LỊCH SỬ SƠ LƯỢC VỀ
NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
Hoàng Minh
Khác với những quan điểm của Leavis, Richard Hoggart và Raymond Williams coi những văn bản tác phẩm phong phú hơn “văn hóa đại chúng” đương đại. Họ nhận thấy rằng những người theo Leavis đã không có những mối quan hệ với những hình thức cuộc sống của giai cấp lao động. Phần đầu cuốn sách Sử dụng việc biết đọc biết viết (The Uses of Literacy) (1957) của Hoggart bao chứa nỗi thông cảm sâu sắc với tầng lớp lao động trong các khu công nghiệp, không bị tác động bởi văn hóa thương mại và thể chế giáo dục, trong khi phần hai phê phán văn hóa đại chúng hiện đại.
Trong sách Văn hóa và xã hội (Culture and Society) (1958), Ryamond Williams khái niệm lịch sử như là một quá trình theo đó các hình thức văn hóa như báo chí, quảng cáo, tiểu thuyết được hình thành bởi bối cảnh của thời gian. Phần lớn, ông tìm hiểu các thuật ngữ cơ bản như “dân chủ”, “giai cấp” và “văn hóa” được sử dụng và thay đổi ra sao. Ông cũng đưa ra định nghĩa rộng về “văn hóa,” bao gồm văn hóa “cao” và văn hóa “đại chúng”, và đề xuất rằng chúng ta phải có cách tiếp cận tổng thể tới nghiên cứu văn hóa. Ông cũng tranh luận là phải có “văn hóa chung” như là thước đo giá trị của “sự đa dạng trong cộng đồng,” làm cho con người có khả năng cảm thấy tự hào về vị thế của họ, nhưng cũng tôn trọng khả năng của những người khác.
Từ đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu văn hóa bắt đầu khám phá chức năng chính trị riêng của văn hóa và đưa ra những phê bình về khối quyền lực dân chủ xã hội mà đó chính là quyền lực của nhà nước. Văn hóa được nhìn nhận như là hình thức của “quyền bá chủ” - một thuật ngữ có mối liên hệ với Antonio Gramsci, một người theo chủ nghĩa Mác xít ý vào những năm 1920-1930. Quyền bá chủ là một quá trình mà theo đó một nhóm người trong xã hội áp dụng quyền lãnh đạo đối với người khác. Điều này đạt được khi các giai cấp trên thay thế cho quyền lực kinh tế bằng cách tạo nên “quyền lãnh đạo trí thức và đạo đức”. Văn hóa là một địa chỉ mà ở đó sự đấu tranh giành quyền bá chủ diễn ra. Đối với Gramsci, các lực lượng có quyền bá chủ thường thay đổi chiến thuật của họ khi điều kiện xã hội và văn hóa thay đổi. Cùng với tinh thần đó, văn hóa cũng có thể được nhìn nhận như là một hình thức của “chính quyền” và đó cũng là một cách để tạo ra những công dân biết tuân thủ và “dễ bảo”, thông thường thông qua hệ thống giáo dục (Gramsci 1992)
Nghiên cứu văn hóa đưa ra những phê phán của những tác động bá chủ của văn hóa. Ban đầu phê phán như vậy dựa chủ yếu vào các hình thức phân tích ký hiệu học. Điều này có nghĩa là văn hóa được phân ra thành những thông điệp rời rạc, “những thực hành mang ý nghĩa” hay “diễn ngôn” mà chúng được phân bổ bởi các thể chế đặc biệt hay truyền thông đại chúng. Ví dụ phân tích ký hiệu học về hút thuốc của công nhân, hút thuốc không phải là một thực hành cuộc sống, mà với nghĩa chỉ cái biểu đạt được tạo ra bởi hình ảnh giống như “Người đàn ông Marlboro” (Marlboro Man). Hình ảnh này chỉ tính đàn ông, sự tự do và cái siêu việt của cuộc sống lao động hàng ngày (During 2000: 5).
Trong giai đoạn 1970-1980, có ba công trình có ảnh hưởng đặc biệt trong ngành nghiên cứu văn hóa. Đó là sách Học lao động (Learning to Labour) của Paul Willis (1977), Khán giả toàn quốc (The Nationwide Audience), (1980) của David Morley, và Kháng cự lại bằng nghi lễ: Văn hóa của thanh niên ở Anh quốc sau chiến tranh (Resistance through Rituals: Youth Subcultures in Postwar Britain) (1976) của Stuart Hall và Tony Jefferson.
Trong cuốn sách Học lao động, Paul Willis sử dụng kỹ thuật quan sát tham dự để mô tả một nhóm những chàng trai bất mãn trong các trường học dành cho giai cấp lao động. Ông mô tả họ đã tạo nên một “nền văn hóa trường học đối lập” thế nào mà ở đó họ phủ nhận lôgíc chính thống hóa giáo dục. Đó là “bạn vâng lời giáo viên vì họ dạy bạn tri thức mà tri thức sẽ giúp bạn có nghề nghiệp tốt hơn”. Công trình của Willis vẫn giữ những quan điểm trong công trình của Hoggart ở chỗ nghiên cứu văn hóa liên quan đến việc ủng hộ văn hóa truyền thống của giai cấp lao động. Văn hóa bao chứa một sự hiểu biết chính trị đúng đắn về điều kiện cuộc sống. Những chàng trai bất mãn có ít nhận thức về giai cấp chính thống và hoàn toàn không quan tâm đến thể chế chính trị.
Trong khi cuốn sách của Willis là một công trình của những người theo thuyết văn hóa truyền thống, thì sách của David Morley về Khán giả toàn quốc lại là một nghiên cứu dân tộc học đầu tiên. Ông không đơn giản phân tích chương trình truyền hình, mà còn tổ chức thảo luận nhóm không có mục đích giữa những người xem, gồm liên đoàn, quản lý, sinh viên, v.v… Cuốn sách này của ông bắt đầu kiểm chứng hình ảnh của khán giả rộng lớn như là “quần chúng” mà nó thường được ngụ ý tới bởi các nhà lý thuyết xã hội học thời kỳ đầu về truyền thông đại chúng. Ông tranh luận rằng chương trình ti vi hàng ngày “Toàn quốc” thể hiện hình ảnh của thế giới, ở đó sự khác biệt giới tính, giai cấp và tộc người đã bị đánh giá thấp trong quảng đại quần chúng. Thể thức đề cập tới của chương trình truyền hình “âm vang lời của những người phát thanh độc tài và phiếm và họ là những người thể hiện giá trị của chương trình” (During 2000, 7-8).
Quyển sách thứ ba Kháng cự lại bằng nghi lễ: Văn hóa của thanh niên ở Vương quốc Anh sau chiến tranh của Stuart Hall và Tony Jefferson là một tuyển tập các bài viết, của nhiều tác giả, mỗi một bài nắm bắt mỗi mảng của văn hóa truyền thống của giai cấp lao động theo một cách khác nhau. Nói chung, tác giả chấp nhận rằng giai cấp lao động bị phân hóa: một bộ phận là những người có công việc đòi hỏi kỹ năng tạo điều kiện cho họ sống giống những người thuộc giai cấp trung lưu, còn một bộ phận khác không có kỹ năng, có vị thế thấp và làm công việc phục vụ. Dù sao, họ tranh luận rằng những người tầng lớp thấp, đặc biệt là những lớp trẻ thiệt thòi, thừa hưởng khái niệm về bản sắc cộng đồng hay giá trị được truyền lại thông qua các thế hệ trong gia đình, phát triển thành những tiểu văn hóa.
Cũng vào những năm 1970, nghiên cứu văn hóa càng bị ảnh hưởng bởi hình thức tư duy liên quan đến các nhà lý thuyết Pháp, đặc biệt là Pierre Bourdieu và Michel Foucault. Foucault nghiên cứu các chủ đề như sự điên khùng (1965), giam cầm (1977), và giới tính (1980). Điều mà Foucault quan tâm là những hình thức trong đó con người bị chi phối và họ chi phối chính họ ra sao bởi sản xuất và sự lưu thông của chế độ tổ chức ra mối quan hệ giữa tri thức và hành động trong một hình thức cụ thể của các quy định xã hội.
