Mộc bản thư viện Phúc Giang ở Trường Lưu

Ngày đăng: 04/07/2024 Lượt xem: 331
Mặc định Cỡ chữ

MỘC BẢN THƯ VIỆN PHÚC GIANG Ở TRƯỜNG LƯU

Nguyễn Huy Mỹ

Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam

 

 

Mở đầu

Làng Trường Lưu từ khi Thủy tổ dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (NHTL) là Nguyễn Uyên Hậu, giữ chức Ngũ kinh Bác sĩ giảng dạy năm kinh ở Quốc Tử Giám, vào quãng giữa thế kỷ thứ XV về vùng này lập nghiệp và xây dựng, tới giữa thế kỷ XVIII đã trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo lớn với Thư viện Phúc Giang (Thư viện là trường học), có sức chứa hàng vạn cuốn sách như Đại Nam nhất thống chí từng chép. Từ năm 1732, sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) đã dựng trường ở phía nam làng hơn vài trăm người theo học, học trò ông có 24 người đỗ Tiến sĩ. Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) ghi "Ông lập thư viện chứa đến mấy vạn quyển sách. Từ đầu đến cuối, học trò ông có vài ngàn người, trong đó có hơn 30 người đỗ tiến sĩ cùng làm quan đồng triều. Còn đỗ Hương cống được trao trách nhiệm thì không biết bao nhiêu mà kể" (1). Trong dòng họ NHTL nhiều người tham gia giảng dạy như Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) dạy học trò bốn phương đến thụ nghiệp có đến 1.218 người, Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) từng làm quan Trực giảng ở Quốc Tử Giám mỗi lần giảng luận kinh nghĩa, các triều sĩ đều khen ông là "Hòm sách của Lai Thạch", Nguyễn Huy Tá đỗ Hương cống triều Lê khoa Quý Mão năm 1783, làm Phó đốc học Quốc Tử Giám triều Nguyễn, Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Nguyễn Huy Tiêu (1742-?)… đều từng giữ chức Thị nội văn chức tùy giảng ở phủ Thế tử. Truyền thống dạy học là một truyền thống nổi bật của họ NHTL. Để có được nhiều học trò, các thầy giáo ở Trường Lưu ngoài việc chuẩn bị trường lớp, nơi lưu trú, sinh hoạt thì việc chuẩn bị sách để giảng dạy là điều quan trọng. Bài viết giới thiệu về các Mộc bản ở Trường Lưu dùng để in sách phục vụ việc dạy và học ở đây từ giữa thế kỷ thứ XVIII.

1. Về hiện trạng của Mộc bản Trường Lưu

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Mộc bản Trường Lưu đã được giới thiệu khá nhiều, nhưng chưa có con số chính xác. Ngày 12-11-2012, chúng tôi (đại diện cho dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu) phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Can Lộc tiến hành kiểm kê lại, cho thấy hiện còn 476 bản: 475 bản được lưu giữ tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - nhà thờ Nguyễn Huy Tự ở Trương Lưu, và một bản tại thư viện tư gia chúng tôi, bản này PGS. Nguyễn Thạch Giang đã đem ra Hà Nội từ năm 1960 - khi ông cùng đoàn cán bộ Đại học Tổng hợp và các chuyên gia Trung Quốc về khảo sát Trường Lưu. Năm 1987, ông đã gửi lại cho chúng tôi.

Năm 2005 chúng tôi đã chụp lại một bộ bản dập in số bản khắc do cán bộ của Bảo tàng Hà Tĩnh dập in trước đó khá lâu, gồm 674 tờ = 1.348 trang và gửi anh Thái Kim Đỉnh, nhà nghiên cứu Hà Tĩnh khá nổi tiếng. Sau một thời gian nghiên cứu anh Đỉnh đã viết bài Về bộ ván khắc của "Thạc Đình tàng bản" lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Tràng Lưu, đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 33/8-2006, tr.95-98. Theo anh Đỉnh các bản dập chất lượng kém, nhiều trang không đọc được.

Trong nhiều hội thảo khoa học về văn hóa, văn học vấn đề Mộc bản Trường Lưu cũng đã được nhắc đến, như tại Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất và 250 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tự (Hà Nội, năm 1993), và Hội thảo khoa học về Danh nhân văn hóa Nguyễn Huy Oánh (Hà Tĩnh, năm 2007), những Hội thảo liên quan đến Nguyễn Du…

Trải qua mấy trăm năm, Mộc bản Trường Lưu từ chỗ có hàng vạn bản theo lời truyền, hiện chỉ còn 476 bản, nếu dập ra ta có 476x4 = 1.904 trang. Có thể còn một số ít ở một số gia đình ở Trường Lưu và xung quanh, số lớn đã bị làm củi đun và sưởi khi rét thời 1954-1955.

  1. Về các sách đã được khắc in ở Thư viện Phúc Giang

Từ năm 2008 trong quá trình biên soạn sách Nguyễn Huy Oánh toàn tập do Lại Văn Hùng chủ trì, TS. Nguyễn Thanh Tùng đã dịch các bài Tựa trong tập Thạc Đình di cảo, Thư viện Viện Hán - Nôm, ký hiệu A.3133), là tập sách do cháu của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Vinh (1770-1819) biên tập, và rể của Nguyễn Huy Oánh là Dương Trí Thái hiệu đính. Theo đó ta thấy Nguyễn Huy Oánh lúc sinh thời đã cho khắc in các sách sau đây.

1. Tính lý toản yếu

Bài Tựa của sách cho biết, Tính lý toản yếu do Nguyễn Huy Tựu soạn đ dạy học trò và được Nguyễn Huy Oánh cho in năm 1758.

2. Ngũ kinh toản yếu, khắc in năm 1758, là tập sách mà Nguyễn Huy Oánh đã tóm tắt rút ra những điểm chính yếu, cốt lõi từ Ngũ kinh - là 5 bộ sách kinh điển của Nho gia, sau khi đã nghiên cứu kỹ và tham bác rộng "suy xét, sửa đổi, hiệu chỉnh khoảng 10 năm thì thành sách", để "giúp cho con em, học trò tự nắm vững để dùng vào việc tiến thân", ông "tự tay viết chữ sai thợ khắc in, để lưu truyền được rộng rãi".

3. Tứ thư toản yếu tự khắc in năm 1773 lúc Nguyễn Huy Oánh giữ chức Quốc Tử Giám Tế tửu. Cũng theo bài Tựa ở sách này, cuốn Quốc sử toản yếu đã được ông cho khắc in từ trước.

4. Quốc sử toản yếu (ký hiệu A.1923 Thư viện Hán Nôm) là sách do sử thần Ngô Sĩ Liên biên tu, Nguyễn Huy Oánh san bổ. Sách đã được dịch và xuất bản năm 2004 (Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 330 trang).

5. Hoàng Hoa toàn tập là sách Nguyễn Huy Oánh tập hợp, sắp xếp lại từ bộ sách Đại Thanh nhất thống chí của các bậc tiền bối, viết khắc năm 1765.

6. Dụ Thế tập biên giải âm là sách Nguyễn Huy Oánh "thu thập những lời cách ngôn của các bậc tiên chính, có thể nối tiếp được những điều trong Tứ thư Ngũ kinh, giải ra quốc âm", khắc in năm 1778.

7. Thống tông chỉ yếu do Nguyễn Huy Oánh san chép sách cũ khắc in năm 1763.

8. Bộ Tùng thư là sách Nguyễn Huy Oánh kê cứu từ các bộ sách bói cổ như Lục Nhâm, Thái Ất, Độn giáp, Thuật số, khắc in năm 1788.

9. Tiêu Tương bách vịnh, là tập thơ Nguyễn Huy Oánh gửi gắm nỗi lòng cảm khái, khi đi sứ, khắc in 1765.

10. Sơ học chỉ nam (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A. 1634) là tập bài giảng nhập môn, hướng dẫn những quy định cần thiết cho một học trò khi vào trường, được Nguyễn Huy Oánh biên soạn khắc in năm 1773.

11. Trong bài đề sau cuốn Hoàng Hoa sứ trình đồ, Nguyễn Huy Triện (1852-1909) là cháu năm đời của Nguyễn Huy Oánh cho biết "tập Sứ trình tổng ca đã khắc ván thành vật gia truyền", đây là Phụng sứ Yên Kinh tổng ca (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A. 373).

(Chín quyển từ 1 - 3, 5 - 10 đều có các bài Tựa)

Ngoài ra, các tập sách Bắc dư tập lãm (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A. 2009), Huấn tử nữ ca (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Dược tính ca quát của Nguyễn Huy Oánh không rõ đã được khắc bản in chưa? Việc xác định các sách đã được khắc in ở trường học Phúc Giang là một việc làm đòi hỏi thời gian. Nhưng với 11 quyển đã được biết rõ thì số lượng mộc bản khắc cũng đã trên vài ngàn.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong quá trình sưu tìm tư liệu của dòng họ NHTL, PGS. TS. Lại Văn Hùng (Viện trưởng Viện Từ điển Bách khoa), đã cùng chúng tôi sưu tầm và sao chụp được bộ Tính lý đại toàn toản yếu (TLĐTTY) gồm 5 tập, 612 trang phô tô từ kho sách của Thư viện Viện Văn học ký hiệu HN 307. Với quyển này có hơn sáu trăm trang, thì con số vạn trang cho các sách là hoàn toàn có cơ sở.

Mùa xuân năm 2011, chúng tôi đến thăm cụ Lê Hữu Nhiệm, một nhà Hán học từ năm 1995 đến nay đã liên tục dịch các bộ gia phả và tư liệu Hán Nôm cho chúng tôi như Phượng Dương Nguyễn Tông thế phả, Nguyễn Thị gia tàng… Biết tôi băn khoăn về tập sách này, cụ vẫn bảo tôi cầm sách lên cụ xem cho. Tôi đã chụp lại quyển 1 và cầm lên cho cụ. Một tháng sau, cụ cho tôi biết: Đây là quyển 1 của tập TLĐTTY, trang đầu ghi rõ Tập Văn Đường khắc xong vào năm 1843, đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn. Tiếp đó là trang bìa: Tính lý toát yếu, Bùi Thị (chỉ Bùi Huy Bích) tàng bản, Phụ lục Nguyễn Thám hoa (chỉ Nguyễn Huy Oánh) quan chính bản.

Mở đầu là Thư mục của TLĐTTY, và các nội dung chính: Thái cực đồ, Vô danh công truyện, Ngư tiều vấn đối, Quan vật nội thiên, Quan vật ngoại thiên, Hoàng cực kinh thế thư, Chính mông, Tây minh, Thông thư A, Thông thư B…

Hai tháng tiếp theo cụ Nhiệm đã xem và lược ghi lại các nội dung của 4 quyển tiếp theo của TLĐTTY, và cho một số nhận xét sơ bộ. Theo cụ: Xem xét với thời điểm viết tay, in và những chấm câu bản in, đây không phải là sách gốc thời Nguyễn Huy Tựu; Có thể là sách được Nguyễn Huy Oánh chép tay từ nguyên bản của Bùi Thị (chỉ Bùi Huy Bích), hoặc Bùi Huy Bích đã có bản này từ Phúc Giang Thư viện thời làm quan ở trấn Nghệ An? Cần đánh giá về sách nguyên bản ấy v.v… tiếc rằng ở đây chưa có phần Phụ lục.

Trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Tùng, anh cho biết là thời Nguyễn in rất nhiều sách, nhiều khi họ cứ lấy các bản khắc rồi in, có khi một tập sách nào đó họ chỉ in một số phần để dùng, vì thế có thể phần Toản yếu của Nguyễn Huy Tựu không in hoặc có in mà chưa sao chụp được.

Như vậy có thể thấy thực trạng hiện nay của bộ sách Tính lý đại toàn toản yếu, mặc dù đã trải qua thời gian tìm kiếm khá dài, và công sức của nhiều người tham gia tìm hiểu, nhưng chúng ta mới chỉ có được 612 trang phần chính của sách là Tính lí toản yếu - Bùi Thị tàng bản - Nguyễn Thám hoa quan chính bản, việc cần làm tiếp là xem lại các bản khắc gỗ và khảo cứu các bản khác.

Với các bản in dập do Bảo tàng Hà Tĩnh thực hiện quãng những năm cuối của thế kỷ trước, ông Thái Kim Đỉnh sau gần một năm nghiên cứu, cho biết: Trên 200 năm nay, tại nhà thờ họ Nguyễn Tràng Lưu (nay là xã Trường Lưu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn lưu giữ hàng nghìn bản ván khắc in sách của “Thạc Đình tàng bản”, được con cháu coi là gia bảo. Mấy chục năm gần đây, vì nhiều lẽ, số ván khắc ấy mất mát đi nhiều. Vừa qua GS.TSKH. Nguyễn Huy Mỹ đã cho dập in số bản khắc còn lại và gửi về cho tôi hai bộ, mỗi bộ 674 tờ = 1.348 trang. Rất tiếc là những bản in hầu hết mờ hoặc mất chữ, có nhiều trang không thể đọc được chữ nào; số trang thiếu nhiều không thể sắp xếp liên tục.

Sau một thời gian lần tìm, chắp nối, bước đầu, tôi nhận ra đây là ván khắc in hai bộ sách lớn Tính lý toản yếu đại toàn Ngũ kinh toản yếu đại toàn, và đặc biệt có bản Phúc Giang thư viện khải mông với phần Thư viện qui lệ (Ở đây, tôi không thấy bộ Tứ thư đại toàn, chưa rõ là không có hay có mà đã mất?).

Hai bộ Tính LýNgũ kinh đều là bản “Toản yếu”, nghĩa là bản tóm tắt rút ra những điểm chính yếu, cốt lõi, sau khi đã nghiên cứu, tham bác rộng và kỹ.

Vậy, cũng như bộ Quốc sử toản yếu là sách Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) “san bổ” bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, hai bộ sách ghi “Hiệu đính” của ông. Sách lại ghi “Thạc Đình tàng bản”, nghĩa là do Thạc Đình (hiệu của Nguyễn Huy Oánh) cho khắc in và giữ bản quyền. Nhưng trong hai bộ sách cũng ghi tên nhiều người họ Nguyễn Tràng Lưu, từ “Thân sinh” Nguyễn Huy Oánh là Hương giải Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), các “gia đệ” Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), Hương giải Nguyễn Huy Cự (1717-1775), “nam tử” Hương cống Nguyễn Huy Tự (1743-1790), đến “môn sinh” Nguyễn Huy Vượng v.v… đã có đóng góp mặt này hay mặt khác trong việc “toản tu” và "khắc ván, in sách".

Sau đó ông giới thiệu mấy nét sơ lược về các bộ sách và văn bản về trường Phúc Giang:

"I. Tính lý toản yếu đại toàn: Tính lý học là triết học của Nho giáo nói về tính lý do các học giả Tống nho như: Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê, 1017-1073), Trương Tái (Trương Hoành Cừ), Trình Di (Trình Y Xuyên, 1033-1107) và anh, Trình Hạo (Trình Minh Đạo, 1032-1085),… chủ trương, cũng gọi là Tính học hoặc Đạo học. Tính lý đại toàn là bộ sách gồm 70 quyển do các học giả đời Minh là Hồ Quảng, Dương Vinh, Kim Ẩu Khảo vâng lệnh vua Thành Tổ (1399-1425) thâu thái học thuyết của 120 nhà Tống nho, biên soạn thành 9 loại, 26 quyển; từ quyển 27 trở xuống thu thập ý kiến của nhiều nhà biên soạn theo các môn Lý khí, Quỷ thần, Tính lý, Đạo thống, Thánh hiền, Chư nho, Học, Chư tử, Lịch đại, Quân đạo, Trị đạo, Thi, Văn, tất cả 13 loại. Đến đời Thanh, vua Thánh Tổ (Khang Hy, 1662-1723) rút ra những tinh hoa của bộ sách, biên soạn thành bộ Tính lý tinh nghĩa gồm 12 quyển.

Bộ Tính lý toản yếu đại toàn (TLTY) của Nguyễn Huy Oánh vì bộ ván khắc mất nhiều, các bản còn lại được dập in không rõ và đủ, nên chỉ biết bộ sách có hai quyển “Thượng”, “Hạ”, không rõ mỗi quyển có bao nhiêu tờ, trang. Không kể lề, biên bốn phía, thì mỗi tờ viền khung chữ có khuôn khổ 25cm x19cm, chi làm 23 ô dọc. Ô chính giữa (ô thứ 12 tính từ hai bên sang, khi đóng sách sẽ gấp lại, chia mỗi tờ thành 2 trang A và B), trên cùng, sát tận chỉ viền khung là dòng tên sách Tính lý toản yếu toàn thư, khoảng giữa là số tờ, và dưới cùng là dòng chữ Thạc Đình chính bản (có tờ ghi Thạc Đình lưu bản). Mỗi trang phía trên có đường chỉ ngang cách đường viền khung 1cm, dưới dòng chỉ ấy có 10 dòng chỉ dọc kéo đến đường viền khung dưới, chia thành 11 ô, khắc 11 dòng chữ (riêng các bài tựa có khi chỉ 8 hoặc 6 dòng chữ). Tờ bìa đầu sách chỉ là 1 trang đóng khung 12cm x 19cm, phía trên có đường chỉ ngang cách đường viền khung 1cm. Dưới là một khung khổ 12cm x 18cm, chính giữa khắc dòng chữ lớn Tính lý toản yếu đại toàn; phía trên bên phải, khắc dòng chữ nhỏ hơn Nguyễn Thám hoa hiệu đính và phía dưới, bên trái là dòng chữ Thạc Đình tàng bản. Tờ đầu sách là bài tựa ngắn Tính lý toản yếu đại toàn tự ở trang A, và ở trang B là mấy dòng chữ: “Thời, Cảnh Hưng Mậu Dần Xuân Vương chính nguyệt - Tứ Mậu Thìn khoa đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Triều liệt đại phu, Đông các đại học sĩ, Thự Tham chính, La Sơn Lai Thạch, Thạc Đình cư sĩ Nguyễn Huy Oánh thư vu Sơn Nam nhiệm sở”. Dưới có hai con dấu vuông và hình lá; Phía dưới dòng cuối trang khắc thành hai dòng chữ nhỏ: “Nam tử Nguyễn Huy Tự - Đệ tử Nguyễn Huy Vượng - đồng giám khắc”. Như vậy, bài tựa viết tháng Giêng năm Mậu Dần đời Lê Cảnh Hưng (1758) khi Nguyễn Huy Oánh làm Tham chính Sơn Nam, và sách do con trai cùng học trò ông là Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Vượng trông coi việc khắc in.

Sau bài tựa trên còn có bài Ngự chế tính lý đại toàn tự (Bài Tựa của Minh Thành Tổ) và bài Tiến thư biểu (bài Biểu dâng sách của các soạn giả). Cuối sách có bài Tính lý đại toàn thư hậu, dưới ghi: “Thế nho: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự - gia bản”.

II. Ngũ kinh toản yếu đại toàn: Ngũ kinh là 5 bộ sách kinh điển của Nho gia gồm các “kinh” Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu. Có thuyết nói xưa còn có Kinh Nhạc nên gọi là Lục kinh, nhưng Thiệu Ý Thời đời Thanh lại cho rằng không có Kinh Nhạc mà chỉ có Ngũ kinh. Đời Hán lấy năm bộ sách ấy làm sách giảng dạy cho học quan. Tên gọi Ngũ kinh có từ đó. Đời Tần, theo lệnh Thuỷ Hoàng, sách kinh điển Nho giáo hầu hết bị huỷ hoại, đến đời Tây Hán mới được sưu tầm lại, nên văn bản thiếu nhiều phần, và không thống nhất. Một số bộ được biên soạn lại, chép bằng chữ đương thời gọi là “kim văn”. “Kinh” còn có tên gọi Bích kinh hay Bích trung kinh, tương truyền Lỗ Cung Vương cho phá nhà cũ Khổng Tử để mở rộng cung thất, nghe tiếng chuông, khánh, cầm, sắt nên không dám phá nữa, nhưng lại tìm thấy trong vách các bộ sách Thượng thư, Hiếu kinh, Luận ngữ, Lễ ký, Xuân thu chép bằng chữ cổ, nên gọi là sách “Cổ văn”.

Trong Ngũ kinh thì Thi, Thư, Dịch là ba bộ sách cổ nhất Trung Hoa, sau đó mới có hai bộ Lễ Xuân Thu.

Kinh Dịch tương truyền có từ thời Phục Hy, đến đời Chu, Văn Vương (Cơ Xương) và Chu Công (Cơ Đán) mới đặt tên “Quẻ” và chia “Quẻ” thành “Hào”. Sau đó Khổng Tử (551-479 tr.CN) đặt thêm “Thập dực”… Dịch là bộ sách kỳ lạ, từ sách Bói (đời Chu có 3 loại bói Dịch: Liên sơn, Quy tàng, Chu dịch) trở thành sách triết học.

Kinh Thư, còn gọi là Thượng Thư là tập văn ghi chép và luận thuyết đầu tiên của Trung Quốc, vốn có 100 thiên. Đời Tần bị đốt, đời Hán thu thập lại được 29 thiên. Đời Hán Vũ Đế, tìm được bộ Thượng thư cổ văn trong nhà Khổng Tử, nhiều hơn 16 thiên (sau 16 thiên này cũng mất). Từ đó qua các đời Tần, Tống,… cho đến đời Thanh đều có người nghiên cứu, sửa chữa lại.

Kinh Thi là bộ Tổng tập thơ ca đầu tiên của Trung Quốc gồm 305 bài, chọn lọc trong thơ ca từ thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, do các nhà quý tộc, trước hết là Khổng Tử, san định, chỉnh lý. Kinh Thi từng bị thiêu huỷ đời Tần, đến đời Hán mới được sưu tầm lại. Bản lưu hành hiện nay là của Mao Hanh nên thường gọi Mao Thi gồm 4 bộ phận “Phong, Tiểu Nhã, Đại Nhã, Tụng”.

Kinh Lễ hay Lễ Ký là bộ sách xuất hiện muộn. Theo các học giả thời Hán, Đường thì đầu đời Hán, Cao Đường Sinh truyền thụ Kinh Lễ, Hậu Thương giảng Kinh Lễ rồi hai chú cháu Đái Đức, Đái Thánh truyền lại Đại Đái Lễ ký, 85 chương, Tiểu Đái Lễ ký, 49 chương. Tiểu Đái Lễ ký của Đái Thánh chính là bộ Kinh Lễ ngày nay.

Xuân Thu là bộ sử nước Lỗ do Khổng Tử biên soạn.

Ngũ Kinh toản yếu đại toàn (NKTY) của Nguyễn Huy Oánh, cũng gặp tình trạng như TLTY nên không thể biết chính xác mỗi bộ sách có bao nhiêu quyển và số tờ, số trang mỗi quyển. Khuôn khổ và cách trình bày các tờ, trang đều giống y như TLTY. Trang bìa cũng bố trí như TLTY, chỉ khác dòng tên sách là Ngũ kinh toản yếu đại toàn.

Mở đầu sách là bài Ngũ kinh toản yếu tự của Nguyễn Huy Oánh cũng viết mùa xuân năm Mậu Dần đời Lê Cảnh Hưng (1758). Tiếp đó là bài Ngũ kinh toản yếu đại toàn tự của Tiến sĩ Phan (Huy) Cận (1722-1789) với mấy dòng đề cuối bài: “Thời, Cảnh Hưng Mậu Dần, Tứ Giáp Tuất khoa đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thự Hải Dương xứ Hiến sát sứ, Thiên Lộc, Thu Hoạch quyến đệ Phan Cận tự” (Dưới có đóng dấu vuông).

Tuy thiếu nhiều, nhưng trong số bản dập in còn lại, tìm kỹ vẫn còn đủ 5 bộ của NKTY. Có điều, tên các bộ Kinh, ngoài tên thông thường, đề đầu mỗi quyển, còn dùng một tên mang tính biểu tượng đề ở đầu dòng lề giữa hai trang (dòng thứ 12, nơi gấp trang), như: Kinh Dịch có tên Hy kinh - “Hy” tức Phục Hy, chỉ thời xuất hiện của Kinh Dịch; Kinh Thư có tên Bích kinh - Thư là một trong những bộ sách tìm thấy trong Bích trung kinh; Kinh Thi có tên Ba kinh - “Ba” là hoa; Kinh Xuân Thu có tên Lân kinh - Lấy tích khi Khổng Tử viết bộ Xuân Thu thì người ta bắt được con kỳ lân. Dưới đây là 5 bộ sách:

- Dịch kinh toản yếu đại toàn hay Hy kinh toản yếu đại toàn - “Hậu học Nguyễn Huy Oánh thư vu Sơn Nam nhiệm sở” (Nguyễn Huy Oánh viết ở nhiệm sở Sơn Nam) - còn có các phần: Dịch kinh cương lĩnh, Dịch kinh khảo dị, Chu Tử đồ thuyết, Dịch kinh tam bảo, Chu Dịch ngũ tán,…

Thượng Thư toản yếu đại toàn hay Bích kinh đại toàn - “Hậu học Nguyễn Huy Oánh thư vu Sơn Nam nhiệm sở”. Còn có các bài Thượng thư đại toàn tự, Nguyên tự.

- Thi kinh toản yếu đại toàn hay Ba kinh toản yếu đại toàn - “Hậu học Nguyễn Huy Oánh hiệu chính - Gia đệ Nguyễn Huy Cự thủ thư”. Còn có các bài Thi tự, Tiểu tự - Quyển nhị chép: “Nam tử Nguyễn Huy Tự thủ thư”.

- Lễ ký toản yếu đại toàn hay Lễ kinh đại toàn - “Hậu học Nguyễn Huy Oánh thư vu Sơn Nam nhiệm sở”.

- Xuân Thu toản yếu đại toàn hay Lân Kinh toản yếu đại toàn - Quyển nhất, Quyển nhị - “Hậu học Nguyễn Huy Oánh hiệu chính - Gia đệ Nguyễn Huy Quýnh thủ thư”. Còn có bài Lân kinh đại toàn tổng luận.

III. Phúc Giang thư viện khải mông - Thư viện qui lệ: là một văn bản quý hiếm về Phúc Giang thư viện, một trường “đại tập” cuối đời Lê, cách ngày nay trên 200 năm (2).

Văn bản có 7 tờ (14) trang, mỗi trang 8 dòng chữ, dòng thứ 9 là dòng lề gấp chia hai trang A và B, trên cũng khắc 4 chữ “Thư viện qui lệ”, dưới là 4 chữ “Thạc Đình lưu bản”, giữa là số trang. Bản dập in hiện chỉ có 5 tờ, mất 2 tờ 4 và 5 nhưng lại có thêm từ “thủ”.

- Tờ đầu - “Thủ” - Trên cùng là tên văn bản: Phúc Giang thư viện khải mông. Phía dưới, dòng 2 là tên tác giả: “Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cẩn…”. Tờ này chép “đản nhật” (ngày sinh) và “huý nhật” (ngày mất) của Tiên sư (Khổng Thánh) và thủ tục tế Tiên sư.

- Tờ 1 và tờ 2 chép các ngày tế lễ, hội họp, hát xướng trong năm do nhà trường tiến hành.

- Tờ 3 chép thể thức “báo tiệp” khi trong trường có học trò thi đỗ “Thu vi” (kì thi Hương), “Xuân vi” (kì thi Hội),…

- Tờ 6, trang A là những dòng cuối quy định kỷ luật nhà trường mà học trò phải tuân theo, như phải giữ gìn phẩm hạnh, phải biết liêm sỉ…; già nửa trang chép lời của mấy viên quan Trung Hoa: “Thiên triều Văn Lâm tức Triệu Kỳ”, “Thiên triều Trung hiến đại phu Trần Triệu Xuân (?)”, “Thiên triều Lễ bộ Tiến sĩ Hồ Nam Phiên”, “Thiên triều Tổng đốc Đường Tiễn”.

Trang 2 chép 3 dòng: “Thời, Hoàng triều Cảnh Hưng, Cường Ngự Đại Uyên hiến” (tức năm Đinh Hợi Lê Cảnh Hưng, 1776) - “Phụng sứ đại bồi thần Nguyễn Lựu Trai, thư vu Bắc Kinh hội đồng quán” (Đại bồi thần vâng mệnh đi sứ Nguyễn Lựu Trai - hiệu của Nguyễn Huy Oánh - viết tại Quán hội đồng, Bắc Kinh, Trung Quốc).

Cuối trang có dấu khắc chữ ký (?) và dòng chữ nhỏ Đệ tử Nguyễn Huy Vượng san (Học trò là Nguyễn Huy Vượng in), Hà Tĩnh, 06.VII.2006.

Qua nghiên cứu của Thái Kim Đỉnh và một số tư liệu đã được dịch in, có mấy điểm nổi bật sau:

1. Mộc bản Trường Lưu từng có vạn bản, nay chỉ còn 476 bản, hiện có 475 bản lưu tại Nhà thờ Danh nhân văn hóa, nhà thơ Nguyễn Huy Tự. Năm 1991 Bộ Văn hóa đã lập hồ sơ công nhận xếp hạng nhà thờ Nguyễn Huy Tự (nhà thờ này là nhà thờ Nguyễn Huy Tựu là ông nội Nguyễn Huy Tự, trong đó thờ cúng từ bà Nguyễn Thị Bẩm là mẹ Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và nhánh trưởng từ Nguyễn Huy Tự), trong đó có kho Mộc bản, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa địa phương qua quá trình điều tra, kiểm kê, nghiên cứu đã nhận thức và đánh giá được giá trị của kho Mộc bản, nhưng chưa đề cập đến việc xây dựng hồ sơ khoa học đề cử Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới.

2. Mộc bản Trường Lưu được hình thành trong giai đoạn giữa thế kỷ XVIII, từ khoảng 1750 đến 1790, gắn với nhiều danh nhân văn hóa họ NHTL như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh - cây đại thụ của nền văn hóa Hồng Lam, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Tự - Người mở đầu dòng truyện thơ Nôm bác học, là những người soạn sách, viết chữ để khắc in, và các học trò của các ông như Phan Huy Cận, Nguyễn Huy Vượng…

3. Mộc bản là những bản gỗ được làm chủ yếu từ gỗ cây thị, do thợ khắc chữ từ vùng ngoài Bắc vào khắc chữ Hán Nôm ngược để in ra các sách có nội dung phong phú, phục vụ chủ yếu việc giảng và dạy ở Trường học Phúc Giang.

4. Khác với Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phục vụ mục đích tôn giáo, Mộc bản Phúc Giang phục vụ giáo dục dạy và học.

5. Khác với Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản của Nhà nước, Mộc bản Trường Lưu là mộc bản trường học tư nhân, có trước gần 100 năm, có danh tính người soạn sách, viết chữ rõ ràng.

6. Mộc bản Phúc Giang đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ XVIII cho đến nay, đã được các triều đại kế tiếp ghi nhận.

7. Các danh nhân văn hóa họ NHTL đã từng giao du khá rộng rãi với danh sĩ Trung Hoa, và sự nghiệp giáo dục của dòng họ NHTL đã được triều đình Trung Hoa nhiều lần khen ngợi. Nguyễn Huy Oánh khi đi sứ đã được vua Càn Long tặng cho mấy chữ Đẩu Nam Tuấn dự ý coi Cụ là bậc sao Đẩu của trời Nam, và nhiều đề tặng của các danh sĩ, như quan Hiệp trấn phủ Thái Bình tặng đôi câu đối có ghi những lời về sự nghiệp giáo dục “…dạy không chán, học không mỏi…”.

8. Các triều đại Lê Trịnh và Nguyễn đã đánh giá cao vai trò và vị trí của Trường học Phúc Giang trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Trong lịch sử Việt Nam có lẽ Nguyễn Huy Oánh, chủ nhân của Trường học Phúc Giang, là người được phong tước Vương thờ lúc còn sống do công lao hoạt động trong sự nghiệp văn hóa, dạy học trò, hiện còn lưu tờ sắc triều Lê Trịnh năm 1783 về việc này.

Triều Nguyễn đã nhiều lần phong ông là vị thần đền Thư viện Phúc Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác chi thần, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác Cai Hạp Hiệu Dụng chi thần, Tự Đức sắc phong Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Đoan Túc chi thần và Khải Định năm thứ năm (1920) là Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Doãn Ý tôn thần.

  1. Bảo tồn và phát huy giá trị của Mộc bản Phúc Giang

Hiện tại chúng tôi đã liên hệ với Phòng Bảo quản Thư tịch cổ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để dập lại các bản gỗ, biên dịch và quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tìm kiếm các bản gỗ còn lưu lạc các nơi, cung cấp tư liệu cho các cán bộ nghiên cứu và quản lý.

Đề nghị các cấp chính quyền và chuyên môn lập hồ sơ đề cử Tổ chức khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới.

Khi Mộc bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thời gian thế giới, du khách đến Đà Lạt và Bắc Giang tăng hơn nhiều, nếu Mộc bản Trường Lưu cũng được lập hồ sơ thì Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng sẽ có điều kiện quảng bá giá trị của di sản tư liệu này với bạn bè quốc tế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Hà Tĩnh đông hơn.

Từ tháng 5-2005, chúng tôi đã cùng chính quyền xã Trường Lộc nhiều lần làm việc với đại diện các dòng họ, các bậc cao niên cùng xây dựng đề cương: Bảo tồn và phát triển khu di tích lịch sử văn hoá Trường Lưu, trong đó nhấn mạnh đến việc bảo quản các bản khắc gỗ, từng bước giới thiệu Mộc bản.

Được sự hưởng ứng của bà con xã nhà và bà con xa quê - các Hội đồng hương Trường Lộc ở các nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh v.v... và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp của tỉnh, huyện nhà, một số công trình đã được tu bổ, như trùng tu đình làng, xây nhà Bia dẫn tích bệnh viện Lam Kiều v.v..., dựng bia giếng Thạc, tu sửa ao Nghĩa Thương, nhiều bộ gia phả tư liệu Hán Nôm đã được sưu tầm biên dịch, 11 di tích đã được xếp hạng tiếp và tu sửa. Bà con xã nhà xa quê cũng về nhiều hơn và tham gia vào các việc của làng nhiều hơn, nhiều người khi về hưu, mặc dù không ở quê, nhưng vẫn xây dựng lại nhà cửa của mình, góp phần xây dựng quê nhà và bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của làng. Một trong những di sản mà mọi người quan tâm là Mộc bản Phúc Giang./.

N.H.M

____________________

1. Nghệ An ký, quyển 1 và 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, tr. 338, 339.

2. Chữ “Thư viện” là trường học xuất hiện từ đời Đường Minh Hoàng (712-756), đến đời Thanh Quang Tự (1875-1909) mới đổi dùng chữ “Học đường”. Nhưng cho đến đầu thế kỷ XX ở Nhật Bản một nước đồng văn, vẫn có Trường Đồng Văn thư viện mà nhiều người Việt thời Đông du đã theo học. Nơi chứa sách gọi là “Thư khố”; nơi đọc sách gọi là “Thư trai” (như “Mộng Thương thư trai” của cụ Nguyễn Hiệt Chi) hay “Thư phòng”.

 
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học, số 2 (24) - 2016
GS.TSKH. Nguyễn Huy Mỹ

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2016
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất
Thể lệ gửi bài
10/11/2021 1.960 lượt xem
Hội đồng biên tập
10/11/2021 1.521 lượt xem
Nghiên cứu văn hóa hôm nay
15/03/2024 1.511 lượt xem
Văn hóa học và nghiên cứu văn hóa
28/02/2024 1.457 lượt xem