Trang phục truyền thống

Ngày đăng: 18/03/2025 Lượt xem: 44
Mặc định Cỡ chữ

 

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG

Rossing, Camilla

Viện trang phục dân gian Na Uy

 

Chúng ta đánh dấu bản sắc của mình, một phần, nhờ các tổ chức/cơ quan giáo dục, nghề nghiệp, tôn giáo và chính trị. Chúng ta đến từ đâu là một yếu tố quan trọng mà nhờ đó để xác định chính mình. Ngày nay, lịch sử cá nhân của chúng ta thường phức tạp, với một di sản hỗn hợp phản ánh mối quan hệ với các địa điểm, truyền thống và văn hóa khác nhau. Có lẽ đó là lý do tại sao nhiều người ở Na Uy cảm thấy cần thể hiện sự gắn bó tình cảm của họ với quê hương hoặc gia đình bằng cách mặc một bộ trang phục truyền thống. Bộ trang phục truyền thống được thiết kế lại, hoặc lấy cảm hứng từ các kiểu cách của trang phục mà người dân Na Uy mặc trong thời kỳ tiền công nghiệp, trong các cộng đồng nông nghiệp truyền thống. Khi thấy người Na Uy hiện đại mặc trang phục truyền thống, đó là hình ảnh của người nông dân có tuổi ở thế kỷ XIX trong trang phục truyền thống.*

Ngày nay, người Na Uy mặc trang phục truyền thống của họ vào các lễ kỷ niệm gia đình như lễ rửa tội, lễ kiên tín và lễ cưới cũng như các dịp lễ hội khác. Tuy nhiên, quan trọng nhất, người Na Uy mặc chúng vào ngày Quốc khánh, 17 tháng 5, rất nhiều trẻ em, phụ nữ và nam giới mặc trang phục truyền thống tràn ngập đường phố. Ngày 17 tháng 5 nổi tiếng với các cuộc diễu hành của trẻ em và  của các ban nhạc. Hầu hết phụ nữ Na Uy (ít nhất 70%) đều có một bộ trang phục truyền thống, Khoảng 20% nam giới có một bộ trang phục truyền thống. Kể từ những năm 1900, khi Na Uy đấu tranh giành được độc lập từ Thụy Điển, người Na Uy đã thiết kế và mặc những bộ trang phục này. Ban đầu, việc mặc trang phục là để thể hiện niềm tự hào dân tộc, nhưng kể từ đó, họ đã đạt được một liên kết khu vực mạnh mẽ hơn như là một biểu hiện của bản sắc địa phương. Viện trang phục dân gian Na Uy từ khi được thành lập vào năm 1947 đã nỗ lực làm tư liệu và bảo vệ truyền thống 100 năm tuổi này, .

Trang phục truyền thống trong thời kỳ tiền công nghiệp

Trang phục mà người dân nông thôn ở Na Uy thời kỳ tiền công nghiệp mặc được gọi là trang phục truyền thống. Đây là kết quả của truyền thống địa phương pha trộn với ảnh hưởng bên ngoài, sáng tạo địa phương và sở thích cá nhân, và khác với thói quen ăn mặc ở khu vực thành thị. Quànáo của người dân sống ở khu vực thành thị và công chức tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thời trang châu Âu. Mặc dù cách ăn mặc của mỗi cá nhân rất đa dạng, nhưng trang phục truyền thống luôn đặc trưng cho từng vùng cụ thể. Mọi người từ cùng một khu vực có thể dễ dàng được phân biệt với những người thuộc các khu vực khác bởi trang phục của họ. Ở một số khu vực, trang phục dân gian phát triển hầu như không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài, vì sự tiếp xúc với các cộng đồng xung quanh còn bị hạn chế. Trang phục truyền thống được phát triển trong những năm 1600 khi người dân làm nông nghiệp ở Na Uy chịu thiệt hại lớn về kinh tế do tăng thuế, chiến tranh và mất mùa. Trong thời gian khó khăn này, mọi người giữ gìn quần áo của họ càng lâu càng tốt, sửa chữa chúng và giữ chúng cho các thế hệ tương lai. Quần áo mới hoặc hàng dệt may hiếm khi được mua. Dần dần, cách cắt, làm và may quần áo ở một khu vực cụ thể sẽ ngày càng trở nên truyền thống hơn, và ngày càng đặc trưng cho khu vực đó. Thời gian trôi qua, cách ăn mặc đặc trưng này trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc và ý thức địa phương, ngay cả khi nền kinh tế được cải thiện vào nửa cuối những năm 1700.