Pierre Bourdieu là nhà xã hội học, một nhân vật tiêu biểu nhất của nghiên cứu văn hóa Pháp với các công trình tiêu biểu như Phác họa một lý thuyết thực hành (Outline of a Theory of Practice) (1977), Trường sản phẩm văn hóa (The Field of Cultural Production) (1993); Nguyên tắc nghệ thuật (The Rule of Arts) (1996). Ông tập trung vào mối quan hệ bản chất bên trong giữa cuộc đấu tranh quyền lực xã hội và việc tiêu thụ sản phẩm văn hóa bởi các nhóm xã hội khác nhau. Trong sách Sự khác biệt (Distinctions) (1984), ông đặt ra câu hỏi: Ai tiêu thụ loại văn hóa nào? Tác động nào mà sự tiêu thụ này có? Ông khám phá ra một ẩn kinh tế áp dụng cho văn hóa, còn gọi là “vốn văn hóa” . Vốn văn hoá hàm chỉ khả năng đọc và hiểu các mã văn hóa, nhưng khả năng này không được phân chia đều trong các tầng lớp xã hội. Nói một cách khác, những tầng lớp lao động có ít “vốn văn hóa” và một cách hệ thống bị thua trong cuộc chiến quyền lực văn hóa.
Đối với lý thuyết Pháp, các cá nhân sống trong một bối cảnh được tạo ra bởi các thể chế khác nhau, theo Bourdieu là các “trường” (“fields”) như gia đình, công việc, nhóm đồng môn, hệ thống giáo dục, đảng phái chính trị, v.v... Mỗi một trường có một hình thức vật chất cụ thể, đa số có không gian và thời gian đặc thù gắn với họ. Mỗi một trường được định hướng bởi tương lai và bao chứa sự “tưởng tượng” của riêng nó về sự hài lòng và thành công. Cuộc sống gia đình, ví dụ, phụ thuộc vào hình ảnh một gia đình hoàn hảo và các thành viên có thể cảm thấy hài lòng khi họ tạo ra hình ảnh, thậm chí có khi chỉ trong chốc lát. “Hình ảnh” này mang tính tưởng tượng vì sự giới hạn. Ví dụ, cuộc sống gia đình bị giới hạn bởi tài chính, tuổi tác và sự đối đầu giữa các thế hệ. Các trường mang tính rất thứ bậc được quy định chặt chẽ nhất, trong đó tất cả các hoạt động được chỉ đạo để hướng tới những mục đích cố định như giáo dục trong trường học, lợi tức trong kinh doanh. Hơn nữa, mỗi một trường lại có những thực hành biểu thị đặc tính ít nhiều gắn bó mật thiết với nó: cùng một người có thể nói, đi lại và ăn mặc ở trường học khác với cách mà họ sống ở nhà, và cũng khác khi họ giao lưu với những nhóm bạn đồng môn khác.
Cũng từ những năm 1970 trở về sau, lý do có thể thấy trong việc làm giảm khối quyền lực dân chủ xã hội từ khi có “quyền lợi mới” ở nước Mỹ dưới thời Ronal Reagan (1981) và ở Vương quốc Anh dưới thời Margaret Thatcher (1979). Quyền lợi mới (hay chủ nghĩa Thatcher) là nhà nước cần quan tâm đến cuộc sống của công dân ở mức độ tối thiểu. Dân tộc được định nghĩa là một hình ảnh văn hóa quốc gia phổ biến và truyền thống của “cái thuộc về người Anh” trong trường hợp của Thatcher, và “cái thuộc về người Mỹ” trong trường hợp của Reagan. Chủ nghĩa Thatcher là sự phản chiếu chính trị trong thế giới thứ nhất thịnh vượng nhưng bị đe dọa trong trật tự thế giới hậu thuộc địa. Chủ nghĩa Thatcher không dựa vào giá trị văn hóa truyền thống cao, mà thay vào đó lại hướng tới sự tưởng tượng xã hội được sinh ra bởi truyền thống theo định hướng thị trường.
Hình ảnh quyền lợi mới của văn hóa độc tôn và cuộc sống gia đình làm việc nặng nhọc, được tổ chức thông qua vai trò giới tính truyền thống. Trong tình thế này trường phái Birmingham tập trung vào những công trình của phụ nữ bình quyền, cũng như phân tích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự đối kháng của văn hóa người da đen, và chỉ trích chủ nghĩa Thatcher thẳng thắn hơn, như trong các công trình của Stuart Hall Con đường nhọc nhằn đến sự đổi mới (The Hard Road to Renewal) (1988), Chính trị khủng hoảng (Policing the Cricis) (1978).
Nghiên cứu văn hóa dần trở thành một ngành mang tính quốc tế, bởi vì sự phân tích về chủng tộc, phân biệt giới tính, và công nghiệp văn hóa có một sức thu hút rộng hơn là chỉ phân tích văn hóa của giai cấp lao động ở Vương quốc Anh, ở Mỹ hay ở Úc. Sự khẳng định nghiên cứu văn hóa về “cái khác” và sự phủ nhận của siêu diễn ngôn bị ảnh hưởng từ trong văn học và ngôn ngữ cần được hiểu với nghĩa là toàn cầu hóa từ những năm 1970 trở đi. Đây là chủ đề của các bài viết của Arjun Appadurai và ông chỉ ra quá trình đa chiều của “toàn cầu hóa” ra sao (Appadurai, 2000). Trong một số khía cạnh, toàn cầu hóa liên quan đến việc phá vỡ sự khác biệt giữa các quốc gia trong thế giới “thứ nhất” và thế giới “thứ ba”: những công nghệ mới (như truyền thông vệ tinh) được sản xuất cho khán giả toàn thế giới. Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng là một hậu quả đặc biệt quan trọng: nó làm tăng sự tập trung hóa và công nghiệp văn hóa rộng lớn bởi vì thị trường toàn cầu đòi hỏi có sự đầu tư lớn mạnh vào thị trường và phân phối. Toàn cầu hóa cũng có nghĩa là những tiểu văn hóa và giai cấp lao động đóng vai trò chủ chốt trong nghiên cứu thời kỳ đầu, bắt đầu được thay thế và được hình thành bởi các cộng đồng ở ngoài phương Tây hay của các cộng đồng của người di cư ở phương Tây. Ngành nghiên cứu văn hóa bắt đầu tiếp nhận văn hóa thương mại và “chủ nghĩa dân túy văn hóa” như theo cách gọi của McGuigan (McGuigan 1992). Chủ nghĩa dân túy văn hóa là truyền thống chống lại bá quyền, giúp cho nghiên cứu văn hóa trở nên mang tính toàn cầu (During 2000: 15).
Cuối cùng, một hình thức“nghiên cứu chính trị văn hóa” mới phát sinh gần đây nhằm đáp lại sự đi xuống của khối quyền lực dân chủ xã hội. Nghiên cứu chính trị văn hóa tự nó có hai hình thức, một là mang tính định hướng kinh tế và thực nghiệm, hai là mang tính lý thuyết. Phân tính chính sách văn hóa kinh tế, việc sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa yêu cầu có sự chỉ định về số lượng ở những nơi có sự phân bố hàng hoá lớn. Chính phủ có thể đưa ra những thông số cho sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa. Từ đó, nghiên cứu chính sách văn hóa giúp cho chúng ta nghĩ đến một khung lý thuyết và phương pháp của việc lồng ghép chính sách vào trong những tình huống kinh tế và phân bố sản phẩm như vậy.
Một nhánh khác của lý thuyết chính sách văn hóa xuất phát từ công trình sau này của Michel Foucault. Ông khích lệ trí thức cần phải có tính phê phán hơn khi tư vấn chính sách. Văn hóa không phải là cái cuối cùng cũng không phải là sản phẩm của các cá nhân hay của cộng đồng tự trị, mà là một cơ chế để chuyển tải các hình thức của “chính quyền” nhằm ra lệnh cho chúng ta hành động, suy nghĩ, sống như thế nào. Vì vậy, Bennett cho rằng chính sách và các quá trình của nhà nước như là những thành phần kiến tạo nên các hình thức và các trường văn hóa khác nhau (Bennett 1992).
Nghiên cứu chính sách văn hóa phản kháng lại sự bá quyền của nhà nước. Trên thực tế, tư vấn chính sách không khám phá ra sự thật mà nó có thể được sử dụng và thực hiện. Ngược lại, ngoài lĩnh vực học thuật, nghiên cứu văn hóa có xu hướng trở thành con tốt trong những ràng buộc chính trị rộng hơn giữa các mối quan hệ liên quan (theo During 2000:17).
H.M
Tài liệu tham khảo
1. Appadurai, Arjun. “Disjuncture and Difference in the Global Cultural Economy” (Rời rạc và khác nhau trong nền kinh tế văn hóa toàn cầu). In trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa-hợp tuyển). London: Routledge, tr. 220-232.
2. Bennett, Tony, 2000. “Putting Policy into Cultural Studies” (Đặt chính sách vào trong nghiên cứu văn hóa). In trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa-hợp tuyển). London: Routledge, tr. 479-491.
3. Bourdier, P., 1977. Outline of a Theory of Practice (Phác họa một lý thuyết thực hành). Cambridge: Cambridge University Press.
4. Bourdieu, P., (1984). Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste (Sự khác biệt: Một phê bình xã hội về sở thích). London, Routledge.
5. Bourdier P., 1993. The Field of Cultural Production: Essays on Art and Literature (Trường sản phẩm văn hóa: Các bài viết về nghệ thuật và văn học). Cambridge: Polity
6. Bourdier P., 1996. The Rule of Arts (Nguyên tắc nghệ thuật). Cambridge: Polity.
7. During, Simon, chủ biên, 2000. “Introduction” (Phần mở đầu). In trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa-hợp tuyển). London: Routledge, tr.1-30.
8. Foucault, Michel, 1965. Madness and Civilization: A History of Insanity in the Age of Reason (Sự điên khùng và nền văn minh: Lịch sử của sự mất trí trong thời đại duy lý). R. Howard dịch ra tiếng Anh. New York: Pantheon.
9. Foucault, Michel, 1977. Discipline and Punishment: The Birth of the Prison (Nguyên lý và trừng phạt: Sự ra đời của nhà tù). A.M. Sheridan dịch ra tiếng Anh. New York: Pantheon.
10. Foucalt, Michel, 1978. The History of Sexuality (Lịch sử giới tính). Tập 1: An Introduction (Phần mở đầu) . R. Hurley dịch ra tiếng Anh. New York: Vintage, 1978.
11. Foulcault, Michel, 2000. “Space, Power and Knowledge” (Không gian, Quyền lực và tri thức”. In trong sách The Cultural Studies-Reader (Nghiên cứu văn hóa-hợp tuyển). London: Routledge, tr. 134-141.
12. Morley, David, 1980. The "Nationwide" Audience: Structure and Decoding (Khán giả toàn quốc: Cấu trúc và giải mã). London: British Film Institute.
Gramsci, Antonio, 1992. Prison notebooks (Sách viết ở trong tù), Buttigieg, Joseph A, ed. New York, NY: Colombia University Press.
13. Hall, Stuart, 1988. The Hard Road to Renewal: Thatcherism and the Crisis of the Left (Con đường nhọc nhằn đến sự đổi mới: Chủ nghĩa Thatcher và sự khủng khoảng của phái tả). London: Verso.
14. Hall, Stuart, 1978. Policing the Cricis (Chính trị khủng hoảng). Palgrave MD
15. Hall và Tony Jefferson chủ biên, 1976. Resistance through Rituals: Youth Subcultures in Postwar Britain (Kháng cự lại bằng nghi lễ: Văn hóa của thanh niên ở Anh quốc sau chiến tranh). London: Hutchinson.
16. Hoggart, 1957. The Uses of Literacy: Aspects of Working-Class Life (Sử dụng việc biết đọc biết viết: Các khía cạnh của cuộc sống giai cấp lao động). Penguin Classics
17. Leavis, F. R., 1933. Culture and Environment (Văn hóa và môi trường). London; Oxford University Press
18. Leavis, F. R, 1948 . The Great Tradition (Truyền thống vĩ đại). London: Chatto & Windus.
19. McGuigan, J. 1992. Cultural Populism (Chủ nghĩa dân túy văn hóa). London: Routledge.
20. Willis, Paul, 1977. Learning to Labour: How working-class Kids get working-class Jobs (Học lao động: Những đứa trẻ của giai cấp lao động có việc làm lao động như thế nào). Farnborough: Saxon House.
21. Williams, Ryamond, 1958. Culture and Society (Văn hóa và xã hội): 1780-1950. Harmondsworth: Penguin.
Tạp chí Văn hoa học số 2 - 2012
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục