NHÂN HỌC BIỂU TƯỢNG
VÀ LÝ GIẢI VĂN HÓA*
Hoàng Minh
1. Nhân học biểu tượng*
Nhân học biểu tượng nhìn nhận con người như là những người chuyên chở một hệ thống các ký hiệu và biểu tượng. Ký hiệu và biểu tượng như là một phương tiện giao tiếp để phổ biến kiến thức và đưa ra các thông tin. Khái niệm mang tính biểu tượng về văn hoá là một bộ phận của xu hướng nhìn nhận văn hoá như là một ngành khoa học nghiên cứu các ý nghĩa. Các nhà nhân học nghiên cứu hệ thống các mã số và thông điệp do con người cung cấp, thông qua sự lý giải của họ với những người khác và với thế giới tự nhiên.
Những tư tưởng triết học của Kant cung cấp một cơ sở quan trọng cho các nhà nhân học biểu tượng, ký hiệu học, cấu trúc luận. Kant cho rằng có những cấu trúc cơ bản của tư duy, nhưng lại không phụ thuộc vào nội dung của tư duy. Kant phát triển một lý thuyết chung về các hình thức biểu tượng và mối quan hệ của biểu tượng tới tư duy. Lý thuyết này của Kant có một ảnh hưởng sâu sắc trong tâm lý học và khoa học xã hội.
Biểu tượng là những vật, sự kiện, âm thanh, lời nói, hoặc là các hình thức văn bản mà loài người gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Hình thức đầu tiên của biểu tượng là thông qua ngôn ngữ. Con người giao tiếp bằng cách sử dụng các ký hiệu và các biểu tượng trong nghệ thuật, nhảy múa, âm nhạc, kiến trúc, trong việc thể hiện nét mặt, điệu bộ, hình dáng, trang sức, quần áo, nghi lễ, tôn giáo, dòng tộc, quốc gia dân tộc, v.v... Con người có thể gắn ý nghĩa cho bất kỳ một sự kiện, hành động, hoặc vật thể nào mà gợi ra được suy nghĩ, tư tưởng, và tình cảm. Sự nhận thức của con người về việc sử dụng các biểu tượng là một đặc điểm có ý nghĩa đã trở thành một đối tượng nghiên cứu trong nhân học và các ngành khác.
Trong một bài viết về biểu tượng như là nguồn gốc và cơ sở ứng xử của con người, Leslie White đã chỉ ra tầm quan trọng của bối cảnh trong việc cung cấp ý nghĩa của biểu tượng (1) Ernest Cassier tranh luận rằng không có phức hợp các biểu tượng, thì tư duy liên hệ không thể có. Con người có khả năng tách các mối quan hệ và xem xét chúng trong ý nghĩa trừu tượng. Cassier nêu bản chất biểu tượng của kinh nghiệm con người như sau: “Không còn ở trong thế giới thuần tuý vật chất, con người sống trong thế giới biểu tượng. Ngôn ngữ, thần thoại, nghệ thuật, tôn giáo là những bộ phận của vũ trụ. Chúng là những mảng khác nhau kết nối thành một mạng biểu tượng, một mạng phức hợp của kinh nghiệm con người” (2).
Các biểu tượng hoặc ký hiệu như là các khái niệm được con người để ý tới khi chúng tượng trưng cho cái gì đó bằng cách có được những đặc tính tương tự hoặc bằng một mối liên hệ với tư duy và với sự kiện. Charles S. Peirce là người đặt nền móng cho ngành ký hiệu học, ông nói “câu trả lời chung cho câu hỏi con người là ai chính là: con người là một biểu tượng”. Peirce xác định ba loại ký hiệu: 1/ ký hiệu hình tượng bắt chước đồ vật trong một khía cạnh nào đó (thập tự là vật tượng trưng, gợi nên tư tưởng và ý nghĩa của Cơ Đốc giáo); 2/ một ký hiệu chỉ ý nghĩa liên hệ một cách tự nhiên tới đối tượng của nó (ví dụ, một lá cờ treo lưng chừng giữa cột thông báo một nhân vật quan trọng bị chết); 3/ ký hiệu giống như ngôn ngữ thay thế cho đối tượng của nó vì nó được giải thích bởi quy ước và việc sử dụng (3). Một số công trình nghiên cứu các hệ thống biểu tượng và ký hiệu tập trung vào lôgíc nội tại. Một số khác lại nhấn mạnh vào hành động và bối cảnh xã hội của các vật có tính biểu trưng và các biểu tượng khi chúng liên quan tới hệ thống ứng xử và giá trị của văn hoá, xã hội.
Giao tiếp là một cái gì đó hơn cả ngôn ngữ, trong khi đó tri thức của con người được chứa đựng trong ngôn ngữ-một hệ thống các biểu tượng. Từ ngữ chuyển tải kiến thức và sự hiểu biết. Từ ngữ trở thành các ký hiệu khi được viết, phù hợp với một xã hội nhất định ở một thời gian và không gian cụ thể. Hệ thống ký hiệu thể hiện tri thức phát triển của một cộng đồng với một truyền thống và một hệ thống giao tiếp riêng ... Các sự kiện, đồ vật, và các kinh nghiệm được ghi lại trong một bộ các ý nghĩa của một hệ thống các ký hiệu văn hoá.
Hệ thống các ký hiệu được sử dụng với một ý nghĩa nhất định trong một bối cảnh xã hội cụ thể. Điều này mang lại cho ký hiệu và biểu tượng ý nghĩa cụ thể của nó, vì một biểu tượng hay ký hiệu có thể có nghĩa này trong một bối cảnh xã hội và ý nghĩa khác trong bối cảnh xã hội khác. Từ “người cha” có ý nghĩa mang tính dòng tộc và có ý nghĩa khác trong bối cảnh của Thiên Chúa giáo. Bối cảnh ở đây bao hàm nghĩa rộng, có thể là một địa danh, một tổ chức, một bộ lạc, một dòng họ, một thể chế, lứa tuổi, giới tính, nhóm người, hoặc bất kể một nhóm xã hội nào.
Clifford Geertz đánh giá cao tầm quan trọng của các biểu tượng trong nghiên cứu nhân học. Geertz nhấn mạnh ý nghĩa của bối cảnh xã hội như là một yếu tố quan trọng trong việc hiểu biểu tượng có ý nghĩa gì. Ông ủng hộ việc tìm hiểu các ký hiệu và các biểu tượng từ ý nghĩa trừu tượng đến “ý nghĩa trong môi trường tự nhiên của chúng, tức là trong thế giới thường ngày mà trong đó con người nhìn, nói, nghe và làm” (4).
Tóm lại, nhân học biểu tượng dựa vào quan niệm là các thành viên trong một xã hội cùng có một hệ thống các biểu tượng và ý nghĩa mà chúng được gọi là văn hoá. Con người phải có một khái niệm nào đó về những vấn đề mà những người khác trong cộng đồng tin vào. Con người trông chờ vào những điều diễn ra khi họ phản ứng lại những người khác hoặc những người khác đáp lại họ. Như vậy, con người có thể trao đổi qua lại và giao tiếp với nhau. Nếu sự giao tiếp là điều kiện thiết yếu của xã hội loài người, thì biểu tượng, ký hiệu và việc chuyển tải ý nghĩa về tư duy và hành động là những yếu tố xác định một nền văn hoá. Nhân học biểu tượng nghiên cứu quá trình mà qua đó con người đưa ra những ý nghĩa về thế giới của họ và những hành động của họ ở trong thế giới đó.
2. Nhân học lý giải
Nhân học lý giải nghiên cứu những trường hợp đơn lẻ có thể đưa ra những hiểu biết sâu sắc và bao hàm nhiều ý nghĩa. Trong việc nghiên cứu một trường hợp riêng lẻ trong một xã hội cụ thể, nhân học lý giải không xem xét con người ứng xử như thế nào, cũng không đi sâu vào các ý nghĩa hành động và thái độ của con người. Phương pháp lý giải cho rằng thế giới vật chất và xã hội của con người có thể hiểu một cách tốt nhất bằng cách tìm hiểu con người sống trong xã hội đó tự lý giải và tự hiểu các thể chế và tập quán của họ. Nhiệm vụ của nhà nhân học là giải mã những lý giải của những người bản địa.
Clifford Geertz là một nhà nhân học theo phương pháp luận lý giải tiêu biểu, nhưng không phải là nhà sáng lập ra phương pháp nhân học này. Ông cho rằng nhân học không thể là một ngành khoa học như vật lý với các quy luật và sự tổng quát dựa vào các số liệu thực tế và thực nghiệm. Nhân học cần phải dựa vào hiện thực cụ thể của một xã hội, nhưng phải theo ý nghĩa mà con người sống trong xã hội đó hiểu, chứ không phải là những phán đoán chủ quan của nhà nghiên cứu dựa vào số liệu thực tế. Đối với Geertz, nhân học cần dựa vào các nguyên tắc nhân văn, sự miêu tả, thi pháp, văn học, thần thoại, biểu tượng, và các đặc tính khác của loài người để phân biệt với các loài sinh vật khác.
Quan điểm của Geertz về tầm quan trọng của trường hợp đơn lẻ không phải hoàn toàn mới, trước đó Boas, Malinowski, và Radcliffe-Brown đã từng nghiên cứu chuyên sâu một nền văn hoá đơn lẻ để nêu ra các chức năng của các thể chế trong xã hội loài người. Quan điểm chống lại thuyết vị chủng và ủng hộ sự hội nhập của các nền văn hoá, khuynh hướng tìm hiểu các nền văn hoá khác từ quan điểm của người bản địa, là một thế mạnh và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhân học của các học giả tiền bối này.
Phương pháp tiếp cận của Geertz tìm hiểu ý nghĩa văn hóa dựa vào những lý giải của người bản địa mang tính tương đối. Điều cốt lõi trong các công trình nghiên cứu của Geertz là sự liên kết các quá trình tự biết, tự nhận thức, tự hiểu của người bản địa với sự hiểu biết của nhà nghiên cứu về văn hoá của họ. Cuốn sách của ông Tri thức bản địa (Local Knowledge) đề cập về cái đặc biệt, cụ thể, trường hợp cá thể, tri thức bản địa và sự kết hợp tri thức bản địa với sự hiểu biết của nhà nghiên cứu. Quan niệm của Geertz trong nhân học hướng vào sự lý giải các vấn đề văn hoá mà vẫn giữ được các đặc thù mang tính cá nhân, và sự phức hợp của thái độ con người đối với các hình thức văn hoá của họ.
Quan niệm nhân học truyền thống cho rằng các nhà nghiên cứu muốn hiểu các nền văn hoá của các dân tộc khác thì họ phải đảm nhiệm vai trò của những người bản xứ. Theo Malinowski, chỉ bằng cách nghiên cứu thực tế, trực tiếp quan sát những hiện tượng văn hoá của người bản địa thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của những yếu tố văn hoá của họ. Geertz ủng hộ quan niệm “lý giải của người bản địa” như là một con đường dẫn tới sự hiểu biết văn hoá của một dân tộc. Trong cách tiếp cận này, những điều lý giải được tập hợp lại từ văn bản, lời nói, hành động so sánh với những hình thức tương ứng khác, hoặc một tập hợp những nhận thức của người bản địa so sánh với những nhận thức khác của họ. Sau đó, những nhận thức và tri thức của người nghiên cứu kết hợp với nhận thức của người bản địa về chính văn hoá của họ. Bằng cách tập hợp sự lý giải các văn bản, hành động, biểu tượng, các hình thức xã hội, các hiện tượng bằng cách đi từ cái cụ thể tới cái chung và ngược lại, sự hiểu biết và ý nghĩa của một nền văn hoá dần dần sẽ được hé mở. Phương pháp nghiên cứu này còn được gọi là “miêu tả sâu”. Trong khi miêu tả, phải thay đổi từ quan niệm này tới quan niệm khác, từ mức độ này tới mức độ khác, và cuối cùng dẫn tới một sự hiểu biết sâu sắc về một nền văn hóa cụ thể (Geertz, 1983)./.
H.M
__________________
1. White, Leslie, 1940. “Biểu tượng: Nguồn gốc và cơ sở ứng xử của con người” (The Symbol: the Origin and Basis of Human Behavior). Philosophy of Science 7: tr. 451-463.
2. Cassier, Ernst, 1944. Một bài viết về con người: Nhập môn khoa học về văn hoá con người. New Haven: Yale University Press, tr. 20.
3. Singer, Milton, 1980. “Ký hiệu: Một khám phá trong nhân học ký hiệu học”, in trong tạp chí American Anthropologist, số 81, tr. 485-507.
4. Geertz, C lifford, 1983. Tri thức bản địa: Những bài viết tiếp theo về nhân học giải thích. New York: Basic Books, tr. 119.
* Được phép của tác giả, bài viết này trích từ “Một số quan niệm về phương pháp tiếp cận văn hóa”của Nguyễn Thị Hiền in trong Văn hóa học: Những phương pháp nghiên cứu, Nguyễn Chí Bền, Trương Huyền Chi (Tuyển chọn). Hà Nội: Viện Văn hóa Thông tin, 2007, tr. 574-633.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 5 (15) - 2015
Bình luận
Bài viết cùng chuyên mục