979.

Lévi-Strauss, Claude, From Honey to Ashes, Introduction to a Science of Mythology (Từ mật ong đến tro: Giới thiệu về khoa học thần thoại), tập 2. New York: Harper & Row, 1973.

Lévi-Strauss, Claude, The Raw and the Coooked (Sống và chín: Giới thiệu về khoa học thần thoại), tập 1. Harper and Row, 1969.

Lévi-Strauss, Claude, Myth and Meaning (Thần thoại và ý nghĩa). Publisher: Schocken Books, 1995.

Lévi-Strauss, Claude, Structural Anthropology (Nhân học cấu trúc). New York: Basic Books, 1963.

Lévi-Strauss, Claude, The Elementary Structures of Kinship (Cấu trúc sơ đẳng của dòng họ). Boston: Beacon Press, 1949.

Lévi-Strauss, Claude, Totemism (Tô tem giáo). Harmondsworth, Penguin, 1973.

Lévi-Strauss, Claude, Tristes Tropiques (Nhiệt đới buồn). Publisher: Atheneum, 1970, bản tiếng Việt của Ngô Đình Lân, Nguyễn Ngọc hiệu đính, Nxb. Tri thức, H. (theo bản in tiếng Pháp của Nxb. Plon, 1995.

Lojkine Buris và Benoit de Treglode chủ biên, Một số vấn đề về xã hội và nhân loại học, Phan Ngọc dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997. Phần viết về Nhân loại học cấu trúc của Calude Lesvi-Strauss, tr. 50-84.

Maranda, Elli Kongas và Peter Maranda, Structural Models in Folklore and Transformational Essays (Mô hình cấu trúc của văn hóa dân gian và những bài viết mang tính chuyển đổi). The Hague: Mouton, 1971.

Tăng Kim Ngân, Cổ tích thần kỳ người Việt: đặc điểm cấu tạo cốt truyện. Nxb. Khoa học xã hội, 1994.

Propp, Vladimir, The Morphology of the Folktale (Hình thái học truyện cổ tích), trans. Laurence Scott. Austin: University of Texas Press 1968 [1928].

Scholes, Robert. 1974. Structuralism in Literature: An Introduction (cấu trúc luận trong văn học: Nhập môn). New Haven, CN: Yale University Press.

Đỗ Bình Trị, Truyện Cổ tích thần kỳ việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp. Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2006.

Upton, Dell và John Michael. Common Places: Readings in American Vernacular Architecture (Những nơi ở chung: Bài đọc về kiến trúc dân gian ở Mỹ). Athens, GA: The University of Georgia Press, 1986.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 1 (5) - 2013

 

Hoàng Minh

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2013
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận