Lý thuyết công thức truyền miệng

Ngày đăng: 13/05/2024 Lượt xem: 38
Mặc định Cỡ chữ

 

LÝ THUYẾT CÔNG THỨC TRUYỀN MIỆNG

Hoàng Minh

 

Lý thuyết công thức truyền miệng (Oral-formulaic theory)là một lý thuyết tiêu biểu của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, về sự sáng tạo trong diễn xướng của các nghệ nhân dân gian. Lý thuyết này giúp các nhà nghiên cứu nhận diện sự sáng tác và việc hình thành nên cấu trúc của thể loại ngôn từ truyền miệng như sử thi, balát, truyện kể, dân ca, ca dao. Đề xướng ra phương pháp này là hai nhà nghiên cứu Mỹ Milman Parry và Albert Lord. Parry khám phá ra kỹ thuật sáng tạo của nghệ nhân trong nghệ thuật ngôn từ truyền miệng và coi đó là công cụ soi rọi ánh sáng vào việc hiểu sự sáng tác các sử thi cổ điển, tiêu biểu là sử thi Hy Lạp Iliad Odyssey của Homer. 

Lý thuyết công thức truyền miệng có một tầm quan trọng đối với việc nghiên cứu văn hóa dân gian và những công trình có nguồn gốc trong truyền thống truyền miệng. Lý thuyết đưa ra những nguyên tắc về một kiểu loại ngôn từ sử dụng, cách diễn đạt một cách đặc thù làm cơ sở hình thành nên một bố cục của các loại hình văn hóa dân gian trong diễn xướng. Lý thuyết này còn được gọi là lý thuyết Parry-Lord, theo tên gọi của những người sáng lập ra nó. Lý thuyết nhấn mạnh việc sử dụng những công thức được mẫu hình hoá (patterned phraseology, formulas), những chủ đề kể chuyện đặc trưng và sự tổ chức ở quy mô lớn của những mẫu hình để cung cấp những giải pháp có sẵn cho nghệ nhân trong việc kể một câu chuyện, hát một bài hát, hay diễn xướng sử thi một cách lưu loát, có trình tự, có đầu có cuối, và có thể hiểu được. Ngoài việc áp dụng lý thuyết này vào việc phân tích, lý giải sự hình thành và phát triển, biến đổi của những loại hình văn hóa dân gian, những truyền thống còn sống, tồn tại trong thời kỳ đương đại, như dân ca, sử thi, các nhà nghiên cứu còn áp dụng vào việc phân tích những công trình của thời trung cổ và cổ đại để xác định mức độ phụ thuộc của chúng vào những mô hình (paradigms) có sẵn trong truyền thống truyền miệng về mặt ngôn từ, chủ đề, và nhận diện những đặc tính mang truyền miệng và tính văn học của chúng (Xem thêm Foley 1985).

Lý thuyết về công thức truyền miệng khởi đầu với những nghiên cứu tiên phong của Milman Parry về sử thi của Homer, Iliad Odyssey. Ông nhận ra rằng những mẫu hình đều đặn, sự lặp đi lặp lại của những cụm từ, đặc biệt là những thành ngữ gồm danh từ - tính ngữ như “Achilleus đôi chân nhanh nhẹn” và “nữ thần Athena mắt sáng”. Thay vì giải thích những văn bản sử thi vĩ đại, hoặc văn bản tập hợp những bài thơ nhỏ lẻ (theo trường phái phân tích), hay coi đó là thành tựu cá nhân của một nhân tài duy nhất (theo trường phái thuyết nhất thể), Parry lập luận rằng hình thức diễn tả thi ca đã được hệ thống hoá về mặt ngôn từ trong những bài thơ của Homer là di sản của nhiều thế hệ những người chuyên hát các bài dân ca cổ, những người đã hoàn thiện hình thức diễn xướng qua hàng thế kỷ. Do đó, quan điểm cơ bản của Parry là ngôn ngữ sử dụng của Homer trong sử thi Iliad và Odyssey mang tính truyền thống, có từ trong nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (Xem thêm Foley, 1988).

Vấn đề then chốt trong lý thuyết của Parry là những công thức, những hình mẫu được xác định là “thành ngữ được sử dụng đều đặn, trong những kiểu vần luật như nhau để diễn đạt một tư tưởng xuyên suốt”. Sau đó, Parry mở rộng định nghĩa này, vượt khỏi cụm từ danh từ - tính ngữ để nói đến bất cứ đơn vị nào được xác định theo vần luật trong cách diễn tả sử thi của Homer. Chẳng hạn, những thành ngữ lặp đi lặp lại cho việc giới thiệu lời nói (“Vậy là anh ta nói”) kết hợp với những tên người, hay thần thánh để tạo nên những dòng thơ sáu âm tiết có thể vận được thành thơ, ứng tác và diễn xướng. Những thành ngữ, những sự kết hợp âm tiết, từ ngữ theo những mô hình lặp đi lặp lại tạo nên những công thức, đôi khi là có sẵn trong ngôn từ dân gian, hữu ích cho những người hát, người kể sử dụng trong quá trính ứng tác, quá trình diễn xướng (Parry, 1971).

Đối với Parry, tính hữu dụng trong cách diễn đạt theo công thức xuất phát từ sự tham gia của những cụm từ riêng rẽ trong những hệ thống công thức lớn hơn. Những hệ thống công thức lớn này có khả năng phái sinh, bao gồm các từ ngữ phù hợp theo vần luật và liên quan với nhau bởi những đặc điểm ngữ nghĩa và cú pháp. Khía cạnh này của cách diễn đạt các loại hình ngôn từ mang lại cho người sáng tác, ứng tác một sự linh hoạt trong cấu trúc từ dòng này sang dòng khác, từ đoạn này sang đoạn kia, bởi lẽ một hệ thống theo công thức cơ thể tự do thoát khỏi những cụm từ mà, khi chúng có cùng giá trị vần luật và thể hiện cùng một ý tưởng, chúng có thể thay thế cho nhau. Do đó, ngôn ngữ mang tính công thức được hiểu là phục vụ cho nhu cầu của người sáng tác, ứng tác không chỉ trong việc cung cấp những giải pháp luôn có sẵn, nhưng bị giới hạn trong những lựa chọn về kết cấu.

Những lập luận về ngôn ngữ mang tính công thức, về vần luật thay thế này khởi nguồn như một quy trình phân tích để chứng minh bản chất truyền thống của những văn bản sử thi, thần thoại Hy Lạp cổ đại. Sau đó, dưới ảnh hưởng của thầy giáo của mình, thầy Antoine Meillet và học giả Matija Murko, người Slovenia quen thuộc với sử thi của vùng Nam Slavơ, Parry bổ sung tiêu chí tính truyền miệng như một sự cần thiết của đặc tính truyền thống trong việc sáng tạo các loại hình ngôn từ truyền miệng. Để củng cố giả thuyết của mình về truyền thống truyền miệng như là cội nguồn của tác phẩm Iliad Odyssey, Parry và người trợ lý của ông, Albert Lord, tiến hành một đợt điền dã quy mô lớn tới vùng trước kia là Yugoslavia từ năm 1933 tới 1935 (sau đó được Lord tiếp tục từ năm 1950 tới năm 1951 và những năm sau đó) để nghiên cứu sự hình thành, diễn trình và sáng tác sử thi truyền miệng Slavơ. Họ ghi âm và chép lại hơn nửa triệu các dòng sử thi của các nghệ nhân chuyên hát bài hát cổ và sử dụng nhạc cụ gusle từ thời chưa có chữ viết - tiền chữ viết (guslari) và sau đó được Đại học Harvard in trong tuyển tập của Milman Parry nhan đề Văn học Truyền khẩu (Milman Parry Collection of Oral Literature)Những bài hát anh hùng ca của Serbia, Croatia (Serbocroatian Heroic Songs) của Alberd Lord và David Bynum.

Parry chỉ mới viết được một số bài viết ngắn về những ý tưởng của lý thuyết công thức truyền miệng, và không thực hiện được việc phân tích so sánh sử thi Homer và sử thi Nam Slavơ do bị đột tử vào năm 1935. Người trợ lý của ông, Albert Lord thực hiện tiếp kế hoạch của thầy mình. Thực tế Lord đã hoàn thành rất tốt những dự định nghiên cứu của thầy mình trong công trình có ảnh hưởng nhất về lý thuyết này là Nghệ nhân của những câu chuyện kể (The Singer of the Tales) (1960). Cuốn sách này sử dụng những nghệ nhân guslar diễn xướng như một mô hình cho Homer và đồng thời cho những nhà thơ kể chuyện người Anglo-Saxon, người Pháp cổ, và người Hy Lạp Byzantine. Ngoài việc minh hoạ kết cấu theo công thức trong những bài hát của vùng miền Nam Slavơ, IliadOdyssey, Song of Roland (Bài ca Roland), Beowulf, và Digenis Akritas, ông còn mô tả những đơn vị truyện kể được gọi là chủ đề (themes), hay những “nhóm tư tưởng được đều đặn sử dụng trong khi kể chuyện theo phong cách công thức của bài hát truyền thống”. Những mô hình này bao gồm các hành động đặc trưng, chẳng hạn như trang bị vũ khí cho người anh hùng, chuẩn bị ngựa, mời gọi khách vào một đám cưới hay trận đánh, v.v… Lord cũng xác định mẫu hình câu chuyện, cái cùng tồn tại với công trình như một tổng thể, mà ví dụ rõ rệt nhất là bài hát Trở về (Return Song), đặc biệt là câu chuyện Odyssey, cái cũng xuất hiện trong truyền thống thơ ca của Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgary, Albany, Nga, nước Anh thời Trung cổ, và những truyền thống khác (Fole, 1993).

Sau khi công bố cuốn Nghệ nhân của những câu chuyện kể, lý thuyết Parry-Lord được lan tỏa mạnh mẽ và được áp dụng vào việc phân tích các thể loại ngôn từ dân gian của người Anh cổ, người Anh Trung cổ, người Pháp cổ, Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha và Mỹ, áp dụng vào nghiên cứu Kinh thánh, và rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Lý thuyết này còn tiếp tục được sử dụng để nghiên cứu ngôn từ truyền miệng của Hy Lạp cổ đại. Lịch sử phương pháp luận so sánh này được diễn giải, phân tích trong cuốn Lý thuyết bố cục truyền miệng (Theory of Oral Composition) và một danh mục có lời chú giải in trong sách Lý thuyết công thức truyền miệng và Nghiên cứu (Oral-Formulaic Theory and Research) của John Miles Foley.

Trên thực tế, trong khi lý thuyết truyền khẩu theo công thức được ứng dụng rộng rãi ngày càng nhiều để nghiên cứu các truyền thống truyền miệng đang tồn tại, ngày càng trở nên rõ ràng rằng có một sự kết hợp giữa kiểu sáng tác truyền khẩu với những sáng tác cá nhân trong những văn bản viết, in ấn. Những công trình viết tay của các tác giả đơn lẻ mà người ta đoán chừng là thể hiện những kết cấu tự do vẫn cho thấy việc sử dụng rộng rãi ngôn ngữ mang tính công thức. Có những nguyên tắc khác nhau thống trị cấu trúc và kết cấu của các công thức và chủ đề từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, hay thậm chí từ thể loại này sang thể loại khác. Thêm vào đó, vấn đề diễn xướng và tất cả những yếu tố khác đi kèm với diễn xướng được đưa lên hàng đầu: Truyền thống truyền khẩu thể hiện nhiều kênh giao tiếp (giao tiếp bằng ngôn ngữ, giao tiếp bằng tiểu thành tố kèm lời (paralinguistic), và giao tiếp phi ngôn ngữ). Chỉ một số lượng hạn chế trong những yếu tố tham gia vào quá trình diễn xướng được ghi lại trong các văn bản.

Tóm lại, công trình Nghệ nhân của những câu chuyện kể của Alberd Lord có một tiếng vang lớn trong ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt ở Mỹ, vì từ trước tới thời điểm đó, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoa Kỳ vẫn bị coi là những người rất tài bắt chước, vận dụng các phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian của châu Âu. Thực tế, trước đó họ không có công trình lý thuyết nào cả. Công trình của Lord đem lại niềm vinh quang cho ngành văn hóa dân gian Mỹ, bởi lẽ đây là:

- Một lý thuyết về sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian trong biểu diễn

- Đóng góp một phần quan trọng trong việc hình thành phương pháp tiếp cận diễn xướng của ngành văn hóa dân gian học Mỹ.

Lý thuyết theo công thức truyền miệng đưa ra một số kết quả:

- Albert Lord quan sát thực tế của một truyền thống truyền miệng đang còn tồn tại của sử thi, trong đó các nghệ nhân hát, kể sử thi vận dụng các công thức truyền miệng trong quá trình sáng tác nên tác phẩm.

- Để sáng tác một sử thi dài có chủ đề và cốt truyện người diễn xướng cần phải biết ứng tác thơ.

- Chất lượng của sử thi phụ thuộc vào khả năng của người biểu diễn sử dụng các khuôn mẫu theo công thức có sẵn của ngôn ngữ.

- Chủ đề của sử thi cũng là một nguyên lý của sự sáng tạo và nó cũng quan trọng như các công thức của ngôn ngữ.

Sự khám phá của Alberd Lord về sử thi Nam Tư (cũ) khẳng định rằng các nghệ nhân có một vai trò quan trọng việc sáng tác trong khi diễn xướng. Công trình của Lord về lý thuyết công thức truyền miệng được vận dụng vào nghiên cứu không những sử thi của một số dân tộc mà còn được ứng dụng vào nghiên cứu các thể loại ngôn từ truyền miệng khác như dân ca và balát./.

H.M

Tài liệu tham khảo

Foley, John Miles (1985), Oral-Formulaic Theory and Research: An Introduction and Annotated Bibliography (Lý thuyết công thức truyền miệng và nghiên cứu: Nhập môn và danh mục tài liệu), New York: Garland.

Foley, John Miles (1988), The Theory of Oral Composition: History and Methodology (Lý thuyết công thức truyền miệng: Lịch sử và phương pháp luận), Bloomington: Indiana University Press.

Foley, John Miles (1993), Traditional Oral Epic: The Odyssey, Beowulf, and the Serbo-Croatian Return Song (Sử thi truyền miệng truyền thống: Odyssey, Beowulf, và bài hát trwor về của Serbia và Croatia), Berkeley: University of California Press.

Lord, Albert B. 1960, The Singer of the Tales (Nghệ nhân của các câu chuyện kể), Cambridge, MA: Harvard University Press.

Parry, Milman, 1971, The Making of Homeric Verse: The Collected Papers of Milman Parry (Các vần thơ của Homer: Các bài viết tuyển chọn của Milman Parry), Adam Parry chủ biên, Oxford: Clarendon Park.

Tạp chí Văn hóa học số 5 (9) - 2013

 

Hoàng Minh

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2013
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận