NGHIÊN CỨU VĂN HÓA
VÀ XUYÊN QUỐC GIA
Hoàng Minh
Khái niệm "xuyên quốc gia"
Nghiên cứu xuyên quốc gia không phải là một cách tiếp cận mới. Từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX, trong luận chiến giữa lý thuyết trường phái Chicago về tiếp biến tộc người và các khuôn mẫu đồng hóa của các nhà xã hội học như Robert Park và Ernest Burgess (1921), nhà xã hội học Randolph Bourn xuất bản bài viết Hoa Kỳ xuyên quốc gia trong tạp chí The Atlantic Monthly, phê phán việc áp đặt văn hóa Mỹ gốc Anh vào những dân tộc nhập cư khác, kêu gọi công nhận sự khác biệt tộc người ở Hoa Kỳ (Bourn 1916). Lý thuyết của ông được coi là tiến bộ và có ý nghĩa thách thức với chủ nghĩa quốc gia Mỹ, mở ra sự kết nối mới giữa chủ nghĩa thế giới, tộc người và bản sắc Mỹ. Đến đầu thập kỷ 90, xuyên quốc gia tái xuất hiện như là một lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu di cư khi Glick-Schiller, Basch, và Szanton-Blanc (1992) đề xuất khái niệm “chủ nghĩa xuyên quốc gia di trú”, theo đó những người di cư xuyên quốc gia là những người duy trì mối quan hệ gần gũi và bình đẳng giữa đất nước quê hương họ và đất nước mà họ sinh sống.
Xuyên quốc gia cũng có thể là một khuynh hướng tiếp theo của “toàn cầu hóa”, một vấn đề quan trọng trong thời kỳ đương đại. Xuyên quốc gia thay thế cho khái niệm “quốc tế” -một thuật ngữ thể hiện ý tưởng, bản sắc và cộng đồng vượt ra khỏi biên giới một quốc gia. Xuyên quốc gia mở ra một không gian cho những khái niệm và lý thuyết mới về sự liên kết, hình thành cộng đồng và thực hành văn hóa vượt ra khỏi chủ nghĩa địa phương, chính sách và chính trị của thời kỳ quốc gia dân tộc. Sử dụng “xuyên quốc gia” để mô tả những mối quan hệ, hợp tác những dòng chảy “đa quốc gia”. Khái niệm “xuyên quốc gia” thực sự hữu ích về mặt lý thuyết, vì nó huy động một cách hiệu quả con người, tiền bạc và sức mạnh vượt qua biên giới quốc gia. Với nghĩa này, cách tiếp cận xuyên quốc gia đã tạo điều kiện cho sự ra đời một lý thuyết mới về việc hình thành một cộng đồng con người mà sự liên kết của cộng đồng này không còn lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản toàn cầu, mà đã vượt qua ranh giới của những điều thuộc về quốc gia. Khái niệm này bao chứa cả những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và cuộc sống văn hóa đương đại (Xem thêm Szeman 2006).
Vertovec cho rằng thuật ngữ xuyên quốc gia tham chiếu tới sự tương tác đa chiều kết nối con người và các tổ chức xuyên ranh giới của các quốc gia dân tộc (2009). Các ngành nghiên cứu xuyên quốc gia bao gồm xã hội học, nhân học, địa lý, khoa học chính trị, luật pháp, kinh tế học và lịch sử, cũng như trong lĩnh vực liên ngành như quan hệ quốc tế, nghiên cứu phát triển, nghiên cứu kinh doanh, nghiên cứu dân tộc và sắc tộc, nghiên cứu giới, nghiên cứu tôn giáo, nghiên cứu truyền thông và văn hóa. Cũng là một ngành mới được hình thành, xuyên quốc gia có sự đa dạng trong lý thuyết từ những diễn đàn học thuật khác nhau. Ví dụ, Rubin Patterson, một nhà xã hội học, định nghĩa nghiên cứu xuyên quốc gia là “sự tập trung vào công dân, đã cố gắng kiến tạo và làm giàu lĩnh vực xã hội, kết nối một cách gần gũi đất nước quê hương và nơi cư trú của cộng đồng hải ngoại” (1). Trong nghiên cứu văn hóa, có nhiều công trình lý thuyết về xuyên quốc gia như về vấn đề toàn cầu hóa, sự bất đồng quan điểm, quyền lực và chính trị mang tính đa quốc gia (Appadurai 1996; Derrida 2001).
Những công trình nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cách tiếp cận xuyên quốc gia không có một “trường phái” xác định, cách tiếp cận về mặt lý thuyết mang tính khác biệt (như chủ nghĩa Mác xít, phân tâm học, cấu trúc luận…). Xuyên quốc gia là một khái niệm theo thời điểm, mà nội dung cụ thể được đưa ra theo những cách khác nhau và phân biệt trong các công trình của nhiều học giả. Không đơn giản khi chúng ta cho rằng một số nghiên cứu văn hóa có thể vẫn tập trung tại một địa phương cụ thể, trong khi một số nghiên cứu khác lại tập trung vào văn hóa giữa các quốc gia. Vấn đề ở chỗ nhận thức về các lực lượng xuyên quốc gia trong các hiện tượng văn hóa, mà thể chế và cấu trúc văn hóa đóng vai trò quan trọng trong các tình huống và bối cảnh cụ thể. Nghiên cứu văn hóa từ góc độ xuyên quốc gia như là một cách tiếp cận để khám phá văn hóa theo một hướng mới, nhằm hiểu chức năng tiếp biến, thay đổi để phát triển bền vững của văn hóa trong bối cảnh toàn cầu.
Nghiên cứu xuyên quốc gia cũng phá vỡ cách tiếp cận truyền thống của dân tộc học bao gồm quan sát tham dự và phỏng vấn diễn ra trong thời kỳ dài một hay hai năm, cùng sống và chia sẻ cuộc sống hàng ngày với một nhóm người ở một địa điểm cụ thể để hiểu biết rõ về họ (2). Trong nhân học và nghiên cứu văn hóa, có những quan điểm thay đổi về không gian, văn hóa và quốc gia (Appadurai 1996, Gupta và Ferguson 1999, Kearney 2004) đã khiến các nhà nghiên cứu tập trung vào đối tượng ở các địa điểm mang tính xuyên quốc gia. Khi đó, một số học giả đã nhận ra sự thay đổi về bản chất trong ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xuyên quốc gia (Appadurai 1990, Hendry 2003, Hannerz 2003, Marcus 1995). Marcus xác định một hình thức mới nghiên cứu dân tộc học là “chuyển từ đơn địa điểm và bối cảnh địa phương của các thiết kế nghiên cứu dân tộc học truyền thống tới việc nghiên cứu luân chuyển của ý nghĩa văn hóa, đối tượng, và bản sắc trong không gian thời gian khuyếch tán. Hình thức này xác định một đối tượng nghiên cứu mà không thể chỉ tập trung nghiên cứu chuyên sâu về họ tại một địa điểm” (3). Appadurai (1990) cho rằng chúng ta nghiên cứu những “dòng chảy” như là một loạt những không gian nhân sinh quan “-scapes” trong đó con người, kỹ thuật, vốn, truyền thống và ý tưởng luân chuyển. Như vậy, bản chất của nghiên cứu xuyên quốc gia và đa địa điểm là theo con người, mối quan hệ, mối liên tưởng xuyên qua không gian, ranh giới.
Một chủ đề lớn trong khoa học xã hội đương đại thời kỳ toàn cầu hóa vào cuối thế kỷ XX là giải quyết vấn đề xung quanh mối quan hệ với các địa phương và nghiên cứu trong phạm vi phân tích lớn hơn và trong mối quan hệ với không gian. “Nhân học mới có nhiều hình thức, trong đó nghiên cứu một nhóm người di chuyển. Sự di chuyển được cho là cái gì đó hơn cả mang tính quốc tế - đó là xuyên quốc gia” (4). Toàn cầu hóa và xuyên quốc gia đối đầu với những thách thức lớn trong phương pháp nghiên cứu dân tộc học vào cuối thế kỷ XX, và đối tượng nghiên cứu, phân tích với sự mất sự ổn định của các mối quan hệ xã hội trong các cộng đồng và địa điểm cụ thể (Gille và Ó Riain 2002).
Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn hóa và xuyên quốc gia
Nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu và xuyên quốc gia luôn luôn trong sự vận động. Về nghĩa đen điều này hoàn toàn đúng bởi lẽ nghiên cứu văn hóa có khuynh hướng trở thành xuyên khoảng cách và xuyên biên giới, nhưng vẫn với nghĩa trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng. Văn hóa không còn được hiểu là một tập hợp những thực hành tĩnh tại, mà là một tập hợp của sự chuyển dịch, quá trình hoán đổi, sự tác động của công nghệ, thể chế, mà từ đó các sự vật, sự kiện, hiện tượng được sinh ra, được trải nghiệm, có cuộc sống và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng (5). Do đó, một trong những biến đổi sâu sắc trong nghiên cứu văn hóa là về các dòng chảy văn hóa và xuyên quốc gia.
Vấn đề xuyên quốc gia trong nghiên cứu văn hóa ít nhất là có 3 cấp độ khác nhau. Đầu tiên và trước hết là sự lan tỏa của nghiên cứu văn hóa trên phạm vi và không gian đa quốc gia-vượt qua khỏi những quan điểm xuất phát ban đầu ở Birmington (Anh), trước khi lan tỏa tới Hoa Kỳ, Úc và Canada. Nghiên cứu văn hóa trở thành xuyên quốc gia khi nó vượt qua không gian của nơi xuất phát điểm như ở Anh. Một trong những dấu ấn chủ đạo của sự phát triển này là sự sáng tạo của Hội Nghiên cứu văn hóa (Quốc tế) (ACS), hai năm họp một lần. Ngoài ra còn có Hội nghiên cứu văn hóa ở nhiều nước khác trên thế giới. Thêm vào đó, thập niên qua có sự ra đời của các tạp chí mà mục đích của nó có khả năng tạo thành phong trào xuyên các quốc gia, dân tộc, vùng, bao gồm Inter-Asia Cultural Studies (Nghiên cứu Văn hóa liên châu Á), Public Culture (Văn hóa Công chúng) của Hội Nghiên cứu văn hóa xuyên quốc gia và International Journal of Cutlural Studies (Tạp chí quốc tế Nghiên cứu văn hóa). Hiển nhiên rằng nghiên cứu văn hóa đã trở thành một lĩnh vực học thuật thực sự mang tính xuyên quốc gia (đa quốc gia).
Một mối liên quan giữa nghiên cứu văn hóa và xuyên quốc gia là mối quan hệ đa địa điểm của việc phân tích văn hóa. Không còn chỉ tập trung cơ bản vào bối cảnh quốc gia, bối cảnh địa phương liên quan, nghiên cứu văn hóa còn trở thành việc khám phá các vấn đề xuyên quốc gia. Ví dụ, làm phim ở phương Tây bởi các đạo diễn của các cộng đồng sắc tộc ở thế giới thứ ba, khán giả của phim Bollywood ở châu Phi, buôn bán hàng hóa toàn cầu về đường, cà phê, ăn đồ McDonald đặc trưng đồ ăn nhanh của Mỹ ở các nước châu Á. Không đơn giản là một số ví dụ nghiên cứu văn hóa có thể vẫn tập trung cụ thể vào địa phương trong khi một số khác lại là văn hóa giữa các quốc gia. Nghiên cứu văn hóa là một thực hành mang tính học thuật, thì xuyên quốc gia là sự tập trung của nghiên cứu văn hóa không chỉ cấp độ quốc gia và địa phương. Nhiều công trình nghiên cứu văn hóa tập trung vào bối cảnh của xuyên quốc gia theo cách tiếp cận toàn cầu hóa (xem Aksoy và Robbins 2000).
Chức năng thứ ba của khái niệm “xuyên quốc gia” trong nghiên cứu văn hóa là việc thách thức phân tích và nhận thức luận tiến thêm một bước nữa. Lý thuyết và nghiên cứu văn hóa được khắc họa bởi mối quan tâm tự thân về điều kiện xã hội và lịch sử làm nảy sinh các cách tiếp cận, vấn đề, chủ đề. Sự tác động trước hết của xuyên quốc gia vào nghiên cứu văn hóa là thúc đẩy nghiên cứu học thuật trên toàn cầu. Ở đấy, các lý thuyết cung cấp những hình thức tư duy về vấn đề xuyên quốc gia. Nghiên cứu văn hóa dường như là mang tính xuyên quốc gia một cách hiển nhiên. Xuyên quốc gia là một sự mô tả điều kiện mới của văn hóa liên quan đến việc xóa nhòa ranh giới cũ và sự tăng lên của di chuyển toàn cầu (6).
Xuyên quốc gia và nghiên cứu cộng đồng ở hải ngoại
Xuyên quốc gia là một chủ đề quan trọng đặc biệt trong việc nghiên cứu bản chất nhiều mặt của bản sắc dân tộc trong thế giới hiện đại, vì nó liên quan đến sự kết nối giữa những người di cư và quê hương họ, và là một bộ phận sống còn của cuộc sống di dân đương đại. Bắt đầu vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX có khoảng 120 triệu người sống ở ngoài đất nước họ. 10 năm sau đó, vào thế kỷ XXI, số lượng này đã lên tới 160 triệu, chiếm gần 2 % dân số thế giới sống ở hải ngoại. Từ góc độ nghiên cứu cộng đồng ở hải ngoại, Kwok Bun Chan và Louis-Jacques Dorais cho rằng xuyên quốc gia “như là một quá trình mà thông qua đó những người di cư tìm mọi cách giữ những mối quan hệ xã hội khác nhau, kết nối đất nước nơi họ ra đi và hòa nhập cùng nhau vào trong cùng một cộng đồng xã hội” (7).
Xuyên quốc gia đề cập đến những quá trình mà qua đó những người di cư “hình thành và duy trì những mối quan hệ xã hội đa tuyến mà có thể kết nối các xã hội ở cội nguồn và nơi định cư” (8). Những người di cư sang nước khác là những người “đưa ra các hành động, ra quyết định và phát triển các quan điểm mang tính bản sắc nằm trong các mạng lưới của các mối quan hệ mà chúng kết nối họ với hai hoặc nhiều quốc gia” (9).
Cộng đồng hải ngoại như là một đối tượng của nghiên cứu văn hóa, một lĩnh vực càng ngày càng ít bị giới hạn bởi khoảng cách và địa điểm, mang tính chất chuyển dịch xuyên biên giới quốc gia. Cộng đồng hải ngoại có bản sắc riêng, có nhiều yếu tố văn hóa vẫn còn mang đậm tính truyền thống của tộc người, nhưng có những yếu tố mờ nhạt không được những người sống ở hải ngoại tái thiết lập một cách đầy đủ, và còn có những yếu tố pha trộn với văn hóa chủ đạo ở nơi định cư mới. Do bối cảnh và môi trường sống mới phải thích nghi, họ có khả năng ứng phó nhanh với tình huống và các vấn đề xảy ra ở miền đất mới. Vì vậy, họ hòa nhập, khẳng định vị thế, bản sắc theo một cách rất riêng của mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xuyên quốc gia, chính họ lại là những đối tượng di chuyển, trở về quê hương, tham gia vào các hoạt động văn hoá, trao đổi với những người thực hành văn hoá ở trong nước.
Do đặc điểm của đối tượng nghiên cứu ở hải ngoại và sự trở về của họ, nên nghiên cứu xuyên quốc gia về văn hóa hải ngoại đòi hỏi không chỉ có sự hiện diện của nhà nghiên cứu trong các nước khác nhau mà chính các đối tượng nghiên cứu, các thực hành văn hóa (như nghi lễ, lễ hội) cũng mang tính xuyên quốc gia. Các thực hành văn hóa, nghi lễ, lễ hội, những gì có thể mang theo đến nơi định cư mới đều được các cộng đồng hải ngoại tái thiết lập khi ổn định cuộc sống. Và vì vậy, các đối tượng văn hóa này giờ đây được nghiên cứu cả ở trong nước nơi họ ra đi và ở hải ngoại nơi họ định cư, như trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ Mẫu của người Việt ở Thung lũng Silicon, California Hoa Kỳ hay lễ hội của người Kinh ở Kinh Đảo, Đông Hưng, Trung Quốc.
Ngày nay, nghiên cứu xuyên quốc gia không chỉ tập trung vào những đợt di cư lớn trên toàn cầu, mà những nhận định của các nhà nghiên cứu về bản chất của di cư đã thay đổi, họ đi sâu phân tích về mối quan hệ mà những người di cư duy trì với đất nước quê hương của họ (Brettell 2003; Glick-Schiller 1999). Mặc dù không phải là mới, vấn đề xuyên quốc gia càng ngày càng được quan tâm do nhiều yếu tố tác động trực tiếp vào di cư, như công nghệ thông tin phát triển giúp cho việc duy trì mối quan hệ với quê hương được dễ dàng và do xu hướng toàn cầu hoá trong nền kinh tế (Kearney 1995; Levitt 2002). Những người định cư ở nước ngoài ngày càng gắn bó và duy trì mối quan hệ với người thân, tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hoạt động tôn giáo ở đất nước quê hương (10).
Đã đến lúc không gian nghiên cứu toàn cầu được quan tâm, thì không gian trong dân tộc học cũng là thời điểm cần phải được chú trọng. Với không gian địa phương trong bối cảnh toàn cầu, thì cộng đồng, xã hội cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn, và trong tổng thể này, con người, thông tin, hàng hóa, và ý tưởng trong trạng thái luôn thay đổi. Nghiên cứu cộng đồng làng xã được gói gọn trong một không gian, hay nghiên cứu cộng đồng di cư trở nên không thoải mái với tư tưởng truyền thống là địa phương đủ cho không gian nghiên cứu dân tộc học (Falzon 2005). Việc nghiên cứu “theo con người” (Marcus 1995) giữa các địa điểm ở nơi định cư mới ngụ ý là nghiên cứu phải ở cả các vùng ra đi và vùng định cư (Wimmer và Glick Schiller 2003). Do vậy, việc tập trung vào dòng chảy di động của con người ở đa địa điểm là không gian nghiên cứu dân tộc học trong bối cảnh toàn cầu hóa và cũng là cách tiếp cận được ưa chuộng trong nghiên cứu xuyên quốc gia (Gupta và Ferguson, 1999). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển trong những thập niên qua, Glick-Schiller và cộng sự đã quan sát cho thấy rằng có một ý nghĩa đối với những người di cư là không có một nơi nào thực sự là chắc chắn, và có một cách là họ nên giữ sự lựa chọn mở để “tiếp tục chuyển đổi vị thế kinh tế, xã hội có được trong bối cảnh chính trị này vào trong vốn chính trị, xã hội và kinh tế trong bối cảnh khác” (11).
Tóm lại, nghiên cứu văn hóa có sự thay đổi mạnh mẽ về các dòng chảy văn hóa, trong sự vận động và xuyên quốc gia. Đối tượng của nghiên cứu văn hóa ngày nay được khảo sát ở nhiều địa điểm, mang tính chất chuyển dịch xuyên biên giới quốc gia. Nghiên cứu văn hóa không còn bị bó hẹp trong một phạm vi, hay trong một quốc gia, mà dõi theo sự vận động, dòng chảy xuyên địa điểm, biên giới và vì vậy mang tính đa địa điểm, đa quốc gia. Xuyên quốc gia tác động vào nghiên cứu văn hóa từ nhiều cấp độ và trên phạm vi toàn cầu, từ cách tiếp cận, quan điểm học thuật đến các vấn đề liên ngành. Đặc biệt nghiên cứu xuyên quốc gia đối với cộng đồng di dân được chú trọng, không chỉ nghiên cứu ở nơi họ định cư mà cả những nơi họ xuất cư, và sự trở về quê hương của họ. Các vấn đề về sự dịch chuyển trên phạm vi đa quốc gia thực sự hữu hiệu đối với nghiên cứu cộng đồng nhập cư ở hải ngoại. Kết quả nghiên cứu về các trường hợp, đối tượng xuyên quốc gia có thể bổ sung cho những gì còn thiếu khi nghiên cứu đối tượng tại một địa điểm. Nghiên cứu xuyên quốc gia đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về dân tộc học, là sự tập trung tại một địa điểm đối với đối tượng tĩnh tại, không có sự luân chuyển. Kết quả nghiên cứu từ cách tiếp cận xuyên quốc gia đưa ra một bức tranh văn hóa trên toàn cầu hoàn chỉnh hơn, và chỉ ra được những vấn đề liên văn hóa của một dân tộc và giữa các tộc người sống ở nhiều nơi trên thế giới./.
H.M
__________________
1. Patterson, Rubin “Transnationalism: Diaspora-Homeland Development” (Xuyên quốc gia: Sự phát triển cộng đồng hải ngoại và quê hương). Social Forces, vol. 84, no. 4 (June 2006), tr. 1891.
2. Amit V. (2000), “Introduction: Construction the Field” (Mở đầu: Kiến tạo lĩnh vực nghiên cứu). Trong Constructing the Field: Ethnographic Fieldwork in the Contemporary World (Kiến tạo lĩnh vực nghiên cứu: Nghiên cứu điền dã dân tộc học trong thế giới đương đại). V. Amit chủ biên. London and New York: Routledge, tr. 2.
3. Marcus, George (1995), “Ethnography in/of the World System: The Emergence of Multi-Sited Ethnography.” (Dân tộc học ở trong/của hệ thống thế giới: Sự phát sinh của dân tộc học đa địa điểm). Annual Review of Anthropology, 24, tr. 96.
4. Mintz, S.W (1998), "The Localization of Anthropological Practice: From area studies to transnationalism" (Địa phương hóa thực hành nhân học: Từ nghiên cứu vùng đến xuyên quốc gia). Critique of Anthropology, 18: 2, tr. 117.
5. Đọc thêm During, Simon (2005), Cultural Studies: A Critical Introduction (Nghiên cứu Văn hóa: Nhập môn phê phán). London: Routledge, tr.6.
6. Xem thêm Szeman, Imre (2006), trong sách New Cultural Studies: Adventures in Theory do Gary và Clare Birchall chủ biên. India: Orient Blackswan Private Limited, tr. 211.
7. Chan, Kwok Bun và Louis-Jacques Dorais (1998) “Family, Identity, and the Vietnamese Diaspora: The Quebec Experience” (Gia đình, bản sắc, và người Việt Nam ở hải ngoại). Sojourn: Journal of Social Issues in Southeast Asia, Vol. 13, No. 2, tr. 288.
8. 9. Basch, Linda, Glick-Schiller, Nina và Szanton-Blanc, Cristina (1994), Nations Unbound: Transnational Projects, Post-colonial Predicaments and Deterritorialised Nation-States (Các dân tộc không biên giới: Dự án xuyên quốc gia, tình trạng hậu thuộc địa và quốc gia dân tộc phi lãnh thổ). London and New York: Routledge, tr. 7.
10. Brettell, Caroline (2003), Anthropology and Migration: Essays on transnationalism, ethnicity, and identity (Nhân học và di cư: Những bài viết về chủ nghĩa dân tộc xuyên quốc gia, tính sắc tộc và bản sắc). Walnut Creek: AltaMira Press, tr. 54.
11. Glick-Schiller, Nina, Linda Basch, và Cristina Szanton-Blanc (1992), Towards a Transnational Perspective on Migration: Race, Class, Ethnicity, and Nationalism Reconsidered (Tiến tới cách tiếp cận di cư: Xem xét lại sắc tộc, giai cấp, tộc người, và chủ nghĩa dân tộc) . New York: New York Academy of Sciences, tr. 12.
Tài liệu tham khảo khác
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 5 (21) - 2015
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục