Nghề đan võng ngô đồng ở Cù lao Chàm

Ngày đăng: 23/05/2025 Lượt xem: 457
Mặc định Cỡ chữ


NGHỀ ĐAN VÕNG NGÔ ĐỒNG Ở CÙ LAO CHÀM

 

                                                          Trương Hoàng Vinh

Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An


Cù Lao Chàm xưa - xã Tân Hiệp nay theo mô tả của Lê Quý Đôn vào cuối thế kỷ XVIII:“Phủ Thăng Hoa, ở ngoài cửa Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn núi đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư ruộng nương, có các thứ cam, quýt, đỗ lạc, trên suối có nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan, ra biển 2 canh thì đến” (1)...*Trong tài liệuQuảng Nam xã chí của Viện Viễn Đông bác cổ cho biết các vị tiền hiền ở Cù Lao Chàm gồm Trần Đắc Lộc, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Văn Lúa, Hồ Văn Thành, Võ Văn Cọi sống vào thời Chánh Hòa (1680-1705), Vĩnh Thịnh (Thạnh) (1705-1720), Cảnh Hưng (1740-1786). Sau này thì có thêm tộc Lê định cư ở Cù Lao Chàm (2). Đến những năm giữa thế kỷ XX, ở Cù Lao Chàm có khoảng 30 - 50 nóc nhà.Hiện nay, xã Tân Hiệp là xã đảo thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 15km2, chiếm 1/4 tổng diện tích của Hội An, số dân khoảng 2.091 người (3). Trong lịch sử, do sinh sống trên vùng đảo nên người dân Cù Lao Chàm trong quá trình lao động đã tích lũy kinh nghiệm để hình thành nên các nghề, tri thức sản xuất, khai thác các nguồn tài nguồn rừng, biển phục vụ cuộc sống tự cấp, tự túc. Vì thế, người dân xã đảo này vẫn đang bảo lưu và duy trì một hệ thống di tích văn hóa - tín ngưỡng, tri thức dân gian về các nghề, các phong tục tập quán liên quan đến khai thác và chế biến sản vật từ biển, đảo và rừng. Một trong những tri thức dân gian còn được người dân xã Tân Hiệp lưu giữ, trao truyền cho đến ngày nay là kỹ thuật đan võng ngô đồng.

1.    Kỹ thuật đan võng ngô đồng

Trong ký ức của những người cao tuổi ở Cù Lao Chàm, khoảng 40 - 50 năm trở về trước, hầu hết phụ nữ sống ở Cù Lao Chàm đều biết đan võng bằng vỏ sợi cây ngô đồng với mục đích tự túc, tự cấp do người dân nơi đây thường dùng võng. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà cho đến năm 2014, theo thống kê, ở đảo Cù Lao Chàm chỉ còn 8 nghệ nhânthành thạo đan võng gồm: Nguyễn Thị Môn, Trần Thị Thể, Trần Thị Chứt (Thôn Cấm), Lê Thị Kề, Nguyễn Thị Theo, Nguyễn Thị Quỳ, Ngô Thị Lê, Nguyễn Thị Bợ (Bãi Làng). Cao tuổi nhất là bà Môn, 92 tuổi, các nghệ nhân còn lại có tuổi từ 70 - 80 tuổi, chỉ có một người độ tuổi từ 50 - 60 và không có thế hế trẻ hơn kế cận.

Cây ngô đồng, còn gọi là cây bo rừng, trôm đơn, tên khoa học là Sterculia foetida L. Đây là loại cây thân gỗ nhóm VIII, thân thẳng, cao đến 25 - 30m, vỏ có màu xám nhạt. Hàng năm, cây ngô đồng ra bông, ra lá vào tháng 5,6 rụng lá, cho hoa, quả vào tháng 8,9,10.Cây ngô đồng phổ biến ở bìa rừng dọc bờ biển, triền núi và trong rừng sâu Cù Lao Chàm, nhưrừng Xóm Cấm, rừng Bãi Làng, rừng Bãi Hương...Ngô đồng sinh sôi nhờ quá trình rụng hạt xuống đất. Còn ngô đồng để làm võng thì được đốn ngang mặt để nứt nhánh và khoảng hơn 1 - 3 năm sau thì có thể khai thác làm võng. Vỏ cây ngô đồng còn nonđược ngâm nước, phơi khô, tước nhỏ, cho sợi nhỏ, mềm, thẳng, màu trắng óng ánh, có tính bền, dai, chịu lực rất tốt.

Để đan võng tốt nhất là loại cây suông thẳng, to bằng cườm tay của người lớn. Những người đốn cây cũng phải rất chuyên nghiệp, có kinh nghiệm lâu năm thì mới tận dụng được hết nguyên liệu. Hiên nay, ở Cù Lao Chàm chỉ còn 4 - 5 người có khả năng và kỹ thuật đốn cây ngô đồng để làm võng (ông Kéo, bà Dày ở Bãi Hương, ông Sinh ở Bãi Làng...).Với những thợ đốn cây chuyên nghiệp, thông thường phải đốn 30 thân cây mới đủ nguyên liệu để đan được một cái võng, còn thợ không giỏi thì phải đốn tới 40 cây vì đốn không khéo sẽ có nhiều cây không sử dụng được. Kỹ thuật đốn cây và quá trình thu nguyên liệu hết sức chặt chẽ và phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nên thường phải thuê thợ giỏi với thù lao tương xứng (6 - 8 triệu đồng/30 cây). Người thợ giỏi thường chặt những vết rất sắc, “ngọt” ngang mặt gốc, để cây nứt chồi lên lại, chặt phứt bỏ đoạn phân nhánh và chỉ lấy thân chính của cây. Thông thường, sau khi đốn cây, người thợcầm thân cây đập mạnh vào mõm đá hoặc đập bằng búa, nhưng phải thật đều tay cho vỏ bị nứt đều từ trên xuống dưới, rồi tước lấy vỏ, bỏ thân. Các mảng vỏ tốt được gom lạithành từng, mang về ngâm nước ở các khe, suối, như khe Ruộng Chùa, khe Ông Thơ, khe Xóm Mới,… Tùy theo thời tiết mà ngâm từ 10 - 15 ngày cho đến khi lớp vỏ cứng trở nên mềm mục, nhả dần ra, để lộ sợi xơ thì vớt lên. Tiếp đó, dùng tay tước lớp vỏ đã bị mục để lấy được lớp xơ màu trắng đục, giặt kỹ, chao giũ nhiều lần cho trôi sạch lớp nhớt của vỏ. Việc giặt vỏ ngô đồng thường mất từ 6 - 8 tiếng nên cần đến người tay khỏe, dẻo dai, có sức bền để giặt và chao. Trong khi giặt và chao thì lúc dùng dao kịt, tước vỏ thành từng dây có bản rộng khoảng 1cm rồi giặt cho đến khi lúc các dây trở thành những sợi nhỏ mềm, trắng (gọi là “manh đồng”). Gần đây, có một số người mang vỏ cây ngô đồng ngâm ở suối về nhà giặt với xà phòng, tuy nhanh trắng sạch hơn nhưng ảnh hưởng đến chất lượng vỏ do chà xát bằng hóa chất. Manh đồng sau đó được phơi một đến hai nắng cho thật khô, ánh lên màu trắng ngà và có độ óng là có thể sử dụng để đan. Sợi manh đồng sau khi xử lý sẽ rất bền, chắc, dai hơn cước làm lưới đánh cá nên võng ngô đồng có tuổi thọ hơn 20 năm. Võng ngô đồng lại mềm và êm, giữ ấm vào mùa đông mà lại rất mát vào mùa hè nên được người dân ưa dùng.

Công đoạn đan võngđược các nghệ nhân thực hiện tỉ mỉ và công phu. Họsử dụng các sợi vỏ ngô đồng khô, sạch, tước ra từng sợi nhỏ hơn, se cho sợi săn chắc lại rồi chắp nối đan võng theo quy trình: “Tề đầu, ra chưn (chân), đan mặt giếng tức là đan liên kết các ô theo hình thoi (quả trám) và kết hợp đan bìa, rồi mới đến “tề đuôi. Võng thường đan bằng 4 sợi hoặc 6 sợi, gọi là võng bốn và võng sáu, tức khoảng cách giữa hai múi là 4 dây hay 6 dây, dài từ 2m - 2,5m, còn quy trình đan là giống nhau. Võng sáu có chiều ngang và chiều dài lớn hơn võng bốn.Thường thì võng có từ 14 - 19 mặt tuỳ theo độ dài và số sợi cấu thành một ô hình thoi trên võng. Tùy theo sức khỏe và kỹ thuật, kinh nghiệm mà mỗi người thợcó thể đan được từ 4-8 cái trong một năm. Đặc biệt, khi đan võng tuyệt đối không được đan lỗi, vì khi đã bị lỗi thì không thể nào gỡ ra được. Đan sai dù một con chằng hay đan hơi lỏng, hơi chặt thì đều thất bại. Lúc đó sẽ chẳng thành một chiếc võng ngô đồng mà thành mớ tơ vò rối rắm.

Như mọi chiếc võng thì võng ngô đồng cũng gồm có hai đầu võng. Điểm đầu tiên và khó nhất là đan đầu võng thứ nhất (đầu con chằng), bởi từ một sợi dây ngô đồng, phải cẩn thận thắt được một múi đầu tiên, từ đó se ra các dây sẽ đan dễ hơn vì đã có điểm “cự”. “Không phải ai cũng biết đan đầu con chằng này. Phải học rất lâu mới biết làm. Phải làm nhiều thì mới thành quen. Làm lâu năm nhưng nếu không làm một thời gian thì lại phải đi học lại mới có thể làm được. Đó là công đoạn khó nhất (nghệ nhân Lê Thị Kề, 76 tuổi). Còn đầu võng thứ hai dễ hơn vì chỉ cần để dư múi ra rồi thắt con rít. Người đan phải cẩn thận se lại thành từng múi, rồi bện lại thành nhiều đốt. Để cột được đầu võng, người thợ phải đan chiều dài khoảng mười mấy múi lẻ, không được để múi chẵn vì sẽ không có cái tì dư ra để cột thành đầu võng. Vì thế, học đan võng ngô đồng không hề đơn giảnđòi hỏi người học phải kiên trì quan sát, nhìn cách đan mà nhớ chứ không chỉ là “cầm tay chỉ việc”. Muốn học đan võng thì đầu tiên phải học cách se dây. Dây cần se đều tay để cho đều, chắc sợi vì nếu không đều mà dây nhỏ, dây to thì sẽ bị leo dây. Khi se dây thành thạo thì mới có thể bắt đầu học đan đầu võng, thạo đan đầu võng rồi mới học đan múi rồi đến đan bìa. Chính vì vậy, để đan xong một cái võng phải mất gần 2 tháng với người đan giỏi, có thời gian tập trung làm việc. Người chưa thạo thì mất tới 3 tháng và người mới học thì mất nhiều thời gian hơn.

2. Giá trị di sản nghề đan võng ngô đồng

Võng ngô đồng được đan bằng đôi tay mềm mại của những người thợ thủ công, những người phụ nữ Cù Lao Chàm hay lam, hay làm, kết tinh những tri thức, tài năng và tình cảm của họ gửi gắm vào sản phẩm. Người con gái trước khi về nhà chồng thì đan võng tặng gia đình chồng như món quà thể hiện sự khéo léo, cần mẫn và tình cảm với cha mẹ chồng. Trước đây, người phụ nữ ở Cù Lao Chàm kiên nhẫn đan võng trong thời gian chờ người đàn ông của gia đình mưu sinh trên biển, vừa khỏa lấp thời gian đợi chờ, vừa để bán như một hàng hóa đặc trưng của đảo mỗi khi có dịp vào đất liền. Võng đan xong, nếu người đàn ông của họ mang theo sử dụng trong những ngày lênh đênh trên biển, thì chiếc võng ấm áp như vòng tay những người phụ nữ và bền chắc như tình cảm thuỷ chung, son sắt mà người phụ nữ gửi gắm trong từng múi võng.

Về giá trị kinh tế, với những người phụ nữ cần cù, chịu khó ở Cù Lao Chàm, tiền bán được một chiếc võng ngô đồng có thể đủ cho gia đình trang trải, sinh sống cả tháng. Đặc biệt, võng ngô đồng có một số đặc tính ưu việt so với võng được sản xuất công nghiệp bình thường vì có màu trắng ngà óng ánh đặc trưng rất đẹp mắt, võng rất bền, chắc mà lại mềm mại. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, vì sức sống mãnh liệt của cây ngô đồng mà những chiếc võng làm từ cây ngô đồng cũng có một tác dụng đặc biệt: trị phong. Nhiều người mắc bệnh phong, chân tay ghẻ lở khi nằm lên chiếc võng đan bằng sợi vỏ cây ngô đồng thì cảm thấy như phong đã bị võng hút hết, cơ thể dần dần tươi tắn, khỏe mạnh hơn. 

Nghề đan võng ngô đồng “nức tiếng gần xa” không chỉ bởi sự độc đáo trong quá trình thực hành thủ công mà còn là biểu hiện cho tập quán văn hóa độc đáo với những tri thức bản địa của cư dân Cù Lao Chàm. Có biết bao nhiêu chiếc võng ngô đồng đã được đan và theo chân du khách về mọi miền như là một món quà đặc biệt của Cù Lao Chàm - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với biển đảo. Nghệ nhân Lê Thị Kề (81 tuổi) chia sẻ, chẳng nhớ nổi mình đã đan bao nhiêu chiếc võng trong đời và đã bán cho bao nhiêu người. Những chiếc võng ngô đồng của bà được khách mua không chỉ vì nhu cầu sử dụng mà đó là một thú vui muốn tìm một nét văn hóa mộc mạc, dân dã của người nghệ nhân tài hoa vùng đất này.

Trước năm 2009, võng ngô đồngđược người dân Cù Lao Chàm sản xuấtchủ yếu để dùng tại nhà hay tặng cho bà con hoặc làm theo đặt hàng của người thân ở Hội An, Duy Xuyên. Từ năm 2009 đến nay, võng được đan để bán cho khách du lịch tại Cù Lao Chàm hoặc bán theo đơn đặt hàng ở một số nơi như Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, những người đan võng bán được khoảng 12 chiếc/năm với giá từ 5 - 7 triệu một cái võng, tùy võng 4 hay võng 6 múi đan. Khách mua võng thường là khách du lịch ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và có cả khách nước ngoài. Du khách đến tham quan Cù Lao Chàm cũng rất thích võng ngô đồng song đôi lúc cũng khó mua vì không phải lúc nào trên đảo cũng có võng đan sẵn mà phải đặt trước hàng tháng trời. Dù giá thành rất cao và đôi khi phải đặt hàng, đợi chờ lâu song khách sành vẫn không ngại để tìm đến tận nơi, mua bng được chiếc võng ngô đồng về làm quà hoặc sử dụng.





Một số người đan võng tham gia trình diễn nghề trong lễ hội

3. Thách thức và nỗ lực bảo vệ nghề đan võng ngô đồng

Chiếc võng nđồng được xem như một hình ảnh đặc trưng của người dân Cù Lao Chàm. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, nét văn hóa truyền thống này đang dần mai một. Nghề đan võng bằng cây nđồng đã từng có thời thịnh hành ngang với nghề đi biển của người dân xã đảo, nhưng giờ đây, nó đang có nguy cơ sống lay lắt trong đôi tay của một số ít cụ bà trên xã đảo Tân Hiệp do những khó khăn, thách thức đáng quan tâm:

1) Số nhân công lao động có độ tuổi trung bình cao, trên 60 tuổi nên vấn đề năng suất, đội ngũ kế thừa trong tương lai 5 năm nữa sẽ có nguy cơ suy giảm mạnh;

2)Nguồn nhân lực của nghề đan võng ngô đồng đang có nguy cơ suy giảm trong tương lại gần vì theo số liệu điều tra tháng 7-2019, nghề đan võng ngô đồng có 9 người, tăng 1 người so với năm 2014 nhưng có 2 người cao tuổi đã qua đời là bà Nguyễn Thị Hột (thôn Bãi Làng), Nguyễn Thị Môn (thôn Xóm Cấm) (4), có 7 người có tuổi đời trên 60 tuổi, chỉ có 2 người ở độ tuổi 50 - 60;

3) Tính cạnh tranh của sản phẩm cũng khá thấp vì giá thành buộc phải cao (theo lao động thủ công), trong khi đó các sản phẩm võng công nghiệp khác giá chỉ từ 150 - 500 ngàn/cái với nhiều màu sắc, chất liệu;

4) Số lượng cây ngô đồng cần đan võng trong một năm cũng khá cao, khoảng hơn 1.000 cây/năm, mà người biết đốn cây cũng ngày một ít đi nên đặt ra vấn đề về khai thác nguyên liệu.

Trước những khó khăn đó, từ năm 2015, thực hiện đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm do Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An triển khai, công tác quảng bá giá trị văn hóa về nghề này đã được quan tâm; người đan võng ngô đồng được mời tham gia trình diễn cho du khách tham quan tại Cù Lao Chàm, các địa chỉ đan võng ngô đồng được giới thiệu cho khách du lịch có nhu cầu đến tham quan, các báo, đài truyền hình cũng đã làm nhiều phóng sự về nghề này. Đây là những hoạt động không chỉ giới thiệu cho du khách biết đến những chiếc võng độc đáo mà còn khơi dậy niềm trân quý của các thế hệ người xứ đảo đối với nghề đan võng ngô đồng hết sức dân dã nhưng vô cùng đặc sắc.

Tuy nhiên, những khó khăn về việc khai thác nguyên liệu, về quy hoạch vùng khai thác, trồng cây ngô đồng của cơ quan quản lý rừng để bảo tồn bền vững rừng Cù Lao Chàm cần được tiếp tục quan tâm giải quyết để đảm bảo nghề đan võng ngô đồng được duy trì ổn định. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ để nghệ nhân được tham gia các hội chợ, hội nghề quốc gia để quảng bá giá trị sản phẩm theo hướng sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm của di sản văn hóa phi vật thể để có nguồn tiêu thụ xứng đáng, phù hợp.

Trong tương lai gần, cần có sự quan tâm đào tạo, truyền nghề cho phụ nữ trong cộng đồng cư dân địa phương để có các thế hệ kế cận, tiếp tục duy trì nghề. Ngoài ra, cộng đồng cũng mong mỏi được hỗ trợ trong khâu thiết kế, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm bằng sợi manh đồng như túi xách, hộp đựng ly, tách trà… để mở rộng khả năng, thị trường tiêu thụ.Một trong những hoạt động thiết thực nhất hiện nay và cũng là nguyện vọng của cộng đồng nắm giữ di sản này, là được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm kê, tư liệu hóa quy trình thực hành nghề và tiến tới lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Nghề đan võng ngô đồng đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có cơ sở bảo tồn và phát huy bền vững cũng như đảm bảo đời sống gắn với nghề của các nghệ nhân./.

T.H.V

_______________________

1. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 116.

2. Thông tin này do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Chí cung cấp.

3. Theo Bảng thống kê Dân số Trung bình sơ bộ năm 2019 đính kèm Công văn số 83/BCĐTW-VPBCĐTW, ngày 31-7-2019 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.

4. Gồm các bà: 1. Lê Thị Kề (81 tuổi), 2. Trần Thị Chức (75 tuổi), 3. Ngô Thị Lê (60 tuổi), 4. Nguyễn Thị Bợ (80 tuổi), 5. Trần Thị Thể (82 tuổi), 6. Huỳnh Thị Út (55 tuổi), 7. Trần Thị Chính (56 tuổi), 8. Nguyễn Thị Theo (80 tuổi), 9. Nguyễn Thị Qùy (78 tuổi) - Những người này đều ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An.


Tài liệu tham khảo khác


1. Phòng Quản lý Di tích - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (2014): Báo cáo điều tra, khảo sát, đề xuất phương án phát huy di sản văn hóa Cù Lao Chàm, Hội An (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An).

2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (2020), Phương án khảo sát, đề xuất phục hồi một số hình thái văn hóa phi vật thể đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một ở Cù Lao Chàm, Hội An (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An).

3. Viện Viễn Đông bác cổ (1941-1943): Tài liệu điều tra, khảo sát văn hóa làng xã Quảng Nam (Quảng Nam xã chí), bản sao chép tay tiếng Việt (Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An).


Nguồn: Tạp chí Văn hóa học số 6 (52) - 2020





Tạp chí liên quan

Tạp chí Văn hóa học

Năm phat hanh: 2020
Sách giấy: 35.000đ 70.000đ Thêm vào giỏ Mua ngay
Ebook: 30.000đ 65.000đ Thêm vào giỏ Mua ngay
Xem chi tiết

Bình luận

Đọc nhiều nhất