Các gia đình nông dân tự may quần áo của họ, bằng len và vải lanh. Ở một số khu vực, trang phục truyền thống có sử dụng hình thêu như các yếu tố trang trí, trong khi ở các khu vực khác, trang phục được trang trí rất ít, tùy thuộc vào kinh tế và thương mại. Tuy nhiên, một lượng nhỏ các chất liệu đắt tiền như gấm tơ tằm và tơ lụa đã được thấy sử dụng cho những bộ quần áo truyền thống này, phần lớn cho trang phục nhà thờ.

Các khu vực nông thôn khác, xung quanh thủ đô Oslo và thành phố Trondheim, cũng như tầng lớp thượng lưu, chịu sự tương tác thường xuyên hơn với các biên giới cộng đồng. Với thời gian chậm hơn 20-30 năm, đường cắt và độ vừa vặn của những bộ quần áo này sẽ giống với thời trang châu Âu.

Ở hầu hết các vùng nông thôn, phụ nữ che tóc sau khi kết hôn. Phong tục này thay đổi theo thời gian và mỗi vùng một khác, tuy nhiên nhiều cái mũ ra đời từ những năm 14-? và 1500. Hầu hết mọi người đều có trang phục đẹp nhất để đi lễ nhà thờ. Các gia đình nông dân giàu có sẽ có nhiều quần áo khác biệt, chỉ được mặc trong những dịp đặc biệt.

Từ quần áo truyền thống đến trang phục truyền thống

Việc sử dụng trang phục dân gian suy giảm ở nhiều khu vực vào giữa thế kỷ XIX với cuộc cách mạng công nghiệp. Quần áo may sẵn rẻ tiền và hiện đại ở các thành phố được nhiều con gái và con trai của những nông dân trẻ ưa thích hơn. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, quần áo truyền thống đã trở thành một đối tượng được quan tâm khi phong trào nghệ thuật dân tộc lãng mạn phát triển ở Na Uy vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Văn hóa dân gian nông thôn hiện được coi là có giá trị như di sản Na Uy chính hiệu, bao gồm cả quần áo của nông dân. Váy áo truyền thống nổi lên như một chủ đề phổ biến của các nghệ sĩ, và dần dần tình cảm dân tộc Na Uy cũng được thể hiện thông qua việc sử dụng những bộ quần áo như vậy. Các buổi biểu diễn ở nhà hát và khiêu vũ với những người mặc váy truyền thống xuất hiện trong các trình diễn thời trang, các cuộc triển lãm và hoàng gia đã tự thể hiện mình bằng trang phục trang trọng của người dân nông thôn. Dần dần, quần áo truyền thống đã được biến tấu để phù hợp với sở thích và nhận thức của giới thượng lưu đô thị.

Từ giữa thế kỷ XIX, thuật ngữ “trang phục dân tộc” xuất hiện để mô tả những bộ quần áo được biến tấu như vậy. Khoảng năm 1900 những trang phục này được mặc bởi những người đã chiến đấu với liên minh Thụy Điển. Mặc một bộ trang phục truyền thống bấy giờ có nghĩa là bạn đã có sự đồng cảm với dân tộc. Các sinh viên trẻ Na Uy phản đối liên minh với Thụy Điển và tham gia chiến dịch cho cái gì là đặc thù của Na Uy. Họ muốn khôi phục lại vùng nông thôn cổ xưa, nền văn hóa dân gian thời tiền công nghiệp, những thứ đang dần biến mất. Chính ở giai đoạn này, quần áo truyền thống trở thành trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống trở thành một yếu tố quan trọng trong các tranh luận chính trị - văn hóa đương đại, như một biểu hiện rõ ràng của một mong muốn rằng chỉ có tình cảm dân tộc (Na Uy) mới là nền tảng cho các hoạt động văn hóa và chính trị.

Trang phục truyền thống ở Na Uy hiện nay

Kể từ khi Na Uy giành được độc lập vào năm 1905, mọi người vẫn tiếp tục mặc trang phục truyền thống, không phải như một biểu tượng dân tộc mà là biểu tượng của thành phố quê hương hoặc ngôi làng của họ. Mỗi trang phục trong số 450 trang phục khác nhau của chúng tôi đến từ một khu vực hoặc ngôi làng cụ thể ở Na Uy. Hầu hết các khu vực của Na Uy đều có bunad (1) riêng, ngay cả khi không còn tư liệu nào về trang phục dân gian truyền thống địa phương. Trong những trường hợp này, bunad được thiết kế dựa trên việc lấy cảm hứng từ những thứ khác ngoài quần áo, như một chiếc ví thêu, giày, hoặc hệ thực vật và thiên nhiên địa phương. Điều đó rất quan trọng đối với nhiều cộng đồng để họ có được trang phục riêng, và do đó chúng tôi có rất nhiều loại trang phục đa dạng như ngày nay, với những bối cảnh lịch sử rất khác nhau.

Với tư cách là một di sản văn hóa phi vật thể, khi các gia đình mặc các trang phục truyền thống của cùng một khu vực trong một sinh hoạt cộng đồng, nó khẳng định bản sắc và tổ tiên của họ. Trang phục truyền thống thường được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và do đó nó có giá trị đối với thế hệ hiện nay đồng thời củng cố mối liên kết với lịch sử gia đình.

Nhiều người ở Na Uy tự may trang phục. Rất dễ dàng để mua bộ dụng cụ với vải, sợi và hoa văn cắt sẵn, giúp mọi người làm trang phục dễ dàng hơn. Để mua một bộ trang phục mới, hoàn chỉnh có thể rất đắt, và nhiều người không thể mua được. Tự may trang phục cho bản thân sẽ rẻ hơn rất nhiều. Nhiều người cũng thích làm trang phục cho các thành viên trong gia đình ví dụ cho các cháu của họ. Điều này gia tăng giá trị tình cảm cho bunad. Tuy nhiên, nhiều người chọn may bunad bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Những trang phục này làm bằng tay thường mất vài tháng mới xong.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự mai một tri thức về các nghề thủ công truyền thống. Nhiều người không biết may hoặc dệt, thêu hoặc đan theo các cách truyền thống. Thậm chí nhiều người còn không thể phân biệt giữa vải bông và vải lanh, hoặc sự khác biệt giữa chất lượng tốt và xấu của đồ thủ công. Do đó, không còn đủ người làm việc trong lĩnh vực này để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về trang phục thủ công. Đây là những mối đe dọa lớn cho tương lai của trang phục truyền thống Na Uy. May mắn thay, vẫn có những con người và tổ chức đang làm việc để bảo tồn và truyền bá tri thức này, và để dạy cho những người thợ thủ công mới và phụ nữ. Viện trang phục truyền thống Na Uy là một trong những tổ chức như vậy.

NBF hoạt động như thế nào để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (ICH)?

Viện trang phục truyền thống Na Uy nằm ở nông thôn tại vùng núi phía Nam Na Uy. Đây là một viện nghiên cứu quốc gia được thành lập vào năm 1947, có chức năng phát huy kiến thức về trang phục và trang phục truyền thống như một biểu đạt văn hóa. Nó nhằm mục đích duy trì truyền thống của trang phục dân gian, ngăn chặn sự xuống cấp của việc may trang phục và tư vấn trong việc xây dựng/thiết kế trang phục mới. Bộ Văn hóa Na Uy đã thành lập một ban cố vấn gồm những người có chuyên môn về nghề thủ công truyền thống.

Từ năm 1986, Viện này là một phần không thể thiếu của bảo tàng ngoài trời của địa phương, Bảo tàng Dân gian Valdres. Viện có sáu nhân viên, ngoài ra còn sử dụng các nhân viên, nguồn nhân lực khác của bảo tàng như thợ mộc và các dịch vụ vệ sinh. Hơn nữa, bảo tàng có chức năng là nơi tổ chức của một số nhóm hoặc tổ chức khác, ví dụ tư vấn xây dựng - gỗ, sản xuất vĩ cầm (fiddle) truyền thống, sản xuất trang phục dân gian và tổ chức lễ hội âm nhạc dân gian địa phương. Do đó, bảo tàng trở thành một trung tâm sôi động cho các sinh viên, người dân và các tổ chức khác nhau làm việc để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Nghiên cứu thực địa

Truyền thống về trang phục của một số vùng ở Na Uy đã được các bảo tàng ghi lại từ những năm 30 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu đã đi đến các vùng nông thôn thu thập quần áo cũ, mô tả thiết kế và việc sử dụng chúng ở từng khu vực cụ thể, và sau đó trưng bày chúng cho công chúng. Tuy nhiên, phần lớn các bộ trang phục truyền thống vẫn còn được giữ bởi các trang trại và nhà riêng.

Năm 1956, bảo tàng dân gian Na Uy ở Oslo đã khởi xướng một chương trình mới để tư liệu hóa các truyền thống trang phục dân gian ở một số khu vực của Na Uy như một truyền thống sống. Một sinh viên trẻ, Aagot Noss, được thuê để thực hiện nhiệm vụ. Cô đã đi khắp nơi suốt 20 năm, đến nhiều khu vực xa xôi và lâu đời nhất ở Na Uy. Cô đã phỏng vấn những người vẫn mặc trang phục truyền thống hàng ngày hoặc những người nhớ lại cha mẹ họ đã từng mặc như thế nào. Trong các cuộc phỏng vấn, Aagot tập trung vào cách quần áo được mặc, dịp chúng được mặc và sự khác biệt giữa các bộ quần áo. Là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và điền dã, Aagot Noss đã xuất bản hơn 20 cuốn sách về chủ đề này. Công trình này là vô giá đối với các viện bảo tàng và sinh viên chuyên ngành lịch sử văn hóa, cũng như việc bảo tồn kiến thức về trang phục truyền thống cho tương lai. Những bộ phim và các cuộc phỏng vấn của cô về những chủ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt.

Aagot Noss là thành viên trong Ban cố vấn của Viện rất nhiều năm. Cô khuyến khích Viện tiếp tục thực hiện công việc thực địa trên khắp đất nước. Và kể từ năm 1980, Viện đã thực hiện 4 - 6 chuyến đi thực địa mỗi năm. Những chuyến đi thực địa này được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ với các bảo tàng, nhóm hoặc tổ chức địa phương, những người thực hiện sáng kiến. Họ sẽ nỗ lực liên hệ với mọi người và khuyến khích chủ các bộ sưu tập đăng ký quyền sở hữu. Tuần nào có chuyến thực địa ở đâu, thì các bộ sưu tập đó đã sẵn sàng để phục vụ nghiên cứu. Mỗi đợt thực địa thường sẽ kéo dài trong một tuần, và sẽ được lặp lại vào năm sau nếu cần thiết. Các chủ sở hữu trang phục này mang đến đăng ký, và sẽ ký một thỏa thuận phù hợp. Sau một hoặc hai ngày, họ quay lại thu thập chúng một lần nữa. Viện không bao giờ khuyến khích chủ sở hữu tặng quần áo của họ cho Viện, chúng tôi chỉ muốn làm đăng ký cho các sưu tập này. Nếu có một đề nghị quyên góp hàng may mặc nào đó thì sự quyên góp đó sẽ được chuyển cho bảo tàng địa phương.

Các cộng tác viên địa phương sắp xếp các cuộc hẹn để giao hàng và trả lại hàng may mặc. Việc đăng ký quần áo được thu thập được thực hiện bởi các nhân viên chuyên nghiệp của Viện, tại một khách sạn, bảo tàng hoặc trường học ở địa phương. Mỗi bộ được chụp ảnh, và một bản mô tả chi tiết về vải, màu sắc, kỹ thuật và cách cắt. Mọi thông tin về chủ sở hữu và lịch sử gia đình (nếu có liên quan) cũng như bất kỳ thông tin nào khác mà người đó có thể có về hàng may mặc đều được ghi chép. Những chủ sở hữu có kiến thức sâu rộng về việc sử dụng, sản xuất hoặc giá trị biểu tượng của quần áo đều được phỏng vấn bất cứ lúc nào. Những thông tin bổ sung từ chủ sở hữu là rất có giá trị để làm cho các bộ trang phục có ý nghĩa. Chẳng hạn, những thông tin như ai làm ra nó, ai mặc nó, mặc như thế nào, khi nào, là rất quan trọng.

Việc đăng ký, chụp ảnh, đo lường và thông tin chi tiết được thu thập và thiết lập bằng một chương trình phần mềm được thiết kế cho các bộ sưu tập của bảo tàng Na Uy. Phần mềm này là một công cụ quan trọng giúp chúng tôi có thể phân tích và sắp xếp các bộ sưu tập và đăng ký các bộ sưu tập. Ngoài ra, nó cũng giúp chúng tôi có thể xuất bản tất cả các đăng ký trực tuyến, có sẵn cho công chúng. Mỗi chủ sở hữu sẽ ký một thỏa thuận cho phép trang phục của họ được công bố. Trong trường hợp chủ sở hữu có lý do để không ký một thỏa thuận như vậy, việc đăng ký sẽ không được phổ biến.

Thông qua công việc này, một kho lưu trữ rộng lớn đã được xây dựng. Tính đến năm 2019, nó chứa khoảng 82 000 bản đăng ký quần áo và các bộ phận trang phục, được bổ sung bằng hình ảnh, phác thảo và ghi chú liên quan đến trang phục truyền thống từ các khu vực khác nhau. Các nguồn tư liệu bổ sung bao gồm minh họa từ các nghệ sĩ, tác phẩm điêu khắc, tài liệu chứng thực, thư từ và các tài liệu khác mô tả các truyền thống trang phục xưa.

Bằng cách này, kiến thức về trang phục và lịch sử của chúng được bảo tồn. Kho lưu trữ tại Viện cũng bao gồm một bộ sưu tập nhỏ về quần áo cũ, phim tài liệu, kho lưu trữ được cập nhật về các loại vải, sợi và chỉ có sẵn, và một số tài liệu lưu trữ tư nhân từ các học giả nổi tiếng. Viện cũng có một thư viện lớn tài liệu liên quan đến lịch sử và nghiên cứu trang phục. Các tài liệu đều sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của công chúng.

Một kho lưu trữ công cộng của quốc gia

Viện trang phục truyền thống Na Uy mở cửa cho khách tham quan quanh năm. Thợ thủ công, phụ nữ, các nhà khoa học, học giả và sinh viên thường xuyên đến viện. Các tài liệu lưu trữ được sử dụng để nghiên cứu về trang phục truyền thống, trang phục truyền thống hiện đại và lịch sử thời trang. Một số khách đến tìm kiếm tư liệu trong kho lưu trữ, những người khác đến để giải quyết các vấn đề thực tế hơn.

Chức năng tư vấn

Mục tiêu quan trọng nhất của Viện là hỗ trợ và hướng dẫn trong việc sản xuất trang phục truyền thống và bảo vệ việc sử dụng những trang phục này trong xã hội hiện đại. Thợ thủ công có thể được tư vấn và hướng dẫn thực tế, và thậm chí được đào tạo theo nhu cầu cụ thể của họ.

Phục dựng lại

Một phần đặc biệt của công việc tư vấn có liên quan đến việc tái cấu trúc trang phục truyền thống mới, dựa trên trang phục truyền thống cũ hơn. Một nhóm người, một tổ chức hoặc hiệp hội địa phương, sẽ liên lạc với Viện và yêu cầu giúp đỡ để có được các tài liệu nguồn có liên quan, nhằm tạo ra một trang phục mới, dựa trên truyền thống.

Trong những trường hợp này, trước tiên, Viện đánh giá xem liệu có đủ số quần áo được bảo quản và nguồn nguyên liệu khác có sẵn để đề xuất phục dựng lại hay không, hay cần thêm tài liệu bổ sung. Sau đó cũng cần quyết định tìm xem đâu là ranh giới của các khu vực trang phục khác nhau, thói quen ăn mặc đã được phát triển trong khu vực như thế nào và từ thời kỳ lịch sử nào là nguồn tư liệu tốt nhất để tái cấu trúc. Trong nhiều trường hợp, công tác điền dã là cần thiết, điều đó có nghĩa là một quá trình tái cấu trúc có thể kéo dài vài năm. Một đánh giá cũng được đưa ra về việc hàng may mặc nào có thể được tái cấu trúc tốt nhất, hoặc nếu ứng viên đã chọn một số sản phẩm may mặc nào đó để tái cấu trúc, thì phải xem chúng tương ứng với các nguồn có sẵn như thế nào. Nếu cần thiết, cả tư vấn về mẫu/thiết kế, loại vải và may/khâu cũng được cung cấp.

Được phục dựng lại, các trang phục truyền thống dựa trên các sản phẩm may mặc mang tính lịch sử, được mô tả bằng văn bản và miêu tả bằng nghệ thuật, được mô tả bằng văn bản và nghệ thuật, có xu hướng được chế tạo công phu hơn, đắt tiền hơn và mang đặc điểm cá nhân hóa hơn. Thay vì tạo ra một bộ trang phục đồng phục duy nhất, quá trình nghiên cứu tập hợp toàn bộ những chọn lựa được ghi lại trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, mỗi cá nhân có thể kết hợp, chọn lựa theo sở thích của mình các loại vải, màu sắc, họa tiết, hoa văn, và phụ kiện khác nhau. Mục tiêu không chỉ đơn giản là làm sống lại việc sử dụng một vài sản phẩm may mặc, mà là để tái tạo, nếu có thể, toàn bộ các bộ phận của trang phục lễ hội, và đôi khi cả trang phục mặc trong những dịp ít trang trọng hơn.

Mặc dù tính cá nhân hóa được đánh giá cao, nhưng khái niệm về tính xác thực lịch sử cũng được trân trọng. Nhiều người mong muốn rằng các trang phục mà họ lựa chọn cùng với các hình thức đa dạng hiện nay thực sự đã được mặc trong quá khứ. Trang phục được tái cấu trúc có thể là thách thức cho người mới bắt đầu trong lĩnh vực này. Ngoài việc nâng cao ý thức về lịch sử, việc làm ra một bunad được tái cấu trúc đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ thuật và kỹ năng thủ công được nâng cao hơn. Điều này khiến cho việc sản xuất hàng loạt khó khăn hơn, nhưng nó cũng làm cho sản xuất theo mô hình kinh doanh hiệu quả kinh tế hơn cho các nghệ nhân có chuyên môn và đáng kính.

Hướng ngoại

 Cách thức làm việc của Viện là hợp tác nghiên cứu chặt chẽ với các dự án bên ngoài. Các mục tiêu của NBF đưa ra còn rất nhiều giá trị đến ngày nay như một sự hỗ trợ trên toàn quốc và khu vực nhằm tư liệu hóa các tài liệu hiện có và cung cấp tư vấn, hướng dẫn dựa trên công tác nghiên cứu. Trong những năm gần đây, Viện đã làm việc cùng với các tổ chức phi chính phủ khác được UNESCO công nhận để phát huy việc sử dụng và kiến ​​thức về trang phục truyền thống, ví dụ thông qua việc tổ chức hội thảo hàng năm vào tháng Tám. Ngoài ra, từ năm 2008, Viện là cơ quan hàng đầu trong mạng lưới bảo tàng dệt may quốc gia . Mục tiêu ở đây, là nâng cao kiến ​​thức lý thuyết và thực tiễn cho các nhân viên bảo tàng về hàng dệt may và trang phục. Viện tham gia vào các chương trình bảo vệ di sản địa phương và khu vực với tri thức về các nghề thủ công truyền thống và lịch sử văn hóa. Là một Viện quốc gia, NBF đóng vai trò quan trọng như một cơ quan tư vấn và cơ quan trung gian giữa Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục.

Các hoạt động cụ thể bảo vệ di sản bao gồm:

- NBF hợp tác với các tổ chức phi chính phủ khác để cung cấp sáu tuần đào tạo thực tế hàng năm cho các thợ thủ công trẻ và phụ nữ, như một bước đệm để học nghề.

- Hàng năm, NBF cung cấp một khóa đào tạo kéo dài một tuần cho nhân viên bảo tàng, giảng dạy lịch sử thời trang, hiện tượng trang phục truyền thống và sự hồi sinh của trang phục truyền thống, cũng như đào tạo phân tích về vải dệt.

- NBF hợp tác với Đại học Trondheim để giới thiệu sáu khóa học về hiện tượng trang phục truyền thống, như là một phần của chương trình dân tộc học của họ.

- NBF cùng bốn tổ chức phi chính phủ khác tổ chức hội thảo thường niên vào tháng 8. Hội thảo năm 2018 có 140 người tham gia nhằm mục đích nâng cao nhận thức và kiến ​​thức về trang phục truyền thống và bunads.

Thấm nhuần truyền thống và ngành công nghiệp thời trang của Na Uy, kinh nghiệm có được về bunad ngày nay cho thấy sự đa dạng các ý kiến ​​và mối quan hệ về trang phục truyền thống. Với folkdräkt (trang phục truyền thống) ở Thụy Điển, các cá nhân có thể thừa kế quần áo, nhận được một thứ gì đó do họ hàng làm cho họ hoặc tự may quần áo với các kỹ năng họ học được thông qua việc dạy chính thức hoặc không chính thức. Nhiều cô gái trẻ sẽ có bộ trang phục hoàn chỉnh đầu tiên ở độ tuổi thanh, thiếu niên cho lễ kiên tín nhà thờ. Nam giới có thể đợi đến đám cưới hoặc sinh nhật lần thứ 30 của họ. Quần áo của trẻ em thường sử dụng trong các gia đình, được chuyển cho nhau giữa các thành viên khi có nhu cầu. Trang phục truyền thống của Na Uy mang tính địa phương, gắn liền với lịch sử gia đình và được mặc trong các lễ kỷ niệm của gia đình trong suốt cuộc đời của chúng tôi.

Viện trang phục truyền thống Na Uy đang tìm cách bảo vệ truyền thống quý giá này thông qua nhận diện, làm tài liệu, nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và hồi sinh di sản./.

R.C

____________________

  1. ND: bunad là một thuật ngữ ở Na Uy chỉ trang phục nông thôn truyền thống.

 

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 2 (48) - 2020

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2020
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất