Truyền thông mới

Ngày đăng: 03/04/2025 Lượt xem: 9
Mặc định Cỡ chữ

TRUYỀN THÔNG MỚI


        Khái niệm Truyền thông mới chủ yếu nói đến các phương tiện có nội dung sẵn có theo yêu cầu thông qua Internet, có thể truy cập được trên bất kì thiết bị số nào, thường bao gồm sự phản hồi mang tính tương tác và sự tham dự mang tính sáng tạo của người dùng. Truyền thông mới bao gồm các trang web như báo chí trực tuyến, các blog hay các từ điển mở (wikipedia), các trò chơi video và mạng xã hội. Đặc trưng xác định của truyền thông mới là sự đối thoại. Truyền thông mới truyền phát nội dung qua kết nối và đối thoại. Nó cho phép mọi người trên khắp thế giới chia sẻ, bình luận, và thảo luận nhiều chủ đề rộng lớn. Không giống bất kì công nghệ quá khứ nào, truyền thông mới dựa trên một cộng đồng tương tác (1).

Hầu hết các công nghệ được mô tả như “truyền thông mới” là kỹ thuật số, thường có đặc điểm điều khiển được, có thể gắn kết mạng, có thể nén được và mang tính tương tác (2). Ví dụ như Internet, các trang web, truyền thông đa phương tiện kết nối máy tính, các trò chơi video, hiện thực mở, CD-ROM và DVD. Truyền thông mới thường được xem là tương phản với “truyền thông cũ” như truyền hình, phát thanh, truyền thông in ấn (mặc dù các học giả về giao tiếp và nghiên cứu truyền thông chỉ trích những khác biệt cứng nhắc dựa trên cũ và mới. Truyền thông mới không bao gồm các chương trình truyền hình (chỉ sự phát sóng tương tự), phim nhựa, tạp chí, sách, hay các xuất bản phẩm bằng giấy - trừ khi chúng bao gồm các công nghệ cho phép sự tương tác số (3). Wikipedia, một bách khoa thư trực tuyến, là một ví dụ như vậy, kết hợp cả văn bản, các hình ảnh và video có thể truy cập Internet với các liên kết web, sự tham dự sáng tạo của những người tham gia, sự phản hồi tương tác của những người sử dụng và sự hình thành một cộng đồng tham dự của những người biên tập và người tài trợ, vì lợi ích của những độc giả. Facebook là một ví dụ của mô hình truyền thông xã hội, trong đó hầu hết người sử dụng cũng là những người tham dự. Wikitude là một ví dụ cho một hiện thực mở rộng. Nó thể hiện thông tin về các môi trường của người sử dụng trong một quang cảnh camera di động, bao gồm sự nhận biết hình ảnh, mô hình hóa 3D và cách tiếp cận hiện thực mở rộng dựa trên vị trí.

Lịch sử

Trong những năm 50 của thế kỷ XX, sự gắn kết giữa thuật toán và nghệ thuật cấp tiến bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, thì Alan Kay và các đồng nghiệp của mình tại Xerox PARC bắt đầu đưa ra khả năng có thể tính toán của một máy tính cá nhân cho cá nhân, hơn là có một tổ chức lớn chịu trách nhiệm cho điều này. “Dẫu vậy, vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90, chúng ta dường như chứng kiến một kiểu khác của quan hệ song song giữa các thay đổi xã hội và thiết kế máy tính. Mặc dù không có liên quan về mặt nhân quả, về mặt khái niệm, nó tạo ra cảm giác là Chiến tranh Lạnh và thiết kế Web diễn ra chính xác cùng thời điểm” (4).

Các nhà văn và nhà triết học như Marshall McLuhan góp phần vào sự phát triển của lí thuyết truyền thông trong giai đoạn này. Tuyên bố nổi tiếng của ông lúc đó trong Hiểu truyền thông: Những sự mở rộng của con người (1964) rằng “phương tiện là thông điệp” thu hút sự chú ý tới chính công nghệ và truyền thông mà ảnh hưởng thường bị bỏ qua, hơn là “nội dung” của chúng lên kinh nghiệm của con người về thế giới và xã hội một cách rộng rãi.

Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX trước, truyền thông chủ yếu vẫn dựa trên in ấn và những mô hình phát sóng tương tự (analog), chẳng hạn như các mô hình truyền hình và phát thanh. Hai mươi lăm năm qua chứng kiến sự biến đổi nhanh chóng sang truyền thông dựa trên việc sử dụng các công nghệ số, chẳng hạn như Internet và các trò chơi video. Tuy nhiên, những ví dụ này chỉ là một biểu hiện nhỏ của truyền thông mới. Việc sử dụng các máy tính số đã biến đổi truyền thông "cũ" còn lại, như được giả định bởi sự xuất hiện của truyền hình số và những ấn phẩm trực tuyến. Thậm chí những hình thức truyền thông truyền thống như báo in đã bị biến đổi thông qua sự áp dụng các công nghệ, chẳng hạn như phần mềm xử lí hình ảnh như Adobe Photoshop và những công cụ xuất bản để bàn.

Andrew L. Shapiro (1999) cho rằng “sự xuất hiện của các công nghệ số mới báo hiệu một bước chuyển đầy tiềm năng mạnh mẽ về ai kiểm soát thông tin, kinh nghiệm và các nguồn lực” (Shapiro trích trong Croteau và Hoynes 2003: 322). W. Russell Neuman (1991) gợi ý rằng trong khi “truyền thông mới” có những khả năng kĩ thuật kéo về một hướng, các sức mạnh kinh tế và xã hội kéo ngược trở lại theo hướng đối lập. Theo Neuman, “chúng ta đang chứng kiến sự tiến hóa của một mạng lưới liên kết toàn cầu các giao tiếp âm thanh, video và văn bản điện tử mà sẽ làm mờ đi sự khác biệt giữa giao tiếp đại chúng và liên cá nhân, và giữa giao tiếp chung và riêng” (Neuman trích trong Croteau và Hoynes 2003: 322). Neuman gợi ý rằng truyền thông mới sẽ:

- Biến đổi ý nghĩa của khoảng cách địa lí.

- Cho phép sự tăng lên khổng lồ khối lượng giao tiếp.

- Đưa ra khả năng tăng tốc độ giao tiếp.

- Đưa ra những cơ hội cho giao tiếp tương tác.

- Cho phép những hình thức của giao tiếp mà trước đó bị phân tách, chồng lấp và kết nối.

Kết quả là sự tranh luận của các học giả như Douglas Kellner và James Bohman rằng truyền thông mới, và đặc biệt là Internet, đưa ra khả năng cho một lĩnh vực chung hậu hiện đại, trong đó các công dân có thể tham gia vào cuộc tranh luận không thứ bậc, được biết rõ, thuộc về những cấu trúc xã hội của họ. Trái ngược với những đánh giá tích cực này về những tác động xã hội tiềm năng của truyền thông mới là những học giả như Ed Herman và Robert McChesney, người cho rằng sự chuyển sang truyền thông mới chứng kiến một số ít tập đoàn viễn thông xuyên quốc gia đạt được một mức độ ảnh hưởng toàn cầu, mà cho đến giờ không thể tưởng tượng được.

Các học giả, chẳng hạn như Lister và những người khác (2003) nêu bật cả những ngụ ý thực sự và tiềm ẩn tích cực và tiêu cực của các công nghệ truyền thông mới, gợi ý rằng một số công trình ban đầu nghiên cứu về truyền thông mới có lỗi của quyết định luận công nghệ. Theo đó, những tác động của truyền thông được quyết định bởi chính công nghệ, hơn là thông qua theo dõi các mạng lưới xã hội phức tạp chi phối sự phát triển, tài trợ, thực hiện và phát triển tương lai của bất kì công nghệ nào.

Dựa trên lập luận rằng mọi người có một lượng thời gian giới hạn dành cho sử dụng truyền thông khác nhau, lí thuyết thay thế cho rằng việc xem hay đọc một đầu ra cụ thể nào đưa tới sự suy giảm trong lượng thời gian sử dụng của cá nhân lên đầu ra khác. Sự xuất hiện của truyền thông mới, chẳng hạn như Internet, làm giảm lượng thời gian các cá nhân dành cho truyền thông “cũ” đang tồn tại, cuối cùng có thể dẫn đến kết thúc của truyền thông truyền thống (5).

Định nghĩa

Mặc dù có một vài cách mà truyền thông mới có thể được mô tả, Lev Manovich, trong một lời giới thiệu cho Tuyển tập nghiên cứu Truyền thông mới, định nghĩa truyền thông mới bằng cách sử dụng 8 mệnh đề sau (6):

1. Truyền thông mới so với văn hóa mạng. Văn hóa mạng là những hiện tượng xã hội gắn với Internet và những giao tiếp mạng (blog, trò chơi nhiều người trực tuyến), trong đó truyền thông mới liên quan nhiều hơn tới các đối tượng và hệ hình văn hóa (truyền hình số so với tương tự, iPhone).

2. Truyền thông mới là công nghệ máy tính được sử dụng như một nền tảng phân phối.Truyền thông mới là những sản phẩm văn hóa sử dụng công nghệ số cho việc phân phối và biểu hiện, như Internet, Websites, truyền thông đa phương tiện máy tính, đĩa Blu-ray v.v... Vấn đề với định nghĩa này là việc định nghĩa phải được sửa lại vài năm một lần. Thuật ngữ “truyền thông mới” sẽ không “mới” một chút nào, khi hầu hết các hình thức văn hóa sẽ được phân phối thông qua các máy tính.

3. Truyền thông mới là dữ liệu số được kiểm soát bởi phần mềm. Ngôn ngữ của truyền thông mới được dựa trên giả định rằng, trên thực tế, tất cả các sản phẩm văn hóa dựa vào những biểu hiện số và chuyển phát dựa trên máy tính để chia sẻ những phẩm chất chung. Truyền thông mới chuyển thành dữ liệu số và có thể xử lí bằng phần mềm như bất kì dữ liệu nào khác. Bây giờ các hoạt động truyền thông có thể tạo ra một vài phiên bản của cùng đối tượng. Ví dụ như một hình ảnh được lưu trữ như dữ liệu ma trận có thể được xử lí và biến đổi theo các thuật toán bổ sung, chẳng hạn đảo ngược màu, căn chỉnh độ xám, làm sắc nét, biến ảnh thành điểm...

4. Truyền thông mới là sự hòa trộn giữa những quy ước văn hóa đang tồn tại và những quy ước của phần mềm. Truyền thông mới ngày nay có thể được hiểu như sự hòa trộn giữa các quy ước văn hóa cũ hơn cho biểu hiện, truy cập, và xử lí dữ liệu và những quy ước mới hơn về biểu hiện, truy cập và xử lí dữ liệu. Dữ liệu “cũ” là những biểu hiện của thực tế nhìn thấy và kinh nghiệm con người, và dữ liệu “mới” là dữ liệu số. Máy tính chỉ được xem như công cụ cho “sáng tạo”. Trong phim, phần mềm được sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất, trong những lĩnh vực khác, được tạo ra bằng cách sử dụng hoạt hình máy tính.

5. Truyền thông mới là mỹ học ở giai đoạn đầu của truyền thông hiện đại mới và công nghệ truyền thông. Trong khi các ý tưởng được trao đổi liên tục thì sáng tạo nghệ thuật trên cơ sở của các phương tiện truuyền thông mới cũng có thể được lặp đi, lặp lại 2, 3 lần. Để hiểu cách thức sáng tạo này, chúng ta không chỉ phân tích thời điểm nó xuất hiện, mà còn phải đặt nó trong mối tương tác với sự phát triển của công nghệ, ứng với bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế của giai đoạn hiện đại.

6. Truyền thông mới là việc xử lý nhanh hơn các thuật toán được thực hiện bằng tay trước đó hoặc thông qua các công nghệ khác. Các máy tính là sự tăng tốc khổng lồ của những gì thuộc về kĩ thuật bằng tay trước đó, tức là các máy tính toán (calculator). Tăng tốc đáng kể việc xử lý làm cho kĩ thuật biểu hiện không tồn tại trước đó trở nên có thể. Điều này cũng làm cho nhiều hình thức mới của nghệ thuật truyền thông, chẳng hạn như truyền thông đa phương tiện tương tác và các trò chơi video, trở nên có thể. Trên một cấp độ nào đó, một máy tính số hiện đại không chỉ là một máy tính toán nhanh hơn, và chúng ta không nên bỏ qua bản sắc khác của nó: bản sắc của một thiết bị kiểm soát điều khiển.

7. Truyền thông mới là hình thức mã hóa của các nhà lý thuyết hiện đại tiên phong: truyền thông mới như siêu truyền thông. Manovich tuyên bố rằng những năm 20 của thế kỷ XIX liên hệ nhiều với truyền thông mới hơn bất kì giai đoạn nào khác. Siêu truyền thông trùng hợp với chủ nghĩa hậu hiện đại trong việc cả hai đều làm lại tác phẩm cũ hơn là tạo ra tác phẩm mới. Truyền thông mới mang tính tiên phong là nói về những cách mới tiếp cận và xử lí thông tin (chẳng hạn siêu phương tiện, các cơ sở dữ liệu, các chương trình tìm kiếm v.v...). Siêu truyền thông là một ví dụ về việc số lượng có thể chuyển thành chất lượng như thế nào như trong công nghệ truyền thông mới, và các kĩ thuật xử lí có thể tái mã hóa thẩm mĩ hiện đại thành thẩm mĩ hậu hiện đại rất khác biệt.

8. Truyền thông mới là sự lưu hành song song những ý tưởng tương tự trong nghệ thuật Hậu Thế chiến 2 và tính toán thời hiện đại.  Nghệ thuật hậu Thế chiến 2 hay “phân tích kết hợp” là sự tạo ra những hình ảnh bằng việc thay đổi một cách hệ thống một thông số đơn lẻ. Điều này dẫn tới việc tạo ra những hình ảnh tương tự đáng kể và các cấu trúc không gian. Điều này cho thấy các thuật toán, phần căn bản của truyền thông mới, không phụ thuộc vào công nghệ, mà có thể được thực hiện bởi các con người.

Toàn cầu hóa và truyền thông mới

Việc xuất hiện của truyền thông mới làm tăng khả năng giao tiếp giữa mọi người trên khắp thế giới và Internet. Nó cho phép mọi người biểu hiện chính mình thông qua các blog, website, video, hình ảnh, và phương tiện truyền thông tạo ra người sử dụng khác.

Flew (2002) tuyên bố rằng, “như là kết quả của sự tiến hóa của các công nghệ truyền thông mới, toàn cầu hóa xảy ra”. Toàn cầu hóa được tuyên bố chung như “nhiều hơn sự mở rộng của các hoạt động ra bên ngoài các ranh giới của các quốc gia dân tộc cụ thể” (7). Toàn cầu hóa làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa mọi người khắp nơi trên thế giới bởi giao tiếp điện tử (Carely 1992 trong Flew 2002), và Cairncross (1998) biểu hiện sự phát triển lớn này như “cái chết của khoảng cách”. Truyền thông mới “phá vỡ mạnh mẽ liên kết giữa vị trí vật lí và vị trí xã hội, làm cho vị trí vật lí ít quan trọng hơn nhiều cho các quan hệ xã hội

của chúng ta” (Croteau và Hoynes 2003: 311).

Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường truyền thông mới tạo ra một chuỗi những căng thẳng trong khái niệm về “khu vực công khai” (8). Theo Ingrid Volkmer, “khu vực công khai” được hiểu như một quá trình mà qua đó giao tiếp công khai được tái cấu trúc, và phần nào bị rút khỏi những thiết chế văn hóa và chính trị quốc gia. Xu hướng này của khu vực công khai toàn cầu hóa không chỉ như một hình thức mở rộng địa lí một quốc gia ra thế giới, mà cũng thay đổi quan hệ giữa công chúng, truyền thông và nhà nước (9).

“Những cộng đồng ảo” được thiết lập trực tuyến và vượt qua những ranh giới địa lí, xóa bỏ những hạn chế xã hội (10). Howard Rheingold (2000) mô tả những xã hội toàn cầu hóa này như những mạng lưới tự xác định, biểu hiện cho những gì chúng ta làm trong đời sống thực. “Mọi người trong những cộng đồng ảo sử dụng các từ trên màn hình để trao đổi những lời nói chơi và lập luận, tham dự vào cuộc nói chuyện tri thức, tiến hành thương mại, hoạch định các kế hoạch, động não, tán dóc, thù hận, yêu, tạo ra một nghệ thuật hơi cao và nhiều cuộc nói chuyện vô ích” (Rheingold trích trong Slevin năm 2000: 91). Với Sherry Turkle “làm cho máy tính thành một cái tôi thứ hai, tìm thấy một linh hồn trong máy tính, có thể thay thế cho các quan hệ con người” (Holmes 2005: 184). Truyền thông mới có khả năng gắn kết những người có đầu óc giống nhau trên toàn cầu.

Trong khi quan điểm này gợi ý rằng công nghệ thúc đẩy - và do đó là một nhân tố quyết định - trong quá trình toàn cầu hóa, những lập luận liên quan đến quyết định luận công nghệ nói chung không được chấp nhận bởi nghiên cứu truyền thông chính thống. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào quá trình mà công nghệ được tài trợ, nghiên cứu và tạo ra, hình thành nên một vòng phản hồi khi các công nghệ được sử dụng và thường được biến đổi bởi những người sử dụng chúng, do đó định hướng sự phát triển tương lai của chúng.

Trong khi những người như Castells chọn một “quyết định luận mềm” (11) khi họ cho rằng “Công nghệ không quyết định xã hội. Và xã hội cũng không sắp đặt quá trình thay đổi công nghệ, vì nhiều yếu tố, bao gồm sáng tạo cá nhân và sự can thiêp của giới doanh nhân vào quá trình phát triển khoa học, đổi mới kĩ thuật và các ứng dụng xã hội, do vậy kết quả cuối cùng phụ thuộc vào hình thức phức tạp của tương tác. Thực sự nghịch lí của quyết định luận công nghệ có lẽ là một vấn đề sai lầm, bởi vì công nghệ là xã hội và xã hội không thể được hiểu mà không có những công cụ công nghệ của nó” (12). Điều này, dẫu vậy, vẫn khác biệt với khẳng định rằng các thay đổi xã hội bị thúc đẩy bởi sự phát triển công nghệ, gợi lại những luận điểm của Marshall McLuhan.

Manovich và Castells cho rằng trong khi truyền thông đại chúng “tương ứng với logic của xã hội đại chúng công nghiệp, mà định giá sự tuân thủ cao hơn tính cá nhân” (13), truyền thông mới theo logic của xã hội hậu công nghiệp hay toàn cầu hóa mà “mọi công dân có thể tạo dựng phong cách sống và lựa chọn hệ tư tưởng của mình từ một số lượng lớn các sự lựa chọn. Thay vì đẩy các đối tượng cho các khán giả đại chúng, marketing bây giờ đang cố gắng hướng tới mỗi cá nhân riêng lẻ” (14).

(Bùi Lưu Phi Khanh và Bùi Hoài Sơn dịch từ https://en.wikipedia.org/wiki/New_media cập nhật ngày 27-7-2016).

_________________

1. Brandon Vogt, The Church and New Media, Our Sunday Visitor Inc, Page 17.

2. Flew Terry: New media: An Introduction, Oxford University Press, Melbourne, 2008

3, 4, 6. Manovich, Lev. "New Media From Borges to HTML." The New Media Reader. Ed. Noah Wardrip-Fruin & Nick Montfort. Cambridge, Massachusetts, 2003. 13-25. ISBN 0-262-23227-8

5. Dimmick, J., Chen, Y., & Li, Z. (2004). Competition between the internet and traditional news media: The gratification-opportunities niche dimension. Journal of Media Economics

7. Thompson, John B. (1995). The Media and Modernity. Cambridge: Polity Press, pg. 150

8. Violaine Hacker, "Building Media's industry while promoting community of values in the globalisation", Politické Vedy, Journal of International Affairs, Policy and Security, 2/2011, http://www.fpvmv.umb.sk/politickevedy

9. Volkmer, Ingrid (1999) News in the Global Sphere. A Study of CNN and its impact on Global Communication, Luton: University of Luton Press, tr.123.

10. DeFleur, Everette E. Dennis, Melvin L. (2010). Understanding media in the digital age : connections for communication, society, and culture. New York: Allyn & Bacon. ISBN 0205595820.

11. Lister, Martin, Dovey, Jon, Giddins, Seth. Grant, Iain. & Kelly, Kieran (2003) New Media: A Critical Introduction, London, Routledge

12. Castells, Manuel, (1996) Rise of the Network Society, The Information Age: Economy, Society and Culture volume 1, Massachusetts, Blackwell Publishing, tr. 5.

13. Manovich, Lev (2001) The Language of New Media, MIT Press, Cambridge and London, tr. 41.

14. Manovich, Lev (2001), tlđd, tr. 42.

Tài liệu tham khảo khác

1. Williams, Raymond (1974) Television: Technology and Cultural Form, London, Routledge.

2. Durham, M & Kellner, Douglas (2001) Media and Cultural Studies Keyworks, Malden, Ma and Oxford, UK, Blackwell Publishing

3. Lister, Martin, Dovey, Jon, Giddings, Seth. Grant, Iain. & Kelly, Kieran (2003) New Media: A Critical Introduction, London, Routledge.

4. McLuhan, Marshall (1962) The Gutenberg Galaxy: The Making of Typographic Man, London, Routledge and Kegan Paul

5. McLuhan, Marshall (1964) Understanding Media: The Extensions of Man, Toronto, McGraw Hill

Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 4 (26) - 2016

Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2016
Sách giấy: Liên hệ
Ebook: Liên hệ
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất